Bộ trưởng Xây dựng giao tìm nguyên nhân vỡ đập ở Quảng Ninh
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thông tin, sáng nay, 31/10, đã cử cán bộ trực tiếp đến hiện trường vụ vỡ đập Long Châu Hà (huyện Đầm Hà – Quảng Ninh) cùng tìm nguyên nhân, xác định trách nhiệm cơ quan liên quan. Hậu quả sự cố đang được tích cực khắc phục.
Bộ trưởng Xây dựng cho biết, khi có thông tin về vụ vỡ đập, Bộ Xây dựng rà soát, xác định, Long Châu Hà là một đập thủy lợi cỡ trung bình, có dung tích khoảng 15 triệu m3, chiều cao đập 27,5 m, do Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư và cũng là cơ quan quản lý nhà nước đối với công trình.
Sau khi bị cơn lũ đột xuất, lưu lượng lớn đổ về, nước đã tràn đỉnh đập. Do đó điểm yếu nhất của hệ thống đập là chỗ đập phụ đã bị vỡ. Rất may sự cố không gây thiệt hại về người.
Đập phụ của Long Châu Hà vỡ khiến gần 5000 dân ở Quảng Ninh bị cô lập. Ảnh: Thu Hằng
“Hiện chúng tôi đã tập trung cử cán bộ của Bộ đến trực tiếp kiểm tra và phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của địa phương và Bộ NN&PTNT để xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục. Hơn 6h sáng nay, tôi đã trực tiếp điện thoại trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Chủ tịch tỉnh đang đi công tác nước ngoài) cùng lãnh đạo Sở Xây dựng để tập hợp xem xét, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục nhanh chóng hậu quả” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khái quát, việc khắc phục hậu quả vụ vỡ đập đang được tiến hành rất khẩn trương.
Trách nhiệm giải quyết, xử lý vụ vỡ đập này, Bộ trưởng Xây dựng chỉ rõ, là của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan.
Bộ Xây dựng đã giao Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng cùng làm việc và sẽ báo cáo cụ thể, thông tin sớm nhất về nguyên nhân dẫn đến sự cố.
Nói chung về các sự cố vỡ hồ đập thủy điện, thủy lợi xảy ra với tần suất dày hơn thời gian qua, Bộ trưởng Xây dựng “bác” nghi vấn công tác đảm bảo an toàn hồ đập chưa được coi trọng.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Việc đảm bảo an toàn hồ đập là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng vì hồ đập vỡ thì không chỉ thiệt hại về kinh tế đối với việc đầu tư chính đập đó mà còn gây thiệt hại với tài sản của người dân trong khu vực và đe dọa tính mạng con người. Nhiệm vụ này luôn được quan tâm, từ việc đề ra tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế hồ đập, việc nâng cao đảm bảo chất lượng thiết kế công trình cho đến khâu thi công công trình, kiểm soát quá trình thi công cho đảm bảo an toàn”.
Xác nhận nhiều sự cố hồ đập đã xảy ra đối với tổng số gần 7.000 hồ đập trên cả nước thời gian gian qua, ông Dũng nhận định, chất lượng nhiều công trình hồ đập không được như mong muốn. Nguyên nhân thuộc nhiều vấn đề, từ khâu thiết kế, thi công, vận hành hồ đập. Những bất cập đã xác định đang được tập trung chấn chỉnh để việc quản lý hồ đập chặt chẽ hơn, hạn chế cao nhất các sự cố có thể xảy ra.
P.Thảo
Theo Dantri