Bộ TT&TT thông tin chính thức việc chuyển thuê bao 11 số thành 10 số
Quá trình chuyển đổi sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 15/9 năm nay.
Sáng 29/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chính thức công bố kế hoạch chuyển đổi số thuê bao di động 11 số sang 10 số của tất cả nhà mạng di động hiện nay là Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gtel và Vietnamobile. Theo đó, có khoảng 60 triệu thuê bao 11 số sẽ chuyển sang thuê bao 10 số, bắt đầu từ ngày 15/9/2018 và kết thúc vào ngày 30/6/2019.
Nhiều số thuê bao 11 số từ số xấu có thể sẽ trở thành số đẹp, ngược lại sẽ có nhiều thuê bao 11 số từ số đẹp có thể sẽ không còn đẹp nữa sau khi chuyển đổi sang 10 số.
Bộ TT&TT khẳng định, việc chuyển đổi lần này không ảnh hưởng gì đến thuê bao 10 số hiện nay của các đầu số 090, 091, 098, 097, 092,… mà chỉ tác động đến các thuê bao 11 số. Các thuê bao 11 số khi chuyển sang thuê bao 10 số sẽ được thay mã cũ bằng mã mới, giữ nguyên 7 số cuối. Chẳng hạn, số thuê bao 0123.4567890 của VinaPhone sẽ chuyển sang 083.4567890, tức thay mã mạng cũ 123 bằng mã mạng mới 83.
Cụ thể:
- Thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168 và 0169 tương ứng sẽ được chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037,038 và 039.
- Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0123, 0126 và 0128 tương ứng sẽ chuyển thành 070, 079, 077, 076 và 078.
- Thuê bao 11 số của mạng VinaPhone gồm các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127 và 0129 tương ứng sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081 và 082.
- Thuê bao 11 số 0188 và 0186 của Vietnamobile tương ứng sẽ được đổi sang đầu số 056 và 058.
- Thuê bao 11 số 0199 của Gtel sẽ được đổi sang đầu số 059.
Chi tiết các đầu số sau khi chuyển đổi.
Video đang HOT
Bộ TT&TT lưu ý, trong quá trình chuyển đổi, các nhà mạng phải quay số song song (duy trì cả số cũ và số mới) từ ngày 15/9/2018 đến ngày 14/11/2018 và duy trì âm báo bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh để hướng dẫn quay theo cách mới. Điều này nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến khách hàng trong quá trình chuyển đổi số thuê bao.
Cũng theo Bộ TT&TT, khi đổi số thuê bao, các nhà mạng phải thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao trên phương tiện thông tin đại chúng và cho phép gọi đồng thời theo cả cách cũ và cách mới trong vòng 60 ngày. Đồng thời, nhà mạng phải duy trì âm thông báo trong thời gian khoảng 7,5 tháng kể từ thời điểm kết thúc quay số song song.
Với việc quy hoạch kho số mới như trên, Việt Nam sẽ có trên 500 triệu số thuê bao di động 10 chữ số cho liên lạc người với người, và khoảng 1 tỉ số thuê bao di động cho liên lạc thiết bị với thiết bị để phát triển internet vạn vật.
“Việc phải đổi số là do sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông mới ra đời và phát triển. Trước đây chỉ có điện thoại cố định, chưa có điện thoại di động thì nay đã có dịch vụ di động từ 2G đến 4G và sắp tới là 5G, kết nối internet vạn vật. Vì vậy, cần phải quy hoạch lại kho số viễn thông quốc gia để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của thị trường viễn thông, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, giao thông thông minh, y tế thông minh, điện lực thông minh, phục vụ cách mạng 4.0 và tránh tình trạng thiếu kho số di động và thừa kho số cố định”, Bộ TT&TT giải thích cho việc chuyển đổi số thuê bao,
Bộ TT&TT cũng khẳng định, việc quy hoạch kho số viễn thông quốc gia là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Danviet.vn
Chụp chân dung chủ SIM: Nhà mạng vất vả, khách hàng phản ứng
Các nhà mạng đang gặp khó khăn trong việc chụp ảnh hàng chục triệu thuê bao cũ lẫn mới, bởi yêu cầu thời gian thuyết phục, chi phí cao.
Nhằm quyết liệt loại bỏ nạn SIM rác gây nhức nhối trong nhiều năm qua, Bộ TT&TT cùng các nhà mạng thực hiện các biện pháp kiểm tra, siết chặt quản lý nhằm tránh tình trạng rao bán SIM kích hoạt sẵn tràn lan từ vỉa hè đến Internet.
Thông tư mới khai tử nguồn sống SIM rác
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 5/2017 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cảnh báo các cơ quan quản lý và nhà mạng không quyết liệt kiểm tra, xử lý mạnh tay, tình trạng SIM rác và tin nhắn rác sẽ sớm quay lại "quấy nhiễu" người dùng.
Về phía các nhà mạng, biện pháp chính là nhắn tin mời khách hàng đăng ký lại thông tin thuê bao chính chủ; đồng thời rà soát định kỳ và liên lạc với thuê bao có dấu hiệu thông tin đăng ký chưa đúng quy định để kiểm tra lại.
Các quầy tạp hoá vỉa hè không còn đủ điều kiện kinh doanh SIM. Ảnh: Ngô Minh.
Về phía cơ quan chức năng, từ 24/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP yêu cầu người dùng đăng ký số điện thoại mới phải cung cấp đầy đủ thông tin về giấy tờ tùy thân, đặc biệt là "ảnh chụp chân dung chính chủ".
Nếu quá thời hạn 2 tháng kể từ ngày thuê bao nhận được tin nhắn mà vẫn chưa bổ sung ảnh, khách hàng sẽ bị cắt dịch vụ.
Để tránh tình trạng SIM rác được rao bán vô tội vạ, Nghị định này cũng nêu rõ những tiêu chí mà điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cần có, bao gồm: biển hiệu, số điện thoại, niêm yết công khai hợp đồng theo mẫu; có hợp đồng uỷ quyền được doanh nghiệp viễn thông cung cấp và chứng thực; đủ trang thiết bị để nhập thông tin, số hoá giấy tờ, chụp ảnh... của các cá nhân, tổ chức.
Như vậy, với Nghị định 49, những cửa hàng tạp hoá hay gian hàng sơ khai ở vỉa hè hoàn toàn không đủ điều kiện bán SIM như trước. Mỗi SIM bán ra phải kèm theo ảnh chân dung của từng thuê bao mới được xem hợp lệ.
Chụp chân dung: Khách hàng phản ứng, nhà mạng loay hoay
Trao đổi với Zing.vn, VNPT cho biết nhà mạng này đã sớm triển khai nghị định 49 nhưng rất khó để hoàn tất. Tất cả các thuê bao mới đều phải đến điểm giao dịch để chụp ảnh chân dung. Đối với các thuê bao cũ, việc gọi điện, giải thích quy định mới rất mất thời gian. Khách hàng phản ứng và không phải ai cũng đồng ý đến cửa hàng để chụp ảnh mới.
"Chúng tôi đang có kế hoạch triển khai ở các doanh nghiệp, nơi có nhiều thuê bao VinaPhone, sẽ có người đến tận nơi để chụp ảnh chân dung khách hàng", đại diện nhà mạng này chia sẻ. Cách này giúp các thuê bao không tốn công di chuyển, dễ dàng hơn cho nhà mạng khi có những khách hàng phản ứng mạnh, không hợp tác khi được yêu cầu đến chi nhánh gần nhất để chụp ảnh chân dung.
Không dễ để nhà mạng thu thập đủ ảnh chân dung hàng chục triệu thuê bao cũ.
Trong khi đó, bộ phận chăm sóc khách hàng của MobiFone cũng cho biết nhà mạng này cũng đang triển khai nghị định 49 bằng cách nhắn tin yêu cầu chủ thuê bao đến chi nhánh gần nhất để chụp ảnh chân dung. "Việc nhắn tin đến thuê bao cũ sẽ diễn ra từng đợt, làm dần dần", nhà mạng này cho biết.
"Quy định này làm tốn thời gian, nhà mạng đã chụp CMND tức đã có chân dung và vân tay lẫn thông tin cá nhân, nay lại gọi mời lên chụp ảnh là không cần thiết", Nguyễn Thanh Hùng, một người dùng ở Quận 5, TP.HCM nói. Tương tự, Phan Thái Hà, thuê bao ở Quận 1, TP.HCM cũng cho rằng biện pháp mới không khả thi. "Tôi ủng hộ việc xác thực nhưng nhà mạng cần có cách bổ sung thông tin, hình ảnh từ xa hoặc theo cách thuận lợi hơn cho khách hàng", người dùng này chia sẻ.
Khác với VinaPhone và MobiFone, Bộ phận chăm sóc khách hành của Viettel khẳng định thuê bao mới chỉ cần mang chứng minh nhân dân đến điểm giao dịch. Thuê bao cũ muốn bổ sung thông tin cũng chỉ cần mang CMND bản gốc và bản sao đến cửa hàng để làm thủ tục.
Tuy nhiên, Viettel cũng cho biết sẽ chấp hành nghị định này tại các cửa hàng theo đúng với chỉ đạo của Bộ TT&TT. Đối với khách hàng cũ, Viettel thì sẽ triển khai theo từng giai đoạn để hoàn thiện đúng thời gian bổ sung ảnh đến năm 2018.
Chi phí tiền tỷ cho việc chụp ảnh và lưu trữ
Ngoài việc vấp phải phản ứng của khách hàng, chi phí phát sinh không nhỏ cũng là vấn đề khiến các nhà mạng phải tính toán.
Theo khoản C, sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông (các cửa hàng của nhà mạng) phải có đủ trang thiết bị để nhập thông tin trên giấy tờ của các cá nhân, tổ chức; số hóa giấy tờ của cá nhân, tổ chức; chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động) và chuyển thông tin, bản số hóa giấy tờ, ảnh chụp về cơ sở dữ liệu tập trung của doanh nghiệp viễn thông.
Bên cạnh đó, thiết bị số hóa giấy tờ, chụp ảnh phải bảo đảm bản số hóa giấy tờ, ảnh chụp rõ ràng, sắc nét, có đầy đủ các thông tin so với các giấy tờ đã xuất trình của cá nhân, tổ chức khi giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ) chụp.
Trước yêu cầu này, các nhà mạng bắt buộc thực hiện một cách có hệ thống. VNPT cho biết đang nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới để áp ứng việc cập nhật, lưu trữ hình ảnh từng thuê bao. Đại diện Viettel cũng xác nhận việc chi phí phát sinh là không thể tránh khỏi, nhưng chưa lường được con số cụ thể vì còn tuỳ thuộc vào nhà đầu tư.
VinaPhone hiện có khoảng 1.200 cửa hàng, MobiFone có 1.000 cửa hàng trên toàn quốc. Viettel cũng có hàng ngàn cửa hàng, chưa tính cả số đại lý được uỷ quyền. "Nếu nhân lên, số tiền sẽ lên đến hàng chục tỷ đồng, chưa kể áp lực về số lượng thuê bao đổ dồn về các cửa hàng chính thức do các điểm đăng ký thuê bao nhỏ lẻ bị đóng cửa", một chuyên gia ngành Viễn thông tại TP.HCM nhận định.
Các nhà mạng trong khu vực có yêu cầu chụp ảnh khi mua SIM?
Hầu hết quốc gia trong khu vực không chụp ảnh chân dung thuê bao. Ngay cả khách du lịch cũng chỉ cần cung cấp hộ chiếu để nhà mạng scan, hoặc chụp lại nhằm lưu trữ, xác thực.
Riêng tại Trung Quốc, việc chụp chân dung thuê bao mới là bắt buộc, áp dụng ngay cả với khách du lịch đã cung cấp passport. Ngoài ra, du khách cũng được khuyến cáo rằng sử dụng VPN (mạng riêng ảo) ở Trung Quốc để truy cập các dịch vụ của Google, Facebook là phạm luật.
Theo số liệu từ bộ TT&TT, tính đến hết tháng 8/2016, Việt Nam có hơn 128,3 triệu thuê bao, Viettel chiếm tới trên 49,5% với 63,6 triệu thuê bao. MobiFone có hơn 34,6 triệu thuê và VNPT có trên 20,5 triệu. Thị phần ít ỏi còn lại thuộc về Gtel với gần 5,9 triệu và Vietnamobile với 3,7 triệu thuê bao.
Duy Tín
Theo Zing
Đến 2020, 67% thiết bị di động tại Việt Nam sẽ hỗ trợ 4G Đại diện Qualcomm dự đoán ba năm tới, 120 triệu thiết bị di động được bán ra ở Việt Nam sẽ có kết nối 4G. Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương, đánh giá tốc độ tăng trưởng 4G giai đoạn đầu của Việt Nam rất ấn tượng. Dự kiến đến năm 2020, 67% thiết bị di động được tiêu...