Bộ trưởng Quốc phòng Israel điểm tên 7 mặt trận mà quân đội phải đối phó
Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho biết nước này đang tham gia vào cuộc chiến trên nhiều mặt trận khắp Trung Đông khi những dấu hiệu mới cho thấy cuộc chiến ở Dải Gaza leo thang nguy hiểm trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant trong cuộc họp báo ở Tel Aviv, ngày 9/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ The Guardian, phát biểu trước Quốc hội ngày 26/12, ông Yoav Gallant cho biết Israel đang bị tấn công từ 7 chiến trường: Gaza, Liban, Syria, Bờ Tây, Iraq, Yemen và Iran. Ông nói: “Chúng ta đã đáp trả và thực hiện hành động tại sáu chiến trường trong số này”.
Lực lượng đồng minh của Iran trên khắp Trung Đông đã tấn công các cơ sở quân sự của Israel và Mỹ trong khu vực kể từ khi Hamas tấn công miền Nam Israel vào ngày 7/10.
Bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Gallant được đưa ra khi cuộc chiến ở Gaza có nguy cơ tràn ra ngoài biên giới Israel và lãnh thổ Palestine.
Liên tiếp các vụ tấn công
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống thị trấn Tair Harfa, miền Nam Liban, ngày 2/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó cùng ngày, Ai Cập cho biết một máy bay không người lái đã bị bắn hạ gần thành phố nghỉ mát Dahab ở Biển Đỏ. Đây là vụ thứ hai xảy ra trong một tháng. Chưa rõ nguồn gốc của máy bay không người lái, nhưng nhóm Houthi ở Yemen đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu ở Biển Đỏ bằng các cuộc tấn công vào các tàu quốc tế, đồng thời phóng máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel.
Cuối ngày 26/12, Houthi đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công tên lửa vào tàu container United VIII ở Biển Đỏ và về vụ tấn công Israel bằng máy bay không người lái.
Công ty Vận tải Địa Trung Hải MSC cho biết thủy thủ đoàn trên tàu United VIII của mình không bị thương sau vụ tấn công xảy ra khi tàu đang trên đường từ Saudi Arabia đến Pakistan.
Người phát ngôn của lực lượng Houthi, Yahya Sarea, cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng nhóm này đã tấn công con tàu. Ông cũng nói lực lượng Houthi đã thực hiện một chiến dịch quân sự nhằm vào Eilat và các khu vực khác ở Israel.
Video đang HOT
Trước đó, ngày 23/12, Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên cáo buộc Iran về vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào tàu chở hóa chất ở Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, Israel đã không kích nhằm vào vị trí bên ngoài thủ đô Damascus của Syria, giết chết một tướng lĩnh cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran. Một tuyên bố của Iran trên truyền hình quốc gia cho biết Israel sẽ phải trả giá.
Còn tại Iraq, Mỹ đã ném bom ba địa điểm có liên quan đến Kata’ib Hezbollah, lực lượng mà Mỹ cáo buộc gây ra cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khiến 3 binh sĩ Mỹ đóng tại thành phố Erbil phía Bắc bị thương. Cuộc không kích đã bị chính phủ Iraq lên án gay gắt.
Cách xa Trung Đông, ở Ấn Độ, đã xảy ra một vụ nổ gần Đại sứ quán Israel ở New Delhi. Theo Bộ Ngoại giao Israel ngày 26/12, giới chức Ấn Độ và Israel đang điều tra nguyên nhân vụ nổ và không có ai bị thương.
Ngoài ra, Israel và nhóm Hezbollah ở Liban đã giao tranh bằng tên lửa, không kích và pháo kích qua biên giới gần như hàng ngày kể từ ngày 7/10. Khoảng 150 người ở Liban đã thiệt mạng, trong đó có 17 thường dân và 11 người ở Israel.
Còn ở hậu trường, Mỹ đang dẫn đầu các cuộc đàm phán căng thẳng nhằm cố gắng giảm leo thang tình trạng thù địch trên Đường Xanh ngăn cách hai nước Liban và Israel – nơi có nguy cơ cao nhất xảy ra tính toán sai lầm gây ra chiến tranh khu vực.
