Bộ trưởng Công thương: Xây biệt thự, sân tennis “có lợi” cho điện (!?)
Báo cáo gửi đến UB Thường vụ QH phục vụ phiên giải trình sáng 1/4 của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng dành nội dung giải trình về việc xử lý những vấn đề tại kết luận của Thanh tra Chính phủ khi thanh tra tập đoàn Điện lực (EVN).Trước hết, về vấn đề đầu tư ngoài ngành, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng xác nhận, tính đến 31/12/2011, vốn đầu tư ngoài Công ty mẹ EVN là 121.790 tỷ đồng. Con số này đã trừ số tiền 1.997 tỷ đồng Tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Báo cáo nêu rõ, trong tổng vốn đầu tư 121.790 tỷ đồng, mặc dù là ra ngoài doanh nghiệp (nghĩa là ra ngoài Công ty mẹ – EVN, không phải là ngoài ngành điện), nhưng thực chất khoản tiền này được ENV đầu tư chủ yếu tại các công ty con và công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện.
Khoảng 51% (62.482 tỷ đồng) trong tổng vốn 121.790 tỷ đồng mà EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là các khoản EVN đi vay và sau đó cho các đơn vị thành viên vay lại.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng Công thương giải thích, do EVN trực tiếp vay của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện trước đây, nên khi chuyển đổi mô hình hoạt động thành tập đoàn kinh tế nhà nước, các khoản vay của EVN được chuyển cho các công ty con và công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực điện.
Về việc EVN mua sắm ô tô vượt định mức, Bộ trưởng Công thương cho biết, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính về việc hạch toán kinh phí mua xe theo hướng phần vượt định mức tính vào lợi nhuận sau thuế của tập đoàn. EVN phải “nghiêm túc rút kinh nghiệm” trong việc này.
Các khoản vay này không chuyển đổi được chủ thể hợp đồng vay từ Công ty mẹ – EVN sang các đơn vị do các tổ chức tín dụng không chấp thuận. Vì vậy, việc cho vay lại để EVN thu hồi vốn từ các đơn vị thành viên đã sử dụng nguồn vốn vay đầu tư các công trình điện, đảm bảo EVN có nguồn trả nợ, theo Bộ trưởng là một thực tế khách quan
Khẳng định EVN chỉ đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền 1.997 tỷ đồng, ông Hoàng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến hết năm 2015, EVN cần thoái hết vốn tại các lĩnh vực trên để tập trung đầu tư các dự án điện.
Video đang HOT
“Việc đầu tư ra ngoài Công ty mẹ – EVN chủ yếu là đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện, việc đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính chiếm tỷ lệ thấp (gần 2 nghìn tỷ đồng). Yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, không sơ hở để một số đối tượng trục lợi”, báo cáo của Bộ trưởng dẫn lại một ý kiến của Thủ tướng.
Về việc chi phí xây biệt thự, sân tennis, bể bơi… tính vào giá bán điện, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong 6 dự án nhiệt điện của EVN, gồm Ô Môn 1, Phú Mỹ 1 và 4, Nghi Sơn 1, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, thì đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Tuy nhiên, trên thực tế đó là 355.000 m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.
Bộ trưởng Công thương phân tích, đặc thù của các dự án nhiệt điện là do yêu cầu về môi trường và điều kiện vận chuyển, cung cấp các loại nhiên liệu (than, khí) cần phải có cảng lớn chuyên dùng, nên phần lớn các dự án đều được khảo sát, quyết định đầu tư tại các địa bàn khó khăn, xa khu dân cư, đô thị. Để đảm cho việc quản lý vận hành, sửa chữa các nhà máy, kịp thời và hiệu quả, thì việc cần có khu nhà ở, sinh hoạt tập trung cho lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ở gần khu vực nhà máy là bắt buộc, nhất là trong trường hợp khi xảy ra sự cố cần ứng cứu kịp thời.
Ngoài ra, việc vận hành các nhà máy điện đều có yếu tố độc hại và căng thẳng nên việc xây dựng các hạ tầng thể thao, giải trí kèm theo tại khu quản lý vận hành nhằm thu hút được lực lượng lao động có trình độ cao tới làm việc và giúp người công nhân vận hành đảm bảo có đủ sức khỏe và tinh thần để yên tâm duy trì khả năng làm việc… theo Bộ trưởng cũng là điều cần thiết.
Hơn nữa, tại một số dự án, do trong giai đoạn xây dựng và đưa vào vận hành thời gian đầu, có nhiều chuyên gia nước ngoài tham gia, nên các công trình này đầu tiên là để phục vụ cho người nước ngoài, sau đó mới được chuyển giao cho chủ đầu tư Việt Nam sử dụng.
Người đứng đầu ngành Công thương cũng nêu quan điểm, việc các hạng mục công trình được phê duyệt trong tổng mức đầu tư của các dự án (điều làm dư luận băn khoăn là chi phí đầu tư những công trình này được tính vào giá điện – PV) là nhằm đảm bảo yêu cầu xác định được đầy đủ các khoản mục chi phí đầu tư cần thiết để có thể hoàn thành việc xây dựng một dự án nguồn điện khi lập dự án đầu tư. Theo đó, giá trị tổng chi phí cho đầu tư cũng được đưa vào phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế tài chính đối với từng dự án, để chứng minh đây là phương án có chi phí thấp và hợp lý so với phương án phải chi trả cho lực lượng lao động ở xa nhà máy và phải di chuyển để làm việc hàng ngày trong suốt đời dự án. “Công thức” này có thể được chia tách từng khoản để phê duyệt hoạch toán theo quy định trong giai đoạn thực hiện đầu tư, thẩm tra.
Giải trình về từng dự án cụ thể, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, theo kiểm tra thực tế ban đầu tại một số dự án của Bộ Công thương và theo báo cáo của EVN, trong 6 dự án mà Thanh tra Chính phủ đã nêu, chỉ có 1 dự án là Ô Môn 1 trong hạng mục khu nhà ở có xây dựng bể bơi, sân tennis. Tuy nhiên, đây cũng là dự án do Chính phủ Nhật cho vay ưu đãi, có chuyên gia nước ngoài nên ở giai đoạn đầu, việc xây dựng cơ sở thể thao phục vụ cho người nước ngoài là cần thiết, nhất là trong điều kiện địa điểm dự án ở xa nội thành thành phố Cần Thơ.
Và trong 6 dự án, đến nay mới duy nhất có dự án Phú Mỹ 1 là đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất (nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu, chỉ 1,3 – 3,7 tỷ đồng/năm).
Ông Hoàng thông tin, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát chi phí xây dựng khu nhà ở, quản lý vận hành của ngành điện cũng như đối với các nhà máy, khu công nghiệp khác, có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/ 2014.
Đề cập đến trách nhiệm của Bộ chủ quản, Bộ trưởng Công thương cho biết, đã có văn bản yêu cầu EVN nghiêm túc thực hiện các ý kiến kết luận của Thủ tướng. EVN cũng đã báo cáo là đã thực hiện nghiêm túc, đồng thời chỉ đạo các đơn vị các đơn vị thành viên kiểm điểm rút kinh nghiệm các tồn tại, khuyết điểm để kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh.
Về chi phí “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”, Bộ Tài chính đã dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành tại các dự án điện của EVN Bộ Công Thương đã tham gia ý kiến. Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn chỉnh dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Y tế, Công thương trả lời chất vấn ngày 1/4
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng được UB Thường vụ Quốc hội chọn trả lời chất vấn giữa 2 kỳ họp Quốc hội vào đầu tuần tới (thứ 3, ngày 1/4).
Được biết, từ giữa tháng 2/2014, Văn phòng Quốc hội đã có văn bản đề nghị các vị đại biểu Quốc hội gửi chất vấn để tổng hợp nội dung, báo cáo UB thường vụ Quốc hội lựa chọn người trả lời chất vấn, nhóm vấn đề cho phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp lần này. Kết quả tổng hợp, UB Thường vụ Quốc hội đã chọn Bộ trưởng Y tế và Công thương.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Công thương Vũ Huy Hoàng được chọn đăng đàn trả lời chất vấn giữa 2 kỳ họp.
Theo chương trình dự kiến, sáng1/4 bố trí cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn. Ông Hoàng sẽ đăng đàn trả lời về giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý thị trường, xử lý tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước.
Nhóm vấn đề khác dành cho Bộ trưởng Công thương là tình trạng xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, làm thất thu ngân sách nhà nước...
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng sẽ trả lời về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện, xăng, dầu và việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng, dầu, kết quả thực hiện chương trình "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam".
Tham gia trả lời làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan tại phần chất Bộ trưởng Công thương sẽ là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính.
Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ đăng đàn. Nhóm vấn đề đầu tiên dành cho nữ Bộ trưởng là giải pháp mang tính đột phá để khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; thực trạng tổ chức bộ máy y tế tuyến huyện, xã và việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến còn phải chuẩn bị nội dung về công tác quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân, trong đó có cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, giá thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.
UB Thường vụ Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham dự phiên chất vấn của Bộ trưởng Y tế để trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan.
Phiên chất vấn ngày 1/4 sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp đồng thời kết nối truyền hình trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội. Phần chất vấn Bộ trưởng Công thương do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành, phần chất vấn Bộ trưởng Y tế được giao cho Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. 2 Bộ trưởng đăng đàn không được bố trí thời gian trình bày báo cáo mà sẽ trả lời ngay những câu hỏi chất vấn của đại biểu.
Được biết, các cơ quan như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, UB TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được mời tham dự phiên chất vấn.
Theo Dantri
Sự cố hệ thống cung cấp khí Phú Mỹ 3 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải chi khoảng 70 tỷ đồng/ngày để vận hành hệ thống điện thay thế. Việc cấp điện cho khu vực miền Nam vẫn được đảm bảo Theo thông tin của Công ty Khí Cà Mau, sự cố xì van đường ống cấp khí xảy ra trên giàn khai thác do công ty Talisman (Maylaysia) điều hành....