Bỏ thai không thể dựa vào siêu âm
Câu chuyện em bé 28 tuần tuổi chết oan do người mẹ quyết định phá thai vì lo dị tật vừa qua đang làm dấy lên nghi ngại về những sai sót trong chẩn đoán trước sinh gây kết cục đau lòng không thể sửa chữa.
Phải làm nhiều xét nghiệm khác nhau
Bác sĩ Hoàng Thị Ngọc Lan, phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh – Bệnh viện Phụ sản trung ương, cho hay những dị tật bên ngoài có thể nhìn thấy ngay bằng mắt thường, nhưng nhiều dị tật liên quan đến các cơ quan bên trong như tim, phổi, não, thận… kể cả bác sĩ có kinh nghiệm cũng không thể xác định khi chỉ nhìn sơ qua bên ngoài.
“Tương lai, Việt Nam nên có những can thiệp trước khi đình chỉ thai quá lớn như các nước, để tránh những tình huống bất đắc dĩ gây ám ảnh lâu dài cho cả bác sĩ và gia đình” Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương
Theo bác sĩ Lan, hội chứng Down là dị tật được tư vấn đình chỉ thai kỳ, nhưng nếu chỉ căn cứ vào vẻ bề ngoài của bé sơ sinh sẽ không thể có sự đối chiếu chính xác. Chẩn đoán xác định thai bị Down hay không phải dựa vào xét nghiệm di truyền. “Nếu khẳng định thai bị Down qua kết quả của siêu âm thai, của xét nghiệm sàng lọc ở máu thai phụ là sai, mà kết quả của siêu âm thai và sàng lọc ở huyết thanh mẹ chỉ để tìm nguy cơ cho thai Down là cao hay thấp, từ đó đưa ra lời tư vấn cho thai phụ. Đối với trường hợp thai có nguy cơ cao cho hội chứng Down thì tư vấn cho thai phụ nên xét nghiệm di truyền để chẩn đoán chính xác thai có phải bị Down hay không” – bác sĩ Lan nói.
Siêu âm kiểm soát định kỳ cho thai phụ – Ảnh: N.C.T.
Nhiều người quan niệm chẩn đoán trước sinh chỉ nằm ở việc siêu âm nên dẫn đến quyết định đình chỉ vội vàng. Nếu chỉ siêu âm thấy độ mờ da gáy cao (dấu hiệu chỉ điểm có thể bất thường về di truyền) thì bỏ thai có thể gây phá thai nhầm. “Tại bệnh viện có trường hợp siêu âm độ mờ da gáy lớn hơn 4mm, nhưng kết quả chọc ối bình thường, sản phụ sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh, không hề mắc Down” – bác sĩ Lan cho hay.
Tuy nhiên, ngay cả với dị tật này, các bác sĩ cũng chỉ dừng lại ở mức tư vấn, quyền quyết định cuối cùng luôn thuộc về gia đình. Thực tế ở Nhật Bản, trẻ bị Down được sinh ra không ít vì người ta không đình chỉ. Song điều không thể phủ nhận là trẻ bệnh Down khi lớn lên sẽ bị thiểu năng trí tuệ từ mức độ trung bình cho đến nặng. Tư vấn đình chỉ thai các dị tật luôn được thông qua hội đồng chuyên gia nhiều chuyên ngành, chứ không bác sĩ nào có quyền ra quyết định đơn lẻ.
Video đang HOT
Ngay khi phát hiện dị tật qua chẩn đoán trước sinh, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng tư vấn đình chỉ thai kỳ. “Những dị tật như sứt môi đơn lẻ, hở hàm ếch nhỏ, hoặc những dị tật tim, hẹp thực quản… không liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể, có thể khôi phục sau sinh nhờ phẫu thuật, bác sĩ sẽ tư vấn gia đình hướng đến việc giữ bé lại để chữa trị những khiếm khuyết sau khi em bé chào đời” – bác sĩ Lan cho biết.
Việc tư vấn được đưa ra không chỉ dựa trên bệnh lý thực thể mà còn phụ thuộc vào điều kiện gia đình. Có những dị tật tim bẩm sinh có thể chữa trị được sau khi em bé chào đời, nhiều gia đình muốn giữ lại. Song cùng dị tật ấy, nhiều sản phụ lại gạt nước mắt ngậm ngùi xin đình chỉ thai vì gia cảnh quá nghèo, không đủ lo cho những cuộc phẫu thuật sắp tới của đứa bé.
Ám ảnh phá thai trên 23 tuần
Đó là tâm sự của bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh – giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ sản trung ương – khi nói về việc đình chỉ thai khi dị tật được phát hiện muộn.
