Bộ trưởng Bộ Công Thương nói về phương án điện một giá
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết phương án điện một giá sẽ được tiếp tục nghiên cứu ở giai đoạn tới, khi có thị trường điện cạnh tranh đầy đủ, có công cụ và chính sách pháp lý phù hợp, đảm bảo hỗ trợ giá cho những người yếu thế.
Ngày 18-8, tại cuộc họp của Bộ Công Thương về dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc xây dựng biểu giá bán lẻ điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ, đặc biệt trong bối cảnh đời sống người dân, các ngành đang bị tác động bởi dịch Covid-19.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng xây dựng biểu giá bán lẻ điện phải bảo đảm nhiều mục tiêu như: Cung cầu điện; đảm bảo điều kiện, đời sống người dân; đảm bảo lợi nhuận cho ngành điện để tái đầu tư; yêu cầu sử dụng hiệu quả, tiết kiệm điện năng…
Ngay sau khi dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được công bố, qua nhiều kênh khác nhau, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá đây là dấu hiệu tích cực, trong đó ông nhấn mạnh đến vai trò của báo chí, truyền thông khi đã kịp thời truyền tải những quan điểm, suy nghĩ, mong muốn của người dân, của khách hàng sử dụng điện về một biểu giá bán lẻ điện phù hợp, hài hòa lợi ích các bên.
“Đây là cơ sở quan trọng cho bộ, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu để hoàn chỉnh phương án giá bán lẻ điện” – ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sẽ nghiên cứu phương án điện một giá khi đảm bảo đủ các điều kiện
Về phương án điện một giá, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng điện một giá đang đánh đồng tất cả người tiêu thụ điện, cả người dùng nhiều hay dùng ít, như thế vi phạm nguyên tắc xây dựng biểu giá điện, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.
“Điện một giá không đảm bảo được sự quan tâm của người có thu nhập thấp và người yếu thế. Chỉ khoảng 2% người tiêu thụ ủng hộ điện một giá thì không đảm bảo được yêu cầu của nhà quản lý và nhà làm chính sách. Chúng ta tiếp tục nghiên cứu điện một giá ở giai đoạn tới, khi chúng ta có điều kiện, thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo đủ điện thì mới có thể đưa điện một giá thực hiện có hiệu quả” – ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Video đang HOT
Đối với phương án giá điện bậc thang, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, phản biện để hoàn chỉnh phương án 5 bậc. Theo ông Trần Tuấn Anh, vừa qua còn có các ý kiến băn khoăn về giá tính, biên độ từng bậc thang sao cho phù hợp. Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu cơ quan soạn thảo phải làm rõ, giải trình cụ thể các phương án để đảm bảo tính hợp lý, tính khả thi.
Bộ Công Thương đưa ra phương án biểu giá rút ngắn từ 6 bậc thang xuống còn 5 bậc
Người đứng đầu Bộ Công Thương giao Cục Điều tiết Điện lực chủ trì, tiếp thu, làm rõ các ý kiến đóng góp. Đồng thời, bổ sung, mời đại diện Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vào Tổ công tác soạn thảo dự thảo biểu giá điện bán lẻ để có cách tiếp cận vấn đề toàn diện nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, cho biết dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi của các chuyên gia, người dân, truyền thông. Trong đó, đa số ý kiến tập trung vào phương án “điện một giá” nằm trong kịch bản 2A và 2B mà cơ quan soạn thảo xây dựng.
Đánh giá về “điện một giá”, ông Tuấn cho rằng có thêm lựa chọn cho khách hàng, đơn giản trong tính toán song không khuyến khích dùng điện tiết kiệm, trong khi đây là chủ trương lớn của Chính phủ. Chính vì vậy, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực kiến nghị rút phương án 2A và 2B, trong đó có “điện một giá”.
Điện một giá - Ai hưởng lợi
Bộ Công Thương mới đây đã có dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Tại dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất giá bán lẻ điện một giá bên cạnh phương án tính giá 5 bậc thang để thuận tiện cho khách hàng điện sinh hoạt tự chọn lựa.
Nhân viên EVN kiểm tra công tơ điện
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là tỷ lệ phần trăm (%) của giá bán lẻ điện bình quân (hiện là 1.864,44 đồng/kWh).
Có 2 phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, gồm:
Phương án 1: Ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành; giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến 101-200 kWh; ghép các bậc
201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới; tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.
Phương án 2: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá; trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
Ở phương án 2, Bộ Công Thương đưa ra 2 kịch bản (2A và 2B).
Với kịch bản 2A, Bộ Công Thương trình 5 bậc giá, lần lượt bằng 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 274% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân. Nếu không chọn tính theo bậc thang, khách hàng có thể chọn điện một giá với mức giá bán bằng 145% so với giá bán lẻ điện bình quân.
Với kịch bản 2B, Bộ Công Thương chia các bậc tương tự như phương án 1, nhưng giá bán thay đổi, lần lượt là: 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 185% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân. Phương án điện một giá được đề xuất với giá bán lẻ bằng 155% so với giá bán lẻ điện bình quân.
Theo tính toán, ở kịch bản 2A, giả sử một hộ gia đình dùng dưới 99 kWh mỗi tháng, số tiền phải trả là 166 nghìn đồng (theo bậc thang) và 267 nghìn đồng (nếu chọn điện một giá). Như vậy, người dùng ít điện sẽ được hưởng lợi rất nhiều (chênh lệch gần 100 nghìn đồng) nếu chọn dùng điện theo giá bậc thang.
Trường hợp hộ gia đình dùng 800 kWh mỗi tháng, số tiền phải trả là 2,3 triệu đồng (tính theo bậc thang) và 2,162 triệu đồng (nếu tính theo điện một giá). Như vậy, điện một giá giúp tiền điện phải trả giảm khoảng 140 nghìn đồng.
Ở kịch bản 2B, khách hàng sử dụng nhiều điện, nếu áp một giá lại phải trả khá đắt, khi tính bằng 155% mức giá bán lẻ điện bình quân. Trong khi đó, mức tính bậc cao nhất là 185% lần, thấp hơn nhiều mức 274% lần của kịch bản 2A. Giả sử một hộ dùng 800 kWh mỗi tháng, nếu tính theo điện một giá của kịch bản 2B thì phải trả 2,311 triệu đồng, nhưng nếu trả theo bậc thang là 2,134 triệu đồng. Như vậy, dùng điện bậc thang giúp tiết kiệm khoảng 180 nghìn đồng.
Theo Bộ Công Thương, các phương án sửa đổi giá điện nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính của biểu giá điện, phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng hiện nay.
Ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, không nên đưa ra 2 mức tính bằng 145% và 155% giá bán lẻ điện bình quân như dự thảo. Bởi mức giá này ở sát với mức cao của biểu giá bậc thang, chứ không phải trung bình bậc 3, sẽ khiến những người dùng ít điện chịu thiệt. Có thể xem xét từ 5 bậc giảm xuống một phương án biểu giá điện 3 bậc thang trước khi chuyển ngay xuống một giá. Điện một giá trước sau gì chúng ta cũng phải tính đến khi hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nhưng từ nay đến khi đó còn nhiều năm nữa. Do vậy, thời điểm này chưa thích hợp để áp dụng điện một giá, ông Long cho hay.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ
Theo ý kiến của ông Long, phương án 3 bậc sẽ bao gồm: bậc 1 1-100kWh cho những gia đình khó khăn ở mức giá được hỗ trợ; bậc tiếp theo 101- 499 kWh với mức giá bình quân; còn lại khách hàng dùng trên 500 kWh thì sẽ phải giá cao hơn, bởi đây là mức dùng nhiều điện của các hộ khá giả.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay, phương án điện một giá sẽ giúp người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn, nhưng chỉ khoảng 20-30% tổng số khách hàng sử dụng lượng điện nhiều thì có lợi. Nhưng người dùng điện mức thấp, chiếm tới 70-80% tổng số khách hàng, sẽ thiệt thòi nếu chọn phương án điện một giá, dù dùng ít hay dùng nhiều.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, mỗi phương án đưa ra đều có điểm mạnh, điểm yếu. Phương án giá điện bậc thang sẽ giúp người có thu nhập thấp, dùng ít điện được hưởng lợi, đồng thời, khuyến khích người dùng tiết kiệm điện hơn.
Với phương án điện một giá, ông Phú cho rằng, ưu điểm là dễ tính toán, dễ theo dõi, nhưng không có sự phân biệt người dùng ít và nhiều. Điện được sản xuất từ nguồn tài nguyên không tái tạo vẫn chiếm tỷ lệ lớn, như than, dầu, khí. Những nguồn tài nguyên này đang có nguy cơ cạn kiệt, không vô hạn nên cần khuyến khích sử dụng tiết kiệm. Người tiêu dùng có thể căn cứ mức sử dụng điện nhiều - ít của mình để cân nhắc lựa chọn điện một giá hay bậc thang.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, áp dụng điện một giá, ngoài việc chỉ có một phần nhỏ người tiêu dùng có lợi thì cũng không tạo ra áp lực để khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm điện trong bối cảnh nguồn cung điện đang gặp khó.
Đề xuất phương án một giá điện, cao nhất 2.889 đồng/kWh Bộ Công Thương đề xuất phương án tính giá bán lẻ điện một giá với phương án 5 bậc thang để khách hàng dùng điện sinh hoạt tự lựa chọn. Trong đó, mức cao nhất là 2.889 đồng/kWh. Bộ Công Thương đang dự thảo quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Triển khai nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ,...