Bỏ trăm triệu trồng vườn rau sân thượng đẹp như công viên
Bên cạnh cách trồng rau vào thùng xốp, khay nhựa vẫn thường thấy, nhiều gia đình ở Hà Nội giờ còn mạnh tay chi cả 100 triệu đồng để xây bồn, luống trồng rau trên sân thượng vừa để bền chắc vừa đảm bảo
Ngày cuối tuần, thay vì cho con đi chơi phố hay đi xem phim như thường lệ, chị Lê Thị Huyền ở Tam Trinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) dẫn các con lên vườn rau của gia đình trên sân thượng để các con học cách trồng, chăm sóc, tưới tắm cho cây cối, coi như cho con học kỹ năng sống.
Chị chia sẻ, gia đình đã trồng rau trên sân thượng được 6 năm nay, trong sáu năm đó chị không phải ra chợ mua rau bởi vườn rau rộng hơn 60m2 trên sân thượng đã thừa đủ cung cấp cho gia đình ăn hàng ngày, thậm chí còn được ăn một vài loại hoa quả sạch được thu hái từ vườn rau trên sân thượng của nhà.
Chị kể, ngày trước tự mày mò trồng rau nên thấy cái gì có thể trồng rau vào được là trồng. Ví như chị thường đi mua thùng xốp, khay nhựa rồi về xếp chúng la liệt trên sân thượng để trồng đủ các loại rau từ cây ăn quả đến rau ăn lá, rau gia vị. Song, do sân thượng nắng chiếu cả ngày nên khay nhựa hay bị giòn vỡ, dùng được thời gian là hỏng.
Xây bồn trồng rau trên sân thượng đang là xu hướng mới của dân thành thị
Để cải tạo lại toàn bộ vườn rau, đầu năm nay vợ chồng chị quyết định làm vườn thật kiên cố, đảm bảo bền đẹp nên đã thuê thợ đến tư vấn, thiết kế để xây bồn (xây thành luống) trồng rau trên toàn bộ khu sân thượng rộng 60m2 của nhà.
“việc này khá phức tạp vì còn liên quan đến chống thấm cho trần, rồi hệ thống thoát nước cho bồn trồng rau nên chi phí không hề rẻ một chút nào”. Chị Huyền nói và cho biết, sau khi chống thấm, xây bồn, ốp gạch ở bên ngoài cho đẹp… chị tốn khoảng 65 triệu đồng.
Nhưng đổi lại, vườn rau giờ nhìn đẹp, nhìn ngăn nắp và sạch sẽ. Con cái có thể lên vườn rau chơi đùa, học cách chăm sóc rau. Vườn này có độ kiên cố và bền chắc, sử dụng hàng chục năm không hỏng.
Bên cạnh đó, các loại rau trồng trong bồn xây cũng tốt hơn trồng trong thùng xốp hoặc khay nhựa, lúc cải tạo đất trồng cũng dễ dàng hơn rất nhiều, chị Huyền chia sẻ.
Cũng chọn cách làm tương tự, chị Đặng Việt Trinh ở Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) khoe, chị đã bỏ ra 85 triệu đồng để xây bồn, làm giàn trồng rau trên sân thượng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, để đầu tư được một vườn rau sạch bằng chậu nhựa ghép hay xây bồn sẽ tốn khá nhiều tiền
Theo chị Trinh, mỗi loại vườn có một ưu điểm khác nhau. Ngày trước chị dùng khay nhựa để trồng rau thấy giá rẻ nhưng không bền, nhìn cũng không đẹp mắt. Còn vườn rau bây giờ sau khi hoàn thiện xong chi phí tốn gấp cả chục lần nhưng vợ chồng chị lại khá hài lòng. Bởi vườn rau được trồng thành những luống thẳng hàng, vuông góc rất gọn gàng, sạch sẽ.
