Bộ trưởng Tư pháp Anh ra tranh cử thủ tướng
Sáng 30-6, ba tiếng trước khi thời hạn đăng ký ứng cử viên tranh cử thủ tướng Anh khép lại, Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove (ủng hộ Brexit) đã bất ngờ tuyên bố ra tranh cử.
Trước đây Bộ trưởng Michael Gove (ảnh) đã ủng hộ ông Boris Johnson, cựu đô trưởng London, gương mặt sáng giá có thể thay thế Thủ tướng David Cameron. Nay ra tranh cử, ông nói lại: “Thật đáng tiếc, tôi phải kết luận Boris không thể đảm đương chức lãnh đạo đất nước hay xây dựng êkíp thực hiện nhiệm vụ đang chờ đón chúng ta (đàm phán để Anh rời khỏi EU)”.
Bộ trưởng Michael Gove ra tranh cử thủ tướng là điều đáng ngạc nhiên vì trước đó ông đã từ chối tranh cử. Ông giải thích: “Tôi đã nói nhiều lần tôi không muốn trở thành thủ tướng… Nhưng các sự kiện xảy ra từ thứ Năm vừa qua đã làm nghiêng cán cân quyết định”.
Ngày 9-9, Anh sẽ công bố thủ tướng mới sau khi 150.000 thành viên đảng Bảo thủ chọn lựa giữa hai ứng cử viên. Trong danh sách tranh cử có nữ Bộ trưởng Nội vụ Theresa May.
TNL
Video đang HOT
Theo PLO
"Brexit" và những hậu quả khó lường
Mấy ngày nay, quyết định ra khỏi EU (Brexit) của người Anh qua cuộc trưng cầu dân ý định mệnh đã choán hết các trang nhất của những tờ báo lớn trên thế giới.
Theo các nhà phân tích, quyết định của người Anh đã tạo ra cú sốc lớn nhất đối với dự án thống nhất châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ II và để lại những hậu quả khôn lường đối với châu Âu và thế giới.
Cơn địa chấn từ London
Đến hôm nay, dư luận thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng bởi quyết định ra khỏi EU của người Anh. Với 51,9% số người ủng hộ Brexit, Anh đã tạo ra cơn địa chấn làm rúng động cả thế giới. Thủ lĩnh đảng Độc lập của Anh, ông Nigel Farage, người không ngừng không nghỉ đấu tranh cho Brexit trong suốt 20 năm qua đã gọi ngày thứ Năm là "Ngày Độc lập", còn những người ủng hộ việc Anh ở lại EU coi sự kiện này như một "thảm họa" - BBC đưa tin.
Tờ New York Times cho rằng, quyết định lịch sử của người Anh đã "làm lung lay các lục địa và các tầng lớp lãnh đạo phương Tây". The Washington Post gọi cuộc "ly hôn" của Anh với EU là "khá bẩn". Le Figaro (Pháp) nhận định rằng theo gương Anh, các phần tử ly khai với EU ở Pháp sẽ khuấy động để nước này phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tương tự. "Một số người luôn nghĩ rằng cỏ ở nhà hàng xóm xanh hơn. Điều này đúng với những người hoài nghi EU ở Pháp, những người sung sướng khi nhóm "Brexit" ở Anh giành chiến thắng" - Le Figaro viết.
Trên thực tế, cuộc trưng cầu dân ý chỉ như một đề nghị và xét về mặt lý thuyết, chính quyền Anh có quyền không tuân theo nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố, Thủ tướng Anh David Cameron - người kiên quyết chống lại ý tưởng Brexit đã khẳng định rằng ông sẽ thực hiện theo ý chí của nhân dân để tránh những "hậu quả thảm khốc". David Cameron tuyên bố sẽ từ chức trước tháng 10. "Tôi nghĩ rằng đất nước cần lãnh đạo mới. Tôi hứa sẽ làm tất cả những gì có thể với tư cách Thủ tướng để giữ cân bằng cho con tàu này trong những tuần, những tháng gần nhất. Nhưng tôi không nghĩ rằng sẽ là đúng nếu tôi vẫn là thuyền trưởng của một con tàu sẽ bơi theo hướng mới" - Reuters trích lời Thủ tướng Anh.
EU trước "Hội chứng Brexit"
Ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, thị trường tài chính thế giới đã trải qua cơn hoảng loạn lớn nhất kể từ năm 2008. Đồng bảng Anh giảm sâu nhất trong 30 năm qua - 11% so với USD; euro giảm 3%; giá dầu giảm từ 3 -5% trong phiên giao dịch đầu tiên ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý.
Ngoài gây sốt đối với thị trường tài chính, Brexit có thể kích động một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc cả ở Anh, EU và trên toàn thế giới.
Chủ tịch đảng Dân tộc ở Bắc Ai Len Sinn Fyin Declan Kearney tin rằng Chính phủ Anh sẽ mất quyền đại diện cho Bắc Ai Len trên trường quốc tế khi Anh rời khỏi EU. Ngoài ra, 2 năm trước Scotland đã bỏ phiếu để trở thành một phần của Vương quốc Anh, giờ sẽ phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý khác đòi chủ quyền và ở lại với EU.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Áo Sebastian Kurz thì Brexit có thể tạo ra những biến động chính trị nghiêm trọng ở châu Âu. Điều làm giới phân tích đặc biệt chú ý rằng kết quả trưng cầu dân ý ở Anh đã tạo ra cảm hứng "chưa từng có" cho các nhà lãnh đạo bất mãn với EU.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban không bỏ lỡ cơ hội này để chỉ trích Brussels. Theo ông Orban, các nhà lãnh đạo EU nên "lắng nghe tiếng nói của người dân" và cần phải hiểu bài học mà nước Anh đã dành cho họ.
Lãnh đạo Mặt trận Dân tộc ở Pháp, bà Marine Le Pen đã đi xa hơn khi yêu cầu tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở đất nước này. Lãnh đạo đảng Tự do Cánh tả Hà Lan Geert Wilders cũng tuyên bố rằng Hà Lan cần một cuộc trưng cầu dân ý như vậy.
Tờ Washington Post dự báo rằng "hội chứng Brexit" có thể sẽ được tiến hành ở 6 nước EU, gồm: Thụy Điển, Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan và cả Pháp.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo EU đã đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh không chính thức không có sự tham dự của Anh vào tuần này để thảo luận về kế hoạch hành động tiếp theo của khối.
Anh Phương (Nguồn Giáo Dục Thời Đại)
EU sốt ruột chờ Anh rời EU Người dân Anh đổ xô làm thủ tục nhập tịch Ireland để ở lại EU. Năm ngày sau khi Anh tổ chức trưng cầu ý dân, tối 28-6 (giờ địa phương), Hội đồng châu Âu gồm các nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ các nước EU đã tổ chức hội nghị kéo dài trong hai ngày tại Brussels (Bỉ)....