Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tất cả các cụm thi đều bình đẳng, nghiêm túc
Trao đổi với báo chí trước kỳ thi THPT quốc gia 2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của bộ rất khách quan nên không có chuyện những cụm do Sở tổ chức thì “nhẹ tay” mà những cụm do trường ĐH tổ chức thì “chặt tay”. Tất cả đều phải bình đẳng và nghiêm túc”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Thưa Bộ Trưởng, chỉ còn vài ngày nữa tới kỳ thi THPT quốc gia 2016, Bộ trưởng có lưu ý gì?
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, các địa phương, các trường ĐH được phân công chuẩn bị kỹ thực hiện theo quy chế thi đã ban hành. Theo báo cáo của các hội đồng thi, ban chỉ đạo thi ở địa phương đã chuẩn bị rất chu đáo.
Tuy nhiên, công tác phối hợp để giải quyết các tình huống phát sinh là luôn luôn cần thiết. Tôi đã chỉ đạo các thành viên trong ban chỉ đạo thi quốc gia hết sức cụ thể. Thậm chí danh sách trong ban chỉ đạo thi, điểm thi cũng phải có điện thoại để trong trường hợp cần thiết phải gọi điện ngay. Đấy chỉ là một trong những chi tiết rất nhỏ.
Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện các thiết bị rất tinh vi, một số thí sinh có những chiêu trò rất đặc biệt. Vì thế chúng tôi cũng lưu ý các cụm thi, điểm thi cần lưu ý tính minh bạch công bằng trong kỳ thi vì vậy công tác an ninh trong kỳ thi cần được hết sức quan tâm. Đồng thời, các Hội đồng thi phải chú ý tới trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của giám thị. Cần tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ này.
Điểm nữa cần lưu ý là những địa bàn gặp khó khăn do thiên tai hạn hán, các địa phương cần chuẩn bị kỹ các giải pháp để đối phó. Tôi đã đến trực tiếp Hà Tĩnh để kiểm tra công tác chuẩn bị thi và cùng địa phương đưa ra các phương án xử lý tình huống.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cụm thi chủ động cung cấp thông tin cho giới truyền thông về diễn biến kỳ thi.
Năm nay kỳ thi có sự vào cuộc đồng bộ rất tích cực của lãnh đạo địa phương và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để cùng với Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi nghiêm túc an toàn, cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho phụ huynh và học sinh.
Bộ trưởng vừa nói tới tính công bằng trong kỳ thi. Vậy, Bộ chỉ đạo như thế nào để đảm bảo sự công bằng giữa các cụm thi ?
Nhận thức được vấn đề đảm bảo công bằng trong coi thi, chấm thi, xử lý các tình huống trong đề thi… Bộ đã chỉ đạo các trường ĐH, địa phương không được phân biệt giữa cụm thi do Sở GD&ĐT tổ chức và cụm thi do trường đại học tổ chức.
Đối với những cụm thi do Sở GD&ĐT, trường đại học lần đầu tiên tổ chức, bộ yêu cầu phải tăng cường cán bộ hỗ trợ trong quá trình tổ chức thi.
Quan điểm chỉ đạo của bộ phải khách quan nghiêm túc như nhau nên không có chuyện những cụm do Sở tổ chức thì “nhẹ tay” mà những cụm do trường ĐH tổ chức thì “chặt tay”. Tất cả đều phải bình đẳng và nghiêm túc.
Còn đối với việc chấm thi, năm nay phổ biến rất rõ, trách nhiệm về kinh phí của Hội đồng coi thi và địa phương thực hiện hỗ trợ giám thị coi thi. Tránh tình trạng quy trách nhiệm không rõ ràng dẫn đến giám thị không được hài lòng trong quá trình điều động chấm thi.
Tuy nhiên, trong quá trình chấm thi, các cán bộ chấm thi cũng phải có trách nhiệm kiểm tra chéo, tránh tình trạng tự trong nội bộ nhẹ tay, nể nang “trường tôi, trường anh”.
Để đảm bảo chấm thi khách quan, công bằng, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo barem chấm thi chấm lẻ đến 0,25 điểm.
Đồng thời, đưa phần mềm chấm thi làm tròn đến hai chữ số, giúp giáo viên chấm thi những môn khoa học xã đều hiểu như nhau về mức điểm, thang điểm. Đó là giải pháp nhằm đảm bảo tính chính xác công bằng cho thí sinh chứ không phân biệt các thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH hay thí sinh chỉ xét tốt nghiệp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại cụm thi Hà Tĩnh
Năm nay số cụm thi tăng lên, dư luận lo ngại không đủ giáo viên chấm thi, hơn nữa, trình độ giáo viên sẽ có sự khác biệt dẫn tới chấm lỏng chấm chặt?
Video đang HOT
Không có chuyện đó, như tôi đã nói ban đầu. Trong các cụm thi và các địa bàn thi đã tăng cường giáo viên chứ không có chuyện khoán trắng cho địa phương và các trường.
Thậm chí có từng địa phương chúng tôi đã phải tính tới việc đổi giáo viên chấm chéo. Do vậy khắc phục được tình trạng chấm chặt, chấm lỏng. Tất cả những vấn đề trên Bộ đã tính toán. Tuy giáo viên ở các cụm có vất vả nhưng phải làm vậy để đảm bảo tính khách quan.
Đây là năm đầu tiên các địa phương đều có cụm thi. Thí sinh giảm đi lại nhưng cán bộ lại di chuyển nhiều. Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn, khách quan đối với cán bộ coi thi khi về chính những địa phương đó?
Chúng tôi cũng đã lường những tình huống này, công tác di chuyển của cán bộ coi thi đã được quán triệt, tăng cường và hỗ trợ từ địa điểm các thầy cô ở các trường ĐH đến các điểm thi.
Đặc biệt các địa phương đã có chỉ thị với các Sở GTVT phải hỗ trợ việc đi lại cho thầy cô thí sinh. Ngoài ra, còn chỉ đạo các Sở Công an có kế hoạch phương án bảo đảm an toàn cho giám thị trong quá trình tổ chức thi tại địa phương.
Trong quá trình vận chuyển mang bài thi về cơ sở chấm cũng có sự bảo đảm an toàn của công an các địa phương.
Đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia với 2 mục đích để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Vậy, trong đề thi có phân biệt phần nào chỉ dành xét tốt nghiệp và phần nào dành để xét tuyển vào ĐH?
Đề thi có sự phân hóa, từ cơ bản đến khó, đến rất khó. Việc xét tuyển hoặc xét tốt nghiệp phụ thuộc vào bảng điểm. Ví dụ, quy định bài thi 10 điểm, thí sinh chỉ đạt yêu cầu 5 điểm là đỗ tốt nghiệp. Còn trên 5 điểm tùy theo từng trường đại học quy định điểm xét tuyển.
Về nguyên tắc, đề thi năm nay có sự phân hóa rất rõ, đảm bảo những học sinh chỉ học những kiến thức cơ bản là sẽ đỗ tốt nghiệp. Còn những thí sinh muốn xét tuyển đại học thì khác. Hạn chế trường hợp có những thí sinh điểm rất cao nhưng không đỗ đại học.
Với những thí sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa và ở những vùng được coi là điểm nóng của những năm trước, Bộ tăng cuờng giám sát như thế nào?
Trước hết, tôi đã chỉ đạo các đồng chí thứ trưởng trực tiếp đi các vùng sâu, vùng xa, không chỉ kiểm tra điều kiện thi mà còn xem các địa phương còn gặp khó khăn gì để hỗ trợ bởi năm nay tỉnh nào cũng có cụm thi. Qua kiểm tra, báo cáo thấy các cụm thi do Sở phụ trách đều đủ điều kiện.
Còn ở các cụm thi ĐH đều tổ chức ở các thành phố nên có thuận lợi là thí sinh ít phải di chuyển, tránh tốn kém cho gia đình.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại cụm thi Hải Phòng
Chỉ còn vài ngày nữa đến kỳ thi, Bộ trưởng có chia sẻ gì với thí sinh?
Bao giờ trước khi thi cũng hồi hộp nhưng các thí sinh cứ bình tĩnh vì đây là dịp để kiểm tra kiến thức. Những học sinh nắm vững kiến thức cơ bản đều đỗ tốt nghiệp.
Năm nay số thí sinh có nhu cầu vào ĐH, CĐ giảm hơn so với năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu chỉ tiêu của các trường ĐH vẫn còn cao cho nên các thí sinh không phải quá lo lắng về việc đỗ hay trượt mà cứ tự tin, bình tĩnh nhưng phải hết sức là nghiêm túc trong thi.
Thí sinh nào mà cứ nghĩ đến các “chiêu trò” thuờng xác suất rủi ro là sẽ trượt hoặc là bị hình phạt không hay sẽ ảnh huởng đến uy tín.
Bộ trưởng đặt kỳ vọng gì ở kỳ thi này?
Việc tham gia kỳ thi này là trách nhiệm, công việc của ngành giáo dục. Thi cử không phải là cái gì đó quá mới nên chúng tôi không đặt vấn đề kỳ vọng mà đây là trách nhiệm, yêu cầu phải đảm bảo được đúng quy chế của kỳ thi: An toàn – nghiêm túc – công bằng.
Theo báo cáo hiện nay cùng với tình hình thực tế tại các địa phương mà tôi đi kiểm tra thấy mọi người rất tự tin và bản thân các thí sinh tôi có dịp gặp cũng rất tự tin.
