Bộ tứ AI khổng lồ của Trung Quốc bước vào giai đoạn ‘thung lung chết’
Các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu của Trung Quốc đang khó tìm được nguồn vốn cần thiết để niêm yết cổ phiếu và tăng trưởng bền vững.
Theo Caixin, con đường đến với đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các công ty AI lớn nhất đại lục gặp nhiều khó khăn, vì cuộc đối đầu thương mại và công nghệ Mỹ – Trung đã làm phức tạp thêm triển vọng. Ngoài ra, tính biến động của thị trường và sự mất kiên nhẫn với tương lai thương mại của AI cũng đặt ra không ít thách thức.
SenseTime Group, Megvii, CloudWalk Technology, Yitu Internet Technology là bốn công ty đi tiên phong trong ngành công nghiệp AI của Trung Quốc và được gọi là “ bộ tứ AI”. Bốn hãng này chuyên về công nghệ nhận dạng khuôn mặt, chiếm gần 60% thị trường thị giác máy AI cạnh tranh cao của Trung Quốc. Sản phẩm của họ được sử dụng trong các dự án thành phố thông minh, hệ thống an ninh, điện thoại di động, lái xe tự hành, dịch vụ hậu cần, chăm sóc sức khỏe trực tuyến và dịch vụ tài chính.
Giống như các thành viên khác trong “bộ tứ AI” của Trung Quốc, SenseTime đang nỗ lực cắt giảm chi phí và tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới
Từ lâu, thị trường đã mong đợi bốn công ty sẽ niêm yết công khai sau nhiều năm dựa vào các quỹ tư nhân. Tuy nhiên, nguồn vốn lúc này đang cạn kiệt, ngay cả khi nhu cầu về tiền mặt của họ rất cao. Rủi ro liên quan đến mô hình kinh doanh thích hợp của bộ tứ và báo lỗ hoạt động liên tục là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư IPO có thể chùn bước.
Song, vẫn có một số người chơi AI thực sự đã tiến tới IPO trong năm nay. Tháng 7.2021, CloudWalk do nhà nước hậu thuẫn được chấp thuận niêm yết sau ba vòng yêu cầu của cơ quan quản lý. Tháng 9.2021, Megvii cũng được niêm yết trên STAR Market sau những nỗ lực không thành công trong việc bán cổ phiếu ở Mỹ và Hồng Kông. Được biết, Megvii do Alibaba hậu thuẫn bị chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào danh sách đen hạn chế thương mại hồi tháng 10.2019, cấm công ty này kinh doanh với các nhà cung cấp Mỹ.
Công ty AI lớn nhất Trung Quốc SenseTime được cho là đã chuẩn bị niêm yết công khai từ năm 2017 và nộp hồ sơ IPO tại Hồng Kông vào tháng 8.2021. Trong khi đó, Yitu đã tạm dừng niêm yết tại Thượng Hải vào tháng 6.2021, sau khi cơ quan quản lý thị trường yêu cầu cung cấp thêm thông tin chi tiết về kinh doanh và tài chính. Yitu nộp đơn đăng ký niêm yết vào tháng 9.2020.
Bộ tứ AI là con cưng của cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm kể từ khi bốn công ty được thành lập. Trong 8 năm, họ đã huy động được tổng cộng 50 tỉ nhân dân tệ (khoảng 7,8 tỉ USD) từ các nhà đầu tư, đưa giá trị thị trường kết hợp của họ lên hơn 140 tỉ nhân dân tệ. Tuy nhiên, bốn công ty này vẫn tiếp tục thua lỗ trong hoạt động kinh doanh. Trong ba năm từ 2018 đến 2020, bộ tứ đã lỗ tổng cộng 13,3 tỉ nhân dân tệ, tương đương 85% tổng doanh thu. Dựa trên bản cáo bạch IPO của họ, Caixin tính toán cứ 1 nhân dân tệ thu nhập mà bốn công ty tạo ra trong ba năm qua, thì họ lại chi 1,85 nhân dân tệ chủ yếu cho lao động. Điều kiện thị trường hiện tại đang buộc bốn công ty phải suy nghĩ lại về kế hoạch kinh doanh.
Video đang HOT
Một số nhà đầu tư thị trường chứng khoán ở đại lục và ở Hồng Kông tỏ ra lo ngại về việc định giá quá mức của bộ tứ AI. Nghi ngờ liên quan đến bốn hãng AI lớn nhất Trung Quốc cho thấy bức tranh tổng quát về những thách thức mà ngành công nghiệp non trẻ này đang phải đối mặt. Sự nhiệt tình của các nhà đầu tư đối với ngành bắt đầu suy yếu vào năm 2019, do các công ty không thực hiện được kế hoạch đề ra. Trong báo cáo tháng 11.2020, viện nghiên cứu IDC dự báo thị trường AI của Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ hằng năm là 23%, đạt 11,9 tỉ USD vào năm 2024. Con số này giảm so với dự báo một năm trước đó là 12,7 tỉ USD.
Trong bài phát biểu năm 2020, người đồng sáng lập Megvii Yin Qi cho biết các công ty AI của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn gọi là “thung lũng chết”, ngụ ý một công ty khởi nghiệp bắt đầu hoạt động nhưng chưa tạo ra doanh thu. Theo ông Yin, khoảng thời gian này có thể kéo dài từ 18 đến 24 tháng trước khi các công ty đạt được tăng trưởng bền vững.
Những hạn chế về công nghệ
Chi tiêu kinh doanh lớn đã tạo gánh nặng cho bộ tứ AI. Theo báo cáo tài chính, số tiền họ chi cho nghiên cứu, bán hàng và quản lý từ năm 2018 đến năm 2020 nhiều gấp 1,35 lần tổng doanh thu. Chi phí nhân công chiếm 75% doanh thu. Mỗi công ty trong bộ tứ có hàng ngàn nhân viên. Cụ thể, công ty lớn nhất là SenseTime có 5.300 nhân viên tính đến tháng 6.2021, còn công ty nhỏ nhất Yitu cũng có tới 1.700 nhân viên.
Theo các chuyên gia, lực lượng lao động khổng lồ phản ánh trở ngại mà các công ty AI phải đối mặt trong việc sản xuất giải pháp công nghệ tiêu chuẩn cho các khách hàng khác nhau. “Bất cứ khi nào có đơn đặt hàng mới, lực lượng lao động sẽ lại phát triển”, một kỹ sư AI nói.
Tính cấp thiết của việc giảm chi phí
Đáp lại các cơ quan quản lý chứng khoán, Yitu và CloudWalk cam kết cắt giảm đáng kể chi tiêu để thu lợi nhuận trong vòng 5 năm. Yitu dự kiến sẽ bắt đầu có lời vào năm 2025, nếu duy trì được mức tăng trưởng doanh thu hằng năm 35% trong khi giảm 43% chi phí. CloudWalk cho biết sẽ kiếm tiền vào năm 2023 sau khi cắt giảm 60% chi phí.
Một nhiệm vụ quan trọng hơn đối với các công ty đầu ngành đó là, để tồn tại trong thung lũng chết họ phải tạo ra sản phẩm được tiêu chuẩn hóa và tương thích rộng hơn nhằm tiết kiệm chi phí. Theo một chuyên gia phân tích trong ngành, các công ty AI giống như những người học việc phải trả giá đắt cho kiến thức họ học được. Chỉ khi họ có thể liên tục đưa kiến thức vào thực tế thì mới có thể kiếm tiền.
Nguồn tăng trưởng mới
Bộ tứ AI đang cần tìm kiếm doanh thu mới sau khi thống trị thị trường thị giác máy của Trung Quốc. “Ứng dụng của công nghệ trong an ninh, cuộc sống thông minh và các lĩnh vực khác đã đạt đến mức ổn định và các công ty cần một chặng đường tăng trưởng khác”, một nhà phân tích nói.