Nhiều người bảo làm vậy sợ thấm trần nhà, ảnh hưởng đến chịu lực. Song, khi thuê thợ đến thiết kế, họ đã xử lý chống thấm, vườn xây cũng dựa trên tính toán sức chịu đựng của móng nhà. Ngoài ra, phía thành của bồn trồng rau cũng có những lỗ để thoái nước ra ngoài cực kỳ tiền lợi. Theo đó, chị đã thực hiện trồng rau trên khu vườn này được khoảng gần một năm nay mà không thấy các hiện tượng đáng lo trên, chị Trinh cho hay.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Luận, nhân viên tại một đơn vị chuyên nhận thiết kế và thi công vườn rau sân thượng ở Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, người thì trồng vào thùng xốp, người thì trồng vào khay nhựa, có người trồng vào chậu, thùng sơn, thậm chí cả can dầu ăn, vỏ hộp sữa đã sử dụng hết cũng được tận dụng để trồng rau sạch. Do đó, làm được vườn rau trên sân thượng với những vật liệu trên thường khá rẻ.
Đơn cử như nếu tự đi mua thùng xốp về hay sử dụng những vật dụng bỏ đi của gia đình trồng rau thì tiền chi phí đầu tư chỉ hết vài trăm ngàn. Còn nếu trồng vào khay nhựa thì số tiền cũng chỉ hết vài triệu, làm giàn trồng rau thì số tiền bỏ ra tầm chục triệu tùy vào diện tích và cách thiết kế vườn.
“Tuy nhiên đối với những gia đình giàu có, họ thường đầu tư cả trăm triệu hoặc hơn để làm những vườn rau trên sân thượng chẳng khác nào công viên rau xanh”, anh Luận nói.
Theo anh Luận tiết lộ, giới nhà giàu ở Hà Nội hay áp dụng kiểu vườn xây bồn, kiểu chậu nhựa ghép vì làm hai kiểu này khi hoàn thiện vườn nhìn kiên cố và đẹp.
“Hôm rồi tôi vừa hoàn thành vườn rau cho một gia đình ở Tây Hồ, diện tích vườn là 180m2 được chủ nhân yêu cầu chia làm 2 phần, một phần là xây bồn thành những ô, luống, một phần là sử dụng chậu nhựa ghép vào với nhau để nếu cần thiết thì có thể tiện di chuyển”.
“Khi hoàn thiện xong, tính ra chi phí của khu vườn hết gần 200 triệu. Sau đó, chủ nhân chỉ việc mua giống rau về trồng theo ý thích của mình”, anh Luận nói.
Theo VNN
Máy bay chở phân dơi ra Hà Nội bón rau siêu sạch
Hiện 1kg phân dơi đang có giá lên tới 60.000 đồng, đắt gấp 4 lần so với gạo, song, người dân vẫn tranh nhau đặt mua về bón rau. Nhiều khi phân dơi còn đi máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội theo đặt hàng của khách.
Tranh thủ buổi chiều đi làm về, chị Lê Thị Hạnh (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) vội vào nhà cất túi xách, sau đó cầm rổ nhựa đi thẳng lên sân thượng tầng 4 tranh thủ hái ít rau muống để xào tỏi cho cả nhà. Chỉ vào chiếc bao tải đựng những viên đất dẹt, dài màu đen, chị khoe: "Phân dơi đó, tôi phải đặt mãi tận trong Sài Gòn chuyển ra với giá 60.000 đồng/kg, chưa tính tiền ship".
Chị Hạnh chia sẻ, nhà chị có gần 20m2 sân thượng để trồng các loại rau củ quả sạch cho gia đình. Tuy nhiên, để rau được sạch tuyệt đối, chị áp dụng phương pháp trồng rau "4 không": không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không phân vô cơ, không giống biến đổi gen.
Để có những ngọn rau sạch non mỡ màng mà không bị sâu thủ tiêu, chị phải bón phân hữu cơ, bắt sâu bằng tay.
Phân dơi có giá lên đến 60.000 đồng/kg vẫn được mọi người đặt mua
"Mọi người có cách ủ phân từ rác, rau xanh bỏ đi giống như cách ủ phân truyền thống của ông bà ta ngày xưa. Thế nhưng, ở nhà phố ủ phân kiểu đó rất bất tiện, mùi hôi thối khó chịu, khi tưới rau thì hàng xóm cũng phàn nàn, ngại quá nên tôi chuyển qua đặt mua phân hữu cơ như phân trùn quế, phân gà,... ", chị nói.
Theo chị Hạnh, những loại phân trên bón rau rất tốt. Rau xanh, non mỡ màng. Song, so với phân dơi thì kém xa. Phân dơi tơi xốp, hạt phân dơi tròn giống như hạt phân NPK, cực kỳ dễ bón mà không tốn kém, rau lên xanh tốt chẳng khác gì phun thuốc kích thích.
Cứ dùng hết 5kg phân dơi này chị Hạnh lại đặt mua 5kg phân dơi khác để bón cho rau, củ, quả trồng trên sân thượng mà không cần dùng thêm bất cứ loại phân nào nữa.
Cũng là người chuyên đặt mua phân dơi về bón cho vườn rau trên sân thượng nhà mình, chị Cao Thị Liên Hương (Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, tuy giá đắt đỏ nhưng phân dơi khô, tơi xốp nên 1kg dùng được 2 lần, mỗi lần bón chỉ hết 0,5kg phân dơi cho toàn bộ khu vườn.
"Mẹ chồng tôi hay nói đùa rằng phân dơi đắt gấp 4 lần giá gạo tẻ thường, nhưng tôi vẫn đặt mua, tích đầy phân dơi trong nhà", chị chia sẻ.
Theo chị Hương, phân dơi đắt nhưng xắt ra miếng. Tiền bỏ ra mua phân dơi bón rau tính ra cũng chỉ ngang ngửa với tiền mua các loại phân vô cơ, song, đổi lại, dùng phân dơi thì an toàn tuyệt đối, không sợ độc hại.
"Mướp với cà chua bón phân dơi thì quả lúc nào cũng sai trĩu, rau muống, mồng tơi non mỡ màng. Đặc biệt, lá rau mồng tơi còn to đúng bằng bàn tay người", chị Hương khoe.
Nhiều người trồng rau trên sân thượng sử dụng phân dơi để bón cho rau, giúp rau xanh tốt
Thừa nhận điều này, anh Nguyễn Văn Tiến Lâm, một đầu mối chuyên phân phối phân dơi ở TP.HCM cho biết, trước khách mua phân dơi chủ yếu là những chủ vườn hoa, vườn lan nhưng khoảng gần 2 năm nay, ngoài những chủ vườn trên còn thêm cả các chủ vườn rau, nhất là những người trồng rau ở sân thượng.
"Cứ mỗi khách đặt mua từ 5-10kg một lần để về làm phân bón dần cho rau củ quả các loại trồng trên sân thượng", anh nói.
Anh Lâm nói thêm, phân dơi được thu gom từ những hang dơi tự nhiên trên núi, có thể dùng thay thế các loại phân vô cơ khác để bón cho cây cối, hoa màu, đặc biệt là cây ăn quả. "Người dân giờ tự trồng rau sạch ăn nên họ cũng muốn dùng các loại phân hữu cơ tự nhiên bón cho rau khiến phân dơi hút khách, đắt hàng hơn bao giờ hết", anh Lâm nói, mặc dù giá phân dơi đắt đỏ hơn nhiều do khá hiếm.
Hiện giá phân dơi bán lẻ là 60.000-70.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Khách mua hàng phải chịu thêm chi phí vận chuyển.
Anh Lâm cho hay, ngoài khách hàng trong Nam, gần đây, rất nhiều người ngoài Hà Nội gọi điện cho anh để đặt mua phân dơi. Nhiều khi, phân dơi còn đi máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội theo yêu cầu đặt hàng của khách, dù phí vận chuyển cực kỳ đắt đỏ.
Theo_VietNamNet
Vợ chồng trẻ trồng 200 thùng rau, nuôi chim bồ câu trên sân thượng Sài Gòn nắng nóng nhưng gia đình anh Sang, chị Trang vẫn có thể trồng những loại cây của xứ lạnh như su hào, rau cúc và bắp cải. Quyết tâm trồng rau tại nhà Ngôi nhà nhỏ của anh chị Như Sang (1987) - Quỳnh Trang (1990) tại phường Phước Long B, Quận 9, TP.HCM nổi bật với vườn rau sạch trên...