Tuyên bố của Israel
Hiện trường đổ nát tại một trường học sau vụ oanh tạc của Israel xuống Beit Lahia, Dải Gaza ngày 26/12/2023. Ảnh: AA/TTXVN
Bất chấp phản đối kịch liệt của quốc tế về thảm họa nhân đạo ở Gaza, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel sẽ tiếp tục nỗ lực cho đến khi đạt được chiến thắng hoàn toàn trước Hamas. Ông nhắc lại trong chuyến thăm binh sĩ Israel ở Gaza ngày 25/12 rằng cuộc chiến chưa kết thúc. Ông nói: “Chúng ta không dừng lại. Cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi kết thúc, cho đến khi chúng ta kết liễu họ”.
Israel cho biết họ làm những gì có thể để bảo vệ dân thường và đổ lỗi cho Hamas vì đã sử dụng người dân Gaza làm lá chắn sống – một cáo buộc mà nhóm này phủ nhận.
Chiều 26/12, quân đội Israel đã phát thông báo cho người dân ở các trại tị nạn Bureij, Nuseirat và Maghazi ở miền Trung Gaza rời đi, mặc dù trước đó đã chỉ định các trại này là khu vực sơ tán. Điều này có nghĩa là dân thường Gaza đang bị buộc phải tìm nơi trú ẩn ở những khu vực ngày càng nhỏ hơn.
Văn phòng nhân quyền của Liên hợp quốc nói trong một tuyên bố: “Chúng tôi thực sự lo ngại về việc lực lượng Israel tiếp tục bắn phá miền Trung Gaza, khiến trên 100 người Palestine thiệt mạng kể từ đêm Giáng sinh”.
Gaza và Bờ Tây là nơi có 68 trại tị nạn, hầu hết được thành lập để làm nơi ở cho những người Palestine rời bỏ nhà cửa sau khi thành lập Israel vào năm 1948. Ngày nay, các trại này quá đông đúc và nghèo đói, có rất ít dịch vụ.
Giao tranh ở Gaza đã gia tăng kể từ khi lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày kết thúc vào đầu tháng 12. Ngày 26/12, lực lượng Israel tiếp tục bắn phá các trại tị nạn ở trung tâm Gaza trong ngày thứ tư liên tiếp. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Israel sẽ thực hiện tuyên bố mở rộng cuộc tấn công.
Chiều 26/12, cơ quan y tế Gaza do Hamas kiểm soát thông báo tổng cộng 241 người đã thiệt mạng và 382 người bị thương trong 24 giờ qua.
Giao tranh ở nửa phía Bắc của Gaza cũng có vẻ khốc liệt, bất chấp đánh giá từ tham mưu trưởng quân đội Israel cuối tuần qua rằng Israel gần như đã kiểm soát toàn bộ hoạt động ở Thành phố Gaza.
Ước tính mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy khoảng 1/4 dân số Gaza đang đói ăn, trong khi chỉ có 9 trong số 36 bệnh viện trên lãnh thổ này đang hoạt động. Các bác sĩ đã quá tải với những người bị thương và thiếu nguồn cung cấp y tế cơ bản.
Về viện trợ, kể từ giữa tháng 12, hàng viện trợ đến Gaza đã gia tăng – khoảng 200 xe tải mỗi ngày, nhưng các cơ quan viện trợ cho biết đây vẫn chỉ là một phần nhỏ so với những gì người dân cần để đối phó với mùa đông. Ngoài ra, họ rất khó phân phối viện trợ vì tình hình dịch bệnh và giao tranh. Trước khi xung đột nổ ra, mỗi ngày có khoảng 500 xe chở hàng hóa và viện trợ vào lãnh thổ Gaza.
Các đường dây điện thoại và internet dường như đã bị chặn vào chiều 26/12, khi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chính của Gaza là PalTel thông báo xảy ra gián đoạn hoàn toàn dịch vụ. Những lần gián đoạn như vậy thường xuyên xảy ra, đặc biệt là trước các hoạt động lớn trên bộ của Israel.
Trong khi đó, các nhóm của Hamas sử dụng các thiết bị nổ tự chế, phục kích và mạng lưới đường hầm rộng khắp đã gây tổn thất đáng kể cho Lực lượng Phòng vệ Israel trong những ngày gần đây, nâng tổng số binh sĩ Israel thiệt mạng lên 156 người.
