Bộ trưởng Tiến “mơ” về thời voi đi chở vắc xin
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mong muốn quay trở lại thời kỳ voi và ghe xuồng đi chở vắc xin vào các địa bàn xa xôi, nhiều kênh rạch.
Tại hội nghị trực tuyến phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi do Bộ Y tế tổ chức ngày 23/2, Bộ này cho biết, Việt Nam đang gia tăng dịch bệnh sởi.
Các trường hợp mắc phải tập trung ở các tỉnh miền núi phía bắc và thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Trong đó, chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc chưa tiêm vắc xin đủ mũi.
Bộ Y tế cho rằng, tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất, “nếu trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì hiệu lực bảo vệ lên tới 95%”.
Tuy nhiên, những năm qua, tỷ lệ trẻ đi tiêm vắc xin sởi mới chỉ đạt từ 90-95%, trong đó tỷ lệ tiêm 2 mũi có nơi đạt 80 – 90%. Đặc biệt, các khu vực ở vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ thấp.
“Như vậy, sau khoảng 3 – 5 năm, số tích lũy trẻ không có miễn dịch tăng lên”, Bộ Y tế cho hay.
Bộ này cho biết thêm, đợt tăng số ca mắc bệnh sởi tại nước ta trong bối cảnh các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Philippines, Myanmar cũng tăng cao. Nhất là tại Trung Quốc, dịch sởi lan rộng trên phạm vi toàn quốc, lây lan sang các tỉnh biên giới nước ta.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm nay dịch sởi lây lan là do “tích lũy” từ năm trước
Một trong những giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra là tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi, nhằm sớm kiểm soát dứt điểm các ổ dịch. Đồng thời nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Video đang HOT
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói, năm nay tỷ lệ trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi không thấp, nhưng dịch sởi vẫn lây lan là do “tích lũy” từ năm trước. Miễn dịch cộng đồng không đủ nên xảy ra dịch”.
Bà Tiến cho biết, bà đi kiểm tra tại một số tỉnh được báo cáo về việc “tại sao tỷ lệ tiêm vắc xin thấp?”. Câu trả lời là cần xem xét lại “mô hình tiêm chủng”.
Theo bà, nên duy trì lại đội tiêm lưu động tại thôn bản, tại nhà để bảo đảm tiêm chủng với tỷ lệ cao. Nếu không, sau vài năm lại phải đối phó với dịch.
Bà Tiến nói: “Không chỉ làm thường xuyên tại trạm y tế mà quay lại thời kỳ trước, thời kỳ thành công nhất: Voi và ghe xuồng chở vắc xin đi vào các địa bàn xa, có nhiều kênh rạch”.
Bộ trưởng cũng đề nghị, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia tập trung vào các tỉnh biên giới, thành phố lớn, và các tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong mấy năm gần đây. Từ đó xem “phương thức tổ chức và nhân lực thế nào?” (Bộ trưởng lưu ý, liều lượng vắc xin luôn đủ).
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ý kiến của Bộ Y tế cho rằng, bệnh sởi xuất hiện không phải do năm nay tiêm chủng vắc xin sởi ít, mà do ảnh hưởng từ những năm trước.
Từ đó, Phó Thủ tướng cho rằng, phải lưu ý các loại vắc xin khác, bởi trong thời gian vừa qua vì nhiều lý do, tỷ lệ tiêm chúng ít đi. Ông nói: “Chưa thấy hậu quả ngay bây giờ, nhưng một số năm sau, có thể hậu quả rất lớn. Bệnh sởi ngày nay là minh chứng”.
“Đây là vấn đề đặt ra cho ngành y tế và cả hệ thống chính trị”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị ngày 23/2
Ông Đam nhắc lại, vừa qua, chúng ta đã đối phó với những sự cố đáng tiếc khi tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 (Năm 2013 có một số trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem – PV). Theo ông, phải rút kinh nghiệm từ việc tiêm, cấp cứu và thông tin trên báo chí. Bởi thông tin liên quan đến sức khỏe “đương nhiên người dân rất nghi ngại”.
Như Bộ Y tế cho biết, không thể có loại vắc xin nào tuyệt đối không “phản ứng”. Cũng không có ngành y tế nào lại không có sự cố liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Nhưng Phó Thủ tướng cho rằng, vấn đề là phải “giảm sự cố đến mức tối thiểu” và tăng trách nhiệm của tất cả các cấp.
