Bộ tứ công trình kiến trúc công cộng nổi tiếng nhất xứ Huế
Bên cạnh kiến trúc cung đình, các công trình công cộng thời thuộc địa cũng là yếu tố góp phần làm nên giá trị di sản của Huế.
Cùng điểm qua bốn công trình kiến trúc thuộc địa tiêu biểu của đất Cố đô.
1. Bắc qua sông Hương, nối liền hai phường Phú Hòa và phường Phú Hội, cầu Trường Tiền là công trình kiến trúc thuộc địa nổi tiếng bậc nhất Cố đô Huế. Cầu được xây dựng từ năm 1897-1899 theo thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Gustave Eiffel, ban đầu được gọi là cầu Thành Thái.
Tổng chiều dài cây cầu lúc bấy giờ là 401,1 mét, rộng 6,2 mét, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược (bán nguyệt). Đây là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương theo thiết kế, kỹ thuật xây dựng của phương Tây.
Trải qua thăng trầm lịch sử, cầu từng ba lần bị sập do bão (1904) và chiến tranh (1946 và 1968). Từ năm 1991-1995, cầu được trùng tu toàn diện, đến năm 2017 tiếp tục được tôn tạo để phục hồi các hạng mục như khi mới được xây dựng.
Trong hơn 100 năm soi bóng xuống sông Hương thơ mộng, cầu Trường Tiền đã trở thành cảm hứng vô tận cho những tâm hồn yêu thi ca. Ngày nay ở Huế đã có thêm nhiều cây cầu bắc qua sông Hương, nhưng giá trị biểu tượng của cầu Trường Tiền sẽ vĩnh viễn không bị thay đổi.
2. Tọa lạc tại phường Phường Đúc của thành phố Huế, ga Huế được người Pháp cho xây năm 1908, tên cũ là ga Trường Súng. Đây là một nhà ga cổ trên tuyến đường sắt Đông Hà – Đà Nẵng xưa.
Nhà ga Huế được xây dựng theo mô thức kiến trúc dịch vụ đường sắt Âu châu, gồm một quần thể công trình liên hoàn với nhà ga đưa đón khách, ga tiếp nhận hàng hóa, các phòng làm việc, cơ xưởng hỏa xa, khách sạn…
Video đang HOT
Trong hơn một thế kỷ tồn tại, ga Huế đã in dấu chân của rất nhiều nhân vật quan trọng trong lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng từng tiếp đón nhiều nhân vật quốc tế nổi tiếng như vua hề Charlie Chaplin, nhà văn Pháp André Malraux, quốc vương Campuchia Sihanouk và hoàng hậu…
Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều di tích cổ ở Huế đã bị tàn phá nặng nề, nhưng ga Huế may mắn không nằm trong số đó và vẫn giữ được những đường nét kiến trúc trăm tuổi.
3. Thành lập vào năm 1896, trường Quốc Học Huế là một trong những ngôi trường lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam. Khi mới ra đời, trường có tên là Pháp tự Quốc học Đường (gọi tắt là Quốc Học).
Trường được xây dựng trên nền của Dinh Thủy sư ở bờ Nam sông Hương, ban đầu chỉ là một ngôi trường kiểu cũ với ba tòa nhà tranh vách đất, có ba tòa nhà mặt tiền hướng ra sông Hương. Từ năm 1915, trường được xây dựng lại.
Trong lịch sử tồn tại của mình, trường Quốc Học nổi tiếng bởi những nhà cách mạng kiệt xuất của Việt Nam đã từng theo học tại đây.
Ngày nay, trường vẫn lưu giữ được những nét kiến trúc cổ kính hình thành từ đợt xây dựng năm 1915 với các tòa nhà mang phong cách Pháp, cổng chính và tường bao mang dấu ấn kiến trúc truyền thống Huế.
4. Tọa lạc bên bờ Nam sông Hương, đối diện cổng trường Quốc Học, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong còn được gọi là Bia Quốc Học, được xây đầu thế kỷ 20 để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở xứ Trung kỳ đã chết trong hàng ngũ của quân Pháp trong Thế chiến I.
Công trình được xây dựng theo kiểu một bình phong lớn, có hai tầng, có mái che, xây trên nền hai bậc thềm. Chính giữa có hình huy chương treo trên một tấm kim khánh. Hai bên đài còn có hai trụ biểu.
Thân và bệ đài được trang trí theo các mô típ rồng, lân, chữ thọ cách điệu cùng đề tài khác như tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), kỷ hà… Các họa tiết trang trí, kiến trúc, điêu khắc đều mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Ngày nay, Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong được coi là một công trình kiến trúc mang nét đẹp truyền thống của Huế, hài hòa với cảnh quan sông Hương và trường Quốc Học.
