Bộ trưởng GTVT: BOT rất nóng nhưng là sản phẩm của nhiệm kỳ trước (?)
“Thời gian qua trạm thu giá BOT rất nóng, chưa lúc nào nóng như 2017, nhưng đây là sản phẩm của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước” – Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, sáng 22/5.
Ở một tổ thảo luận khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đề cập đến BOT, trong bối cảnh Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán với kiến nghị giảm 120 năm thu phí của 40 dự án BOT.
2 Bộ trưởng giải thích về BOT
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích, việc kiểm toán các dự án BOT để chốt thời gian thu phí, mức thu phí là quy trình bình thường
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, góp ý tại tổ thảo luận này. Theo người đứng đầu ngành giao thông, tình hình các trạm thu giá BOT đến thời điểm này có thể nói tương đối ổn định.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, vận dụng để làm sao những trạm thu giá BOT sắp tới sẽ thực hiện nghiêm” – ông Thể nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, trước mắt sẽ tập trung giải quyết những cái hiện nay đang tồn tại, việc nào liên quan đến trạm thu giá nào sẽ tập trung xem xét nguyên nhân để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và giải quyết.
Còn về lâu dài, hiện nay Bộ đang chuẩn bị rất nhiều dự án, nhưng tập trung làm trên các đường song hành chứ không làm ở đường độc đạo, tập trung duy tu, sửa chữa để con đường còn dùng được sẽ có hiệu quả tốt. Nếu đường quá tải thì lập đường song hành để thu phí kín và phát triển đường cao tốc để chạy với vận tốc nhanh, đảm bảo.
“Với những giải pháp Chính phủ chỉ đạo và Bộ đang làm, chúng tôi có niềm tin những vấn đề liên quan BOT trong giai đoạn sắp tới sẽ được giải quyết ổn”, Bộ trưởng lạc quan.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Tại tổ thảo luận của mình, ông Dũng bày tỏ băn khoăn với thông tin Kiểm toán nhà nước đưa ra là qua kiểm toán 40 dự án BOT trong năm 2017, cơ quan này kiến nghị giảm thời gian thu phí tới 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm tài chính hơn 1460 tỷ đồng. Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, năm 2016 về trước, cơ quan này cũng kiến nghị giảm 127,4 năm thu phí của 27 dự án triển khai trước đó.
Không phủ nhận thông tin này nhưng Bộ trưởng Tài chính cảnh báo, nếu không cẩn thận, thông tin sẽ tạo dư luận xã hội rất xấu trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện chủ trương thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội thông qua các phương thức như BOT.
Video đang HOT
Ông Dũng nêu lại quy trình, phương án tài chính ban đầu với một dự án BOT chưa phải để thực hiện ngay mà phải kiểm toán, kiểm toán xong các cơ quan nhà nước mới phê duyệt kết toán công trình để ra số đầu tư thực tế và từ đó thì mới tính được số năm thu phí, mức thu phí từng năm.
“Nếu quy trình ta làm đúng như thế thì việc kiểm toán là bình thường và việc giảm số năm tính toán so với dự toán ban đầu là đúng. Từ kiểm toán như vậy mới ra số quyết toán và ra số năm, số phí phải thu trong cả giai đoạn cũng như từng năm” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Ông khuyến cáo, nói không khéo về vấn đề này sẽ tạo ra cách hiểu không tốt trong dư luận xã hội và vô hình chung khiến nhà nước rất khó triển khai chủ trương đã được hoạch định. Bộ trưởng Tài chính cảnh báo, cả nước đang triển khai làm tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trong đó chỉ một số đoạn làm bằng vốn ngân sách và vốn ngân sách cũng chỉ để giải phóng mặt bằng, còn lại phải kêu gọi vốn đầu tư xã hội.
“Vậy nếu để dư luận hiểu sai thì không khéo sẽ hỏng. Tôi rất băn khoăn là vì thế. Vấn đề là phải thống nhất với nhau về nhận thức vì nếu không thì nhận định sẽ sai mà khi đó việc tuyền truyền các chủ trương, đường lối, chính sách sẽ vướng” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cảnh báo.
Phê duyệt xong 11 dự án BOT cao tốc Bắc Nam trong 2017
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (phải) trao đổi với các đại biểu bên lề phiên thảo luận sáng 22/5 (ảnh: Như Phúc)
Vẫn trong lĩnh vực phụ trách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận hoạt động của Uber, Grab, là sự phát triển đột biến khi thực hiện chủ trương thí điểm nhưng kéo dài và gây ra dư luận xã hội rất phức tạp, nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp với lái xe, người sử dụng dịch vụ và công tác quản lý thuế, hoạt động của các doanh nghiệp này theo luật pháp Việt Nam.
Thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành nghị định 86 sửa đổi, tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp như Uber, Grab và các doanh nghiệp taxi truyền thống, bằng cách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ tốt hơn, tăng cường công tác quản lý trách nhiệm của doanh nghiệp, của tài xế với người dân, xã hội, Bộ trưởng thông tin thêm.
Nói đến những công trình, dự án mà Trung ương đã có chủ trương trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng nêu dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Dự án sân bay Long Thành.
Với Dự án sân bay Long Thành, theo Bộ trưởng thì đến thời điểm này, một số công việc có chậm nhưng vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát, đó là công tác thu hồi đất.
Tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành dự án thu hồi đất tuy nhiên việc thẩm định giữa các bộ, ngành chậm, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để làm sao khi phê duyệt sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, ông Thể cho biết.
Riêng trách nhiệm của Bộ về tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn nhà tư vấn, lập dự án tổng thể, Bộ trưởng khẳng định đã bám đúng kế hoạch, vừa công bố tư vấn trúng thầu và tư vấn hiện nay đang lập dự án, dự kiến năm 2019 sẽ báo cáo Quốc hội một dự án tổng thể sân bay quốc tế Long Thành gồm cả giải phóng mặt bằng và quy mô xây dựng, lộ trình, giải pháp xây dựng sân bay.
Về Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông có 11 dự án thành phần trên 654km, thông tin từ Bộ trưởng là trong tháng 5 sẽ phê duyệt 5/11 dự án, tháng 7 sẽ phê duyệt tiếp 5 dự án nữa, còn 1 dự án cuối cùng là cầu Mỹ Thuận 2 sẽ phê duyệt tháng 9. Tất cả công việc hiện nay Bộ đang giám sát chặt chẽ, hàng tháng đều họp giao ban và kiểm tra kỹ lưỡng.
“Theo lộ trình trong năm nay, chúng tôi sẽ phê duyệt toàn bộ 11 dự án, phối hợp với địa phương cắm mốc giải phóng mặt bằng và đầu năm 2019 sẽ đầu thầu quốc tế” – Bộ trưởng thông tin.
Thái Anh
Theo Dantri
Đề xuất bỏ quy định trạm BOT cách nhau 70 km: Bộ trưởng GTVT nói gì?
Liên quan đến đề xuất bỏ điều kiện các trạm BOT phải cách nhau 70 km đang gây nhiều ý kiến trái chiều, Bộ trưởng GTVT đã chính thức lên tiếng và cho biết sẽ kiểm điểm đơn vị cá nhân đưa nội dung này vào Dự thảo Thông tư về tiêu chí trạm thu giá BOT.
Bộ GTVT đang lấy ý lần 2 Dự thảo Thông tư sửa sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 49/2016/TT-GGTVT (Thông tư 49) quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. So với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 đã bỏ đi một số quy định quan trọng về trạm thu phí.
Đáng chú ý, Dự thảo lần này bỏ việc lấy ý kiến người dân và Hiệp hội vận tải ô tô về việc đặt vị trí trạm thu phí. Nguyên nhân bỏ là trước đó Bộ Tài chính có ý kiến cần cân nhắc sự cần thiết khi đưa thêm tiêu chí "lấy ý kiến của nhân dân địa phương".
Trường hợp nếu đưa tiêu chí lấy ý kiến tham gia của người dân địa phương phải xây dựng thêm tiêu chí định lượng tỉ lệ thống nhất/không thống nhất để có cơ sở thực hiện.
Đặc biệt, dự thảo lần này đã bỏ đi quy định trạm thu phí trên cùng 1 tuyến đường phải đảm bảo cự ly cách nhau tối thiểu là 70 km. Vụ Tài chính (Bộ GTVT) lý giải tiêu chí khoảng cách giữa các trạm thu giá trên cùng một tuyến đường cần được thuyết minh rõ cơ sở khoa học tính toán, xây dựng và quy định.
