Bỏ vành móng ngựa, có bàn cho bị cáo?
“Sắp tới chúng tôi sẽ mạnh dạn tiên phong trong việc bỏ vành móng ngựa tại phiên tòa hình sự”, Chánh án TAND TP.Đà Nẵng Nguyễn Thành cho biết.
Tại một hội thảo do TAND Tối cao vừa tổ chức, mô hình phòng xử của TAND TP.Đà Nẵng trong đó kiểm sát viên ngồi ngang hàng với luật sư đã được đánh giá rất cao.
Chúng tôi đã trao đổi với Chánh án TAND TP.Đà Nẵng Nguyễn Thành về mô hình này.
Ông Nguyễn Thành khẳng định việc thay đổi vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên (KSV) ngang hàng với luật sư (LS) tại phiên tòa hình sự là bước tiến cho một nền tố tụng tiến bộ.
Chánh án TAND TP.Đà Nẵng Nguyễn Thành.
Xóa bỏ là thụt lùi!
. Phóng viên: Thưa ông, dự thảo BLTTHS vẫn giữ nguyên vị trí chỗ ngồi tại phiên tòa như cũ, tức HĐXX, thư ký phiên tòa (TKPT), KSV ngồi phía trên, phía dưới là người tham gia tố tụng, trong đó có LS. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Ông Nguyễn Thành: Vị trí chỗ ngồi kiểu cũ không phản ánh đúng vai trò của từng thành phần tham gia tố tụng. Chỗ ngồi kiểu cũ khiến nhiều người dự khán lầm tưởng là cả KSV lẫn TKPT đều nằm trong HĐXX và cũng đang điều khiển phiên tòa.
Xét về vai trò thì HĐXX là trung tâm, điều hành và ra phán quyết. Còn KSV đại diện cơ quan công tố thực hiện việc buộc tội, LS là bên gỡ tội, TKPT giúp việc cho HĐXX. Chỉ có chủ tọa phiên tòa mới có quyền điều khiển phiên tòa, được cắt ngang phần tranh luận của LS và yêu cầu KSV tranh luận lại với LS. Khi HĐXX ra hoặc vào phòng xử thì mọi người đều phải đứng dậy chào, kể cả KSV. Do đó không thể để HĐXX ngồi ngang hàng với KSV và TKPT được. Có như vậy mới đảm bảo tính uy nghiêm của chốn công đường, đảm bảo sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, đúng tính chất xét xử tranh tụng.
Nếu TAND TP.Đà Nẵng phải hủy bỏ vị trí chỗ ngồi đổi mới hiện nay mà quay về vị trí cũ thì có lẽ đó là bước thụt lùi trong nền tố tụng.
. Phía VKSND không đồng tình với sự thay đổi này vì cho rằng ngoài chức năng công tố, họ còn có chức năng kiểm sát, xét xử, thưa ông?
Video đang HOT
BLTTHS quy định nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước tòa án nên dù KSV đại diện Nhà nước hay LS đại diện cho người bị xét xử, người bị hại… thì cũng phải bình đẳng như nhau trước tòa. Có ngang hàng thì mới có bình đẳng, có bình đẳng thì mới có tranh tụng chất lượng.
Tất cả người tham gia phiên tòa đều phải chịu sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Duy nhất HĐXX mới có quyền kết án. Trong quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết tòa có quyền triệu tập điều tra viên, KSV kiểm sát quá trình điều tra đến phiên tòa để làm sáng tỏ vụ án. Không lẽ KSV bị HĐXX xét hỏi mà vẫn ngồi ngang hàng với HĐXX?
Tranh tụng hiệu quả hơn rõ rệt
TAND TP.Đà Nẵng dự kiến bỏ vành móng ngựa tại phiên tòa hình sự. Ảnh: HT
. Từ khi thay đổi vị trí chỗ ngồi, kết quả tranh tụng tại phiên tòa ở Đà Nẵng có gì khác so với trước, thưa ông?
