Bộ trưởng Bộ Tài chính: ‘Không dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu DNNN’
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chất vấn Tư lệnh ngành tài chính về tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh và khó kiểm soát trong phiên chất vấn chiều 30/10. Ông cũng hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Trường hợp doanh nghiệp nhà nước vay mà không trả được nợ thì ai trả?”.
Không dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo phương thức tự vay, tự trả, trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh thuộc phạm vi nợ công.
Tư lệnh ngành Tài chính chia sẻ, thời gian qua Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nợ công nên đối với nợ nước ngoài Chính phủ chúng ta đã tích cực cơ cấu lại, giảm dần tỷ trọng vay nước ngoài từ 60% năm 2011 xuống còn 40% năm 2018. Trong đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ 24% GDP cuối 2011 xuống còn 21% năm 2018.
Đối với nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã hạn chế cấp bảo lãnh của Chính phủ nên giảm từ 10,9% GDP 2015 xuống còn 8,7% năm 2018. Trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ 5,9% GDP cuối 2015 còn khoảng 5% cuối năm 2018.
Riêng đối với nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2016 tăng 25,7% so với năm 2015, năm 2017 tăng 39,6% so với năm 2016, đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia. Chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP là 42%, 44,8% hoặc 48,9% tương ứng các năm 2015, 2016, 2017 và dự kiến cuối năm 2018 là 49,7%, sát ngưỡng 50% như đại biểu đã nêu.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm đã được quán triệt trong nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết Quốc hội là không dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Đồng thời, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế bao gồm doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng theo cơ chế tự vay, tự trả là bên vay có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp. Trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ có thể thực hiện phá sản theo quy định pháp luật.
Ông cũng dẫn quy định của Chính phủ tại Điều 9, Nghị định 219 năm 2013 rằng Ngân hàng nhà nước được giao quản lý các khoản nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối của nhà nước.
Video đang HOT
“Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chủ trì nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn đã được Quốc hội cho phép”, Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Bình An
Theo vietnamfinance.vn
Một số vấn đề trong quản lý thu, chi tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước địa phương
Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, công tác quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện qua các số liệu thống kê về thu, chi ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai áp dụng Thông tư này tại các Kho bạc Nhà nước địa phương cũng đã phát sinh một số vấn đề trong quản lý thu, chi tiền mặt cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung, qua đó góp phần hạn chế mức thấp nhất lưu lượng tiền mặt trong lưu thông.
Chứng từ rút tiền mặt của Kho bạc Nhà nước
Theo Khoản 6, Điều 3, Thông tư số 13/2017/TT-BTC, chứng từ rút tiền mặt của Kho bạc Nhà nước (KBNN) là chứng từ thanh toán do đơn vị KBNN lập để yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cùng địa bàn tỉnh hoặc ngân hàng thương mại (NHTM) nơi KBNN mở tài khoản trích "Nợ" tài khoản của KBNN tại ngân hàng để rút tiền mặt về quỹ đơn vị KBNN hoặc chi trả bằng tiền mặt tại NHTM cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thụ hưởng. Khoản 1, Điều 4 Thông tư số 13/2017/TT-BTC cũng quy định: "KBNN quản lý tiền mặt trong nội bộ hệ thống KBNN..., đồng thời chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh... trên cùng địa bàn tỉnh hoặc NHTM nơi mở tài khoản để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt của KBNN".
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, căn cứ quy trình thanh toán điện tử liên ngân hàng theo Quyết định số 1888/QĐ-KBNN ngày 5/5/2017 của Tổng Giám đốc KBNN ban hành quy trình nghiệp vụ thanh toán điện tử liên ngân hàng thì KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là KBNN cấp tỉnh) không còn áp dụng phương thức thanh toán cũ (chương trình thanh toán bù trừ điện tử với NHNN) mà áp dụng quy trình thanh toán mới theo Quyết định số 1888/QĐ-KBNN.
Theo đó, KBNN cấp tỉnh không được phép mở tài khoản tiền gửi tại NHNN; trường hợp có nhu cầu rút, nộp tiền mặt qua NHNN chi nhánh tỉnh thì thực hiện khởi tạo lệnh thanh toán qua mạng máy tính trực tiếp trên Chương trình thanh toán liên ngân hàng với Sở Giao dịch NHNN, theo đó, thực hiện thanh toán bù trừ, thu hộ, chi hộ trên tài khoản thanh toán tổng hợp của Sở Giao dịch KBNN (nay là Cục Kế toán Nhà nước) trực thuộc KBNN mở tại Sở Giao dịch NHNN. Mặt khác, theo quy định hiện hành, KBNN cấp tỉnh cũng không được phép mở tài khoản tại NHTM để đáp ứng nhu cầu tiền mặt của KBNN. Chính vì vậy, thời gian tới cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2017/TT-BTC cho phù hợp với hoạt động của KBNN trong điều kiện áp dụng các quy trình thanh toán mới hiện nay.
Các khoản thu bằng tiền mặt tại đơn vị sự nghiệp công lập
Việc mở tài khoản và sử dụng nguồn kinh phí thu có trên số dư tài khoản của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay chưa được các KBNN cấp tỉnh thực hiện nhất quán.
Theo điểm b, Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 13/2017/TT-BTC: "Trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập có phát sinh nguồn thu khác bằng tiền mặt từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) thì đơn vị sự nghiệp công lập gửi số tiền thu được vảo tài khoản của đơn vị tại NHTM hoặc KBNN...". Tại Khoản 3, Điều 5, Thông tư số 13/2017/TT-BTC cũng quy định rõ nội dung Ủy nhiệm thu phí bằng tiền mặt, theo đó, thu phí bằng tiền mặt từ hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện và được để lại một phần hoặc toàn bộ cho đơn vị, thì đơn vị được mở tài khoản chuyên thu tại NHTM... Định kỳ (tối đa không quá 5 ngày làm việc hoặc số dư tài khoản chuyên thu vượt quá 01 tỷ đồng), đơn vị phải làm thủ tục chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản chuyên thu tại NHTM về tài khoản của đơn vị tại KBNN để quản lý theo quy định.
Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này trong thực tế lại gặp một số khó khăn. Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/215 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và quy định mở tài khoản giao dịch, đơn vị sự nghiệp công lập được mở tài khoản tiền gửi tại NHTM hoặc KBNN để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công lập không sử dụng NSNN...; các khoản thu phí theo pháp luật... đơn vị được mở tài khoản tại KBNN để phán ánh. Tương tự, tại Khoản 1, Điều 16, Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác cũng quy định việc mở tài khoản giao dịch có cùng nội dung như quy định tại khoản 1, Điều 16 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.
Như vậy, theo các Nghị định trên (Nghị định số 141/2016/NĐ-CP và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP) thì các đơn vị sự nghiệp công lập được phép mở tài khoản tiền gửi tại NHTM hoặc KBNN để phản ánh các khoản thu, chi hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN. Trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập thu phí thì mở tài khoản tại KBNN để phản ánh... Trong khi đó, Thông tư số 13/2017/TT-BTC lại yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công có hoạt động thu khác bằng tiền mặt từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN được phép mở tài khoản (không quy định tính chất tài khoản); đối với các đơn vị sự nghiệp công có hoạt động thu phí bằng tiền mặt thì được phép mở tài khoản chuyên thu (quy định tài khoản này không được sử dụng để thanh toán hoặc sử dụng vào mục đích khác) và định kỳ tối đa không quá 5 ngày làm việc hoặc số dư tài khoản chuyên thu vượt quá 01 tỷ đồng, thì chuyển về tài khoản của đơn vị mở tại KBNN.
Chi bằng tiền mặt đối với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an
Theo Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 13/2017/TT-BTC chi bằng tiền mặt bao gồm: Mật phí, phụ cấp, tiền ăn hạ sỹ quan binh sỹ (trừ các khoản chi thanh toán cá nhân bằng chuyển khoản theo quy định...), chi đoàn ra, công tác phí, đi phép, chi nuôi phạm nhân, can phạm và các nhu cầu chi thường xuyên khác bằng tiền mặt.
Điều 4 Thông tư số 369/2017/TT-BTC ngày 11/4/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện cấp kinh phí thường xuyên từ NSNN để thực hiện nhiệm vụ chi quốc phòng của Bộ Quốc phòng cũng quy định rõ 8 khoản chi có yêu cầu bảo mật cao, trong đó có một khoản chi mật phí. Đối với các khoản chi có yêu cầu bảo mật cao của Bộ Công an, Thông tư số 55/2017/TT-BTC ngày 19/5/2017 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội bao gồm 8 nội dung chi, trong đó có khoản chi thanh toán cá nhân (trừ tiền lương, phụ cấp...), chi nghiệp vụ chuyên môn.
Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với các khoản chi có yêu cầu bảo mật cao, KBNN không kiểm soát chi và chi trả theo đề nghị của đơn vị (kể cả chi tiền mặt). Tuy nhiên, căn cứ thực tiễn kiểm soát chi tại KBNN ở địa phương cho thấy, chi tiền mặt cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hiện nay chiếm tỷ lệ cao hơn so với các đơn vị sử dụng NSNN khác và thường tập trung ở các nội dung chi có yêu cầu bảo mật cao như:
Chi thanh toán cá nhân (ngoại trừ một số đơn vị chi trả lương và phụ cấp lương qua tài khoản ATM), chi nghiệp vụ chuyên môn và chi khác. Nghĩa là, đối chiếu với các nội dung chi bằng tiền mặt quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTC thì hiện nay các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang vận dụng chi bằng tiền mặt theo nội dung: Các nhu cầu chi thường xuyên khác bằng tiền mặt. Nhằm đảm bảo thống nhất trong quản lý thu, chi tiền mặt tại các KBNN địa phương thời gian tới cần quy định rõ nội dung chi thường xuyên khác bằng tiền mặt tại Thông tư số 13/2017/TT-BTC là những khoản chi nào; tạo điều kiện thực hiện kiểm soát chi, đảm bảo đúng quy định và hạn chế chi bằng tiền mặt tại các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Chi bằng tiền mặt một khoản chi có giá trị nhỏ từ 5 triệu đồng trở xuống
Khoản 6, Điều 6 Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định: Chi bằng tiền mặt các khoản chi của đơn vị giao dịch có giá trị nhỏ không vượt quá 5 triệu đồng. Triển khai quy định này, trong thực tiễn kiểm soát chi, các đơn vị giao dịch thông thường lập một chứng từ chi gồm nhiều khoản chi, trong đó cứ mỗi khoản chi được phép chi không quá 5 triệu đồng, vì thế mỗi lần giao dịch các đơn vị giao dịch thường rút tối đa cho mỗi khoản chi, dẫn đến chi với khối lượng tiền mặt không nhỏ cho mỗi lần thanh toán. Nhằm đảm bảo mục tiêu hạn chế chi tiêu bằng tiền mặt theo quy định tại Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ, thời giai tới cần xem xét, quy định cụ thể các nội dung chi bằng tiền mặt; đồng thời, xác định mức rút tiền mặt tối đa đối với một khoản chi với mức thấp hơn 5 triệu đồng/khoản chi như hiện nay.
Quy trình rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước và rút tiền mặt tại ngân hàng
Sau khi giải thể phòng giao dịch theo Quyết định số 516/QĐ-BTC ngày 13/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giải thể 43 Phòng giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh, hiện nay, KBNN cấp tỉnh đang thực hiện đồng thời một lúc hai vai: Vừa phục vụ các đơn vị giao dịch thuộc cấp tỉnh, vừa phục vụ các đơn vị giao dịch thuộc cấp huyện (thị xã). Căn cứ theo khoản 1, Điều 7, Thông tư số 13/2017/TT-BTC thì các đơn vị giao dịch thuộc địa bàn thị xã sẽ đăng ký nhu cầu rút tiền mặt ở mức từ 100 triệu đồng trở lên. Còn với KBNN cấp tỉnh thì các đơn vị giao dịch (bao gồm tất cả các đơn vị giao dịch với KBNN cấp tỉnh và các đơn vị giao dịch thuộc địa bàn thị xã) đều phải đăng ký nhu cầu rút tiền mặt ở mức từ 200 triệu đồng trở lên.
Đối với việc rút tiền mặt tại NHTM, hiện nay cũng có một số vấn đề đặt ra đòi hỏi có sự chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế như:
Một là, phòng giao dịch thuộc KBNN cấp tỉnh đã giải thể, do đó, trong thực tế đã không còn áp dụng phương thức rút tiền mặt qua quy trình thanh toán song phương điện tử (Quyết định số 5688/QĐ-KBNN ngày 31/12/2016) mà chuyển sang hình thức rút tiền mặt thông qua quy trình thanh toán bù trừ điện tử liên ngân hàng. Đối với các đơn vị giao dịch thuộc địa bàn thị xã khi có nhu cầu rút tiền mặt đã không còn thực hiện chi tiền mặt qua NHTM mà chi tiền mặt trực tiếp từ bộ phận Kho quỹ thuộc phòng Kế toán nhà nước của KBNN cấp tỉnh. Thực tế này đã khiến cho lượng tiền mặt chi trả tại KBNN cấp tinh tăng cao hơn trong thời gian gần đây.
Hai là, Khoản 1, Điều 8, Thông tư số 13/2017/TT-BTC quy định, các đơn vị sử dụng NSNN khi giao dịch với KBNN cấp huyện có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 01 tỷ đồng trở lên trong 01 lần thanh toán thì thực hiện rút tiền mặt tại NHTM nơi KBNN cấp huyện mở tài khoản. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các KBNN cấp huyện đều chi trả tiền mặt cho các đơn vị sử dụng NSNN tại NHTM có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên trong 01 lần thanh toán thông qua quy trình thanh toán song phương điện tử (Quyết định số 5688/QĐ-KBNN ngày 31/12/2016) nhằm giảm thiểu lượng tiền mặt trong thanh toán.
Từ những tồn tại trên, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2017/TT-BTC về việc đăng ký rút tiền mặt, điều chỉnh mức chi bằng tiền mặt với KBNN cấp huyện trong 01 lần thanh toán và cho phép KBNN cấp tỉnh thực hiện phương thức thanh toán song phương điện tử với NHTM để phục vụ giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt đối với các đơn vị giao dịch thuộc địa bàn thị xã, qua đó làm giảm lưu lượng tiền mặt trong chi NSNN tại KBNN cấp tỉnh như hiện nay.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 - Tháng 9/2018
Bộ trưởng Tài chính: Nợ nước ngoài của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề nợ nước ngoài đang tăng nhanh trong vài năm trở lại đây tại phiên họp chiều 30/10 kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nguyên nhân là do sự gia tăng vay nước ngoài theo phương thức tự...