Bộ trưởng Công an lần đầu tập thể dục ngay trong hội trường cùng Bộ trưởng Y tế
Chiều 12/6, tại hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp về đảm bảo an ninh trật tự giữa Bộ Y tế và Bộ Công an, bà Nguyễn Thi Kim Tiến đã mời Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng các đại biểu tập thể dục thư giãn bằng cách tập một bài thể dục ngay trong hội trường
Bộ trưởng Công an lần đầu cùng tập thể dục với Bộ trưởng Y tế trong hội trường
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết 3 phút thể dục giữa giờ đã trở thành thói quen không thể thiếu trong cơ quan Bộ Y tế. Việc tập giữa giờ được thực hiện đầu tiên từ ngày 8/1, đến nay sau hơn 5 tháng triển khai, tập thể dục giữa giờ không còn là “chuyện lạ”. Giữa buổi giao ban, nghỉ giải lao giữa buổi họp các đại biểu đều đứng lên tập theo nhịp điệu trong 3 phút, giúp tỉnh táo, sảng khoái trước khi bắt đầu làm việc tiếp.
Vì thế, trong không khí rất oi bức của chiều mùa hè ngày 12/6, tại cuộc họp khi tới giờ giải lao, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã mời Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu cùng tham gia tập bài thể dục.
Bộ trưởng Tô Lâm tuy khá bất ngờ nhưng cũng hào hứng cùng các lãnh đạo Bộ Công an và những đại biểu tại hội nghị tập bài thể dục 3 phút ngay tại hội trường. Không khí buổi tập rất vui vẻ, mọi người đều cười vui sảng khoái.
Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Y tế cùng các đại biểu hào hứng tập bài thể dục 3 phút giữa giờ.
Bà Tiến cũng chia sẻ, bản thân bà sau khi đứng dậy tập tại chỗ chỉ vài phút, với 9 động tác thấy rất dễ chịu, thoải mái, nhẹ người. “Khi ngồi nhiều làm việc, tôi rất khó chịu, đau mỏi người, mỏi mắt. Đứng dậy vận động sẽ dễ chịu hơn”.
Bộ trưởng Y tế cho biết, một hạn chế của người Việt, đó là chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe từ khi còn trẻ mà chỉ chăm khi có bệnh, phải đi viện. Trong khi đến hơn 70% các loại tử vong là do các bệnh không lây nhiễm mãn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn và các bệnh khác… liên quan đến lối sống, trong đó có thói quen vận động.
“Khi đã bị bệnh phải vào bệnh viện rất tốn kém, phải gắn chặt với bệnh việc. Trong khi đó việc ăn uống điều độ, thể dục thể thao, rèn luyện cơ thể, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá… sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh, phòng ngừa các bệnh lý này”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Tiến chia sẻ thêm, bản thân bà là một người rất thích vận động, tập luyện thể dục. Nhưng vì không có thời gian, nên Bộ trưởng luôn phải cố gắng để ngày nào cũng đạt mục tiêu đi bộ được 10 nghìn bước chân.
“Vận động, nếu quá bận rộn, như ở các nước Singapore, Thái Lan, chỉ với mục đích in dấu chân, đi bộ càng nhiều càng tốt, làm sao để đạt 10 nghìn bước chân mỗi ngày. Kèm theo đó là giảm ăn mặn, giảm ăn đường, kiểm soát, đo huyết áp thường xuyên”, Bộ trưởng khuyến khích.
Trước đó, ngày 27/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động, kêu gọi toàn dân thực hiện chương trình Sức khỏe Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người dân hãy bắt đầu ngay từ việc duy trì các hành vi có lợi cho lối sống, sức khoẻ bằng cách ăn nhiều rau xanh, giảm rượu bia, giảm muối, đường, không thuốc lá, tăng cường vận động và thường xuyên kiểm tra sức khoẻ.
Về phía ngành y tế, sau gần 5 tháng thực hiện thử nghiệm tập thể dục giữa giờ, ngày 14/5 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký chỉ thị yêu cầu toàn bộ các cán bộ, nhân viên, các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành y nghiêm túc thực hiện tập thể dục trong thời gian giải lao ở ngay tại cơ quan giữa các buổi họp và giao ban mỗi ngày.
Bộ trưởng Tiến kêu gọi các đơn vị trong ngành y vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng tích cực việc thực hiện vận động thể lực dưới hình thức đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày hoặc tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày để ngừa các bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, béo phì…
Hồng Hải
Theo Dân trí
Tập thể dục giữa giờ, tại sao không?
Từ cuối năm 2018 đến nay, Bộ Y tế là một trong số ít cơ quan thực hiện tập thể dục tại chỗ trong giờ nghỉ của các cuộc họp. Ban đầu, việc tập luyện diễn ra ít hơn, gần đây tăng dần và nhiều buổi tập có cả Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (đứng hàng đầu) cùng tập thể dục sáng 20-2 - Ảnh: THÚY ANH
Có ý kiến cho rằng việc tập luyện như thế là hình thức, nữ áo dài, nam mặc vest thì hiệu quả tập không cao, nhưng Bộ trưởng Kim Tiến chia sẻ: "Tôi tập thấy rất thích".
Tăng tinh thần làm việc
Sáng 20-2, bên hông một tòa nhà cao tầng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhân viên của một công ty chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng đang tập thể dục bên ngoài tòa nhà. Theo đại diện của công ty này, việc tập luyện một bài thể dục ngắn trước giờ làm việc đã được công ty áp dụng từ lâu, hiệu quả rõ nhất là mọi người tham gia đều thấy vui vẻ, tỉnh táo bước vào ngày làm việc mới.
Ở một góc khác của Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ khai mạc Tuần phim y tế VN. Cuối buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mời các đại biểu dự họp tham gia bài thể dục tại chỗ theo hướng dẫn của các vận động viên trẻ ở Hà Nội. Nhiều tiếng cười khúc khích. Bài tập ngắn nhưng khi kết thúc, rất nhiều tiếng vỗ tay, bày tỏ sự sảng khoái, vui vẻ sau buổi tập.
Bài tập đang được Bộ Y tế sử dụng có nguyên gốc là bài tập ngắn (kéo dài hơn 3 phút, xem clip trên tuoitre.vn), xuất xứ Nhật Bản. Các động tác trong bài đều đơn giản, có cả động tác cho người đứng và ngồi, nhằm giúp những người làm việc ở công sở không có nhiều không gian vẫn có thể tập được.
"Nếu tập đúng theo bài thì người tập thấy giãn các khối cơ tay, vai, cổ, lườn, chân, lưng, cảm thấy rất thoải mái" - một cán bộ y tế đã tham gia buổi tập ngày 20-2 chia sẻ.
Quan trọng là ý thức vận động
Trong 10 năm được thống kê, số người bị đái tháo đường ở VN đã tăng 211%, người tăng huyết áp/tổng số được khảo sát mới nhất cũng lên tới trên 40% người trưởng thành, trong khi trước đó 10 năm là trên 25%. Tỉ lệ người béo phì, thừa cân, mắc bệnh rối loạn chuyển hóa... liên quan đến lối sống và chế độ ăn gia tăng rất nhanh.
Trong khi đó, người VN lại chưa đảm bảo thời gian rèn luyện thể lực theo khuyến cáo (của Tổ chức Y tế thế giới là mỗi người nên tập 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần, người ta gọi đây là nguyên lý 3-5-7). Có tới trên 1/3 người VN chưa đảm bảo thời gian vận động theo khuyến cáo này.
Trong khi 10 năm qua do thu nhập tăng, thực phẩm nhiều lên, nhiều thiết bị điện tử, lượng calo nạp vào cao lên nhưng tiêu hao lại ít đi, từ đó những bệnh liên quan đến thực phẩm càng gia tăng.
Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng quan trọng nhất là phát động một phong trào rèn luyện sức khỏe, từ đó nâng cao sức khỏe của người dân.
Theo ông Phu, Cục Y tế dự phòng đã chọn những động tác phù hợp nhất với người Việt trong bài tập của Nhật Bản, trước mắt gửi các cơ sở y tế và tiến tới kêu gọi toàn dân tập luyện thể dục, chăm sóc sức khỏe.
Với những người đã và sẽ tập luyện bài tập này, ông Phu cho rằng các động tác đều rất dễ tập, dễ áp dụng, có tác dụng thật sự.
Giảm cân thành chiến lược toàn thành phố ở Tây Ban Nha
Năm ngoái, thành phố Narón thuộc vùng Galicia ở tây bắc Tây Ban Nha đã phát động sáng kiến tiên phong thực hiện nếp sống lành mạnh nhằm giúp 40.000 dân ở đây có thể giảm được tổng cộng 100.000kg trong vòng hai năm.
Chính quyền sở tại tin rằng mọi người dân của họ có thể chia sẻ mục tiêu chung thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao, theo dõi tình trạng sức khỏe.
Theo trang Euronews, thống kê trong năm qua, năm đầu tiên thực hiện sáng kiến, người dân thành phố Narón đã giảm được tổng cộng hơn 46.000kg.
Bác sĩ Carlos Pieiro, người chịu trách nhiệm thực hiện dự án này, cho biết tới nay những người tham gia đã đạt được một nửa các mục tiêu đặt ra, hiện đang mở rộng thêm số người tham gia vượt qua mốc 7.200 người chính thức đăng ký.
Các nhà hàng cũng đóng góp trách nhiệm của họ vào mục tiêu chung bằng cách cung cấp các thực đơn với món ăn "nhẹ nhõm" hơn. Trong khi đó, các trường liên tục giảng dạy cho trẻ em về cách giảng giải, thuyết phục gia đình các em về những thói quen sinh hoạt lành mạnh.
"Trẻ em của thành phố Narón giờ là các nhà nghiên cứu trong môi trường của các em về chuyện chế độ ăn nào phù hợp với gia đình mình, mình có thể đi bộ, vận động bao nhiêu" - bác sĩ Carlos Pieiro nói.
Trong khi đó, với người lớn, kết quả đạt được của các gia đình hàng xóm cũng trở thành nhân tố động lực khiến họ muốn thực hiện sáng kiến giảm cân.
Theo Viện Thống kê vùng Galicia, có tới 19,18% dân số vùng Galicia bị béo phì. Tỉ lệ này ở trên mức trung bình 17,03% của toàn Tây Ban Nha.
Theo bác sĩ Pieiro, thành phố của ông có khoảng 3.000 người béo phì, cũng là nơi có tỉ lệ béo phì thấp nhất trong vùng Galicia.
Bác sĩ Pieiro cho biết mục tiêu của sáng kiến giảm cân toàn thành phố không chỉ là giảm cân, mà còn khuyến khích người dân duy trì một nếp sống lành mạnh hơn.
Tác động tích cực rõ rệt nhất của chương trình này có thể thấy ở nhóm người lớn tuổi. Trong số 276 người lớn tuổi tham gia chương trình, lượng người phải nhập viện điều trị trong năm qua đã giảm 48%.
Bác sĩ Pieiro cho biết sở dĩ có được điều này là vì nhóm người lớn tuổi đã theo đuổi kế hoạch tập luyện khắt khe như khiêu vũ, thể dục chữa bệnh, bơi hai ngày một lần và đi bộ 8km mỗi ngày.
Theo tuoitre
Bộ trưởng Y tế: Tôi thích tập thể dục, cố gắng mỗi ngày 10 nghìn bước chân! Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cơ quan này bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục ngay tại công sở. "70% các ca tử vong liên quan đến bệnh không lây nhiễm do, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư do lối sống, lười vận động. Vì thế, trước mắt Bộ Y tế sẽ khởi động...