Bộ trưởng NNPTNT: Không thắng 5 thách thức này, tiêu thụ nông sản sẽ gặp khó
Theo dự báo, thị trường đầu ra cho nông sản Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp.
Đó là một trong những khó khăn của ngành nông nghiệp mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ ra tại Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam năm 2019″. Diễn đàn do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 5/3 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong năm 2019 ngành nông nghiệp sẽ một số khó khăn, thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: IT
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2018 ngành nông nghiệp đã vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (trong đó nông nghiệp tăng 2,91%, lâm nghiệp tăng 6,09%, thủy sản tăng 6,5%), kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2019, ngành nông nghiệp sẽ một số khó khăn, thách thức trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thứ nhất, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Thứ hai, thách thức, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.
Thứ ba, thị trường đầu ra cho nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.
Thứ tư, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Thứ năm, xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ – Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020; Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp đều cao hơn năm 2018 như: tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.
Video đang HOT
Để thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu nông sản Việt Nam, việc chế biến sâu được xem là giải pháp hiệu quả giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: T.L
Để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2019. Trong đó, triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực: sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý.
Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung; đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, HTX; thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân; xây dựng các mô hình theo chuỗi; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ… để thúc đẩy tiêu thụ trong nước.
Nâng cao năng lực chế biến nông sản, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác để nâng cao giá trị sản phẩm. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN, triển khai các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh.
Tiếp tục đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam. Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam ra thị trường trong nước và thế giới.
Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tiến tới hài hòa hóa với các quy định của các thị trường nhập khẩu khu vực và trên thế giới; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia, phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc; Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nông sản, nhằm giữ uy tín cho hàng hóa nông sản của Việt Nam cả thị thị trường trong nước và quốc tế…
Theo Danviet
Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo chặn dịch tả lợn châu Phi
Sáng nay (4/3), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo trực tuyến các giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi trong bối cảnh dịch bệnh này đang có nguy cơ lây lan rộng.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ ngày 01/2 - 03/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo tại Hội nghị bàn giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên: Từ ngày 01/02 - 03/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 57 hộ, 12 thôn, 8 xã, 5 huyện. Toàn bộ 2.323 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Tại tỉnh Thái Bình: Từ ngày 13/02 - 03/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 101 hộ, 33 thôn của 15 xã, 3 huyện. Toàn bộ 1.118 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Tại thành phố Hải Phòng: Từ ngày 18/02 - 03/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 38 hộ, 15 thôn, 6 xã, 2 huyện. Toàn bộ 424 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Tại tỉnh Thanh Hóa: Từ ngày 22/02 - 03/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra ở 01 hộ chăn nuôi tại xã Định Long, huyện Yên Định. Toàn bộ 226 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Tại thành phố Hà Nội: Từ ngày 22/02 - 02/3/2019, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 01 hộ chăn nuôi lợn rừng tại khu Đầm Lấm, Phường Ngọc Thụy, Long Biên. Toàn bộ 25 con lợn rừng nuôi dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Tại tỉnh Hà Nam: Từ ngày 27/02 - 02/3/2019, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 01 hộ chăn nuôi lợn tại xã Văn Xá, huyện Kim Bảng. Toàn bộ 15 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Tại tỉnh Hải Dương: Từ ngày 01/3 - 02/3/2019, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 03 hộ chăn nuôi lợn tại xã Hiến Thành, huyện Kim Môn. Toàn bộ 107 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng.
"Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức" - Bộ trưởng Cường cho biết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, qua công tác kiểm tra đánh giá tình hình cho thấy các địa phương đã vào cuộc rất gấp gáp, từ lãnh đạo tỉnh, huyện cho đến người dân đều áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn, tích cực tiêu độc khử trùng, phun vôi bột và tiêu huỷ khi có lợn mắc dịch. Tuy nhiên chúng ta có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, bởi vậy việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Trong công tác phòng, chống một số ổ dịch tại địa phương cũng đã nảy sinh một số vấn đề về cơ chế chính sách. Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để các địa phương triển khai hỗ trợ người dân trong phòng chống dịch, không để ảnh hưởng đến ngành hàng chăn nuôi.
Sau khi nghe báo cáo của đại diện thành phố Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khen ngợi Hà Nội chủ động phòng chống dịch. "Như vậy là Hà Nội chưa để xảy ra dịch lớn. Tỉnh nào cũng có ngân sách dự phòng, các đồng chí cần kịp thời, nghiêm túc xử lý vấn đề" - Thủ tướng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, còn nhiều vấn đề cơ chế chính sách trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Cũng tại hội nghị, nhiều địa phương kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ người dân tiêu hủy lợn bị bệnh DTLCP để khuyến khích người dân khai báo khi có dịch.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: "Chúng tôi chủ trương hỗ trợ tiêu huỷ lợn ở mức cao nhất là 38.000 đồng/kg. Và đến nay, các ổ dịch đã qua 25 ngày nhưng không có phát sinh, điều đó chứng tỏ nếu chúng ta quyết tâm cao trong công tác phòng chống dịch thì sẽ hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh".
Ông Nguyễn Hồng Diên cũng kiến nghị Chính Phủ hỗ trợ kinh phí để xét nghiệm mẫu, phục vụ công tác kiểm soát giết mổ, kinh doanh thịt lợn vì Thái Bình là tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn. Đồng thời hỗ trợ kinh phí chống dịch tại các địa phương, vì để tìm kiếm nguồn hỗ trợ lợn tiêu huỷ gặp rất nhiều khó khăn.
Chắc chắn, trong hội nghị này, sẽ có nhiều kiến nghị của địa phương được giải quyết thỏa đáng để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Danviet
Thú vị chuyện đưa vải thiều Lục Ngạn lên độ cao 10.000m Để đưa được quả vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang có mặt trên các chuyến bay của Việt Nam Airlines (VNA) ở độ cao 10.000m và đến 32 quốc gia là câu chuyện không hề đơn giản. Đó là một "bệ đỡ" giúp quả vải nói riêng và mặt hàng trái cây nói chung đã có một năm đại thắng, với...