Chúng ta phải coi việc thi cử này là nhẹ nhàng chứ không phải cái gì đó quá ghê gớm và tôi nghĩ mọi việc sẽ tốt đẹp!.
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Hồng Hạnh ( ghi)
Theo Dantri
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đổi mới giáo dục không thể vội vàng
"Đổi mới giáo dục không thể làm vội vàng, phải làm bài bản, có lộ trình nhưng phải quyết liệt, mạnh dạn thay đổi những tư duy, cách làm không còn phù hợp để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 24/6.
Nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, chiều ngày 24/6, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành Hà Tĩnh.
Báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. GRDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 38,9 triệu đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh báo cáo kết quả đạt được của Hà Tĩnh trong những năm vừa qua
Đến nay toàn tỉnh có 2 khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút 446 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký trên 49.7000 tỷ đồng và 21 tỷ USD.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, năm 2015 đạt hơn 12.121 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2016 thu đạt 3.650 tỷ đồng.
Về vấn đề giáo dục và đào tạo, năm 2013 Hà Tĩnh đã đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Năm 2015 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 2. Là một trong năm tỉnh có số tiêu chí thi đua dẫn đầu nhiều nhất, tốp 10 tỉnh có tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia cao nhất. Nhiều năm liền được Bộ GD&ĐT tặng cờ đơn vị tiêu biểu xuất sắc.
Hà Tĩnh cũng đã triển khai việc quy hoạch lại mạng lưới trường mầm non và phổ thông theo hướng mỗi xã có 1 trường MN công lập, 1 trường TH công lập, đối với THCS thì theo hướng liên xã. Cụ thể có 267 trường Mầm non, trong đó có 164 trường đạt chuẩn; về giáo dục phổ thông có 504 trường, trong đó có 397 trường đạt chuẩn....
Tuy nhiên, ngành Giáo dục Hà Tĩnh cũng đang gặp nhiều khó khăn nhất là về cơ sở vật chất. Hiện nay Hà Tĩnh đang còn thiếu hơn 1000 phòng học, hơn 500 phòng chuyên môn, hơn 600 phòng chức năng...
Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo vẫn còn nhiều bất cập về số lượng, cơ cấu, bố trí không đều. Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng, miền, các cấp học, ngành học. Công tác quản lý còn bất cập nhất là trong phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đưa ra những giải pháp sắp tới như tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đổi mới trong ngành, áp dụng mô hình mới của Việt Nam tại tất cả các trường. Quy hoạch, phân luồng trong giáo dục. Đồng thời huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh.
Tại buổi làm việc chiều nay, Bộ trưởng cũng đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các ngành chức năng Hà Tĩnh:
Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nêu quan điểm: Vấn đề của ngành Giáo dục Hà Tĩnh lúc này cần quan tâm đó là nguồn nhân lực.
Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng: "Vấn đề của ngành Giáo dục Hà Tĩnh lúc này cần quan tâm đó là nguồn nhân lực. Phải tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng từ lãnh đạo, trước hết phải đào tạo, bồi dưỡng từ người hiệu trưởng rồi mới đến giáo viên".
Còn PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết, nhà trường sẽ tập trung vào những lĩnh vực địa phương có nhiều nhu cầu như nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho Khu Kinh tế Vũng Áng.
PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh: Cần chú trọng ngoại ngữ và công nghệ thông tin
"Đào tạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin là việc làm cấp bách, có yếu tố quyết định đến sự hội nhập cũng như sự phát triển của trường cũng như tỉnh nhà. Nếu không 5 năm, 10 năm sau các nước Thái Lan, Singapore... sẽ nhảy sang cạnh tranh với ta", ông Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.
PGS.TS. Đăng Minh Ât, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Đức thẳng thắn chia sẻ quan điểm là hiện nay số lượng học đại học quá nhiều, trong khi học nghề lại còn quá ít: "Hiện nay nếu xã hội có đến 80% học Đại học, còn Trung cấp nghề chỉ 15 -20% thì nên kinh tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề thứ 2 là trường đại học mở ra quá nhiều, nên quan tâm đến chất lượng, bây giờ người dân vào học đại học quá dễ, có nhiều địa phương có đến 90% con em đi học đại học".
PGS.TS. Đăng Minh Ât, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Đứ: Hiện nay số lượng học đại học quá nhiều, trong khi học nghề lại còn quá ít
"Học nghề thì sau khi ra trường có đến 90% học viên xin được việc làm, còn học đại học ra thì thất nghiệp rất nhiều. Ở các nước trên thế giới, công tác đào tạo nghề có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, còn ở ta thì công tác đào tạo là của nhà trường, doanh nghiệp đang đứng ở ngoài và hưởng lợi".