Song, việc tìm kiếm động lực kinh doanh mới đòi hỏi phải có kinh phí, buộc các công ty phải niêm yết công khai. Với công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiên tiến, bộ tứ AI đã trở thành nhà cung cấp chính của các hệ thống an ninh cho quản lý đô thị, sân bay và phương tiện giao thông, trong số các ứng dụng khác. Năm 2020, mảng kinh doanh liên quan đến bảo mật chiếm 98% doanh thu của Yitu và hơn 60% đối với CloudWalk và Megvii. SenseTime không công bố tài chính liên quan đến điều này.
Việc quá phụ thuộc vào một nguồn doanh thu từ lâu đã trở thành mối lo ngại đối với tiềm năng phát triển của AI. Hơn nữa, vì nhiều dự án bảo mật được tài trợ bởi các chính phủ, nên các công ty AI thường bị ảnh hưởng bởi ngân sách của chính phủ và có thể thiếu tính bền vững. Cả bốn công ty AI hàng đầu Trung Quốc đều đang cố gắng mở rộng phạm vi tiếp cận của AI trong những năm gần đây, tìm cách cung cấp ứng dụng về chăm sóc sức khỏe, hậu cần và lái xe tự động. Nhưng tiến độ thực hiện còn rất chậm.
Thêm áp lực khác lên bộ tứ AI là ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh tham gia vào lĩnh vực này do rào cản công nghệ thu hẹp lại. Trong lĩnh vực an ninh, nhà sản xuất camera giám sát Hangzhou Hikvision Digital Technology đã trở thành đối thủ tiềm năng khi đổ tiền vào phần mềm của riêng mình. Những gã khổng lồ internet như Alibaba Group và Tencent Holdings cũng khai thác AI với các khoản đầu tư lớn.
Việc chính quyền Bắc Kinh giám sát nghiêm ngặt về bảo vệ quyền riêng tư đặt ra thách thức cho ngành AI. Đầu năm nay, Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành hướng dẫn mới để quản lý sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và thu thập dữ liệu. Một số luật và quy định khác liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư cũng được công bố với yêu cầu nghiêm ngặt hơn.
Trung Quốc nhắm mục tiêu vào quyền sở hữu trí tuệ
Các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đang trở thành mục tiêu chính trong ngày càng nhiều vụ kiện về sở hữu trí tuệ.
Apple từng bị một công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc đệ đơn ra tòa, cáo buộc công nghệ nhận dạng giọng nói Siri vi phạm bằng sáng chế của họ
Theo Nikkei, luật sở hữu trí tuệ được nâng cao đã mở đầu cho các vụ kiện tụng ở Trung Quốc. Số lượng hồ sơ vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được nộp tại đại lục vào năm 2020 nhiều gấp ba lần so với năm 2016.
Một công ty Nhật Bản đã vướng vào tranh chấp pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ với các công ty Trung Quốc là Ryohin Keikaku, công ty có trụ sở tại Tokyo điều hành chuỗi cửa hàng đồ gia dụng Muji. Mặc dù chiến thắng trong một vụ kiện nhãn hiệu kéo dài suốt hai năm rưỡi với Tập đoàn Dệt may Beijing Cottonfield và một công ty Trung Quốc khác, nhưng Ryohin Keikaku vẫn đang có hơn 10 tranh chấp pháp lý về nhãn hiệu "Mujirushi Ryohin" được viết bằng chữ Trung Quốc, xuất hiện trong một số sản phẩm vải dệt thoi của công ty.
Ryohin Keikaku không phải trường hợp duy nhất nằm trong danh sách ngày càng tăng các công ty nước ngoài bị kiện tụng vì liên quan đến sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc. Apple cũng từng bị một công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc đệ đơn ra tòa, cáo buộc công nghệ nhận dạng giọng nói Siri vi phạm bằng sáng chế của họ.
"Thông thường, trong các vụ kiện sở hữu trí tuệ giữa công ty Trung Quốc và nước ngoài, bên bị cáo buộc về hành vi vi phạm chủ yếu là Trung Quốc. Nhưng số lượng các trường hợp ngược lại ngày càng nhiều", luật sư Nhật Bản Yoshifumi Onodera cho biết.
Theo Nikkei, tổng cộng 28.528 vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các lĩnh vực như bằng sáng chế, mô hình tiện ích và thiết kế đã được tòa án Trung Quốc xét xử sơ thẩm vào năm 2020, tăng 28% so với năm trước đó. Vụ kiện về bản quyền và nhãn hiệu cũng nhảy vọt.
Có hai yếu tố chính đằng sau làn sóng kiện tụng quyền sở hữu trí tuệ đang bùng nổ ở Trung Quốc. Một là ngày càng có nhiều công ty theo định hướng công nghệ của chính quyền Bắc Kinh coi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố then chốt trong chiến lược kinh doanh. Năm ngoái, Trung Quốc là nước nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế quốc tế nhiều nhất trên thế giới, với tổng số 68.720 đơn.
Hai là luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc được nâng cao. Chính phủ đã sửa đổi luật nhãn hiệu, bằng sáng chế và bản quyền vào năm 2019 và 2020. Theo đó, các tòa án có thể nâng cao mức thiệt hại tối đa và đưa ra thêm khoản bồi thường thiệt hại mang tính trừng phạt. Giờ đây, mức bồi thường thiệt hại thực tế có thể cao gấp năm lần đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng quyền quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, luật sáng chế sửa đổi lại giảm bớt trách nhiệm chứng minh cho nguyên đơn trong các vụ vi phạm bằng sáng chế.
Theo luật sư Makoto Endo, những điều trên sẽ làm tăng khả năng nộp đơn kiện vi phạm bằng sáng chế. Nói cách khác, các công ty Trung Quốc có nhiều khả năng kiện đối thủ nước ngoài về vi phạm sở hữu trí tuệ nhiều hơn bao giờ hết.
Xu hướng này có ý nghĩa đặc biệt đối với hai lĩnh vực công nghệ là công nghệ truyền thông không dây 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Chính quyền Bắc Kinh đang thúc đẩy đổi mới hai lĩnh vực này trong nỗ lực phát triển công nghệ quốc gia. Dự đoán vụ kiện giữa các công ty Trung Quốc và đối thủ nước ngoài liên quan đến 5G và AI sẽ tăng đột biến trong thời gian tới.
Trung Quốc được biết đến như một xã hội thiên về tranh tụng, với xu hướng ngày càng lan rộng sang vấn đề sở hữu trí tuệ . Các công ty nước ngoài có thể trở thành mục tiêu ưa thích của những vụ kiện như vậy, nếu sẵn sàng nhượng bộ quá nhiều trong tranh chấp kinh doanh hoặc theo đuổi thỏa thuận tài chính để tránh leo thang. Vạch ra kế hoạch và chiến lược khả thi để xử lý các vụ kiện sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc đang trở nên quan trọng đối với công ty nước ngoài, cho dù họ là nguyên đơn hay bị đơn. Theo các chuyên gia, điều đặc biệt cần lưu ý là nên xác định rõ vai trò của các cơ quan đầu não và các đơn vị địa phương nơi diễn ra kiện tụng.
Apple gửi thư cảnh cáo đến một dân mạng Trung Quốc Apple gửi thư cho người đứng sau tài khoản Twitter quảng cáo nguyên mẫu iPhone bị đánh cắp, yêu cầu tiết lộ nguồn tin nếu không muốn báo cho cảnh sát. Một tài khoản Twitter quảng cáo nguyên mẫu iPhone X. (Ảnh: Vice) Cuộc chiến giữa Apple với những người rò rỉ tin tức tiếp tục leo thang. Theo Motherboard, Apple đã gửi...