Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tỉnh Đắk Nông cần tập trung chế biến sâu Alumin
Tỉnh Đắk Nông phải sớm có quy hoạch đồng bộ, có đề án phát triển công nghiệp – thương mại, chú trọng công nghiệp vật liệu chế biến sâu.
Chiều 1/7, tại tỉnh Đắk Nông, Đoàn Công tác Trung ương do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên tại tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại chương trình làm việc với tỉnh Đắk Nông
Đến năm 2030 xây dựng Đắk Nông thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững
Thông tin tại buổi làm việc, ông Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,02%; quy mô nền kinh tế tăng 1,34 lần so với đầu nhiệm kỳ. Bước đầu huy động được tiềm năng khoáng sản bôxít, alumin vào tăng trưởng, quy mô khu vực công nghiệp tăng 1,78 lần, tốc độ bình quân đạt 12,22%/năm, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế; GRDP bình quân đầu người tăng từ 38,65 triệu đồng năm 2016 lên 47,76 triệu đồng vào năm 2020, thoát khỏi nhóm tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp. Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa xã hội được quan tâm, triển khai kịp thời, hiệu quả. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Thực hiện hiệu quả chính sách đoàn kết dân tộc, tôn giáo. Quốc phòng an ninh được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đạt kết quả tích cực.
Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên; đến năm 2045, trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, có mức thu nhập bình quân cao hơn bình quân chung cả nước. Mục tiêu này được thực hiện dựa trên 3 trụ cột kinh tế gồm công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông kiến nghị đến Bộ Công Thương 3 vấn đề chính gồm bổ sung một số dự án điện mặt trời, điện gió vào Quy hoạch Điện VIII, sớm ban hành các cơ chế về phát triển điện mặt trời; kiến nghị đẩy nhanh tiến độ, nâng công suất và hoàn thiện dự án nhà máy alumin và điện phân nhôm (Dự án Alumin Nhân Cơ), ban hành Kế hoạch hành động, Quy hoạch khoáng sản quốc gia để xem xét cho chủ trương đầu tư các Tổ hợp bô xít – alumin – nhôm theo đề nghị của các nhà đầu tư. Kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam TKV giao đất khai thác khoáng sản đã hoàn thổ để tỉnh Đắk Nông sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chúc mừng những thành tựu kinh tế – xã hội tỉnh Đắk Nông đã đạt được trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng, mặc dù tỉnh Đắk Nông còn nhiều khó khăn nhưng có rất nhiều tiềm năng và lợi thế.
Video đang HOT
Nút thắt hiện nay tỉnh Đắk Nông cần tháo gỡ đó là vấn đề quy hoạch chưa đồng bộ; thiếu nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; thiếu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Trần Hồng Diên kiến nghị vùng Tây Nguyên và tỉnh Đắk Nông chú trọng hoàn thiện quy hoạch dựa trên quy hoạch ngành. Bên cạnh đó, cần phải có đề án chiến lược phát triển công nghiệp – thương mại để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Trong quy hoạch công nghiệp – thương mại, Bộ trưởng mong muốn, đối với công nghiệp tỉnh Đắk Nông phải xác định phát triển công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp dược liệu, công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thủy sản. Trong lĩnh vực thương mại, chú ý phát triển hạ tầng thương mại để khai thác thương mại truyền thống và hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử – giúp Đắk Nông đi tắt đón đầu.
Bên cạnh đó, chú trọng thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông. Cùng với quy hoạch để phát triển giao thông phải quy hoạch để hình thành các hành lang kinh tế bám vào các trụ cột giao thông. “Việc hình thành các hàng lang kinh tế bao gồm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dịch vụ, thương mại, đô thị… trên các trục giao thông chính là nguồn lực cho tỉnh phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Chú trọng, phối hợp với các bộ ngành liên quan thúc đẩy dự án liên hợp khai thác bô xit, alumin và nhôm theo đúng tinh thần Kết luận 31 của Bộ Chính trị. “Đây là cơ hội để Đắk Nông thúc đẩy công nghiệp, nhất là công nghiệp vật liệu” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo (nắng, gió) và có quy hoạch cho phát triển lĩnh vực này. Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Đắk Nông trong việc giữ rừng. Phân biệt rõ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ phải giữ tuyệt đối. Rừng trồng phải tính toán khai thác hiệu quả, đa tầng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Đắk Nông cần quy hoạch đồng bộ, có đề án phát triển công nghiệp – thương mại, khai thác hiệu quả và chế biến sâu nguồn bô xít, Alumin, nhôm thô khai thác để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm
Liên quan đến kiến nghị của tỉnh Đắk Nông về việc bổ sung các dự án điện vào Quy hoạch Điện VIII cũng như trăn trở của nhiều doanh nghiệp về phát triển điện mặt trời, điện gió, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định tỉnh Đắk Nông có lợi thế phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, khi tính bài toán kinh tế của cả nước, để làm ra một sản lượng điện tiêu dùng tại chỗ thì hiệu quả mọi mặt, nhưng chuyển ra miền Bắc hoặc miền Nam thì giá thành điện năng lại là vấn đề.
“Ở tầm quốc gia khi làm quy hoạch phải tính đến bài toán kinh tế, hiệu quả trong cả nước chứ không phải từng địa phương, từng vùng. Tuy nhiên, bài toán này sẽ được tháo gỡ bằng cách Bộ Công Thương đang trình chính phủ cho phép cơ chế mua bán điện trực tiếp”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ và nhấn mạnh, Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch mở, quy hoạch dựa trên nhu cầu thực tế của đất nước, của từng địa phương. Nếu Đắk Nông giải quyết được bài toán “phát triển năng lượng tái tạo nhưng không gây áp lực lên lưới điện truyền tải quốc gia và không làm tăng những chi phí kèm theo” thì việc phát triển hoàn toàn theo khả năng, nhu cầu.
“Hiện tại sản lượng điện theo kế hoạch đến 2030, tầm nhìn 2045, ở khu vực Tây Nguyên phát triển điện gió, điện mặt trời không được nhiều. Nhưng nếu áp dụng công thức mua bán trực tiếp sản lượng điện thì hoàn toàn tùy thuộc vào khả năng của tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Liên quan đến tổ hợp khai thác bô xít, alumin và nhôm, Bộ trưởng cho biết đây là chủ trương chính thức của Bộ Chính trị. Chính phủ đang xây dựng chương trình hành động và giao Bộ Công Thương thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, dự thảo chương trình đã xong. Muộn nhất cuối quý III/2022 sẽ được thông qua.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị tỉnh Đắk Nông chú trọng phát triển chế biến sâu bô xít, alumin sau khi khai thác. Theo Bộ trưởng, nếu chỉ dừng lại khai thác bô xít, Alumin bán như hiện tại là vô cùng lãng phí, vì phần giá trị gia tăng là phần chế biến sau. Đó mới là phần để tạo ra vật liệu phục vụ cho sản xuất. “Chúng ta đang cần công nghiệp vật liệu vậy mà nguyên liệu cơ bản chúng ta lại bán đi. Phần giá trị gia tăng lớn thì xuất đi, phần giá trị nhỏ mà ô nhiễm nhiều chúng ta lại nhận lấy. Vấn đề này phải tính”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và lưu ý tỉnh Đắk Nông phải đặc biệt chú ý đến vấn đề môi trường trong khai thác bô xít. “Vấn đề môi trường là vấn đề không thể xem nhẹ. Chúng ta đã thấy những bài học đắt giá. Đề nghị tính phối hợp với các nhà đầu tư chủ động xử lý bùn đỏ cũng như tro, xỉ nhà máy điện nhiệt than. Làm được vấn đề này chúng ta hoàn toàn yên tâm trong tương lai”.
Liên quan đến đất hoàn thổ dự án TKV, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan và TKV lên phương án để TKV bàn giao đất cho địa phương theo luật quản lý tài sản công.
Tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới đây của Bộ Công Thương trình Chính phủ, ngành điện đặt ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.
Nhiều chuyên gia đánh giá, đây sẽ là cơ hội cho ngành điện gió ngoài khơi phát triển.
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu ở xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá, cơ bản các phương án tính toán trong dự thảo đã tối ưu. Tổng quy mô công suất nguồn điện phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với dự thảo trình ngày 26/3/2021. Công suất cực đại đến năm 2030 vào khoảng 93.000 MW.
Tại bản dự thảo lần này, đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% công suất nguồn điện than, trong khi điện gió, điện mặt trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.
Nhiều đánh giá của tổ chức quốc tế và chuyên gia cho rằng, Việt Nam có lợi thế bờ biển cùng tiềm năng về năng lượng điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Nhờ có nguồn gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt hệ số công suất hơn 50%, tương đương với thủy điện.
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC khẳng định: "Việt Nam hoàn toàn thể hướng tới con số 10 GW điện gió ngoài khơi ở mục tiêu đến năm 2030. Việc triển khai được nguồn năng lượng này sẽ giúp Việt Nam "an toàn" hơn trước những rủi ro của thị trường nguyên liệu thế giới vốn được dự báo còn nhiều biến động trong thời gian tới. Trong khi điện gió trên bờ và điện mặt trời đang chưa giải quyết được vấn đề lưu trữ, lưới truyền tải còn hạn chế...".
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, điện gió trên bờ và điện mặt trời thường gặp những hạn chế từ địa hình, địa thế khi lắp đặt và vận hành, ví dụ như hướng, nền đá cứng, lối vào... có thể ảnh hưởng đến vị trí thi công dự án, làm gia tăng rủi ro ở các khía cạnh khác như sự ổn định nền đất và xung đột với cộng đồng quanh khu vực dự án. Do đó, trong tương lai, điện gió ngoài khơi sẽ là loại hình năng lượng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ.
Đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch cũng cho hay, với các dự án năng lượng tái tạo, việc kết nối lưới điện rất quan trọng và với các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, cơ sở hạ tầng phù hợp là rất cần thiết. Nhiều dự án điện gió trên bờ và điện mặt trời thường có hệ số công suất hàng năm thấp. Các dự án này, với quy mô vừa và nhỏ, thường xuyên được đấu nối vào lưới điện quốc gia ở cấp điện áp thấp, trong khi điện gió ngoài khơi có thể cung cấp hệ số công suất hàng năm lớn hơn nhiều và có thể kết nối ở điện áp cao hơn 220 kV, 500 kV.
Ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch cho rằng, so với gió trên bờ, chất lượng và độ ổn định của gió ngoài khơi thường tốt hơn, đặc biệt là ở khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận - nơi mà nguồn tài nguyên gió ngoài khơi được đánh giá là có chất lượng tốt hơn so với gió trên bờ. Các tuabin gió có kích thước lớn hơn giúp dự án điện gió ngoài khơi đạt được hệ số công suất hàng năm cao vượt trội.
Đơn cử như Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, Thanglong Wind tại tỉnh Bình Thuận, dự kiến sẽ có tổng công suất hàng nghìn MW sau khi đi vào vận hành hoàn chỉnh. Những dự án này tương đương việc cung cấp điện cho hàng chục triệu hộ gia đình Việt hàng năm. Việc đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn như vậy có nhiều lợi thế hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác, do tránh được nhiều hạn chế đáng kể mà các dự án năng lượng tái tạo trên bờ đang gặp phải, chẳng hạn như yêu cầu diện tích đất đai rất lớn, tác động cảnh quan và tầm mắt, tiếng ồn/độ rung trong quá trình xây dựng và vận hành...
Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam, Tổng giám đốc dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay, các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn có thể tạo ra một lượng điện năng đáng kể với tỷ lệ khả dụng cao hơn so với các dạng năng lượng tái tạo trên bờ khác. Việc tăng cường sản xuất năng lượng từ gió ngoài khơi và hướng tới kích thích phát triển kinh tế cho địa phương và đất nước, cần được hỗ trợ bằng việc nâng cấp lưới điện và cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ sớm. Việt Nam cần có kế hoạch chiến lược cụ thể và mức tài trợ thích hợp để cho phép hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo nhiều hơn.
Hiện nay, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu đã ưu tiên cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Do đó, đối với các nhà phát triển giàu kinh nghiệm và có năng lực, việc huy động vốn sẽ thuận lợi hơn trong xu thế chung của toàn cầu nhằm mục tiêu giảm khí thải. Các quốc gia mà ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đã phát triển cho thấy mức độ đầu tư cao vào công nghệ của ngành này.
Trên toàn cầu, ngày càng có nhiều cam kết nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon bằng cách thúc đẩy năng lượng tái tạo. Các chuyên gia cho rằng, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 về việc đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được nếu có các khuôn khổ pháp lý và chính sách hỗ trợ phù hợp.
Dù được nhiều kỳ vọng phát triển, song hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc cho phép khối tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện. Các nhà phát triển dự án cho rằng, những quy định rõ ràng hơn trong vấn đề này sẽ giúp họ đưa ra quyết định đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào xây dựng đường dây/nâng cấp lưới điện với sự hợp tác chặt chẽ với đơn vị vận hành để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn.
Sự chậm trễ trong xây dựng và kết nối lưới điện, tính bất định trong việc bắt buộc cắt giảm công suất phát do cơ sở hạ tầng và quản lý nhu cầu chưa đủ đáp ứng có thể trở thành rủi ro lớn đối với nhà phát triển, khiến họ trì hoãn cam kết cho đến khi có thêm sự chắc chắn trong quá trình thực hiện.
Theo các chuyên gia năng lượng, thông thường, điểm đấu nối của một dự án điện gió ngoài khơi được đặt càng gần với điểm kết nối lưới điện trên bờ càng tốt. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được và chiều dài cáp trên bờ tính từ nơi tiếp xúc đất liền cho đến trạm biến áp trên bờ có thể khá lớn.
Để khắc phục vấn đề này, các nhà phát triển có kinh nghiệm có thể xem xét đầu tư xây dựng, nâng cấp một phần của hệ thống truyền tải điện cao thế. Điều này có thể đảm bảo việc nâng cấp kịp thời và hiệu quả hơn để nâng cao khả năng truyền tải của lưới điện khu vực, củng cố hệ thống, giảm thiểu rủi ro và tránh việc cắt giảm công suất điện...
Bộ Công Thương đề nghị GWEC hỗ trợ để hiện thực hóa Net Zero vào năm 2050 Điện than hay điện khí đều là nguồn điện nền rất quan trọng để thực hiện những cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); đồng thời, Việt Nam đang triển khai những giải pháp vừa giảm được phát thải khí CO2 vừa tăng được năng...