Bộ trưởng Thăng: “Không thể vừa không muốn mất tiền vừa muốn đi đường đẹp”
“Nếu chỉ ngồi chờ vào ngân sách thì mọi người đều biết, còn rất lâu nữa chúng ta mới dám mơ tới những con đường hiện đại. Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó”, Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội kỳ họp này phản ánh một băn khoăn của dư luận về việc nhiều dự án BOT giao thông “thả tay” thu phí, trạm thu phí mọc như nấm trên đường, phí chồng phí vì phí sử đụng đường bộ đã nộp mà vẫn phải mua vé mỗi lần qua trạm… Nhiều người còn cảnh báo, việc này đang đẩy chi phí sản xuất lên cao, làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước. Bộ trưởng có thể nói gì về việc này?
“Nếu chỉ ngồi chờ vào ngân sách thì mọi người đều biết, còn rất lâu nữa chúng ta mới dám mơ tới những con đường hiện đại. Hình thức BOT thực sự là một lối thoát lâu dài, bởi nó tận dụng được sức mạnh của toàn nền kinh tế. Không thể có chuyện vừa không muốn mất tiền, hoặc mất rất ít tiền, lại vừa muốn đi trên những con đường chất lượng cao. Tôi chưa thấy ở đâu đáp ứng được điều đó. Giàu có như Mỹ, châu Âu hay Singapore người ta cũng đang làm như vậy”.
Tôi chia sẻ với một bộ phận người dân về cách nhìn nhận như vậy trước việc ra đời của các trạm thu phí trên những con đường đầu tư theo hình thức BOT, nhưng rất ngạc nhiên khi một số người hiểu biết rõ bản chất của vấn đề cũng cứ để bị cuốn theo cách nhìn ấy. Chúng ta không nên chỉ nói theo cảm xúc nhất thời, mà cần phải bằng một lý trí rạch ròi và công bằng.
Tôi không tin việc thu phí tại các tuyến đường đầu tư theo hình thức BOT lại có thể làm tăng chi phí sản xuất (do chi phí vận tải tăng), so với việc lưu thông trên những con đường cũ kĩ chỉ phải đóng phí bảo trì thông thường. Bác bỏ lập luận này chỉ cần một phép tính đơn giản đến mức bất cứ ai cũng có thể tìm ra đáp số.
Ở đây tôi chỉ đưa ra một vài ví dụ mang tính chất tượng trưng. Chúng ta lấy ngay dự án BOT vừa mới hoàn thành là cầu Cổ Chiên để khảo sát. Nhờ dự án này đã rút ngắn được 70 km cung đường từ Trà Vinh lên TPHCM. Vì đường tốt, chạy tốc độ tối ưu nên sẽ tiết kiệm không chỉ xăng dầu, mà còn giảm chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa phương tiện, chi phí qua phà như trước đây. Đó là còn chưa tính đến những lợi ích không định lượng được như tiết kiệm thời gian, độ an toàn giao thông và sức khỏe của người vận hành phương tiện đảm bảo hơn.
Tôi mong người dân có một đánh giá toàn diện và khoa học hơn, bởi đây là lợi ích thiết thực của chính mình.
Còn nếu ai không muốn tin vào phép tính ấy, hoàn toàn có thể trực tiếp trải nghiệm trên những tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây… để so sánh với việc lưu thông trên những con đường quen thuộc. Tôi không muốn đưa ra những con số cụ thể nhưng chính dư luận đã làm điều đó trong cuộc Hội thảo đánh giá hiệu quả của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tại đây, cả doanh nghiệp vận tải và báo chí tham dự đều ghi nhận lợi ích từ việc thời gian lưu thông giảm được một nửa, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, trong khi chi phí thực tế giảm tới 30%.
Như vậy là trước câu hỏi những công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT làm tăng hay giảm chi phí sản xuất, tôi muốn mọi người hãy tự đưa ra câu trả lời.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bên hàng lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Video đang HOT
Không phủ nhận được sự thuận tiện mang lại từ mỗi con đường, mỗi cây cầu mới nhưng dư luận vẫn đặt vấn đề, đầu tư hạ tầng là việc của nhà nước và tiền đầu tư cũng là tiền thuế của người dân. Mỗi trạm thu phí mọc lên là một gánh nặng “đúp” thêm khi phí sử dụng đường bộ đã được thu trên đầu phương tiện?
Nếu toàn bộ hệ thống hạ tầng mà chúng ta đang có được đầu tư bằng tiền thuế của dân, thì còn gì phải bàn. Đương nhiên là sẽ không có trạm thu phí nào cả. Nhưng khi đầu tư bằng tiền huy động trong xã hội, tức là bắt đầu của câu chuyện kinh doanh lại khác. Mà đã là đầu tư kinh doanh thì việc thu hồi vốn là điều đương nhiên, tối thiểu. Bản chất của vấn đề là vậy.
Phí bảo trì đường bộ tính trên đầu phương tiện là dùng vào việc bảo trì những công trình giao thông được đầu tư bằng ngân sách. Hiện nay, nhu cầu duy tu, bảo trì các tuyến đường quốc lộ so với số tiền thu được vẫn còn thiếu một khoản khá lớn và Bộ Tài chính phải cấp bù từ ngân sách hàng năm. Còn các trạm thu phí BOT là để hoàn vốn (và tất nhiên là một phần lợi nhuận), được quy định trong một thời hạn cụ thể, mà doanh nghiệp đã bỏ ra để làm đường. Nếu ai cũng thấy điều đó thì đồng thời thấy ngay là không hề có chuyện “phí chồng phí”.
Thực tế có thể dễ dàng so sánh mức phí sử dụng đường bộ trên các tuyến đường nhà nước đầu tư dễ chịu hơn rất nhiều so với phí thu tại các trạm BOT. Nhà đầu tư đang được “nắm đằng chuôi”, để áp đặt mức thu phí trên các dự án kinh doanh của mình?
Nếu nói cho dễ hiểu thì phí giao thông là số tiền người sử dụng phương tiện bỏ ra để mua chất lượng dịch vụ lưu thông. Phải có cầu, có đường thì mới có thể đi lại. Chất lượng dịch vụ sẽ quyết định giá cả. Những con đường đầu tư bằng ngân sách, vì điều kiện nguồn lực eo hẹp, chưa thể đáp ứng được yêu cầu cao của người tham gia giao thông. Trong khi những con đường cao tốc đầu tư theo hình thức BOT đều vào loại hiện đại, chi phí đầu tư rất lớn. Đó là lý do có sự chênh lệch giữa hai mức phí.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư bỏ tiền, rất nhiều tiền ra thì có toàn quyền định ra mức thu phí. Họ vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà nước với vai trò quản lý và điều tiết. Trong quá trình trình lập và phê duyệt dự án BOT, Bộ GTVT đều có văn bản thỏa thuận với UBND tỉnh, các Bộ có liên quan về hình thức đầu tư dự án BOT, trong đó có vấn đề thu phí qua trạm. Khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, Bộ Tài chính ban hành thông tư thu phí áp dụng riêng cho từng trạm thu phí BOT (mỗi trạm thu phí có một thông tư riêng của Bộ Tài chính quy định chi tiết). Trên cơ sở thông tư của Bộ Tài chính, nhà đầu tư sẽ tổ chức thực hiện.
Vậy nên không có chuyện nhà đầu tư thả sức thu phí như mọi người nghĩ. Họ phải chịu sự giám sát chặt chẽ không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà còn của toàn xã hội. Chỉ riêng việc báo chí nhanh chóng tham gia vào vấn đề này đã đủ cho thấy điều đó không thể xảy ra. Với bất cứ công trình giao thông nào đều đã được công khai cách tính toán với đảm bảo rằng mức thu là hợp lý.
Những “ta thán” đó cũng từ cảm nhận thực tế trên đường đi, thưa Bộ trưởng. Đơn cử như Quốc lộ 1A hiện giờ rõ ràng dày đặc trạm thu phí, không đảm bảo quy định 2 trạm cách nhau tối thiểu 70 km?
Như tôi đã nói, việc đặt trạm thu phí, mức thu của từng trạm tương ứng với khoảng cách… hoàn toàn làm theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đó quy định đối với quốc lộ, trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km giữa các trạm thu phí trên cùng tuyến đường, thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT phải thống nhất ý kiến với UBND tỉnh và Bộ Tài chính để quyết định. Không doanh nghiệp nào dám tự ý đặt trạm mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Để xảy ra thắc mắc của một bộ phận dư luận có lẽ là một phần do lỗi của chúng tôi chưa thông tin đủ, kịp thời để xã hội ai cũng hiểu rõ bản chất của vấn đề. Tôi khẳng định, cho đến nay, không có doanh nghiệp BOT nào phạm luật trong việc thu phí.
Chúng tôi đang nỗ lực để tới đây có thể triển khai phương án thu phí tự động, không dừng. Khi đó sẽ không còn vấn đề khoảng cách các trạm bởi phí giao thông sẽ được tính trên từng km, việc lưu thông qua trạm thu phí trên sẽ nhanh hơn, giảm được thời gian dừng xe, giảm ùn tắc tại trạm thu phí, giảm chi phí tổ chức thu phí.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
P.Thảo
Theo dantri
Bộ trưởng Thăng: Không "nợ", không thất hứa với cử tri
Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết đã nghiêm túc trả lời, giải quyết, thực hiện các chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Theo báo cáo, từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13 đến nay, Bộ GTVT đã tiếp nhận và giải quyết tổng số 803 kiến nghị của cử tri. Người đứng đầu Bộ cũng cho biết đã tiếp thu 90 phiếu chất vấn của các đại biểu Quốc hội gửi đến từ khi nhận nhiệm vụ.
Với trách nhiệm trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thăng khẳng định lắng nghe với tinh thần cầu thị, khẩn trương triển khai thực hiện, kịp thời giải quyết và chỉ đạo giải quyết, có văn bản trả lời, giải trình, cung cấp thông tin xử lý. Tất cả phiếu chất vấn của các vị đại biểu đều đã được Bộ GTVT xử lý dứt điểm và có văn bản giải trình, cung cấp thông tin về kết quả xử lý đến các vị đại biểu Quốc hội.
Về trả lời kiến nghị cử tri, Bộ trưởng GTVT cũng cho biết, tất cả các kiến nghị cửi đến đều được tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu giải quyết và trả lời, cung cấp thông tin tới cử tri. "Đến nay, không có kiến nghị chưa được giải quyết hoặc ghi nhận sẽ giải quyết. Công tác giải quyết kiến nghị cử tri về cơ bản đã đáp ứng được sự mong mỏi, quan tâm của cử tri" - báo cáo của Bộ trưởng Thăng nêu rõ.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trả lời chất vấn tại Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 (tháng 11/ 2014).
Về việc thực hiện lời hứa sau chất vấn, những vấn đề cam kết giải quyết với Quốc hội, Bộ trưởng Thăng cho biết, đến nay một số việc đã hoàn thành theo đúng tiến độ như hoàn thành 2 hầm dân sinh tại Km 2 780 và Km 4 900 thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào trước 30/3/2015; tái khởi động lại dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào tháng 2/2015; tập trung chỉ đạo hoàn thành các dự án mở rộng QL1A vào cuối năm 2015, trong đó có một số đoạn đã hoàn thành đúng và vượt tiến độ như đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh, đoạn Phan Thiết - Đồng Nai, đoạn qua tỉnh Bình Thuận; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước 30/6/2015.
Báo cáo cụ thể về công tác quản lý đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh kết quả đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình. Năm 2014, có 76 công trình, dự án được hoàn thành đưa vào khai thác, vượt 31% so với kế hoạch; 61 công trình, dự án đã được khởi công, triển khai thi công mới, vượt 74% so với kế hoạch.
Các ví dụ được dẫn dảy đặc như dự án cầu Nhật Tân, đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga T2 Nội Bài, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường hành lang ven biển phía Nam... đã cán đích trước hạn. Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang, Bến Lức - Long Thành, Pháp Vân - Cầu Giẽ... là những dự án khởi công trước hạn...
Thông tin cập nhật nhất, đến hết tháng 4 năm nay, 29 công trình, dự án hoàn thành đúng và vượt tiến độ đưa vào khai thác, trong đó có nhiều dự án quan trọng đã kịp thời hoàn thành phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Xuân Ất Mùi 2015. 23 công trình dự án khác cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị, tổ chức khởi công như dự án cầu Bạch Đằng, sân bay Phan Thiết (Bình Thuận), mở rộng khu hàng không dân dụng của sân bay Phù Cát (Bình Định)...
Nói riêng về dự án đầu tư sân bay Long Thành, Bộ trưởng Thăng cho biết, sau kỳ họp cuối năm 2014, Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến theo hướng huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện. Giữa tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng GTVT đã báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến về việc quyết định đầu tư giai đoạn 1 dự án. Hồ sơ dự án đã được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc trong tuần tới.
Về việc huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư cầu, đường... Bộ trưởng cho biết, đến nay, đã huy động được khoảng 198.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách để đầu tư 71 dự án theo hình thức BOT. Trong đó, riêng năm 2014, huy động được 39.000 tỷ đồng/19 dự án còn 4 tháng đầu năm 2015 huy động được gần 20.000 tỷ đồng/6 dự án.
Báo cáo của Bộ trưởng GTVT cũng tập trung vào một nội dung thời sự mà vị tư lệnh ngành đã nhận nhiều chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội trong lần đăng đàn của ông Thăng tại kỳ họp gần đây nhất là vấn đề kiểm soát tải trọng phương tiện.
Thông tin từ báo cáo thể hiện, năm 2014, tỷ lệ xe quá tải đã giảm đáng kể, từ gần 50% trong những tháng đầu năm xuống còn khoảng 10% trong những tháng cuối năm.
Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 21/4/2015, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã kiểm tra gần 130.000 xe, xử lý 15.600 trường hợp vi phạm (chiếm tỷ lệ 11,43%). Nhiều địa phương đã thực hiện rất quyết liệt và đạt kết quả rất tốt.
Dù vậy, tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn còn xảy ra; vẫn còn dư luận về một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra, kiểm soát có biểu hiện thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định. Mục tiêu được Bộ GTVT đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản không còn phương tiện chở quá tải.
Về bài toán đầy thách thức - kiềm chế tai nạn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng khái quát, liên tục từ năm 2011 (năm đầu nhiệm kỳ) đến nay, tai nạn đã được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.
Tuy nhiên, tình hình TNGT nói chung vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT tại địa bàn nông thôn có xu hướng tăng. 2014 là năm đầu tiên sau nhiều năm số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 9.000 người.
Năm nay, chỉ tiêu tiếp tục kéo giảm 5-10% tai nạn mà Quốc hội đã giao trong nghị quyết về chất vấn sau kỳ họp thứ 8 sẽ là một thách thức lớn đối với Bộ Giao thông nói chung cũng như cá nhân Bộ trưởng Đinh La Thăng.
P.Thảo
Theo Dantri
Sân bay - chuyển nhượng thế nào? Sau tuyên bố chuyển nhượng đường cao tốc, Bộ GTVT đang xúc tiến chuyển nhượng quyền khai thác các nhà ga hàng không để lấy vốn xây dựng các sân bay mới, trước mắt là sân bay Long Thành. Vấn đề nhiều người quan tâm là việc bán loại hàng hóa lớn, chưa từng có tiền lệ này được thực hiện ra sao?...