Đề xuất ngừng bắn do Ai Cập, nước trung gian hòa giải chính giữa Israel và Hamas đưa ra, đã bị cả hai bên từ chối vào tối 25/12. Các cuộc đàm phán do Qatar làm trung gian dường như cũng đã bị đình trệ.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel chặn 6 rocket phóng từ Liban
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) đã chặn 6 rocket phóng từ Liban vào khu vực Yiftah ở miền Bắc Israel.
Khói lửa bốc lên sau vụ pháo kích ở làng Aita al-Shaab, miền Nam Liban ngày 8/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ The Times of Israel ngày 20/12, IDF cho biết ngay sau đó, một chiếc máy bay đã tấn công bệ phóng thực hiện vụ phóng rocket.
IDF thông báo thêm rằng lực lượng này đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào một địa điểm của phong trào Hezbollah ở miền Nam Lebanon để đáp trả.
Hai binh sĩ dự bị Israel đã bị thương trong một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào đồn quân đội gần cộng đồng phía Bắc Malkia vào sáng sớm 20/12.
Trước đó, IDF đã nối lại các vụ tấn công mới nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở Liban sau khi phong trào này pháo kích vào khu vực biên giới phía Bắc của Israel.
Cụ thể, một xe tăng của Israel đã tấn công vào các vị trí phóng hỏa lực ở Liban. Một máy bay chiến đấu và trực thăng của IDF cũng đã tấn công cơ sở hạ tầng và một khu quân sự của Hezbollah ở Liban.
Các động thái của Israel diễn ra sau khi Hezbollah tuyên bố đã tấn công một loạt các mục tiêu quân sự của Israel dọc theo biên giới, gồm một doanh trại quân đội, một trung tâm chỉ huy và cột ăng ten gắn thiết bị giám sát của nước này.
Trong khi đó, chỉ huy trưởng Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL), ông Aroldo Lazaro ngày 18/12 cảnh báo các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah đang đẩy biên giới Israel - Liban vào tình trạng nguy hiểm.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Beirut, ông Lazaro nêu rõ: "Như mọi người đều biết, tình hình hiện nay rất căng thẳng, khó khăn và nguy hiểm. Chúng tôi đang cố gắng duy trì vai trò trung gian và phối hợp nhằm tránh xảy ra tính toán sai, hiểu lầm có thể dẫn đến leo thang mới". Theo ông Lazaro, phía Hezbollah sử dụng các tên lửa tầm xa, trong khi Israel điều máy bay tấn công xâm phạm không phận của Liban. Giao tranh giữa hai bên có liên quan với các diễn biến tại chiến trường Dải Gaza giữa IDF và phong trào Hamas.
Các cuộc giao tranh qua biên giới giữa Israel và Hezbollah - phong trào đang nắm quyền lực tại Liban, diễn ra từ ngày 8/10 khiến 130 người thiệt mạng, trong đó hầu hết là các tay súng Hezbollah, nhưng cũng bao gồm một binh sĩ và 17 dân thường Liban. Về phía Israel, đã có 4 dân thường và 7 binh sĩ thiệt mạng. Liên hợp quốc thành lập UNIFIL vào năm 1978 nhằm giám sát việc Israel rút quân khỏi lãnh thổ Liban.
Tình hình ở biên giới Israel - Liban cũng khiến các bên lo ngại. Ngày 17/12, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna kêu gọi tất cả các bên bao gồm cả Israel giảm căng thẳng ở biên giới với Liban đầy biến động. Trong chuyến thăm căn cứ quân sự Shura ở miền Trung Israel, bà Colonna nói: "Nguy cơ leo thang vẫn còn... và nếu mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát, tôi nghĩ không bên nào sẽ được hưởng lợi, và tôi cũng đã nói điều này với Israel. Lời kêu gọi thận trọng và giảm leo thang này áp dụng cho tất cả các bên".
Việc Hamas chiêu mộ ở Liban ảnh hưởng thế nào tới Hezbollah? Khi lực lượng Hamas quảng bá chiêu mộ tại Liban ngày 4/12, một số chính khách nước này đã bày tỏ phản đối, cáo buộc Hamas vi phạm chủ quyền Liban. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng việc tuyển dụng này trên thực tế phục vụ lợi ích của Hezbollah. Một ngôi nhà bị phá hủy sau vụ oanh tạc của...