Trở lại đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến về thời kỳ thành công nhất – voi và ghe xuồng đi chở vắc xin vào các địa bàn xa xôi, nhiều kênh rạch – ông Đam cho rằng, đưa việc tiêm vắc xin “len lỏi” xuống vùng sâu, vùng xa như ngày xưa là rất tốt. “Nhưng bây giờ khác ngày xưa”, ông Đam nói. Ví dụ, khi tiêm vắc xin đúng vào lúc trẻ mắc bệnh nào đó, dẫn đến phản ứng, trường hợp này nếu không có đội ứng cứu ngay, cẩn thận sẽ dẫn đến sự mất lòng tin của người dân.
Theo Khampha
BT Tiến: 3 trẻ tử vong do... người tiêm sai
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nguyên nhân 3 trẻ bị tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị hôm 20/7 do những người thực hiện tiêm chủng không làm đúng kỹ thuật.
Như tin đã đưa, ngày 20/7, tại Quảng Trị, 3 trẻ sơ sinh đã tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. Sau đó, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an để điều tra nguyên nhân sự việc.
Cũng trong thời gian này, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 2 cán bộ trực tiếp khám và xử trí cho 3 sản phụ cùng 3 trẻ sơ sinh. Ngày 10/10 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Trị đã quyết định khởi tố vụ án do vô ý làm 3 trẻ sơ sinh tử vong vì thực hành kỹ thuật tiêm chủng.
Trong chương trình "Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời" phát sóng trên VTV1 ngày 27/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời nguyên nhân dẫn đến 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin ở Quảng Trị.
Người nhà đau đớn trước cái chết của con em mình
Trước khi trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt lãnh đạo ngành Y tế Việt Nam gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đối với gia đình 3 trẻ sơ sinh đã tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại tỉnh Quảng Trị.
Theo Bộ trưởng, đây là một sự việc hi hữu, rất nghiêm trọng và chưa từng xảy ra trong lịch sử 25 năm tiêm chủng ở Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã cử ngay một đoàn công tác kết hợp với công an và y tế địa phương điều tra.
"Nguyên nhân không phải là do vắc xin mà do những người thực hiện tiêm chủng không làm đúng kỹ thuật tiêm chủng, dẫn đến tử vong cho các cháu", người đứng đầu ngành Y tế cho hay.
Bộ trưởng Tiến cho biết, bà mong các bà mẹ tiếp tục đưa con đến tiêm chủng vì tương lai của các cháu. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Kim Tiến gửi thông điệp đến các đồng nghiệp làm công tác tiêm chủng trên toàn quốc: "Chúng ta đã rất vất vả nhiều năm qua trong hoạt động bảo vệ, phòng bệnh và giảm tử vong cho hàng triệu trẻ em. Nhưng nếu chỉ một chút sơ xuất, có thể dẫn đến tử vong và những tai biến đáng tiếc cho các cháu. Vì vậy, mong các bạn hãy làm hết trách nhiệm, cố gắng cao nhất và đặt an toàn tiêm chủng cho các cháu lên trên hết".
Trước đó, ngày 26/10, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) lên tiếng trước thông tin đã có kết luận của cơ quan công an về vụ việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin tại QuảngTrị là do tiêm nhầm thuốc.
Theo Cục Y tế Dự phòng, hiện nay một số báo đưa thông tin đã có kết luận của cơ quan công an về vụ việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại Bệnh viện Hướng Hóa, QuảngTrị ngày 20/7 là do tiêm nhầm thuốc Oxytocxin.
Cục Y tế dự phòng cũng đã liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an tỉnh Quảng Trị. Cơ quan này cho biết, hiện chưa có kết luận chính thức về vấn đề này. Chỉ có trước đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính".
Như vậy, với thông tin từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trong chương trình "Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời" ngày 27/10, nguyên nhân 3 trẻ bị tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị hôm 20/7 là do những người thực hiện tiêm chủng không làm đúng kỹ thuật
Theo Khampha
Mẹ tìm được con sau 39 năm lưu lạc Sáng 22/2, bà Trần Thị Yến (87 tuổi) và người con gái là Võ Thị Bê (54 tuổi) đã đoàn tụ sau 39 năm lưu lạc. Bà Yến và con gái Võ Thị Bê đã đoàn tụ sau 39 năm lưu lạc Ngày 22/4/1975, đoàn chiếu phim màn ảnh rộng tổ chức phục vụ tại sân bãi thôn Thế Bình xã Nghĩa Hiệp,...