Thú vị ba khu 'phố Ta', 'phố Tàu', 'phố Tây' ở Cố đô Huế
Ngoài các công trình gắn với Di sản văn hóa thế giới - Quần thể di tích Cố đô Huế, các khu phố Ta, phố Tàu và phố Tây cũng là những địa điểm lý thú rất đáng khám phá ở thành phố Huế.
1. Khu "phố Ta" của Cố đô Huế là phố cổ Bao Vinh, dãy phố chạy dọc theo bờ sông Hương ở phía Bắc của Kinh thành Huế. Trong quá khứ, phố cổ Bao Vinh là một trung tâm thương mại quan trọng ở khu vực, từng có lúc phồn thịnh không kém gì phố cổ Hội An ở Quảng Nam.
Dấu ấn thời gian của phố cổ Bao Vinh được thể hiện qua những ngôi nhà cổ. Theo thống kê, vào năm 1991, Bao Vinh còn 39 ngôi nhà cổ, niên đại từ 150 đến 200 năm tuổi. Đáng tiếc rằng cho đến nay chỉ còn 15 ngôi nhà cổ được gìn giữ, nằm xem kẽ giữa những ngôi nhà mới xây.
Dạng nhà cổ đặc trưng ở Bao Vinh là nhà thấp ba gian dựng bằng gỗ với mái ngói liệt âm dương theo lối truyền thống của người Việt.
Ngoài các ngôi nhà cổ, phố cổ Bao Vinh còn nhiều di tích lịch sử, nổi bật là đình Bao Vinh nằm ở đầu phố. Ngôi đình có kiến trúc cổ kính, nằm dưới bóng của hai cây đa lớn. Đình là nơi thờ Ngài khai canh họ Phạm đồng thời cũng là không gian sinh hoạt cộng đồng.
2. Khu "phố Tàu" của Cố đô Huế là đường Chi Lăng. Con đường này hình thành từ đầu thế kỷ 19. Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cùng với sự phát triển của khu phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh, đường Chi Lăng trở thành trục trung tâm của khu phố Hoa kiều ở Huế.
Ngày nay, nhiều công trình kiến trúc đặc sắc của người Hoa vẫn được bảo tồn, trở thành những điểm nhấn cho diện mạo kiến trúc của con đường, đồng thời là di sản kiến trúc quý giá của Huế.
Công trình nổi tiếng nhất trên phố Chi Lăng là đền Chiêu Ứng. Được dựng vào năm 1887, ngôi đền nằm trong khuôn viên rộng khoảng 400 mét vuông, được trang hoàng rất tinh xảo lộng lẫy bởi bàn tay của những nghệ nhân đến từ đảo Hải Nam ở Trung Quốc.
Những công trình kiến trúc đặc sắc khác trên phố Chi Lăng là chùa Quảng Đông (ảnh trên, bên trái), chùa Phúc Kiến (ảnh trên, bên phải), chùa Bà Hải Nam (ảnh dưới, bên phải), chùa Triều Châu (ánh dưới, bên trái)...
3. Khu "phố Tây" của Cố đô Huế là đường Lê Lợi. Chạy dọc bờ Nam sông Hương, đối diện Kinh thành Huế, con đường này tập trung nhiều công trình được xây vào thời thuộc địa của Huế.
Nằm ở số 23-25 Lê Lợi, trụ sở của Bảo tàng Văn hóa Huế từng là Tòa Công chánh, một trong những công trình kiểu Tây hoành tráng nhất Cố đô Huế thời thuộc địa. Khu dinh thự này gồm hai khối nhà lớn mang kiến trúc Pháp, nằm trong khuôn viên rộng với một mặt giáp sông Hương.
Tọa lạc tại số 3 Lê Lợi, Đại học Huế từng là trụ sở của Viện Dân biểu Trung Kỳ thời thuộc địa. Quá khứ xa xưa của ngôi trường được thể hiện qua tòa nhà mặt tiền mang kiến trúc phương Tây cổ điển khá ấn tượng, được xây năm 1927.
Ngoài các tòa nhà mang kiến trúc châu Âu, trên đường Lê Lợi còn có một số công trình thuộc địa mang đậm yếu tố mỹ thuật truyền thống Huế, tiêu biểu là trường Quốc học Huế (trái) và Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (phải).
Sông Hương - Điểm du lịch lý tưởng trong chuyến du lịch Huế mộng mơ Đến tham quan du lịch Huế với vô vàn những cảnh đẹp trữ tình, những công trình kiến trúc cổ cùng với đó là những nét đẹp của văn hóa, lịch sử, con người nơi đây. Nhắc tới Huế khách tham quan du lịch sẽ nghĩ ngay tới những hình ảnh cổ kính của cung đình, lăng tẩm cùng với đó là những...