Tại buổi làm việc, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ cũng đã nêu lên những thực trạng, tồn tại trong ngành giáo dục tỉnh nhà. Cụ thể là hiện nay thực trạng nhu cầu lao động gắn với nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; công tác phân luồng vẫn còn lúng túng, mô hình tổ chức giáo dục chưa được đa dạng, nên chăng thay thế việc đào tạo mới đội ngũ giáo viên bằng việc đào tạo lại để hạn chế tình trạng thừa giáo viên.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ ra là hiện nay Hà Tĩnh đang dư thừa hơn 1.000 giáo viên nhưng Trường Đại học Hà Tĩnh vẫn tiếp tục đào tạo sư phạm. Vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị xem xét có thể sẽ dừng đào tạo những mã ngành đang thừa giáo viên.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận những kết quả mà ngành giáo dục Hà Tĩnh đã đạt được. Đồng thời ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các ngành chức năng về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: "Đổi mới giáo dục không thể như đánh du kích".
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận vào các vấn đề của giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Tỉnh cần mạnh dạn đổi mới, khắc phục những hạn chế, yếu kém để tiến tới sự phát triển vững chắc và thực chất hơn. Đổi mới giáo dục không thể làm vội vàng, phải làm bài bản, có lộ trình nhưng phải quyết liệt, mạnh dạn thay đổi những tư duy, cách làm không còn phù hợp để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực".
"Trước nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh nói riêng, khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, Trường ĐH Hà Tĩnh cần rà soát, sắp xếp lại các ngành, chuyên ngành đào tạo, cương quyết cắt giảm các ngành dư thừa, không gắn với nhu cầu thực tiễn. Nhà trường cần quan tâm tới các ngành mới như kinh tế biển, quản lý môi trường... để giải quyết các vấn đề đang đặt ra đối với Tỉnh. Đồng thời cần liên kết với các trường đại học trong khu vực để tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ đào tạo của nước bạn. Bộ trưởng cho rằng: Không nên đào tạo thạc sĩ quá nhiều và không nhất thiết thu hút các trường đại học lớn của Việt Nam vào đây. Nếu nhà trường không kiểm soát thì sẽ trở thành trung tâm đào tạo từ xa của các trường".
"Về vấn đề quy hoạch, Hà Tĩnh phải có hướng đi cụ thể phù hợp với điều kiện của Tỉnh, gắn kết chặt chẽ giữa nhu cầu đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động. Vấn đề phân luồng đào tạo đang thu hút được sự quan tâm của xã hội. Quan điểm của Bộ là đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở để học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở có thể có định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Việc quản lý giáo dục nghề nghiệp cần thống nhất trong cả nước, thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân để đảm bảo hiệu quả cao hơn.", Bộ trưởng chỉ rõ.
Về các giải pháp nhằm giúp Hà Tĩnh nâng cao chất lượng giáo viên, đào tạo lại đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết Bộ sẽ rà soát, xem xét để có hướng dẫn chung, đồng thời sẽ dừng mở những mã ngành thừa giáo viên.
Trước hiện tượng thừa số lượng giáo viên nhưng chất lượng vẫn chưa đáp ứng, Bộ trưởng Nhạ gợi ý "Các trường công lập không nên mở rộng thêm biên chế mà thực hiện theo cơ chế hợp đồng. Số đang biên chế tới đây sẽ áp dụng chuẩn giáo viên để đánh giá, phân loại, có lộ trình phù hợp để tinh giản những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu. Cần tuyển mới những giáo viên có trình độ tốt, phù hợp với yêu cầu đổi mới, như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh, tránh tình trạng đã vào được là ở mãi".
Về vấn đề học phí, Bộ trưởng đề nghị "tính đúng, tính đủ" học phí. Bộ trưởng nhấn mạnh: "giá học phí phù hợp với chất lượng, tức là đã có chủ trương, Hà Tĩnh chủ động thực hiện cho phù hợp mà thôi".
Với các trường đại học và cao đẳng chuyên nghiệp, cơ cấu ngành đào tạo cần bám sát nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là các nhu cầu của các doanh nghiệp trong khu kinh tế Vũng Áng, tăng cường phối hợp với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ trưởng cũng đánh giá cao mô hình thí điểm dạy trung cấp nghề cho học sinh THPT của tỉnh Hà Tĩnh. Bộ trưởng đề nghị Tỉnh cần đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo nghề.
Xuân Sinh
Theo Dantri
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Kiểm tra độ tin cậy của phần mềm xét tuyển đại học Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có Chỉ thị về tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 đối với các cơ sở giáo dục đại học. Rà soát tổng thể kế hoạch triển khai Kỳ thi THPT quốc gia Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu các đại học, học...