Khác chứ! Thái độ tranh tụng tại phiên tòa của các bên đã khác rất rõ rệt, góp phần giúp tranh tụng đạt hiệu quả hơn. Trước đây, do KSV ngồi phía trên nên vô tình các bên ngộ nhận rằng vai trò của KSV lớn hơn LS. LS thì thường thủ phận, chưa mạnh dạn tranh luận. Từ khi thay đổi vị trí chỗ ngồi này KSV tham gia phiên tòa ý thức được trách nhiệm của họ phải làm sao xét hỏi, tranh luận để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, từ đó bảo vệ quan điểm trong cáo trạng.
Còn về phía LS, họ được ngồi ngang hàng nên tâm lý thoải mái hơn, tự tin hơn khi tranh luận. Chẳng hạn trước đây gặp trường hợp KSV chỉ “giữ nguyên quan điểm như cáo trạng” hoặc nói “tôi không tranh luận gì thêm” thì LS thường im lặng. Nhưng hiện nay rất nhiều trường hợp LS đã lên tiếng đề nghị tòa nhắc KSV phải tranh luận lại với LS.
Thêm nữa, sự thay đổi về vị trí chỗ ngồi còn có ý nghĩa rất lớn đối với bị cáo. Nhìn vào vị trí chỗ ngồi này bị cáo thấy được rằng ở phía trên người buộc tội còn có HĐXX là cơ quan tài phán lắng nghe và ra phán quyết, từ đó họ cảm thấy yên tâm hơn về số phận pháp lý của mình.
Bỏ vành móng ngựa?
. Hiện tòa hai cấp ở Đà Nẵng đã triển khai mô hình này như thế nào, thưa ông?
TAND TP.Đà Nẵng và tất cả bảy TAND quận/huyện tại Đà Nẵng đều đã thay đổi vị trí chỗ ngồi theo mô hình mới này. Trong bảy tòa quận/huyện, có hai tòa là TAND quận Hải Châu và TAND quận Thanh Khê do phòng xử quá chật nên chưa thể đưa bàn của KSV ngang hàng với LS nhưng chúng tôi đã đẩy bàn của KSV xuống thấp hơn bàn của HĐXX, sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng thay đổi toàn diện.
Sự thay đổi này của chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận, chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan, chuyên gia pháp luật… Tôi mong rằng trong thời gian gần nhất mô hình này sẽ được các tòa trong cả nước triển khai nhân rộng, đồng thời không chỉ triển khai về mặt hình thức mà cả về chất lượng xét xử. Làm sao để trong nền tố tụng của chúng ta không một người dân nào còn phải chịu một bản án oan nữa. Liên quan tới vấn đề này, nếu được ủng hộ, sắp tới chúng tôi sẽ mạnh dạn tiên phong trong việc bỏ vành móng ngựa tại phiên tòa hình sự.
. Vì sao lại bỏ vành móng ngựa, thưa ông?
Bị cáo ra tòa phải đứng vào chiếc vành móng ngựa có hình vòng cung, nhìn vào là thấy ngay họ như đang bị giam lại. Về nguyên tắc, khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật thì bị cáo chưa có tội, tức phải được tôn trọng và đảm bảo quyền lợi của một công dân. Nếu ra tòa mà bắt bị cáo đứng vào vành móng ngựa thì họ nghĩ cơ quan tố tụng đã mặc định họ có tội, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý tranh luận của họ.
Theo tôi nên bỏ chiếc vành móng ngựa đi, thay vào đó là bàn cho bị cáo. Chiếc bàn này có các song gỗ chạy dọc và có trụ phía dưới, cao ngang ngực bị cáo. Bị cáo phải đứng nên vẫn giữ được tính uy nghiêm.
Chiếc bàn thể hiện sự tôn trọng đối với quyền công dân của bị cáo, sẽ tạo tâm lý thoải mái cho bị cáo. Mặt bàn nên thiết kế rộng khoảng 30cm nhằm tạo điều kiện cho bị cáo trưng chứng cứ, tài liệu để trả lời khi được xét hỏi và tranh luận. Như vậy sẽ đảm bảo hơn quyền lợi của bị cáo. Kèm theo đó nên thiết kế một chiếc ghế cao có tựa lưng để trong trường hợp bị cáo sức khỏe yếu thì HĐXX có thể xem xét cho họ ngồi khi tham gia phiên tòa.
. Xin cảm ơn ông.
Giúp LS tự tin hơn Mô hình phòng xử của TAND TP.Đà Nẵng là bước tiến trong nền tố tụng, rất phù hợp và đảm bảo đúng tính chất mô hình tranh tụng tại phiên tòa hình sự, cần phải nhân rộng. Việc LS ngồi ngang hàng với KSV không đơn thuần là hình thức mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung, chất lượng tranh tụng. Nó giúp LS tự tin hơn trong việc tranh tụng vì họ thấy được sự bình đẳng. LS Trần Cảnh Nhứt, Chủ nhiệm Đoàn LS TP.Đà Nẵng Có ngang hàng mới có bình đẳng Nhiều nước tiến bộ trên thế giới đã áp dụng mô hình này từ lâu rồi, theo tôi nước ta cũng nên mạnh dạn thay đổi. Không thể lấy lý do KSV đại diện cho Nhà nước, LS chỉ đại diện cho bị cáo để có sự phân biệt về vị trí ngồi. KSV là bên buộc tội thì phải ngồi ngang hàng với LS là bên gỡ tội. Có ngang hàng thì mới có tranh luận bình đẳng, bắt LS phải ngước lên để tranh luận là bất bình đẳng rồi. LS Hoàng Cao Sang, Đoàn LS TP.HCM
Theo_Dân việt
Nỗi đau người mẹ trong phiên tòa xử vụ án em giết anh
Phiên tòa xét xử vụ án em giết anh vào sáng 28/9 diễn ra trong lặng lẽ. Đứng trước vành móng ngựa là một thanh niên còn trẻ, mặt luôn cúi gầm, thinh lặng.
Ngồi cách bị cáo một dãy ghế là người phụ nữ mặc bộ đồ bộ sậm màu liên tục lấy khăn chặn nước mắt. Bà là mẹ của bị cáo. Ngồi cùng bà nhưng ở cuối dãy ghế là người đàn ông tóc đã hoa râm đi cùng vợ. Từng là vợ chồng nhưng tại tòa không thấy họ trao đổi với nhau câu nào.
Nội dung vụ án thể hiện, bà N.V.U.P. và ông N.Đ. kết hôn và sinh ra anh Nguyễn Văn Việt. Sau một thời gian chung sống không hạnh phúc, cả hai ly hôn, từ đó anh Việt về sống cùng cha ở Long Khánh (Đồng Nai). Sau khi chia tay, ông Đ. có vợ mới, bà P. cũng đi bước nữa và sinh ra Nguyễn Đình Bảo Khánh (26 tuổi, ngụ Bình Thuận).
Nguyễn Đình Bảo Khánh
Dù là anh em nhưng kể từ khi vào TP Hồ Chí Minh làm thuê, Khánh và anh trai mới biết mặt nhau. Để anh em gần gũi, cả hai cùng thuê phòng trọ trong khu vực đường số 3, phường 9, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh). Khoảng 23h ngày 2/12/2014, anh Nguyễn Thanh Bình, bạn ở thuê cùng phòng trọ với Khánh dựng xe máy làm cản trở lối đi nên Khánh nhắc nhở.
Bênh Bình, anh Việt nói: "Mình thuê phòng thì muốn làm gì thì làm". Vì câu nói này giữa Khánh và anh Việt xảy ra cãi vã. Anh Việt dùng tay đánh Khánh làm mẻ một chiếc răng và rách da mi mắt chảy máu (giám định thương tật 3%). Bị đánh đau lại bị anh thách thức, Khánh lượm cây sắt hình chữ V dùng để phơi đồ trong dãy nhà trọ quơ trúng vào đầu anh Việt khiến người này té ngửa, đập đầu xuống đất bất tỉnh.
Thấy anh bị thương, Khánh hốt hoảng vứt hung khí chạy đến cùng mọi người đưa anh trai đi cấp cứu. Những ngày sau đó, Khánh nói dối với những người trong gia đình là anh Việt đi xe gắn máy bị tai nạn giao thông tự té. Tuy nhiên, sau khi anh trai tử vong, Khánh hối hận nên kể lại sự việc cho gia đình biết. Được sự động viên của gia đình, Khánh đã đến Công an đầu thú.
Tại tòa, Khánh khai, từ nhỏ anh Việt sống với cha ở Long Khánh (Đồng Nai), còn bị cáo sống cùng mẹ ở Lagi (Bình Thuận) nên suốt 18 năm hai anh em không hề biết mặt nhau đến khi cả hai cùng vào TP Hồ Chí Minh làm thuê. Tình máu mủ ruột rà trỗi dậy khiến hai anh em rất khăng khít với nhau. Thời gian này, Khánh đã cưu mang, giúp đỡ anh mình rất nhiều. Vậy mà chỉ trong một phút nóng giận nhất thời, khi nghe anh thách thức, bị cáo không làm chủ được bản thân nên đã gây ra cái chết của anh...
Ngồi phía dưới, nghe con khai, bà P. thỉnh thoảng lấy khăn chặn nước mắt. Trong vụ án này, đại diện bị hại trong vụ án, ngoài bà P., còn có ông Đ. và vợ anh Việt. Trong suốt quá trình điều tra và xét xử, cả 3 người đều một mực xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Đứng trước tòa, khi được HĐXX hỏi: "Với tư cách là đại diện cho bị hại, bà có yêu cầu gì không?", bà P. đứng lên rưng rưng trình bày: "Vụ án xảy ra là do anh nó cũng có một phần lỗi nên xin HĐXX xem xét giảm nhẹ cho nó một phần hình phạt". Đồng ý với ý kiến của người vợ cũ về phần hình phạt dành cho bị cáo nhưng ông Đ. yêu cầu được bồi thường các khoản chi phí như ma chay, tổn thất tinh thần theo luật quy định.
Dù được đề nghị mức án thấp nhất của khung hình phạt (từ 6 - 7 năm tù) nhưng giờ nghị án ngồi trước phòng xử, bà P. luôn canh cánh nỗi lo. Nói như luật sư Trần Hảo Tân (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, bào chữa cho bị cáo Khánh): Trong vụ án này, người đau đớn và khổ tâm nhất chính là mẹ của bị cáo, đồng thời cũng là mẹ của bị hại. Một người mẹ vô cùng bất hạnh với đời sống hôn nhân nhiều lần gãy đổ, cuộc sống hiện tại gặp nhiều khó khăn, bà chỉ biết trông mong vào tương lai của những đứa con, giờ thì đứa mất, đứa vướng vào vòng lao lý. Lâm vào cú sốc oan nghiệt này chưa thể biết trước bà có chịu đựng nổi hay không?
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Đình Bảo Khánh 6 năm tù./.
Theo Công an nhân dân
Theo_VOV
"Đại án nghìn tỷ": VKS bác đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung Cho rằng thân chủ không chiếm đoạt tiền của Agribank CN6, hai luật sư bào chữa cho Dương Thanh Cường đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Ngày 29/10, tại phần bào chữa cho 11 bị cáo trong vụ án gây thất thoát 966 tỷ đồng tiền Nhà nước xảy ra tại Agribank Chi nhánh...