Bộ trưởng Thăng “đáp lời” khi bị chê “làm việc vụn vặt”
Ngắn gọn nhưng dứt khoát, Bộ trưởng Thăng thẳng thắn nêu quan điểm về việc Bộ trưởng “nên ở nhà nhiều hơn chạy ra đường giải quyết vụ việc cụ thể”.
Xoay quanh vấn đề này, các Bộ trưởng đều có cùng một quan điểm: phải kết hợp cả 2 yếu tố.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Phải làm cả 2 việc”
Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội trước đó, đánh giá cao “tác phong” của Bộ trưởng Đinh La Thăng, song đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng góp ý rằng: Bộ trưởng Thăng nên ở nhà xây dựng một cơ chế để tự người ta làm hơn là ra đường giải quyết các việc cụ thể, vụn vặt.
Chiều 17/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ ngắn gọn với phóng viên về “góp ý” thẳng thắn của của đại biểu Cao Sĩ Kiêm.
Trước câu hỏi đặt ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt lại câu hỏi với PV: “Theo cậu thì phải làm thế nào?”.
Bộ trưởng cũng nói thêm: Góp ý của đại biểu Kiêm là gián tiếp trên báo chí, chứ không góp ý trực tiếp nên ông “không bình luận” và cho rằng việc đó hãy để cho người dân tự nhìn nhận đánh giá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng chia sẻ ngắn gọn: “Đã là Bộ trưởng thì phải làm cả 2 việc. Gần dân cũng là hoạch định chính sách và làm chính sách cũng là để gần dân”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Làm chính sách phải xuất phát từ thực tiễn!
Video đang HOT
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng chia sẻ về công việc của một tư lệnh ngành.
Bộ trưởng Dũng nói: Làm chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống. Chính sách ban hành ra, mục tiêu phải để phục vụ con người, phục vụ người dân, để cuộc sống của người dân hạnh phúc hơn, nhằm xây dựng một xã hội phát triển hài hòa, tiến bộ và công bằng… Chính sách được ban hành ra phải thực hiện được các mục tiêu như vậy.
Từ những chuyến đi thực tế, tôi có cảm xúc và nắm được thực tế hơn. Từ đó trên cơ sở thực tiễn của đất nước, điều kiện về các nguồn lực, con người để xây dựng chính sách cho phù hợp. Đã làm Bộ trưởng thì ai cũng phải đi thực tế.
Tùy theo tích lũy trong quá trình công tác, kinh nghiệm của những người đi trước, của các nước trên thế giới, cũng như kế thừa những thành tựu để làm ra một chính sách có sức sống, đáp ứng được yêu cầu phục vụ người dân, phục vụ phát triển. Nhưng chính sách đó phải phù hợp với khả năng nguồn lực thực tế của đất nước.
Không chỉ khi làm Bộ trưởng, mà ngay cả từ khi còn ở địa phương cá nhân tôi cũng phải đi thực tế và đưa ra những chấn chỉnh phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi rất khâm phục những người đi xuống thực địa
Vấn đề quản lý vĩ mô phải tập trung trí tuệ, tập trung suy nghĩ những vấn đến lớn mang tính chiến lược, mang tính chính sách. Tuy nhiên chính sách cũng không thể xa rời thực tiễn, nhất là những anh quản lý trực tiếp những việc hàng ngày diễn ra như giáo dục, y tế, giao thông… phải lăn lộn với sự kiện thực tế. Nếu kết hợp cả hai là tốt nhất.
Đương nhiên Bộ trưởng phải sử dụng bộ máy, phát huy hiệu quả nhất. Nếu bộ máy tinh nhuệ làm giúp cho mình, tham mưu cho mình đúng thì mình đỡ. Còn nếu bộ máy không hoàn toàn như vậy, có lúc đích thân Bộ trưởng phải ra trận mới đạt hiệu quả, tôi nghĩ như vậy cũng hoan nghênh.
Tôi rất khâm phục những người đi xuống thực địa nhiều mà người ta vẫn làm việc tốt. Có thể mình chưa tốt lắm nên mình ít ra trận mà phải tập trung nhiều vào vấn đề vĩ mô, lĩnh vực quản lý.
Đương nhiên càng ở tầm cao thì càng phải tập trung nhiều vào chiến lược của thể chế, vào chính sách vĩ mô, vào những vấn đề phát sinh đối nội, đối ngoại. Tuy nhiên, bộ máy chúng ta còn những vấn đề đang phải cải cách, trong đó có chức trách, nhiệm vụ nhiều khi chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền địa phương – trung ương chưa rõ.
Tới đây một loạt luật sẽ thông qua Quốc hội như thế nào, Chính phủ như thế nào, chính quyền địa phương như thế nào, tòa án, kiểm soát như thế nào… chắc là tinh thần Hiến pháp mới sẽ rõ thêm một bước. Như thế trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn, và như thế các nhà lãnh đạo càng cao thì càng có nhiều thời gian hơn tập trung vào vấn đề vĩ mô, đúng việc của mình.
Tôi nghĩ kinh nghiệm tốt đương nhiên mình học rồi. Lăn lộn giải quyết những vấn đề của dân thì tốt. Tôi hiểu rằng nhận nhiệm vụ lĩnh vực còn bừa bộn thì xông xáo là rất quan trọng. Trong công việc Bộ trưởng thường làm thay cho thứ trưởng nhiều lắm. Đó là điều tự mình gánh vất vả cho mình, do vậy theo tôi vẫn phải có sự kết hợp cả hai yếu tố.
Xin trân trọng cảm ơn các Bộ trưởng!
Theo Infonet
Rơi thép chết người: Tổng thầu phải chịu trách nhiệm chính
Tại cuộc họp chiều 7/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng không cho phép lùi tiến độ toàn dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sang năm 2016 như đề nghị của tổng thầu Trung Quốc. Bộ trưởng cũng chỉ rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc để thép rơi khi thi công khiến 1 người chết, 2 người bị thương sáng 6/11.
Có căn cứ sẽ khởi tố vụ án
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp liên quan đến tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chiều 7/11.
Tại cuộc họp, đại diện cho Tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc), ông Trương Kiến Huân, Giám đốc phụ trách dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho biết, sau khi vụ tai nạn xảy ra, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng để sơ cứu nạn nhân và giải quyết vụ việc.
Đại diện cho Tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc), ông Trương Kiến Huân, Giám đốc phụ trách dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thừa nhận trách nhiệm trong cuộc họp với Bộ GTVT
"Trong quá trình thi công dự án, chúng tôi đã áp dụng các biện pháp để bảo vệ an toàn lao động và an toàn giao thông cho người dân khi đi lại qua những khu vực dự án đang thi công. Vụ tai nạn xảy ra là một điều rất đáng tiếc. Ngay buổi tối cùng ngày, chúng tôi đã đi cùng với lãnh đạo Ban QLDA đường sắt đến nhà thăm hỏi và chia buồn với gia đình các nạn nhân"- ông Huân cho biết.
"Vậy trách nhiệm của tổng thầu trong vụ việc này như thế nào?"- Bộ trưởng Thăng truy vấn. Trả lời câu hỏi của Bộ trưởng, ông Huân thừa nhận: "An toàn và chất lượng của dự án là trách nhiệm của tổng thầu EPC...".
Tiếp đó, thừa nhận trách nhiệm của đơn vị trong vụ tai nạn, ông Tô Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Giám sát xây dựng (Viện Nghiên cứu xây dựng đường sắt Bắc Kinh), đơn vị tư vấn giám sát của dự án gửi lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân trong vụ tai nạn.
"Trách nhiệm của chúng tôi là giám sát đảm bảo chất lượng và an toàn của dự án trong quá trình thi công. Thế nhưng, khi vụ tai nạn xảy ra, không có một kỹ sư nào của chúng tôi có mặt để giám sát. Đây là một bài học rất đau xót. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc"- ông Tô Vân nhận lỗi.
Ông Tô Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Giám sát xây dựng (Viện Nghiên cứu xây dựng đường sắt Bắc Kinh) nhận khuyết điểm khi tai nạn xảy ra không có mặt tư vấn giám sát tại hiện trường
Sau khi nghe đại diện của hai đơn vị giải trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Trách nhiệm chính của nhà thầu và tư vấn giám sát là đảm bảo an toàn và chất lượng của dự án. Do đó, hai đơn vị này chịu trách nhiệm chính trong việc đền bù thiệt hại cho các gia đình nạn nhân và chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật về vụ tai nạn vừa xảy ra".
Đối với đơn vị thi công trực tiếp dẫn tới vụ tai nạn là Xí nghiệp Cầu 17 (Cienco1), Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo Cienco1 phải có hình thức kiểm điểm với những cá nhân liên quan của đơn vị này.
"Cuối năm 2015, dứt khoát phải đưa dự án vào khai thác"
Liên quan đến tình hình thực hiện dự án, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Q.Tổng Giám đốc Ban QLDA đường sắt cho biết, do chậm GPMB, Tổng thầu EPC đang đề nghị điều chỉnh tiến độ đến tháng 12/2015 hoàn thành toàn bộ phần xây lắp. "Từ ngày 31/12/2015, chúng tôi sẽ tiến hành cho chạy thử tàu trong thời gian 3 tháng"- ông Hùng nói.
Lý giải về việc dự án bị chậm tiến độ, ông Trương Kiến Huân viện dẫn lý do, quá trình xây dựng nhà ga Cát Linh kéo dài 14 - 16 tháng nên ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự án.
Bác bỏ lập luận trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chậm tiến độ của dự án là do năng lực của tổng thầu yếu kém về mọi mặt từ máy móc, thiết bị đến con người.
"Một nhà ga nhỏ như Cát Linh mà các ông thi công đến 16 tháng là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị, nhà ga này phải hoàn thành trong 8 tháng. Tôi yêu cầu tư vấn giám sát phải xây dựng tiến độ chi tiết cho dự án, dứt khoát 31/12/2015, dự án phải đưa vào khai thác thương mại chứ không phải chạy thử", Bộ trưởng kiên quyết.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng đề nghị UBND TP.Hà Nội chậm nhất 30/11/2014, hoàn thành giải phóng mặt bằng của dự án. Bên cạnh đó, Thành phố cần chỉ đạo lực lượng công an, thanh tra giao thông phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức bảo vệ thi công, đảm bảo an toàn trong thi công và lưu thông trên tuyến. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT để tổng kiểm tra lại các dự án giao thông trên địa bàn.
"Bộ GTVT đã giao Cục Quản lý xây dựng chất lượng công trình giao thông có chỉ thị trong phạm vi toàn quốc yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Bộ, Ban QLDA, các Sở GTVT có sự phối hợp để tổng thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ công tác đảm bảo ATGT trong công tác thi công"- Bộ trưởng nói.
Theo Đình Quang (Giaothongvantai.com.vn)
Bộ trưởng Thăng nên ở nhà hay "chạy ra đường"? Tôi vừa đọc ý kiến của đại biểu Cao Sĩ Kiêm với hai suy nghĩ trái ngược nhau mà thú thật là tôi cũng chưa biết nên như thế nào. Bốn ngày sau khi bị Bộ trưởng Đinh La Thăng ra lệnh hoàn thành hầm chui cho người dân đi lại, hôm 12/11 BQL dự án 85 đã đổ xong đường vào hầm...