Theo quy định của Bộ Y tế, việc phá thai chỉ được thực hiện ở tuần thai 22 trở xuống. Song nhiều dị tật phải rất muộn mới phát hiện được, hoặc nhiều thai phụ không tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm, lúc đến cơ sở y tế phát hiện những bất thường thai sản thì thai đã quá to. Khi đình chỉ thai 23 tuần trở lên, bất luận vì lý do nào, ngoài sự tự nguyện của sản phụ còn phải được sự cân nhắc, chấp thuận từ ban giám đốc bệnh viện. Nhiều trường hợp thai gặp bất thường đặc biệt về cấu trúc tim, não, tràn dịch màng phổi buộc phải chỉ định đình chỉ thai muộn.
Siêu âm không thể phát hiện hết dị tật thai nhi. (Ảnh minh họa)
“Thai dưới 22 tuần, nếu phá thai thì kiểu gì bé cũng không sống nổi vì thai nhỏ, cao nhất cũng chỉ 300-400 gam. Với thai 23-30 tuần buộc phải đình chỉ, tỉ lệ sống rất ít, nhưng nếu chức năng sống của đứa trẻ bền bỉ thì bác sĩ sẽ bị ám ảnh rất lâu dài” – bác sĩ Minh chia sẻ.
Có những trường hợp đình chỉ thai, em bé ra đời vẫn sống, bác sĩ không cách nào khác lại cắt rốn chuyển khoa sơ sinh dù biết đứa bé đó không thể sống thêm bao lâu. “Đứa bé mang dị tật, bố mẹ bé đã tự nguyện bỏ thai, nhưng bé ra đời khi phá thai quá to vẫn sống theo cách bất đắc dĩ đó làm sao không ám ảnh cho được! Ở các nước, khi có quyết định đình chỉ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc để thai mất ngay trong bụng mẹ. Trong khi các quy định pháp lý hiện hành, quy định của Bộ Y tế Việt Nam không cho phép nên vẫn gặp không ít trường hợp đứa trẻ sinh ra sau quyết định đình chỉ thai sống lay lắt, rất thương tâm” – bác sĩ Minh nói.
“Khoảng trống” mà các quy định hiện hành chưa đủ lấp đầy này đã dẫn đến những tình huống đau lòng, thậm chí gây cảm giác nhẫn tâm khi đã có đứa trẻ bị ép đẻ non bằng cuộc chuyển dạ nhân tạo, rồi lại bị bỏ đi trong tình trạng “vẫn thở”.
Trường hợp nào nên cân nhắc việc chấm dứt thai kỳ? Thông thường, việc tư vấn chấm dứt thai kỳ được đưa ra khi thai nhi gặp bất thường về di truyền (như hội chứng Down, bất thường nhiễm sắc thể 13, 18) vì trẻ nhiễm dị tật này sẽ không tự chăm sóc được bản thân, không thể học tập, không biểu hiện được tình cảm, tuổi thọ cũng rất ngắn thai có bất thường ở não (như não úng thủy thể nặng, bất thường cấu trúc của não, vô sọ) thai bị rối loạn nhiễm sắc thể kết hợp với bệnh tim mạch…
Theo Ngọc Hà (Tuổi trẻ)
Mượn danh "thuyên tắc ối" để rũ trách nhiệm?
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng có 3/6 sản phụ tử vong được kết luận nguyên nhân do thuyên tắc ối. Tuy nhiên, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã phát hiện việc BV "mượn danh" bệnh lý hiếm gặp để rũ bỏ trách nhiệm trường hợp tử vong tại Phú Yên.
Cái chết của sản phụ Trần Thị Hưởng có liên quan gì đến chất Oxytocin? - Ảnh: Đức Huy
Bệnh viện không sai sót?
Cái chết bất thường của mẹ con sản phụ Trần Thị Hưởng (sinh năm 1980) tại BVĐK Phú Yên ngày 15/3 đã được Hội đồng Giám định pháp y kết luận nguyên nhân là thuyên tắc ối. Khuyết điểm của y bác sĩ ca trực chỉ là không giải thích cho người nhà về diễn biến của bệnh, nên dẫn đến hiểu nhầm, gây bức xúc trong dư luận và khẳng định đã làm hết trách nhiệm.
Người nhà bệnh nhân cho rằng nguyên nhân dẫn đến sản phụ Hưởng tử vong là do các y, bác sĩ trong ca trực thiếu trách nhiệm, thờ ơ tắc trách. Khi nhập viện, sản phụ Hưởng bị ra máu rất nhiều, gia đình khẩn thiết xin BS cho được mổ vì lần sinh trước chị Hưởng đã bị băng huyết, nhưng không được BS chấp nhận. Trong ba tiếng nằm chờ sinh, BS chỉ thăm khám một lần. Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, nhiều cử tri cũng bức xúc đề nghị đoàn ĐBQH tỉnh làm rõ.
Đoàn ĐBQH đã chỉ ra: Diễn biến thực tế điều trị và diễn biến ghi trong hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân có mâu thuẫn, có dấu hiệu thiếu trung thực. Bệnh nhân nhập viện ra máu rất nhiều nhưng không thể hiện trong hồ sơ bệnh án. Sản phụ được chỉ định sinh thường nhưng BS lại cho dùng thuốc Oxytocin (chỉ dùng trong trường hợp sinh chỉ huy). Các xét nghiệm, siêu âm được tiến hành sau khi sản phụ đã tử vong chưa có kết luận nguyên nhân tử vong, nhưng trong hồ sơ bệnh án đều ghi do thuyên tắc ối.
Đoàn ĐBQH cũng phát hiện việc BS của BV lại tham gia giám định pháp y là không đảm bảo tính khách quan. Ngay sau đó, đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản gửi cơ quan công an tiếp tục làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của mẹ con sản phụ Trần Thị Hưởng có phải do thuyên tắc ối hay không.
Mong chờ sự thật
Trước đó, ngày 29/4, sản phụ Ngô Thị Hồng Thu cũng đã tử vong tại BVĐK Hóc Môn (TPHCM), nguyên nhân cũng được Sở Y tế TPHCM kết luận là do thuyên tắc ối. Anh Trần Minh Công, chồng sản phụ Thu, không đồng tình với kết luận này: "Vợ tôi có thể tử vong do thuyên tắc ối, nhưng nguyên nhân dẫn đến vợ tôi bị bệnh lý hiếm gặp này là do BS thiếu trách nhiệm. Tôi quyết định tìm ra sự thật, không chấp nhận một câu trả lời vô trách nhiệm rằng vợ con tôi mất là do thuyên tắc ối.
Vợ tôi mang thai ở tuần thứ 38,5 nhưng do BS thăm khám liên tục, đồng thời tiêm thuốc và cho chạy máy "giục sinh" trong khi cổ tử cung chưa mở vì chưa đến ngày sinh (dự kiến 2 tuần nữa mới sinh) dẫn đến tử cung hay dạ con co thắt và mở rộng đột ngột và các niêm mạc như nhau thai, dây rốn bong ra khỏi thành tử cung để em béra ngoài. Nhưng cổ tử cung chưa mở hết để thúc ép em bé ra ngoài nên dẫn đến vỡ nước ối. Khi em bé to quá chặn ngay cửa mình (bé nặng 3,8kg) cộng với lực ép tác động đã dẫn đến nước ối trào ngược vào các niêm mạc bị tổn thương và vào các tĩnh mạch dẫn đến suy tim và suy hô hấp cấp và dẫn đến cái đau thương và tang tóc cho gia đình tôi.
Khi phát hiện như vậy thì các bác sĩ sẽ phải mổ ngay tại bàn sanh để cứu em bé thì mới có 80% cơ hội sống sót. Nhưng không, các y bác sĩ gọi tôi vào đưa vợ tôi qua phòng mổ cách đó khoảng 200m và đợi đóng tiền viện phí mới mổ được.
Vậy 1.000.000 đồng viện phí đó lớn hơn sinh mạng 2 con người hay sao?. Trong khi đưa qua phòng mổ chỉ có tôi và cô hộ lý, không có một thiết bị hỗ trợ và người có chuyên môn theo để hỗ trợ cho vợ con tôi. Tôi mong muốn nguyên nhân dẫn đến cái chết của vợ con tôi cũng như trường hợp của mẹ con chị Trần Thị Hưởng phải được làm rõ".
Còn nhiều nghi vấn quanh những cái chết tang thương của các sản phụ và thai nhi. Rất mong Bộ Y tế vào cuộc, điều tra khách quan để tìm ra nguyên nhân, góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân vào y đức.
Theo Lê Huân
Lao động
Tránh 8 lỗi hay gặp khi giảm cân Chỉ cần mắc một vài sai sót đã có thể làm hỏng những nỗ lực giảm cân của bạn. Hãy tham khảo 8 lỗi hay gặp nhất trong quá trình giảm cân để tránh nhé: Không tập luyện Chế độ ăn là tất cả những gì bạn muốn song bạn sẽ không đạt được hiệu quả giảm cân nếu không kết hợp với...