Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Càng tinh giản, bộ máy càng phình to
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận, ba lần tinh giản trước, chúng ta càng tinh giản, bộ máy càng “phình to”.
Bộ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời rằng, năm 2015, Bộ này sẽ tiến hành tinh giản biên chế lần thứ tư và có thể hoàn thành chương trình vào năm 2021. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận, ba lần tinh giản trước, chúng ta càng tinh giản, bộ máy càng “phình to”. Dư luận thắc mắc, liệu lần tinh giản này có lặp lại “chiến tích” của những lần trước?
6 giải pháp để tránh “vết xe đổ”
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận, 10 năm qua, sau 3 lần tinh giản biên chế, bộ máy không những không giảm mà ngày càng phình to. Tuy nhiên, đề án tinh giản biên chế lần thứ tư sẽ tiến hành từ năm 2015 và có thể hoàn thiện vào năm 2021 sẽ có những giải pháp cụ thể nhằm tránh “vết xe đổ” từ những lần trước.
Theo đó, bộ Nội vụ đề xuất 6 giải pháp để kế hoạch tinh giản lần này đạt hiệu quả như mong muốn gồm: Tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo nhận thức và đồng thuận của các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân khi tổ chức triển khai thực hiện; Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất, đẩy mạnh và hoàn thành việc xác định vị trí việc làm.
Trên cơ sở đó bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời tinh giản biên chế đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong quá trình thực hiện đề án chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế tinh giản và nghỉ hưu theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Xây dựng, cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý; Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Vẫn “tắc” ở khâu giải quyết nhân sự sau tinh giản
Đó là nhận định của PGS. TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng viện Khoa học hành chính, Học viện hành chính Quốc gia. PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho biết: “Thực ra chúng ta đã tiến hành tinh giản biên chế tổng cộng 5 lần nhưng thống kê cho thấy sau mỗi đề án tinh giản thì số lượng cán bộ, công chức lại tăng gấp đôi. Nguyên nhân dẫn tới việc càng tinh giản, bộ máy càng phình to do rất nhiều yếu tố, trong đó có việc giải quyết nhân sự sau tinh giản không tốt.
Tôi lấy ví dụ, ông thủ trưởng cơ quan A. có quyền quyết định nhân sự ở cơ quan A. mà ông thủ trưởng cơ quan B. không can thiệp được. Như vậy, việc tuyển dụng nhân sự giữa các đơn vị hành chính hoàn toàn độc lập với nhau. Đến khi chúng ta tiến hành tinh giản, nhân sự cơ quan A. bị thừa ra và với cơ chế hiện hành, nhân sự thừa ra đó sẽ được điều sang cơ quan B. hoặc các đơn vị hành chính khác. Vòng luân chuyển nhân sự như vậy, thử hỏi chúng ta giảm thế nào? Xét từng cơ quan, việc tinh giản đã được thực hiện, nhưng khi tính tổng nhân sự ở các cơ quan hành chính trong cả nước, số nhân sự lại phình ra”.
Video đang HOT
PGS.TS Nguyễn Hữu Tri.
Từ những phân tích như trên, PGS Nguyễn Hữu Tri cho biết: “Từ kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, chúng ta cần phải có một cơ quan đặc trách, chuyên quản lý vấn đề công chức một cách thống nhất. Có như vậy, chúng ta mới khắc phục được những hạn chế trong giải quyết nhân sự sau tinh giản”.
Đồng tình với quan điểm đổi mới nhân sự là khâu quan trọng, TS. Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (học viện Hành chính Quốc gia) cho biết: “Chúng ta muốn thiết kế lại bộ máy, trước hết nằm từ khâu tổ chức. Tổ chức khéo thì tạo ra những nhà lãnh đạo giỏi, còn tổ chức không khéo sẽ tạo ra những nhà lãnh đạo tồi.
Trước mắt chúng ta phải thấy, mình cần có tổ chức không? Và từ tổ chức đó, chúng ta cần bao nhiêu người để thực hiện công việc ấy. Phân công công việc theo vị trí việc làm (tức là mỗi vị trí đảm trách đều được xác định bằng việc mô tả công việc và người ta có thể đánh giá theo vị trí này), đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Chúng ta rõ ràng mới chỉ đang hướng tới chứ chưa thực hiện được”.
Phạm Thiệu
Theo_Người Đưa Tin
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về tinh giản biên...
Trong chương trình "Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời" tối 22/3, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã đưa ra 6 giải pháp để thực hiện tinh giản biên chế hiệu quả hơn, tránh tình trạng "đánh trống, bỏ dùi".
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình.
Xin chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi đầu tiên của một cán bộ quản lý nhân sự: "Tôi quan tâm đặc biệt đến kế hoạch tinh giản biên chế mới của Nhà nước, Bộ trưởng có thể cho biết những điểm đáng chú ý của Chương trình tinh giản biên chế mới này để chúng ta có thể đạt được hiệu quả cao?"
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Đề án tinh giản biên chế lần này có mục đích cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Chọn lựa được những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tinh giản biên chế sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phục vụ nhân dân và thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Yêu cầu là tuyên truyền để thống nhất nhận thức và hành động trong tổ chức thực hiện, đảm bảo tính công khai, dân chủ, minh bạch, công bằng, đúng pháp luật. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện đề án, chỉ rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nhất là xác định trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu trong việc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Một lá thư khác gửi về chuyên mục hỏi: "Tôi là một công chức cấp xã có thâm niên, xin hỏi Bộ trưởng tôi có phải là đối tượng tinh giản biên chế trong đợt này hay không?"
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Phạm vi điều chỉnh của đề án gồm tất cả cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập của cả hệ thống chính trị, gồm tất cả cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn.
Đây là một nội dung các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải quan tâm. Khi tiến hành triển khai đề án, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng một kế hoạch về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trên cơ sở đó tổ chức thực hiện và trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu rất quan trọng trong việc quyết định tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Một người dân gửi thư về chương trình viết: "Mười năm qua nước ta đã thực hiện tinh giản biên chế 3 lần, nhưng tôi để ý thấy chưa lần nào đạt được kết quả như mong muốn. Như Bộ trưởng đã từng báo cáo trước Quốc hội đến năm 2013, sau 10 năm thực hiện tinh giản, số lượng biên chế không những không giảm mà còn tăng thêm, bộ máy ngày càng phình to. Vậy tôi muốn hỏi Bộ trưởng sẽ có biện pháp gì để kế hoạch 7 năm tinh giản biên chế lần này đạt được mục tiêu đề ra, tránh tính trạng đánh trống, bỏ dùi?"
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Đề án về tinh giản biên chế đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai, tổ chức chỉ đạo thực hiện, cụ thể là:
Giải pháp thứ nhất là tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng để tạo nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cho cán bộ, công chức, viên chức và để tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi tổ chức triển khai thực hiện.
Giải pháp thứ hai là đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý biên chế theo hướng tập trung, thống nhất, đẩy mạnh và hoàn thành việc xác định vị trí việc làm, để trên cơ sở đó bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Giải pháp thứ ba là tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời tinh giản biên chế đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trong quá trình thực hiện đề án, chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế tinh giản và nghỉ hưu theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Giải pháp thứ tư là xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý.
Giải pháp thứ năm là nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá.
Giải pháp thứ sáu là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo tôi, những giải pháp này có những điều mới so với những kế hoạch, đề án trước đây. Đó là xác định vị trí việc làm để trên cơ sở đó xác định biên chế phù hợp đối với từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thứ hai là trong thực hiện, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành tổ chức chỉ đạo thực hiện.
Thứ ba là giao thẩm quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Vậy bao giờ thì chương trình tinh giản biên chế này sẽ thực sự bắt đầu và những giải pháp này sẽ được áp dụng trên thực tế, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Trong năm 2015 chúng ta sẽ tiến hành và đề án này sẽ kéo dài đến năm 2021.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
PV
Theo_Báo Chính Phủ
Sắp có hướng dẫn xử lý kỷ luật cán bộ xã vi phạm Trong khi chờ Nghị định về xử lý cán bộ công chức, Bộ Nội vụ sẽ có hướng dẫn tạm thời về xử lý kỷ luật cán bộ cấp xã vi phạm. Chậm hướng dẫn vì quản lý đan xen Có thể nói, cán bộ xã là người gần dân, sát dân, trực tiếp chuyển tải chính sách, pháp luật của Đảng và...