Bộ trưởng Xây dựng lần đầu trả lời chất vấn
Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, quản lý sử dụng đất tại đô thị gắn với phát triển giao thông là những vấn đề dành cho Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trong lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng nay, 16/8.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, các nhóm vấn đề đặt ra trong phiên chất vấn xác đáng, đang được dư luận quan tâm, đòi hỏi.
Trong khuôn khổ phiên họp thứ 13, UB Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp. Bộ trưởng Xây dựng là vị tư lệnh ngành được chọn “lên ghế nóng” lần này.
Tham gia phiên chất vấn có Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực – ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.
UB Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chuẩn bị để tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan, theo dự kiến chương trình.
Trong báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết một số kết quả về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
Video đang HOT
Theo đó, về xây dựng thể chế thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hình thành đồng bộ và cơ bản đáp ứng yêu cầu điều chỉnh thống nhất các hoạt động lập và quản lý quy hoạch.
Đến nay đã có 16 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh (vùng kinh tế xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (tương đương 63 đồ án quy hoạch, 30% đang tổ chức lập điều chỉnh). 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt (tương đương 805 đồ án). Quy hoạch phân khu khu vực đô thị đạt trung bình khoảng 75%, quy hoạch chi tiết đạt trung bình khoảng 35%, tỷ lệ số xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước đạt khoảng 99% (8926 xã).
Bộ trưởng Xây dựng báo cáo, đây là kết quả của việc đổi mới công tác quy hoạch xây dựng, linh hoạt trong xác định mục tiêu, định hướng, chú ý nhiều hơn đến yếu tố thị trường để cập nhật phục vụ việc lập quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch kịp thời. Nhiều quy hoạch xây dựng đã bám sát với tình hình thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển, đồng thời cũng là căn cứ để xây dựng các kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm.
Về phát triển đô thị, báo cáo cho biết, tính đến hết tháng 5/2017 dân số đô thị toàn quốc đạt khoảng 33 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 37,0%. (so với 23,7% năm 1999), mật độ dân số đô thị trung bình là 1.888 người / km2. Diện tích đất toàn đô thị là 43.792 km2 chiếm 13,2% diện tích đất tự nhiên toàn quốc, trong đó diện tích đất khu vực nội thị là 18.766,66 km2 chiếm 5,67% diện tích đất tự nhiên toàn quốc.
Tổng số đô thị cả nước là 805 đô thị (tăng thêm 8 đô thị loại 5 so với cuối năm 2016), bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt, 17 đô thị loại 1, 25 đô thị loại 2, đô thị loại 3 là 44, 84 đô thị loại 4 và đô thị loại 5 là 633.
Bộ trưởng cho biết, khu vực đô thị đóng góp trên 50% GDP, khoảng 2/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 2/3 giá trị xuất khẩu.
Đánh giá hạn chế, người đứng đầu ngành xây dựng cho rằng, một số quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tính khả thi thấp. Một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc, chưa đúng trình tự, nội dung theo quy định, công tác kiểm tra thanh tra giám sát của cơ quan quản lý, của cộng đồng còn yếu, một số vi phạm chưa được xử lý kịp thời, dứt điểm.
Hạn chế tiếp theo là hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ, không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển kinh tế và dân số dẫn tới nhiều hệ lụy: ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt, dịch vụ kém phát triển, nhà ở xã hội thiếu gay gắt. Với tác động ngày càng bất lợi của biến đổi khí hậu, các hệ lụy trên ngày càng trầm trọng, gay gắt nhất là ở các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM.
Tại báo cáo, Bộ trưởng cũng cho biết các nội dung được cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm gửi kiến nghị, chất vấn ông đều đã hồi âm đầy đủ.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng nào đăng đàn trả lời chất vấn tại phiên họp UBTVQH tới?
Theo chương trình dự kiến ngày mai (10.8), phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ khai mạc. Đáng chú ý, tại phiên họp này sẽ diễn ra chương trình chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo chương trình dự kiến, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (đứng) sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Xây dựng).
Theo lịch dự kiến, tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); dự án Luật Thủy sản (sửa đổi); dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016"...
UBTVQH cũng cho ý kiến về tổng kết việc thực hiện thí điểm trang phục xét xử của Thẩm phán tòa án nhân dân theo quy định tại Nghị quyết số 1214/2016/NQ-UBTVQH13 và việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán tòa án nhân dân trên phạm vi cả nước; đề án vị trí việc làm của Viện kiểm sát nhân dân; tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)".
Theo dự kiến, ngày 16.8.2017, UBTVQH sẽ chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đại diện Thường trực Chính phủ phụ trách lĩnh vực liên quan đến nội dung chất vấn, Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư tham gia trả lời chất vấn.
Phiên họp dự kiến kéo dài từ ngày 10 đến 18.8.
Liên quan đến việc tác nghiệp của báo chí, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ thông tin Văn phòng Quốc hội cho biết: Tại phiên họp này, Văn phòng Quốc hội sẽ mời các cơ quan báo chí tham dự đưa tin theo từng nội dung cụ thể, nghĩa là dựa trên nội dung buổi họp phù hợp với tôn chỉ, mục đích của báo nào sẽ mời cơ quan báo đó. Đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ mời các cơ quan báo chí (trong danh sách thường xuyên - PV) cùng tham dự.
Trước đó, tại phiên họp thứ 12 của UBTVQH, phóng viên các cơ quan báo chí chỉ được tham dự 5 phút đầu, còn nội dung buổi họp do Văn phòng Quốc hội gửi thông cáo.
Tại quy chế làm việc của UBTVQH được chính cơ quan này ban hành năm 2015, điều 4 quy định về "Thông tin, tuyên truyền về hoạt động của UBTVQH" nêu rõ: 1. Hoạt động của UBTVQH được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. 2. Các cơ quan báo chí được tham dự, đưa tin về các hoạt động của UBTVQH tại khu vực dành riêng cho báo chí. 3. Tổng thư ký Quốc hội là người phát ngôn của UBTVQH, có trách nhiệm tổ chức cung cấp thông tin về chương trình, nội dung phiên họp công khai và các hoạt động khác của UBTVQH.
Theo Danviet
Quy hoạch cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng không phép, sai phép Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng quy hoạch không phù hợp cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm xây dựng không phép, sai phép. "Hiện tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu nhà ở rất lớn. Mình để đất nông nghiệp không xây dựng được thì người ta bức xúc, sẵn sàng lấn chiếm tìm cách xây...