Nguyên nhân bỏ quy định này là tiếp thu các ý kiến cho rằng việc quy định khoảng cách gặp khó khăn vì có thể rơi vào khu vực dân cư đông, chưa rõ cơ sở khoa học để đưa ra quy định, không phù hợp với các thông tư hiện hành...
Bộ trưởng GTVT cho biết Thông tư 49 không có quy định về khoảng cách trạm thu giá BOT, Dự thảo sửa đổi Thông tư 49 không liên quan đến khoảng cách trạm thu giá. Ảnh: Thành An
Tuy nhiên, tại cuộc họp sửa đổi Thông tư 49 về xây dựng, tổ chức hoạt động trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ được Bộ GTVT tổ chức chiều qua (17.5), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Bộ GTVT không chỉ đạo đưa nội dung này vào dự thảo Thông tư".
Theo đó, Bộ GTVT đã phê bình Tổ soạn thảo và sẽ kiểm điểm đơn vị, cá nhân nào đưa nội dung "khoảng cách trạm thu phí BOT" vào nội dung Dự thảo Thông tư 49 gây nên sự hiểu lầm trong dư luận xã hội.
Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh: "Trong Thông tư 49 không có quy định về khoảng cách trạm thu giá BOT. Dự thảo sửa đổi Thông tư 49 không liên quan đến khoảng cách trạm thu giá".
Giải thích về việc này, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT), cho biết Thông tư 49 của Bộ GTVT không có nội dung quy định về khoảng cách trạm thu phí BOT. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến và theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính có quy định về việc này, tổ soạn thảo đã đưa vào.
Ngoài ra, các kết luận của cơ quan Kiểm toán đều yêu cầu Bộ GTVT đưa tiêu chí trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ và có nội dung về khoảng cách các trạm thu phí. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, Tổ soạn thảo đã đưa nội dung này vào.
Nhưng từ khi thực hiện Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng quy định khoảng cách giữa 2 trạm thu giá không còn phù hợp nên Ban soạn thảo bỏ quy định này trong dự thảo lần 2.
Đặc biệt, không giải thích với dư luận, vì sao Dự thảo lần 1 đưa vào quy định về cự ly trạm thu phí BOT nhưng dự thảo lần 2 lại bỏ ra, chứng tỏ sự hạn chế về năng lực nên không dám cung cấp thông tin đầy đủ cho dư luận.Không đồng tình với những lý giải của các đơn vị, ông Thể cho rằng, Tổ soạn thảo cũng như lãnh đạo Tổ soạn thảo không hiểu bản chất sự việc, nhận nhiệm vụ nhưng chưa hiểu bản chất trong quá trình thực hiện nên đã gây ra sai sót không đáng có, gây phản ứng xấu trong dư luận.
Liên quan đến Dự thảo Thông tư 49 sửa đổi, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, quan điểm của Bộ này là sẽ thực hiện nghiêm NQ 437 của UBTV Quốc hội. Theo đó, các dự án BOT sắp tới sẽ được triển khai trên đường mới hoàn toàn, Bộ GTVT sẽ giải quyết được căn cơ, tạo điều kiện cho người dân có sự chọn lựa, được sử dụng hạ tầng do Nhà nước đầu tư. Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi đường mới, còn nếu không thì đi đường cũ.
Bên cạnh đó, các trạm thu phí BOT từ nay về sau sẽ phải ứng dụng thu phí không dừng, vừa tiết kiệm thời gian, vừa minh bạch tài chính. Nhà nước và nhân dân cùng quản lý được nguồn thu của nhà đầu tư. Tiến tới, các barie tại các trạm thu phí BOT sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn, công nghệ thu phí tự động không dừng sẽ tự động quét xử lý, trừ phí vào tài khoản của lái xe;...
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, chủ trương của Bộ là không làm đường quốc lộ song hành nữa mà chỉ làm đường cao tốc song hành với quốc lộ.
Theo Danviet
Bộ Giao thông đồng ý cho thu phí dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới Để giải quyết tình hình của Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát các thủ tục theo quy định và khẩn trương hoàn thiện để cho phép thu phí trên tuyến đường này. Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới...