Bộ trưởng Bộ TT&TT: Nhiều nhà báo hoạt động rất tích cực trên Facebook
“Ngoài báo chí truyền thống, một số nhà báo cũng đã tham gia hoạt động trên môi trường mạng rất tích cực, điển hình như Facebook. Ở Trung Quốc người ta nói đây là những dư luận viên trên mạng”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son chia sẻ tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 19/4.
Một khán giả cao tuổi gửi thư tới chương trình cho biết: Thời gian gần đây, tình hình phát tán thông tin giả mạo và thông tin độc hại vi phạm pháp luật diễn biến khá phức tạp và công khai. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này và tại sao sự việc này lại xảy ra công khai như vậy?
Chúng ta đã có trên 30 triệu người sử dụng internet. Bên cạnh những mặt rất tích cực của Internet, hiện nay những lực lượng phát tán thông tin sai trái để thu lợi bất chính, rồi các thế lực thù địch dùng môi trường internet chống phá chúng ta, nhất là khi đất nước có những sự kiện quan trọng hàng năm. Ví dụ trong năm nay, chúng ta đang triển khai thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ chính trị để triển khai Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12…
Đó là những sự kiện chính trị rất quan trọng diễn ra trong đời sống xã hội hiện nay. Khi đất nước diễn ra những sự kiện quan trọng như vậy thì các thế lực thù địch cũng gia tăng phát tán các thông tin sai trái. Tuy nhiên, như chúng ta thấy lực lượng công an đã xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trật tự, an ninh và an toàn xã hội.
Một khán giả cho rằng, các trang mạng phát tán thông tin độc hại này vẫn thu hút được một số lượng người đọc nhất định, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Vậy với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về truyền thông, thông tin ra sao và chúng ta có giải pháp gì để đối phó với tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam nói chung và với Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng. Đương nhiên chúng ta phải tìm cách để quản lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại trên môi trường mạng. Chính vì vậy, trong thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng nhiều văn bản và đã ban hành Nghị định 72 năm 2013 để quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Thông tư 09/2014 để quy rõ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của những người cung cấp thông tin trên mạng cũng như sử dụng thông tin trên mạng để làm sao ngăn chặn và nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, của tổ chức xã hội khi cung cấp các dịch vụ thông tin trên mạng và sử dụng các thông tin trên mạng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Gần đây nhất, Chính phủ đề nghị và đã được Quốc hội chấp nhận sẽ xem xét và thông qua Dự án Luật An toàn thông tin. Đây là một Dự án Luật rất quan trọng góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý trên môi trường mạng góp phần bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia hoạt động trên môi trường mạng; bảo đảm an toàn, ngăn chặn những hành vi gây mất an toàn an ninh trên môi trường mạng.
Video đang HOT
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng báo chí nước Nhà trong cuộc đấu tranh với việc ngăn chặn những thông tin sai trái độc hại?
Báo chí chúng ta cũng là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh có hiệu quả trong việc ngăn chặn những thông tin sai trái, độc hại. Tiêu biểu trong thời gian vừa qua chúng ta thấy báo nhiều cơ quan báo, đài không chỉ tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, là diễn đàn của nhân dân nhưng đồng thời cũng là vũ khí sắc bén để đấu tranh có hiệu quả với các tư tưởng sai trái đang tồn tại trên không gian thực, xã hội thực cũng như xã hội ảo trên môi trường mạng.
Ngoài báo chí truyền thống, một số tờ báo, một số nhà báo cũng đã tham gia hoạt động trên môi trường mạng rất tích cực. Như ở Trung Quốc người ta nói đây là những dư luận viên trên mạng thì các nhà báo của chúng ta đã tham gia tích cực trên môi trường mạng, điển hình như Facebook. Trên môi trường ảo này báo chí sẽ luôn phát huy được vai trò của mình để làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà nước và cũng là những người lính trực tiếp va đập với những thông tin sai trái.
Với bản lĩnh cùng những bài viết sắc bén để đấu tranh bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, đấu tranh với những luận điệu sai trái trên môi trường mạng góp phần bảo vệ sự bình yên của nhân dân, an ninh của Đất nước. Tôi tin tưởng rằng, các nhà báo của chúng ta trong mọi hoàn cảnh luôn là những người lính xung kích đi đầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền.
Người dân quan tâm đến vấn đề tin nhắn rác có hỏi: Vào giai đoạn cao điểm Tết Ất Mùi vừa qua, tình trạng tin nhắn rác có giảm đi sau khi Bộ Thông tin vàTruyền thông vào cuộc “mạnh tay”. Thế nhưng tới thời điểm hiện tại dường như hiện tượng này đang quay trở lại và phát tán khá mạnh mẽ. Vậy Bộ Thông tin Truyền thông đang có giải pháp gì mạnh tay hơn để thực sự chấn chỉnh được hiện tượng này?
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan thanh tra của Bộ cũng như thanh tra của các Sở, ngành và các cơ quan chức năng khác tiếp tục thanh tra giám sát hơn nữa và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội nói chung và trực tiếp là các nhà mạng để ngăn chặn tin rác, ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp một cách kịp thời.
Tôi cho rằng, tất cả các bài toán khó đều có lời giải. Với tinh thần này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý dịch vụ tin nhắn OTT. Đây là một dịch vụ phát triển mới đem lại nhiều tiện ích nhưng cũng rất khó quản lý.
Để đảm bảo sự bình đẳng trên môi trường mạng, các nhà dịch vụ OTT cũng phải chia sẻ doanh thu của mình với các nhà mạng đang cung cấp dịch vụ hạ tầng cho mình, đồng thời Nhà nước cũng có điều kiện để quản lý hoạt động này, đảm bảo sự bình yên, bảo đảm an toàn trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nghiên cứu các giải pháp, thay vì trước đây các nhà dịch vụ viễn thông cung cấp các đầu số cho các nhà dịch vụ nội dung thì bây giờ Bộ sẽ thu hồi về để trực tiếp xem xét cung cấp cho các nhà dịch vụ nội dung các đầu số này. Đồng thời sẽ có một Thông tư để ký kết hợp đồng hợp tác giữa các nhà mạng và các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Infonet
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông: Quy hoạch báo chí để nâng cao chất lượng
Tại chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 15/6, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận định, quy hoạch báo chí là đưa ra hành lang pháp lý để xây dựng đội ngũ báo chí hợp lý về số lượng và nâng cao chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.
Tôi thấy càng ngày các trang báo mạng càng thích đưa tin giật gân, câu khách, đăng hình ảnh hở hang, quảng cáo các games bạo lực không phù hợp với thuần phong mỹ tục... Vai trò quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông ở đâu trong trường hợp này? Đến thời điểm này đã xử phạt nghiêm khắc được trường hợp nào chưa, thưa Bộ trưởng?
Từ năm 2011 đến nay, chúng tôi đã xử phạt tới 62 lượt cơ quan báo mạng có những vi phạm như đã nêu trên. Đặc biệt, đã đình chỉ có thời hạn đối với 2 tờ báo mạng, xử phạt mức độ khiển trách 4 Tổng Biên tập, thu 2 thẻ nhà báo, đình chỉ công tác một số biên tập viên cũng như Thư ký tòa soạn.
Năm 2013, Bộ Thông tin - Truyền thông đã xây dựng, trình Chính phủ và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72 về việc quản lý dịch vụ Internet và quản lý games trực tuyến. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 159, 174 để xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin truyền thông, cụ thể trong lĩnh vực báo chí xuất bản, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử và bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin.
Song bên cạnh đó, chúng ta phải thường xuyên nâng cao vai trò, trách nhiệm giáo dục, nâng cao nhận thức của người sử dụng Internet, đặc biệt lớp trẻ để họ có điều kiện phân biệt rõ đúng sai, thông tin xấu, "độc" trên mạng, phòng tránh và tự bảo vệ mình, lựa chọn những thông tin tốt để phục vụ cho sự phát triển của cá nhân cũng như xã hội.
Được biết một số tờ báo, nhất là báo mạng, thông tin những chuyện tiêu cực, sai phạm của doanh nghiệp không khách quan, thậm chí sai sự thật, làm ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp, xúc phạm danh dự cá nhân. Nhưng khi có phản hồi từ cá nhân, tổ chức thì báo chí không đăng phát ý kiến của họ, không đính chính lại - vậy là thông tin một chiều, không coi trọng tiếng nói người dân. Bộ trưởng bình luận gì về tình trạng này và có giải pháp để chấn chỉnh hay không?
Trước hết, tôi rất chia sẻ với những bức xúc của doanh nghiệp. Đây là hành vi không thể chấp nhận được, bởi vì nó vi phạm những điều rất cơ bản của hoạt động báo chí.
Luật Báo chí bổ sung và sửa đổi năm 1999, trong Điều 6, 9, 10 và 28 đã ghi rất rõ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của báo chí, của nhà báo, đó là phải đưa thông tin trung thực. Khi đã đưa thông tin sai trái thì phải đính chính kịp thời. Nếu thông tin đó ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì phải đền bù thiệt hại theo luật định.
Bộ Thông tin-Truyền thông với chức năng của mình sẵn sàng phối hợp với người dân phát hiện và xử lý kịp thời những hiện tượng sai phạm trên.
Trong thời buổi kinh tế thị trường, thương trường luôn là chiến trường, và trong chiến trường này, doanh nhân là người lính xung kích trực tiếp trên mặt trận kinh tế này và nhà báo là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng. Hai người lính này đều nhằm mục tiêu góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mạnh giàu.
Chính vì vậy, tôi rất mong các doanh nghiệp, doanh nhân cũng như các nhà báo cùng phối hợp, chia sẻ, cộng sinh trong sự phát triển của đất nước để giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục khó khăn trong tình hình hiện nay.
Tôi nghĩ rằng, đó là mong muốn nhất của Nhà nước cũng như của nhân dân đối với doanh nghiệp và báo chí hiện nay.
Bộ trưởng mới đây có nói: Có thể mỗi địa phương chỉ còn 1 tờ báo, còn lại là ấn phẩm phụ. Xin Bộ trưởng cho biết, định hướng này ảnh hưởng thế nào đến quyền tự do ngôn luận cũng như quyền được hưởng thụ thông tin của người dân theo Hiến pháp sửa đổi năm 2013?
Hiện nay, chúng ta có 838 cơ quan báo in; 67 đài phát thanh và truyền hình với gần 200 kênh; cùng hàng chục kênh truyền hình nước ngoài đang hoạt động, tác nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài ra, hệ thống báo mạng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương và một số tổ chức, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kể cả người dân cũng đã nhận thấy và cảnh báo rằng, trong hoạt động báo chí đang có sự lãng phí về nguồn lực. Từ sự lãng phí này dẫn đến hiện tượng có nhiều tờ báo na ná giống nhau, kể cả về nội dung, tôn chỉ, mục đích, nên giảm đi tính bản sắc của các tờ báo.
Đồng thời, trong sự phát triển mạnh mẽ số lượng của các cơ quan báo chí như vậy, cũng không thể không tránh khỏi sự cạnh tranh về thông tin. Từ sự cạnh tranh này đã dẫn đến có những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, gây búc xúc trong xã hội. Chúng tôi nghĩ rằng, quy hoạch báo chí trong lúc này là cần thiết.
Quy hoạch không chỉ là để xem xét giảm số lượng báo chí mà quan trọng hơn là phải đưa ra hành lang pháp lý, đưa ra những chính sách để xây dựng đội ngũ báo chí hợp lý về số lượng, đặc biệt, nâng cao chất lượng.
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là 21/6- Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân dịp này, thay mặt Bộ Thông tin - Truyền thông, tôi xin gửi đến đội ngũ những người làm báo nước nhà, đặc biệt gửi đến các nhà báo lão thành lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc đội ngũ báo chí luôn phát huy truyền thống vẻ vang của 89 năm xây dựng và trưởng thành, tiếp tục phấn đấu rèn luyện để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt là tính chuyên nghiệp của nền báo chí Cách mạng!
Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!
Bích Diệp (ghi)
Theo dantri
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Sẽ mạnh tay ngăn chặn tin nhắn rác Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý dịch vụ tin nhắn OTT. Thời gian qua, tình hình an toàn thông tin trên thế giới và ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, cuối năm 2014 bùng phát trở lại hiện tượng phát tán thư rác,...