Bộ trưởng Tiến chia sẻ nỗi lòng về “tam giác giằng co”
Vấn đề trục lợi Quỹ BHYT nhận được sự quan tâm của nhiều Đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dù có đưa ra các giải pháp gì thì vấn đề này cũng khó cân bằng cả 3 bên: người dân – bệnh viện – cơ quan BHXH.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, Bộ Y tế đang đưa ra các giải pháp siết quá chặt về chi phí khám chữa bệnh và hình như hướng tới các chi phí giá rẻ, thuốc rẻ, trang thiết bị rẻ để tiết kiệm. Như vậy là đi ngược với định hướng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Có đại biểu cũng cho rằng, không nên chăm chăm siết chi BHYT. Hiện các bác sĩ rất bức xúc vì rất khó tập trung vào chuyên môn khi vừa khám chữa bệnh vừa phải dò xem kỹ thuật đó, thuốc đó có được BHYT chi trả hay không.
Bộ trưởng Bộ Y tế rất ngại ngần cho biết, đây là một tam giác giằng co giữa ba bên. Một là phía người dân luôn muốn đóng BHYT ở mức thấp nhất nhưng lại muốn được khám chữa bệnh đạt chất lượng tốt nhất, quyền lợi được mở rộng tối đa nhất, thuốc tốt nhất. Nhiều người dân đã được nhà nước hỗ trợ một phần rồi vẫn ngại đóng BHYT. Một “cạnh” khác là các bác sĩ luôn muốn thực hiện các chẩn đoán, xét nghiệm tốt nhất, thuốc tốt nhất, trang thiết bị hiện đại nhất… Còn cơ quan BHXH là nơi giữ Quỹ BHYT thì phải có các biện pháp để siết chi ở mức nhất định, đảm bảo không bị lạm chi.
Hệ thống giám định điện tử sẽ giúp phát hiện các “bất thường” trong khám chữa bệnh BHYT
“Tam giác này luôn bị giằng co từ bên nọ qua bên bia. Nếu chỉ chệch bên này một tí thì lại dẫn đến lạm dụng Quỹ BHYT, lạm dụng xét nghiệm, còn lệch sang bên kia thì lại bị kêu siết chi, quá tiết kiệm, quá hạn chế quyền lợi… Do đó, các bên luôn phải ngồi lại làm việc với nhau để đảm bảo cân bằng, bảo vệ quyền lợi cho người bệnh” – Bộ trưởng nói.
Về vấn đề lạm dụng Quỹ BHYT trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Minh – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, đúng như Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, hiện người bệnh đang được hưởng quyền lợi cao hơn mức đóng. Mỗi năm, BHYT chi trả hơn 150 triệu lượt khám chữa bệnh ở hơn 14000 cơ sở y tế.
Tuy nhiên, thời gian hiện nay tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT diễn ra khá nhiều. Nguyên nhân là do khi ta nâng giá dịch vụ y tế, dành tiền đó mua BHYT, khám chữa bệnh qua BHYT thì không ít các bệnh viện đã xuất hiện hiện tượng trục lợi Quỹ như kéo dài thời gian nằm viện. Hệ thống giám sát đã chỉ ra rằng, một kỹ thuật chỉ cần nằm viện 2 ngày nhưng nhiều bệnh viện, bệnh nhân nằm 5-7 ngày. Giường bệnh tuyến huyện thường ko sử dụng hết 100% công suất nhưng có tỉnh báo lên đến 200 – 300% công suất rất không bình thường.
Video đang HOT
Theo bà Minh, hiện tổng Quỹ BHYT là hơn 73.000 tỷ đồng nhưng dự toán thực tế năm nay sẽ chi khoảng 80.000 tỷ. Việc tăng 10% các chi phí khám chữa bệnh như vậy theo đánh giá của các chuyên gia là không bình thường. Do đó, nếu không có giải pháp tích cực để siết chặt quỹ BHYT thì trong thời gian tới, Quỹ sẽ “âm” 7.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Tiến cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các giải pháp để giảm tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT mà vẫn đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, vừa không “làm khó” các bệnh viện.
Bộ trưởng thừa nhận, qua kiểm tra, tình trạng trục lợi Quỹ BHYT ở một số cơ sở BHYT, lạm dụng xét nghiệm là có. Nếu phát hiện tình trạng trục lợi, ngành y tế sẽ xử lý nghiêm.
“Bộ sẽ ban hành thêm các phác đồ điều trị để các cơ sở y tế căn cứ vào đó để điều trị. Tăng cường phối hợp với BHXH để thực hiện hệ thống giám sát điện tử, phát hiện các dấu hiệu sai phạm. Ngoài ra, Bộ cũng đang nghiên cứu để tiến hành thay đổi phương thức chi trả. Hiện chúng ta đang thực hiện theo phương thức, khám bệnh chi hết bao nhiều tiền thì chi trả bấy nhiêu. Như vậy dễ dẫn đến tình trạng người bệnh “tranh thủ” đi khám bệnh dù không ốm, hoặc các bệnh viện kéo dài ngày giường, tăng xét nghiệm. Nhưng thời gian tới, nếu áp dụng phương thức chi trả theo định suất, cụ thể như quy định nội soi mổ ruột thừa 2 triệu thì dù nằm viện 2 ngày hay 7 ngày cũng chỉ trả 2 triệu. Hoặc phương thức chi trả theo nhóm ca bệnh (liên quan đến triệu chứng bệnh) cũng tương tự. Tuy nhiên, để thực hiện được phương thức chi trả này cần thời gian” – Bộ trưởng Tiến nói.
Theo Danviet
Bộ trưởng Tiến: Mình Bộ Y tế không quản được giá thuốc
Trong khoảng 1 giờ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhận được rất nhiều câu hỏi của các Đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề y tế cơ sở, giá thuốc, giá trang thiết bị y tế chênh lệch, trục lợi Quỹ BHYT
Các đại biểu chất vấn nhiều về chất lượng y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, khiến bệnh nhân dồn lên tuyến trên làm quá tải bệnh viện. Đồng thời, cũng có nơi đầu tư gây lãng phí vì không có bệnh nhân.
Bộ trưởng cho biết, y tế cơ sở của Việt Nam đã có nhiều thành tựu được quốc tế ghi nhận. Y tế cơ sở góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều mục tiêu thiên nhiên kỷ như giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng trẻ em... "Nhiều đại biểu quốc tế cho biết, muốn phát triển y tế cơ sở cần phải sang Việt Nam học hỏi" - Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đầu tư cho y tế cơ sở hiện đang có nhiều bất cập. Không cần phải đầu tư dàn trải theo tiêu chí Nông thôn mới, xã nào cũng cần trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Bộ Y tế xem xét để tập trung đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, cách xa các cơ sở y tế tuyến trên. Còn nơi nào có giao thông thuận lợi, người dân dễ đi khám ở huyện, tỉnh thì không cần đầu tư, mở rộng nhiều.
Bộ trưởng Tiến cho rằng: ""Một đồng đầu tư cho y tế dự phòng bằng 10 đồng cho công tác khám chữa bệnh"
Bộ trưởng cũng cho rằng, hiện nay ngân sách nhà nước đang chú trọng đầu tư vào khám chữa bệnh mà chưa đầu tư thích đáng cho y tế dự phòng. Trong khi đó, đầu tư cho y tế dự phòng sẽ giúp dân khoẻ mạnh, phát hiện bệnh sớm, điều này có thể làm giảm tài chính chi cho khám chữa bệnh. "Một đồng đầu tư cho y tế dự phòng bằng 10 đồng cho công tác khám chữa bệnh" - Bộ trưởng Tiến nói.
Hiện Bộ Y tế cũng đang triển khai Đề án Bác sĩ gia đình nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phát hiện bệnh sớm...
Các đại biểu cũng tập trung chất vấn nhiều vào giá thuốc ở Việt Nam còn cao, việc kê khai giá thuốc ở các cửa hàng chưa đồng nhất, chỗ cao chỗ thấp, việc bán thuốc không kê đơn còn tràn lan, đặc biệt là kháng sinh, góp phần làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh
Bộ trưởng Tiến nhận định rằng việc tình trạng bán thuốc không kê đơn như các đại biểu nêu là rất xác đáng. Lỗi là do bệnh nhân còn chủ quan với sức khoẻ, tự ý đi mua thuốc, còn nhân viên cửa hàng thuốc nhiều khi vẫn chưa tuân thủ đúng quy định bán thuốc có kê đơn.
Nhiệm kỳ tới, Bộ trưởng sẽ giao cho Cục Quản lý Dược nhân rộng mô hình xây dựng quầy thuốc đạt chuẩn và tăng cường thanh tra giám sát. Tuy nhiên, cả nước có hàng chục nghìn cửa hàng thuốc mà ngành y tế chỉ có hơn 300 thanh tra, nên việc thanh tra sát sao cũng khó khăn.
Vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ Y tế đã có nhiều văn bản quy định về việc đấu thầu thuốc; thành lập trung tâm mua sắm tập trung, lên danh mục thuốc đầu thầu tập trung... tiến tới dần dần điều chỉnh giá thuốc, giảm bớt các loại thuốc giá cao vào bệnh viện mà vẫn đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Bộ trưởng cho biết, theo quy định, giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện thì bằng với giá thuốc trong viện, còn các nhà thuốc bên ngoài thì tuân theo quy luật thị trường, tuy nhiên, đều phải niêm yết giá đầy đủ. Nếu cửa hành nào bán lẻ thuốc chênh lệch quá nhiều thì cán bộ thanh tra sẽ có kiểm tra, chấn chỉnh. Điều này phải phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương chứ mình Bộ Y tế không giải quyết hết được.
Về giá trang thiết bị y tế chênh lệch, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, vừa qua Kiểm toán Nhà nước kết luận nhiều thiết bị chưa hết khấu hao đã hỏng, đắp chiếu. Tuy nhiên, theo bà, một trong những lý do là công suất quá lớn kể cả ở tuyến tỉnh; một số máy đắp chiếu vì đang trong thời gian bảo hành, bảo trì...
Vẫn còn quá tải ở nhiều chuyên khoa như Ung bướu, Nhi, Tim mạch (Khám bệnh ở BV K T.Ư- Ảnh DL)
Về chênh lệch giá cao giữa các cơ sở y tế khi mua cùng một mặt hãng, bà Tiến lý giải "kiểm toán có quyền kết luận, tuy nhiên các cơ sở y tế không đồng thuận với kết luận này", vì trang thiết bị vật tư y tế rất đa dạng. Ví dụ, kim cánh bướm là kim nhỏ để luồn trong mao mạch nhỏ, thông thường Bệnh viện Việt Đức mua thì giá 6-7 nghìn đồng mỗi chiếc, trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy mua gấp 10 lần. Vấn đề ở chỗ cũng là kim cánh bướm, nhưng cái kim bệnh viện Chợ Rẫy mua là kim có khóa, có van, đầu vát để tránh đau cho bệnh nhân...; vì vậy giá chênh lệch nhau đã có thông tin báo cáo với cử tri.. chưa làm rõ nguyên nhân và nêu giải pháp.
Trả lời về tình trạng trục lợi Quỹ BHYT, Bộ trưởng Tiến cho biết ngành vừa tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát thì thấy có tình trạng lạm dụng từ 2 phía cơ quan y tế và người dân. Theo bà, do giá dịch vụ tăng, quyền lợi được hưởng của người đóng bảo hiểm y tế đã rộng hơn, và với chủ trương thông tuyến thì nhiều người đã lạm dụng. Có những người khám đến 20-30 lần trong thời gian ngắn, sáng đi khám, chiều lại tiếp từ bệnh viện này sang bệnh viện khác...
Với các cơ sở y tế, cơ chế tự chủ bên cạnh mặt tích cực cũng có hạn chế là lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm, dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thật cần thiết như vẫn yêu cầu nằm viện..., để tăng nguồn thu. Bộ sẽ làm quy trình quản lý khám chữa bệnh chặt chẽ hơn, kèm theo giám sát, cùng với Bảo hiểm xã hội có định mức trần chi, đổi mới mô hình tự chủ của cơ sở y tế; y tế các cơ sở y tế công nhận kết quả xét nghiệm của nhau.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục ngồi "ghế nóng".
Theo Danviet
Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn: Thừa nhận tình trạng tai biến y khoa Báo cáo tại buổi chất vấn của Quốc hội sáng 14.6, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, y tế còn nhiều vấn đề tồn tại như quá tải bệnh viện ở tuyến trên, tai biến y khoa vẫn rải rác xảy ra, kể cả bệnh viện tuyến trên hay tuyến dưới. Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến...