Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tôi rất sốt ruột về phát triển kinh tế tư nhân
Chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) cứ 10 năm lại có sự thay đổi tích cực, tạo cơ hội cho khu vực kinh tế này ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ để giải phóng nguồn lực rất lớn từ khu vực kinh tế tư nhân.
Chưa thực sự là động lực quan trọng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển KTTN ở Việt Nam (Đề án).
TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, qua 35 năm Đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết thừa nhận và khẳng định vai trò, vị thế của KTTN, từ “không hạn chế việc mở rộng kinh doanh” đến “khuyến khích, tạo điều kiện phát triển” và “phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. Đặc biệt từ năm 2017 đến nay Đảng ta xác định “phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Trên thực tế, KTTN ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Trung bình trong giai đoạn 2016-2019, mỗi năm cả nước có 126.593 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số DN và tăng 24,8% về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2010-2015.
Vị trí, vai trò của KTTN ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp 43% vào GDP, 49% tổng đầu tư toàn xã hội, 15,4% ngân sách nhà nước và đặc biệt là thu hút khoảng 85% việc làm trong xã hội. Đã xuất hiện những DN tư nhân có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Nhiều DN tư nhân trở thành mũi nhọn trong một số ngành và lĩnh vực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, lao động và an sinh xã hội.
Video đang HOT
Tuy nhiên, khu vực KTTN chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thể hiện ở một số chỉ tiêu vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể, nhất là năng suất và tốc độ tăng năng suất lao động; năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; trình độ quản trị DN còn thấp; tính liên kết, hợp tác giữa các DN yếu. Phần lớn DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Nguyên nhân quan trọng của thực trạng này là do những nút thắt trong quản lý nhà nước về kinh tế. Bộ trưởng KH và ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, vẫn còn nhiều rào cản, nút thắt, điểm nghẽn mà chúng ta chưa tháo gỡ, khơi thông nên chưa giải phóng được nguồn lực từ tư nhân mặc dù nguồn lực này rất lớn.
“Tôi rất sốt ruột. Rất nhiều chính sách phát triển KTTN đã được ban hành nhưng vẫn vướng, nhất là tiếp cận nguồn lực đất đai, tín dụng. Làm thế nào thể chế thuận lợi, hấp dẫn, thân thiện, bảo đảm an toàn cho người dân, DN đầu tư kinh doanh thay vì mua vàng cất trữ. Thái độ ứng xử với khu vực này thế nào, phải thay đổi từ tư duy. Công tác xây dựng thể chế của bộ ngành phải thay đổi, phải kiến tạo chứ không chỉ xem xét ở khía cảnh quản lý”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trăn trở.
Theo Bộ trưởng, muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển cao vào năm 2045 như văn kiện Đại hội XIII đề ra, phải trông vào phát triển KTTN, phát triển DN nhỏ và vừa. Chỉ còn mười năm để làm tốt việc này vì đến năm 2030, Việt Nam chuyển sang giai đoạn già hoá dân số.
Chúng ta đang có cơ hội vàng để hiện thực hoá khát vọng của dân tộc. Đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chiến tranh thương mại đang tạo ra làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ. Thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang ngày càng cải thiện tốt hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, tạo ra thị trường rộng lớn cho các DN phát triển. Đồng thời, đại dịch Covid-19 bên cạnh những tác động tiêu cực cũng mở ra nhiều cơ hội mới.
Đổi mới toàn diện về quản lý kinh tế
Theo TS Phan Đức Hiếu, mục tiêu của Đề án nhằm đề xuất hệ thống giải pháp đổi mới toàn diện quản lý nhà nước thúc đẩy khu vực KTTN phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, đến năm 2030 đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang giám sát theo nguyên tắc quản lý rủi ro; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.
Để đạt mục tiêu nói trên, cần tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể. Đó là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quản lý, điều tiết vĩ mô, phát triển các DN vừa và lới trong việc dẫn dắt các ngành kinh tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh KTTN, phát triển nguồn nhân lực.
Nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bình đẳng, công bằng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết DN và sự phát triển bao trùm… Tránh hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự và can thiệp vào các vấn đề quản trị nội bộ của DN.
“Các giải pháp cần đưa thành nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Như vậy mới bảo đảm tính hiện thực trong quá trình thực thi”, TS Hiếu nhấn mạnh.
Để KTTN phát triển mạnh mẽ, chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh cho rằng thay đổi quản lý nhà nước về tư duy nghĩa là phải để người dân thực sự được tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nộp hồ sơ là được kinh doanh ngay. Không vì một số ít DN vi phạm pháp luật, gây thất thoát cho nền kinh tế mà kìm hãm quyền tự do kinh doanh.
Trong các thành phần kinh tế hiện nay, DN nhà nước (DNNN) là chủ đạo, sản xuất hàng hoá của DNNN chiếm thị phần rất lớn. Thời gian tới cần xem lại thị phần của các khu vực kinh tế để có dư địa cho KTTN phát triển, nếu không, KTTN “chỉ loay hoay với thị phần bé tí” sẽ rất khó lớn mạnh.
Để xây dựng và thực hiện chính phủ số và chính quyền số, cần thay đổi tư duy, cho phép cơ chế thử nghiệm (sandbox) đối với các mô hình kinh doanh mới và tổng kết thực hiện, làm cơ sở xây dựng, ban hành luật thay vì cách hành xử hiện nay có phát sinh doanh thu là thu thuế ngay.
“Trước đây, cải cách thể chế chủ yếu tập trung vào thủ tục hành chính, đem lại kết quả nhất định nhưng đó chỉ là một phần của đổi mới về quản lý kinh tế, không phải giải pháp căn cơ. Ngay trong khu vực KTTN cũng không bình đẳng, có DN tiếp cận tốt nguồn lực đất đai, tín dụng, có DN không tiếp cận được. Vì vậy thời gian tới cần tập trung vào thị trường các nhân tố sản xuất”, TS Cao Viết Sinh nói.
Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc nghiên cứu, tổng hợp để hoàn thiện Đề án, trong đó đã đưa ra nhiều nội dung, giải pháp về đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.
Dây chuyền sản xuất tại công ty Tôn Hòa Phát (Khu công nghiệp Phố nối B, huyện Văn Lâm, Hưng Yên). (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 32/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế diễn ra ngày 18/2/2021.
Theo Kết luận trên, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc nghiên cứu, tổng hợp, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và hoàn thiện Đề án, trong đó đã đưa ra nhiều nội dung, giải pháp về đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện Đề án; trong đó lưu ý phạm vi, nội dung của Đề án cần bám sát yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xác định lại tên của Đề án là "Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam."
Cùng với đó, làm rõ hơn các kết quả đạt được và rào cản, hạn chế trong phát triển kinh tế tư nhân của giai đoạn 2016-2020, xác định cụ thể các nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong phát triển kinh tế tư nhân thời gian vừa qua, nhất là những vấn đề chậm triển khai theo yêu cầu đặt ra; bám sát các quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước tại các văn kiện, Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2020, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và các quan điểm, định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế.
Đồng thời, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, tôn trọng quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm các quyền về tài sản, quyền kinh doanh hợp pháp, quyền con người, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của khu vực kinh tế tư nhân, tạo động lực, niềm tin cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng yêu cầu, các giải pháp, nhiệm vụ cần bám sát Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đồng thời cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và các đột phá chiến lược xác định tại các văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó lưu ý vai trò của Nhà nước trong việc tạo lập môi trường thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển nguồn nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực, thúc đẩy phát triển và nâng cao tính năng động của kinh tế tư nhân trong thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc lồng ghép các quan điểm, nội dung và giải pháp của Đề án vào các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, tham khảo nội dung của Đề án (sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện theo yêu cầu nêu trên) trong quá trình xây dựng các Chương trình, kế hoạch hành động triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Đề án này lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2021./.
ĐBSCL tăng trưởng ấn tượng sau khi có nghị quyết thuận thiên của Chính phủ Sáng 13/3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay mặt Chính phủ, phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết...