Bỏ việc lương 10 triệu, chàng trai về quê trồng rau, nuôi gà: Bình yên nhưng không dễ dàng
Nhiều người vẫn bảo nhau, nếu ở thành phố mệt mỏi, áp lực quá thì về quê làm nông dân. Nhưng là người trong cuộc, Linh nhận xét việc về quê sống không hề dễ dàng.
Bỏ việc ở thành phố, về quê phụng dưỡng ông bà
Đó là câu chuyện của chàng trai Nguyễn Linh (31 tuổi, hiện sống ở huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Học hết THPT, Linh xin học việc ở một công ty chuyên về thiết bị điện tử và phần mềm ở Hà Nội, sau đó làm việc luôn tại đây với mức thu nhập khoảng 9-10 triệu đồng/tháng.
Khi mới bắt đầu cuộc sống ở thành phố, Linh cảm thấy rất hào hứng. Nhưng về lâu về dài, anh lại gặp nhiều áp lực, mệt mỏi. Cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát là lúc Linh có ý định bỏ phố về quê. Đến năm 2020, dịch bệnh ngày càng phức tạp và Linh quyết định rời Hà Nội về Thanh Hóa.
Năm 2020, Linh về quê phần để tránh dịch, phần muốn phụng dưỡng ông bà đã cao tuổi.
Ông bà của Linh rất vui khi cháu trai về sống cùng.
Linh sửa lại nhà cửa, cùng ông cấy lúa.
” Mình về quê một phần là do đại dịch, một phần mình thấy ông bà đã già rồi nên muốn về sống cùng để được chăm sóc, phụng dưỡng ông bà quãng thời gian còn lại của cuộc đời. Đó là mục đích chính của mình“, Linh bộc bạch.
Khi biết ý định của Linh, bố mẹ và người thân đã ngăn cản vì anh đang có công việc với mức thu nhập tạm ổn. Tuy nhiên, một thời gian sau Linh đã thuyết phục được mọi người. Ngày về quê, Linh chỉ nghĩ rằng mình về sống với ông bà, sẽ kiếm việc làm ở quê, nếu không thì trồng rau, nuôi gà.
Việc thay đổi môi trường sống là điều không dễ dàng, bản thân Linh đã phải đối diện với không ít khó khăn khi từ thành phố về nông thôn: ” Xa quê lâu năm nên thời gian đầu mình về cũng chưa thích nghi được với cuộc sống mới. Nơi ông bà mình sống còn thiếu thốn rất nhiều, thiếu điện, nước sạch, điều kiện kinh tế khó khăn, nhìn chung khác hoàn toàn với đô thị. Mình thì không có nhiều tiền bạc mà thời gian đầu cần chi tiêu rất nhiều.
Đã có lúc mình muốn bỏ cuộc, nhưng mình đã lựa chọn cố gắng vượt qua, không từ bỏ vì phía trước còn tương lai và người thân. Mình đã mất khoảng một tháng để thích nghi được với cuộc sống ở quê“.
Hai ông cháu làm vườn trồng rau.
Video đang HOT
… Cùng bà đan giỏ
Cuộc sống của chàng thanh niên dần ổn định và đi vào quỹ đạo. Mỗi ngày, Linh thức dậy sớm quét dọn nhà cửa, thái chuối, cho gà, vịt ăn,… sau đó phụ giúp ông bà việc đồng áng. Hôm nào rảnh, Linh vào rừng tìm mật ong, hái nấm, hái cây thuốc mang xuống thị trấn bán lấy tiền để mua thêm thức ăn, thuốc men và cả thuốc lào, chè cho ông. Gần đây, Linh còn bán các sản vật qua mạng để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Cuộc sống nhiều người mơ nhưng không dễ
Sau 2 năm bỏ phố về quê Linh cảm thấy quyết định của mình thật đúng. Ở đó, Linh học được rất nhiều kinh nghiệm từ ông: Kinh nghiệm làm việc, xây dựng cuộc sống, đi rừng,… Đến giờ Linh có thể sinh tồn được trong rừng mà không lo bị đói. Anh cũng có thể kiếm được tiền ngay trên mảnh đất mà mình được sinh ra.
Bỏ phố, rời xa đô thị, Linh được tận hưởng không khí trong lành mỗi ngày, tận hưởng cuộc sống bên người thân, đó là điều Linh cảm thấy vui và ý nghĩa nhất. Ngoài ra, Linh cũng nhận thấy bản thân khỏe khoắn, nhiều năng lượng hơn.
Linh được ông hướng dẫn nhiều kinh nghiệm đi rừng.
Linh tìm được mật ong rừng, đem xuống thị trấn bán.
Khi được hỏi nhớ điều gì ở thành phố? Linh dí dỏm: ” Mình nhớ những người đồng nghiệp từng làm cùng và đặc biệt là cảnh tắc đường trong giờ cao điểm“.
Có không ít ý kiến cho rằng Linh về quê thực chất là để làm YouTube khi anh giới thiệu về kênh YouTube mang tên Building Life LT của mình trên mạng xã hội khá nhiều.
Về điều này, Linh phủ nhận: ” Không phải vậy đâu, mình mới biết đến YouTube được vài tháng gần đây, kênh cũng chưa mang tại doanh thu. Một người bạn đã giới thiệu và chia sẻ cho mình cách quay và các góc quay. Thời gian đầu mình chỉ làm với mục đích lưu giữ lại những video cùng ông bà, để đến một ngày nào đó, khi ông bà không còn nữa thì vẫn còn giữ được những khoảnh khắc và nụ cười của ông bà.
Nhưng mình không ngờ, những video của mình lại được mọi người ở trong và ngoài nước đón nhận. Mình thấy vui và cố gắng hoàn thiện hơn ở các video kế tiếp.
Linh thành thục việc mò cua bắt ốc.
Ông bà và cháu trai ngồi ăn khoai luộc, kể chuyện vui vẻ.
Linh hạnh phúc vì được phụng dưỡng ông bà.
Mình còn kinh doanh các sản vật rừng gồm: Mật ong, chuối rừng, nấm lim,… đó là những thứ mình và ông vào rừng lấy được. Mình có mục tiêu là tiết kiệm tiền để cuối năm nay có thể sửa sang lại ngôi nhà và kéo điện lưới về cho ông bà dùng thay vì sử dụng bình ắc quy và đèn dầu như bây giờ“.
Khi câu chuyện của Linh được chia sẻ, không ít người bày tỏ họ cũng mong muốn một cuộc sống như vậy, được gần gũi với thiên nhiên, sống lại những kỷ niệm thời thơ ấu, được tránh xa bụi bặm phố phường.
Tuy nhiên, chia sẻ với những người đang có dự định bỏ phố về quê giống mình, Linh cho rằng không phải ai bỏ phố về quê cũng là để hưởng thụ, để nghỉ ngơi, đó là một hành trình mới, cần kiến thức và kinh nghiệm. Theo Linh, nếu không có những điều đó sẽ khó trụ nổi bởi cuộc sống ở nông thôn vất vả và thiếu thốn hơn thành phố rất nhiều.
Trong thời gian tới, Linh dự định sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng trang trại nhỏ, nuôi thêm gà vịt và trồng thêm một số loại cây ăn quả.
Vợ chồng chàng kỹ sư bỏ phố về quê, tự tay bốc đất làm nhà, trồng rau nuôi gà nhàn nhã
Trong tay chỉ có 40 triệu, đôi vợ chồng ở Long An đã tự tay tạo dựng nơi an cư độc đáo.
Sau 10 năm học tập và làm việc ở Sài Gòn, đôi vợ chồng Trần Bảo Tân và Võ Thùy Mỵ (cùng SN 1990, ở Long An) đã có quyết định táo bạo - bỏ phố về quê, đắp đất xây nhà và chọn lối sống gần gũi thiên nhiên. Kế hoạch này đã được ấp ủ từ năm 2012.
Suốt 10 năm ấp ủ ý định bỏ phố về quê
Bảo Tân chia sẻ, anh học ngành xây dựng Trường Đại học kiến trúc TP.HCM còn vợ tốt nghiệp ngành tài chính tại một trường Đại học ở Long An. Từ thời sinh viên bon chen đủ nghề làm thêm, anh chàng đã mơ về cuộc sống tự tại, khắc khoải về tuổi thơ bình yên với ông bà ngoại ở quê.
" Hồi đó, chị gái mình đi làm để dành tiền mua tặng mình một chiếc laptop với USB 3G lên mạng, nó giống như là cánh cửa để nhìn ra thế giới của mình. Có lần, mình xem được một video của Jon Jandai - một người nông dân Thái Lan từ bỏ cuộc sống ở Bangkok về quê tự xây nhà làm vườn và có cuộc sống an nhàn.
Mình thấy ông ta nói Tiếng Anh và rất thành công. Đó là lúc phá vỡ hoàn toàn niềm tin "chỉ có ở thành phố mới có cơ hội" trước đây của mình. Mình bắt đầu mơ về cuộc sống ở dưới quê, với một khu vườn nhỏ".
Anh Tân ưa thích cuộc sống tự tại, gần gũi thiên nhiên
Dẫu vậy, mang trong mình kỳ vọng của ba mẹ, anh chàng luôn cố gắng học để kiếm một cái nghề. Khi ra trường, Tân làm kỹ sư xây dựng, giám sát công trình. Công việc đòi hỏi đi nhiều và việc xã giao chè chén trên bàn tiệc khiến Bảo Tân không thấy vui. Anh nhen nhóm lên kế hoạch để rời Sài Gòn.
Tân bắt đầu học tiếng Anh và tìm hiểu các kiến thức về thương mại điện tử. Trong vòng 2 năm, anh đã giao tiếp tiếng Anh thành thạo. Một thời gian sau, anh học thêm nghề làm bánh khoai mỡ chiên từ người bạn và quyết định nghỉ việc.
Để chuẩn bị hành trang "bỏ phố", Tân chuyển sang dạy tiếng Anh online và bán bánh vỉa hè. Công việc mang lại nguồn thu nhập tốt. Nhưng để có sự lựa chọn ngược đời này, Bảo Tân đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Lớn nhất chính là nỗi sợ hãi trong chính suy nghĩ và tâm lý.
" Sợ lời ra tiếng vào, sợ dư luận và không tin vào bản thân. Cái khó khăn lớn nhất là ngại người đời nói tốn công đi học rồi cũng về làm ruộng, hay khi gặp lại bạn bè đang là kỹ sư, giám sát còn mình chân lấm tay bùn sẽ cảm thấy chạnh lòng", Bảo Tân nói.
Vợ chồng anh Tân, chị Mỵ cùng yêu thích cuộc sống bình yên
Những ngày đầu bắt đầu hành trình "bỏ phố về quê", Bảo Tân tình cờ gặp gỡ và bén duyên với chị Thùy Mỵ. Cô gái học tài chính hoàn toàn ủng hộ và chấp nhận đồng hành cùng Tân. Năm 2016, cả hai tổ chức đám cưới.
Ban đầu, cặp đôi đặt mục tiêu kiếm tiền để mua đất ở Đà Lạt - nơi cả hai cùng mơ ước được tới sinh sống. Nhưng số tiền tích lũy hạn hẹp không đủ để thực hiện ước vọng rời đi. Sau nhiều đêm trăn trở, anh Tân nhớ về mảnh đất 2.000 m2 bỏ không của cha mẹ ở quê và câu nói "Hãy tận dụng những thứ bạn có để làm điều bạn muốn". Vợ chồng Bảo Tân và Thùy Mỵ đã quyết định trở về chính nơi 'chôn nhau cắt rốn' của mình để làm nên chuyện.
Xây nhà đất 40 triệu đồng
Đúng tháng 8/2019, cả hai về quê tạo lập cuộc sống mới. An cư thì mới lạc nghiệp, đôi vợ chồng trẻ lên kế hoạch xây dựng ngôi nhà của chính mình. Trong tay chỉ có 40 triệu đồng, để không gánh nặng về tài chính, cặp đôi chọn tự tay làm tất cả.
Anh Tân rất tâm huyết với căn nhà đất của mình
Từ kinh nghiệm của dân kết cấu, từng xây dựng nhiều nhà cao tầng, Bảo Tân bắt tay vào tìm hiểu để làm nhà bằng đất. Tân tham khảo và học kiến thức thông qua những buổi trò chuyện với bạn bè quốc tế và tham gia các buổi hướng dẫn làm nhà đất online.
Mỗi ngày, đôi vợ chồng dành 3 - 4 tiếng để làm. Từ khâu lên khung, đắp đất và hoàn thiện ngôi nhà mất khoảng 4 tháng. Tuy nhiên, giai đoạn 1, căn nhà rất lụp xụp ai nấy trông thấy đều cười và trêu là chuồng chim.
Một năm sau, cả hai quyết định nâng cấp để có thêm không gian sống. Hai vợ chồng làm không xuể nên họ nhờ thêm hai người bạn phụ giúp và sử dụng 4 cột xi măng để nhà thêm chắc chắn.
Sau những nỗ lực, ngôi nhà đất hai tầng xuất hiện. Tầng một có diện tích 50m2 là không gian làm việc, sinh hoạt. Tầng 2 là gác ngủ, có diện tích 9m2. Tường đất nhà dày 30cm, mái lợp lá.
Căn nhà đất không tốn chi phí vật liệu xây dựng, thân thiện môi trường
Chia sẻ thêm về quá trình xây dựng, anh Tân cho biết, làm nhà đất không có công thức mà chỉ theo ý tưởng và sở thích cá nhân. Nguyên liệu đất mỗi vùng mỗi khác nên anh phải tốn công lựa chọn đất phù hợp. Để bảo vệ lớp tường đất, Bảo Tân dùng cát và vôi trát nhiều lớp mỏng, lớp cuối cùng dùng 100% vôi tôi.
Bên trong căn nhà, Tân còn trang trí thêm xích đu, ghế sofa bằng đất... Lúc này, khi bạn bè, hàng xóm và người thân tới thăm thì ai nấy đều thích thú. Nhiều người còn khen vào nhà không muốn ra ngoài vì mát mẻ, dễ chịu.
Không gian bên trong của căn nhà đất
"Hoàn thành căn nhà, vợ chồng mình hạnh phúc vô cùng. Có người còn nói ước gì được sống ở căn nhà đơn giản thế này, ở biệt thự cũng không bằng. Lúc đó mình thấy mình đã chọn đúng con đường. Đó là ước muốn của nhiều người nhưng chỉ vì nhiều thứ mà chưa thể theo đuổi", Tân khoe.
Cuộc sống thảnh thơi trên mảnh vườn 2.000m2
Sau 4 năm từ bỏ bon chen để về sống an nhàn, dù kinh tế không được dư giả nhưng cặp đôi hạnh phúc vì có cuộc sống bình yên và ngập tràn tiếng cười. Hàng ngày công việc của vợ chồng anh Tân xoay quanh mảnh vườn, cả hai cùng nhau trồng rau, nuôi gà.
Thu nhập chính của hai vợ chồng Tân đến từ việc dạy tiếng Anh online. Nguồn thực phẩm tự cung tự cấp cũng giúp cả hai "tự do" về tài chính, không quá phụ thuộc vào tiền bạc. Với anh Tân, căn nhà là tài sản vô giá.
Trước những nghi ngại về độ bền của căn nhà đất, anh Tân khẳng định tường đất được thi công chống thấm rất kỹ lưỡng. Nhà đất có thể tồn tại hàng trăm năm (nếu làm đúng kỹ thuật) nên nó hoàn toàn không phải căn nhà tạm mà sẽ là di sản để lại cho con cái.
Hiện tại, Bảo Tân đang xây thêm một quán nhỏ ở trong khu ruộng gần nhà, vẫn làm bằng nguyên liệu đất và cố gắng tận dụng những gì có sẵn.
" Đây sẽ là nơi mình dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ trong xóm và bà xã kinh doanh thêm những món chè. Quán sẽ là nơi mình gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường cho các bạn nhỏ. Mình sẽ không dùng bịch nilon và mọi thứ sẽ đều thân thiện".
Rau củ sạch xanh mướt do vợ chồng anh Tân tự tay trồng
Chia sẻ với những bạn trẻ đang trăn trở về việc "bỏ phố về quê", anh Tân nói: "Làm gì cũng cần cân nhắc kỹ và chuẩn bị từ việc thực tập lối sống đơn giản, hạn chế chi tiêu và không ngại lao động chân tay. Thời nay, nhiều thành phố đã quá tải và không còn là nơi duy nhất có cơ hội nữa.
Internet đã đưa cơ hội đến tận bờ ruộng, con kênh. Cơ hội chia đều ở khắp đất nước Việt Nam. Nếu không có kỹ năng thì ở đâu cũng không nhìn thấy cơ hội. Chỉ cần có kỹ năng đi đâu cũng thấy cơ hội".
Chàng trai kỹ sư đưa máy bay phun thuốc trừ sâu "phủ" khắp các cánh đồng Việt Nam Tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng nên chàng kỹ sư 9X quyết tâm chế tạo máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu để giúp người nông dân đỡ vất vả. Anh Nguyễn Văn Thiên Vũ (SN 1991) sinh ra và lớn lên ở Huế, nơi có những cánh đồng lúa chín vàng. Từ lúc nhỏ, Vũ đã được tiếp xúc...