Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Tập trung phát triển nhà ở xã hội trong năm 2022
Trong công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu, tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Tập trung phát triển nhà ở xã hội
Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của ngành Xây dựng ngành Xây dựng tổ chức ngày 18/12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Bộ và các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc các địa phương quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ và giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Kháng
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, trong năm 2022, cần tập trung thực hiện 3 khâu đột phá của ngành Xây dựng. Cụ thể:
Một là: Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương. Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong công tác xây dựng pháp luật…
Hai là: Tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch… Kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị đồng bộ, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn…
Ba là: Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Video đang HOT
Việc phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn vừa qua còn nhiều khó khăn. Trong ảnh là dãy nhà ở xã hội khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng
“Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và khó khăn về nguồn vốn, các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp vẫn tiếp tục triển khai nhưng tiến độ còn chậm, 9 tháng đầu năm 2021, đã có 08 dự án nhà ở xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 254 dự án (khoảng 108.800 căn với tổng diện tích 5.440.000 m2), đang triển khai 271 dự án (khoảng 256.500 căn với tổng diện tích 12.825.000 m2)”, Bộ Xây dựng
Theo đó, cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cùng các đơn vị có liên quan cần tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản; Tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp và trung bình; khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở…
Bám sát chặt chẽ Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể phù hợp, trọng tâm là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.
Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước có bối cảnh tương đồng để nghiên cứu, thay đổi căn bản tư duy, cách thức trong phát triển nhà ở xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.
Thường xuyên bám sát diễn biến thị trường bất động sản để có giải pháp kịp thời xử lý các biến động tiêu cực của thị trường, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Giá bất động sản và vật liệu xây dựng đều tăng
Trước đó, trong báo cáo Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng dự kiến tăng 0,2-0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản căn hộ chung cư, nhà ở, đất nền so với cùng năm trước tăng khoảng 3,1%. Giao dịch nhà trên thị trường thứ cấp tăng bình quân từ 2-5% so với năm 2020, trong đó giá chung cư tăng bình quân từ 2-4%, giá nhà riêng lẻ tăng 3-5%; lượng giao dịch và nguồn cung bất động sản năm 2021 chỉ đạt khoảng 84% so với năm 2020.
Cao ốc mọc dày đặc tại khu vực Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Trần Kháng
Ước tính sản lượng tiêu thụ một số vật liệu xây dựng chủ yếu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 như sau: Xi măng tiêu thụ ước đạt khoảng 105,6 triệu tấn, tăng khoảng 2%; Kính xây dựng khoảng 186 triệu m2, tăng khoảng 24%; Sứ vệ sinh khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng khoảng 7%; Đá ốp lát khoảng 17 triệu m2, giảm khoảng 10%; Gạch ốp lát khoảng 440 triệu m2, giảm khoảng 13%; Vôi công nghiệp khoảng 2,3 triệu tấn, giảm khoảng 8%; Tấm lợp amimăng khoảng 36 triệu m2, giảm khoảng 20%; Gạch nung 18,4 tỷ viên, giảm khoảng 26%; Gạch không nung 3,35 tỷ viên, giảm khoảng 33%.
Diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25 m2/ người. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2021 ước đạt: 40,5%.
Về nhiệm vụ trong năm 2022, Bộ Xây dựng đặt ra kế hoạch, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng ước 4,96-5,56%.
Diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5 m2/ người. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc phấn đấu đạt 41,5-42%.
Tăng cường quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.
Tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Bộ Xây dựng, những năm gần đây, nhu cầu về nhà ở tăng cao, xu hướng ở nhà chung cư ngày càng phát triển. Tại nhiều địa phương, việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư của một số chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư đã bước đầu đi vào nền nếp theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Xây dựng khẳng định, nhiều chủ đầu tư, Ban Quản trị nhà chung cư quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư (kinh phí bảo trì) không chấp hành hoặc chấp hành nhưng không đầy đủ theo quy định.
Điều này dẫn đến tình trạng xảy ra nhiều tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài. Tại nhiều khu chung cư, người dân phản ứng quyết liệt với chủ đầu tư, căng băng rôn tại tòa nhà, cơ quan quản lý nhà nước và cấp chính quyền..., gây mất mỹ quan đô thị, tạo ra dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức và cá nhân liên quan phổ biến, tuyên truyền pháp luật về nhà ở; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhất là chú trọng đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.
Tại Chỉ thị số 02, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
Các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cơ quan công an trên địa bàn xử lý đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì theo quy định; kiên quyết chỉ đạo cưỡng chế, xử lý nghiêm chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị theo quy định tại Nghị định 99 - Bộ Xây dựng yêu cầu.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục thực hiện đầy đủ nội dung tại Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Sở Xây dựng các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thanh tra chuyên ngành về nhà ở tại địa phương; trong đó, tăng cường thanh tra quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì các nhà chung cư. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tội phạm về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì chuyển cơ quan điều tra theo quy định. Những trường hợp phức tạp cần liên hệ với Thanh tra Bộ Xây dựng để được hướng dẫn nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành.
Về phía Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, cần kiểm tra việc quản lý, sử dụng nhà chung cư, nhất là kinh phí bảo trì; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định nếu có. Khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của Ban quản trị nhà chung cư cần khẩn trương kiểm tra, sớm ban hành quyết định công nhận - Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Đối với chủ đầu tư, có trách nhiệm mở 1 tài khoản thanh toán tại 1 tổ chức tín dụng để gửi có kỳ hạn đối với mỗi một dự án đầu tư xây dựng nhà ở có nhà chung cư để nhận kinh phí bảo trì do người mua, thuê mua nhà ở, phần diện tích khác và chủ đầu tư nộp theo quy định. Sau khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho Sở Xây dựng địa phương biết về tên tài khoản, số tài khoản đã mở, tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản và kỳ hạn gửi tiền.
Khi Ban quản trị được thành lập thì chủ đầu tư phải bàn giao ngay kinh phí bảo trì cho Ban quản trị theo quy định và có trách nhiệm đóng tài khoản đã lập và thông báo bằng văn bản cho Sở Xây dựng. Việc sử dụng kinh phí bảo trì phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Trường hợp tổ chức không thành công thì trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức họp hội nghị được ghi trong thông báo mời họp, chủ đầu tư phải có văn bản đề nghị chính quyền cơ sở nơi có nhà chung cư để tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu...
Đặc biệt, tại Chỉ thị 02, Bộ Xây dựng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư; sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng; sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp so với quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở và nội dung dự án đã được phê duyệt (trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng).
Về phía Ban quản trị nhà chung cư cũng phải có trách nhiệm mở tài khoản để nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung do chủ đầu tư bàn giao; quản lý và phối hợp với chủ đầu tư để lập biên bản quyết toán số liệu kinh phí bảo trì; sử dụng kinh phí bảo trì bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch...
Thanh tra Bộ Xây dựng kiến nghị xử lý về kinh tế gần 342 tỷ đồng Theo thống kê, trong 10 tháng vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch của 2021 và 5 đoàn kiểm tra, xác minh giải quyết theo đơn thư khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 24 kết luận thanh tra, kiến nghị...