Bộ trưởng Nội vụ: Bộ máy hiện quá cồng kềnh, tầng nấc
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, tầng nấc, chồng chéo trong tổ chức đầu mối bên trong các bộ và cơ quan ngang bộ.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm ngành Nội vụ sáng 2/7, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 6 tháng đầu năm, ngành đã nỗ lực hoàn thành một khối lượng công việc lớn.
Chính thức trình cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026
Trong đó, nổi bật là ngành Nội vụ đã chủ động tham mưu, góp phần rất tích cực vào sự thành công của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và những văn bản chỉ đạo quan trọng.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Đáng chú ý, Bộ đã chủ động rà soát và đề xuất với Thủ tướng bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học và cắt giảm quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp viên chức.
Cụ thể, Bộ đã tham mưu, đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ đã tham mưu Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị thông qua Đề án Cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ nhất. Ngày 14/6 vừa qua, Bộ Nội vụ đã chính thức có tờ trình Chính phủ về việc này.
Ông Minh cho hay, các bộ, ngành đã tích cực rà soát, xây dựng phương án và đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ phù hợp với quy định tại Nghị định số 101/2020 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ).
Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý, tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tại địa phương.
Video đang HOT
Trong đó, một số địa phương đã chủ động, tích cực triển khai các nội dung về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các quy định mới của Chính phủ như: Ninh Thuận, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Sơn La, An Giang, Thừa Thiên Huế, Đắk Nông…
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có tình trạng một số bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành chưa kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về tiêu chuẩn chức danh công chức chuyên ngành, chức danh nghề nghiệp viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế chậm sửa đổi định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp tại các bậc học; định mức viên chức y tế/giường bệnh, viên chức y tế/dân số theo tinh thần Nghị quyết số 102 năm 2020 của Chính phủ làm cơ sở để bố trí biên chế, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp bảo đảm khoa học, sát với thực tế.
Cùng với đó, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đề ra…
Đột phá mạnh giảm đầu mối bên trong bộ, ngành
Theo Bộ trưởng Nội vụ, vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn chậm, lúng túng. Nơi nào sáng tạo, linh hoạt, năng động, tích cực, quyết tâm, quyết liệt thì nơi đó thực hiện rất tốt. Nơi nào thấy còn băn khoăn, còn chưa quyết liệt, chưa quyết tâm cao thì còn chậm chạp.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, tầng nấc đầu mối bên trong. Các bộ và cơ quan ngang bộ cũng rất chồng chéo, tầng nấc.
“Tới đây, chúng tôi sẽ phải đột phá rất mạnh vào vấn đề sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị hành chính”, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh. Bà nói thêm, nếu đầu mối cứ nguyên trạng thế này, không giảm được thì không thể tinh giản biên chế được.
Việc giảm đầu mối gắn với giảm biên chế là một nguyên tắc phải tập trung đột phá. Trước mắt, vừa tập trung tinh gọn đầu mối bên trong của các bộ, ngành, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, vừa thay đổi mô hình quản lý, đẩy mạnh tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp.
Ngoài ra, ngành Nội vụ cũng đột phá rất mạnh vào việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành nội vụ
Bộ trưởng Nội vụ lưu ý, nhiệm vụ của ngành thời gian tới rất nặng nề, khó khăn và nhiều việc rất phức tạp, nhạy cảm, nếu không quyết tâm, nỗ lực và không năng động, sáng tạo sẽ không làm được.
Vì vậy, toàn ngành cần lưu ý bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Nội vụ và địa phương để tập trung đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, điều hành, bám sát thực tiễn địa phương, cơ sở, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá.
“Nếu chúng ta không dám nghĩ, dám làm, không dám đột phá thì sẽ không giải quyết được những vấn đề rất lớn mà Đảng, Nhà nước và xã hội đang mong đợi”, người đứng đầu ngành Nội vụ nhấn mạnh.
Để có một hệ thống công vụ, công chức đảm bảo theo đúng yêu cầu của tình hình mới, Bộ trưởng lưu ý, toàn ngành phải đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp, đổi mới phương thức chỉ đạo và điều hành.
Cùng với đó, tập trung cao độ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trên lĩnh vực của ngành, trên cơ sở vừa rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật đã có nhằm tiếp tục bổ sung, tích hợp, hoàn thiện và tăng cường phân cấp, phân quyền, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khơi thông những điểm nghẽn, vướng mắc để thúc đẩy sự phát triển của ngành, nhất là trên các lĩnh vực khó là tổ chức bộ máy, biên chế, công vụ, công chức, thu hút và trọng dụng nhân tài, cải cách hành chính.
Phát biểu nhận nhiệm vụ của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026
Trong khuôn khổ nội dung kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu nhận nhiệm vụ sau khi tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Báo Quảng Bình điện tử trân trọng đăng toàn văn nội dung bài phát biểu.
Kính thưa đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Kính thưa các vị đại biểu HĐND tỉnh,
Kính thưa quý vị đại biểu cùng toàn thể cử tri và Nhân dân trong tỉnh,
Trước hết, thay mặt các đồng chí vừa được HĐND tỉnh bầu giữ các chức danh chủ chốt của HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh, tôi xin trân trọng cảm ơn sự tín nhiệm, tin tưởng của các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu nhận nhiệm vụ
Chúng tôi nhận thức sâu sắc được rằng, đây là vinh dự và trọng trách to lớn trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, đòi hỏi bản thân mỗi đồng chí và tập thể Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh phải thường xuyên đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Kính thưa quý vị đại biểu ,
Phát huy truyền thống của quê hương "Hai Giỏi", với bản lĩnh kiên cường, khát vọng vươn lên của con người Quảng Bình, kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm của các nhiệm kỳ và các thế hệ đại biểu đi trước, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, tôi xin hứa:
1. Sẽ cùng với tập thể Thường trực HĐND, các ban và các đại biểu HĐND tỉnh đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, không ngừng đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân tỉnh nhà.
2. Gắn bó chặt chẽ, thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của cán bộ và Nhân dân; kiến nghị, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng để giải quyết các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", gần dân, hiểu dân, trọng dân; phục vụ Nhân dân là phương châm hành động, thực sự là người đại biểu Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
3. Tăng cường công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực thi nhiệm vụ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra.
Trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, cá nhân tôi cũng như tập thể Thường trực HĐND và các ban HĐND tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; sự ủng hộ, góp ý của các vị đại biểu HĐND tỉnh, các cơ quan hữu quan và cán bộ, cử tri trong toàn tỉnh. Sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri và Nhân dân là nguồn động lực lớn lao để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Một lần nữa, thay mặt HĐND tỉnh, xin kính chúc quý vị đại biểu cùng gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn!
Cắt, giảm văn bằng, chứng chỉ không cần thiết: Giảm tiêu cực cho xã hội Việc cắt, giảm văn bằng, chứng chỉ không cần thiết đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức không chỉ giảm áp lực về văn bằng chứng chỉ mà còn góp phần giảm tiêu cực cho xã hội. Liên quan đến Đề án cơ cấu Chính phủ khóa XV, Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành...