Bộ trưởng Nhạ: Từng vị trí trong Hội đồng trường phải “đúng vai, thuộc bài”
“Người cao nhất trong các trường đại học công lập là Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Luật 34 và Nghị định 99 đặc biệt chú trọng đến vai trò của Hội đồng trường. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, khác với trước, Hội đồng trường bây giờ phải thực quyền. Do vậy, không chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà chính cơ quan chủ quản các cơ sở giáo dục phải thay đổi nhận thức.
Tại hội nghị triển khai Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Nghị định 99), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý các nhà trường cần có kế hoạch nâng cao năng lực quản trị, trước hết là hội đồng trường, từng vị trí phải rõ vai trò, “đúng vai, thuộc bài”.
Cùng với đó, cần tăng cường năng lực quản trị nội bộ của Ban giám hiệu, các vị trí chức năng, phòng, ban, khoa. Lãnh đạo nhà trường cần bám sát các mục tiêu đã được Hội đồng trường thông qua để đưa ra quyết định quản lý, không phải dễ làm trước, khó làm sau.
“Người cao nhất trong các trường đại học công lập là Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh. (Ảnh: Kim Hiền)
“Chủ tịch Hội đồng trường và Hội đồng trường có vai trò quyết định các quyết sách lớn chứ không phải là nơi thông qua cho hiệu trưởng. Và khi lựa chọn thành viên và cơ cấu của Hội đồng trường, ngoài thành phần đương nhiên thì thành phần mở rộng hết sức quan trọng. Chủ tịch Hội đồng trường phải thực sự có đủ năng lực, đủ trách nhiệm. Trước kia vị trí này có thể kiêm nhiệm, nhưng bây giờ là chuyên trách.
Theo tinh thần của Nghị quyết 19 Trung ương, Chủ tịch, Bí thư đảng ủy sẽ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường. Như vậy, người cao nhất trong các trường đại học công lập là Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Nhận thấy rõ vai trò quan trọng của Hội đồng trường tuy nhiên Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ – Giáo sư Nguyễn Thanh Phương có thắc mắc: “Đối với Hội đồng trường có nhiệm kỳ còn dài nhưng không đủ điều kiện quy định phải xử lý thế nào? Các trường có được thực hiện tiếp không hay bắt buộc phải làm lại ngay?”.
Video đang HOT
Về vấn đề này Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin, nếu như Hội đồng trường chưa được thực hiện đúng quy định của Luật số 34, tức là cơ cấu thành phần chưa đúng thì khi Nghị định này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập mới.
Nghị định 99 quy định tối đa trong thời hạn 6 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực là 15/2/2020, các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định. Như vậy, đến 15/8/2020, việc thành lập Hội đồng trường tại các cơ sở phải hoàn tất.
“Nửa đầu của năm sau sẽ là Đại hội Đảng ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học. Đây cũng là điều kiện để chúng ta khớp nối giữa các quy định của Đảng và với quy định của Nghị định này. Khi thành lập Hội đồng trường sẽ là một hội đồng mới, nhiệm kỳ mới, thực hiện tất cả các chức năng, nhiệm vụ mà Luật quy định”, bà Phụng nhấn mạnh.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Tự chủ đại học: Hành lang thông suốt
Câu chuyện về tự chủ đại học, cụ thể là vấn đề về hội đồng trường lại nóng lên một lần nữa tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định số 99 và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34).
Ảnh minh họa/INT
Chủ đề chung của câu chuyện này là niềm tin, sự hứng khởi và sẵn sàng triển khai thực hiện những quy định của Luật số 34 và Nghị định số 99. Ngay tại hội nghị, lãnh đạo các trường đại học, đại học đã thể hiện sự quyết tâm biến những quy định trong văn bản quy phạm pháp luật trở thành thực tiễn sinh động. Bởi hơn ai hết, họ hiểu và nhận thức được rằng, Luật cũng như Nghị định đã mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng để GDĐH Việt Nam thực hiện quyền tự chủ. Song điều đáng nói là, GDĐH sẽ có một hành lang pháp lý mạch lạc, thông suốt. Suy cho cùng, chất lượng là tiêu chí, là đích để các trường đại học cần hướng tới. Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là tạo "luật chơi" để các cơ sở GDĐH cùng tham gia với tinh thần công khai, minh bạch và công bằng trên mọi phương diện.
Nhắc đến tự chủ đại học, trước thềm hội nghị, nhiều người vẫn còn băn khoăn về một số nội dung liên quan đến Hội đồng trường, nhưng sau khi được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ, phân tích, mọi thứ đã rõ nét, hiển hiện ngay trước mắt; thậm chí nhiều người còn nói là có thể bắt tay thực hiện được ngay.
Luật số 34 và Nghị định 99 được ban hành, ai nấy đều phấn khởi và tin tưởng sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về vấn đề thực quyền của Hội đồng trường. Thực tế không thể phủ nhận rằng, trước đây, Hội đồng trường có thể chỉ là hình thức nếu không muốn nói "có cũng như không" hoặc là có để cho đầy đủ thành phần, cơ cấu tổ chức.
Thế nhưng, lần này sẽ có sự thay đổi căn bản, có tính then chốt. Nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Khi thực hiện tự chủ, Hội đồng trường phải là cơ quan đại diện của cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của trường. Nói cách khác, Hội đồng trường phải có thực quyền và đủ sức mạnh để quản trị nhà trường.
Còn nhớ khi Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục đại học năm 2012; tại các diễn đàn, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã đặt vấn đề: Hội đồng trường không chỉ là cơ quan quyền lực cao nhất mà còn là một thiết chế thể hiện quyền dân chủ cơ sở. Rất nhiều người vui mừng, hoan nghênh bởi điều này đã được đưa vào trong Luật số 34 và cụ thể hóa bằng Nghị định số 99.
Việc cần làm tiếp theo là các cơ sở đại học phải thành lập được hội đồng trường - một trong những điều kiện bắt buộc để thực hiện quyền tự chủ đại học. Theo quy định và hướng dẫn của Nghị định 99, trong thời hạn 6 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực (15/2/2020), các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định. Như vậy, từ nay đến ngày 15/8, các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập xong Hội đồng trường.
Trao đổi bên hành lang Hội nghị triển khai Nghị định số 99 và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Tới đây, quyền quyết định những vấn đề lớn sẽ là chủ tịch Hội đồng trường, không phải hiệu trưởng và phải theo cơ chế tập thể, dân chủ, công khai, minh bạch và có giám sát.
Tự chủ không chỉ đối với các nhà trường mà phải tự chủ sâu đến từng đơn vị, từng cán bộ, viên chức, các nhà khoa học... nhưng đồng thời phải gắn với trách nhiệm để từng thành viên thấm nhuần chính sách tự chủ. Có như vậy, tự chủ đại học mới thành công.
Tâm An
Theo giaoducthoidai
Vẫn băn khoăn về hội đồng trường Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 138 về xử phạt hành chính trong giáo dục để trình Chính phủ ban hành. Sáng 6-1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 99 ngày 30-12-2019 của Chính phủ về hướng dẫn và thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung...