Bộ Tài nguyên và Môi trường “hứa” mạnh tay xử lý ô nhiễm trầm trọng ở hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải
Từ kết quả rà soát, đánh giá thực trạng tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại một số dòng sông lớn, trong đó có hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cam kết sẽ có nhiều giải pháp mạnh để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các điểm “ nóng” này.
Nguồn nước sông Ngũ Huyện Khê không sử dụng được theo quy chuẩn hiện hành
Theo đó, Bộ TN&MT cho biết sẽ tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, bằng một số giải pháp cụ thể như: Tổ chức cải tạo, nạo vét lòng sông, kênh để khơi thông dòng chảy, xây dựng lộ trình, từng bước kiểm soát và xử lý các nguồn gây ô nhiễm hiện đang xả thải trực tiếp vào hệ thống, trong đó bao gồm nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… trong khu vực; giải quyết tình trạng ô nhiễm của các sông, kênh nhánh (sông Cầu Bây, sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù, kênh Trần Ngọ, sông Sặt, sông Cửu An…);
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai mạng lưới thu gom nước thải, và trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung tại đô thị, khu dân cư đáp ứng yêu cầu theo từng giai đoạn; hoàn thiện hệ thống XLNT công nghiệp của các cơ sở; huy động các nguồn lực xã hội hoá trong việc XLNT để phát huy hiệu quả. Đồng thời xem xét, điều chỉnh lại chế độ đóng mở cửa hệ thống thủy nông cho phù hợp để cải thiện tình trạng ô nhiễm theo mùa.
Đối với lưu vực sông Cầu, báo cáo của Bộ TN&MT cho biết sẽ tiếp tục rà soát đề xuất Dự án triển khai khắc phục ô nhiễm sông Cầu cấp bách, thiết thực tại mỗi địa phương (tập trung trước mắt vào kiểm soát các cơ sở xả thải lớn, thu gom XLNT sinh hoạt và làng nghề) và trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt với nguồn ngân sách nhà nước dành cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT) hoặc nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp chi đầu tư, chi sự nghiệp môi trường; xã hội hóa trong công tác BVMT.
Đáng chú ý, đối với vấn đề ô nhiễm trên sông Ngũ Huyện Khê, Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường cam kết sẽ đẩy nhanh việc xây dựng, nâng cấp, cải tạo, đưa công trình XLNT tập trung của làng nghề Phong Khê với công suất đạt 10.000 m3/ngày đêm vào hoạt động. Đồng thời rà soát và xây dựng hoàn thiện đường ống thu gom nước thải của toàn bộ các cơ sở đang hoạt động tại làng nghề Phong Khê, bảo đảm nước thải phát sinh phải được thu gom triệt để đưa vào hệ thống XLNT tập trung để xử lý; nước thải sau xử lý phải đạt QCVN 12-MT:2015/BTNMT cột A và QCVN 40:2011/BTNMT, cột A trước khi thải ra ngoài môi trường (hiện tại mới chỉ thu gom được khoảng 2.000 m3/ngày đêm).
Video đang HOT
Ngoài ra, cũng theo Bộ này sẽ có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cho phép cơ chế đặc thù riêng đối với việc đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung của CCN Phú Lâm và CCN Phong Khê 2. “Buộc các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trong làng nghề Phong Khê và CCN Phú Lâm phải thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống XLNT tập trung, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; trường hợp không đấu nối thì phải đầu tư hệ thống XLNT đáp ứng yêu cầu về BVMT hoặc di dời vào các KCN, CCN đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật về BVMT theo quy định”- giải pháp của Bộ TNMT đưa ra.
Bên cạnh đó, rà soát, xử lý ngay các điểm tập kết chất thải rắn không đúng quy định, đặc biệt các điểm dọc sông Ngũ Huyện Khê có nước rỉ rác chảy thẳng ra sông. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BVMT làng nghề Phong Khê, CCN Phú Lâm; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đình chỉ hoạt động, cưỡng chế đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Xây dựng cơ chế phối hợp liên tỉnh trong phát hiện, trao đổi thông tin, điều tiết nước tại cống tiêu Đặng Xá, xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, tại các vùng nông thôn, với khoảng hơn 60 triệu dân sinh sống, lượng nước thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày thải ra môi trường được đánh giá là rất lớn, ước tính khoảng hơn 6 triệu m3/ngày đêm. Cùng với nước thải sinh hoạt ở khu vực đô thị chưa qua xử lý, nước thải từ 5.490 làng nghề và làng có nghề thải ra môi trường đang được coi là một trong những thủ phạm chính gây ra sự ô nhiễm trầm trọng cho các dòng sông lớn hiện nay.
Trước đó, như Báo PLVN đã thông tin, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và sông Ngũ Huyện Khê đang bị ô nhiễm trầm trọng. Ở hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, trên 90% các vị trí quan trắc nước mặt trên hệ thống có các thông số đặc trưng cho ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh vượt giới hạn quy định cho chất lượng nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi (ngưỡng B1 theo QCVN 08); Còn sông Ngũ Huyện Khê, năm 2016, kết quả quan trắc tại cầu Đào Xá có thông số COD vượt 18 lần và BOD5 vượt 26 lần QCVN 08. Năm 2019, chất lượng nước tại tất cả các điểm quan trắc trên sông đều rất xấu, không đáp ứng cho các mục đích sử dụng nước theo QCVN 08.
Sông Cầu oằn mình "gánh" nước thải
Trước thực trạng sông Cầu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân hai bên bờ sông, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chỉ đạo, trước ngày 25/4, UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang phải báo cáo những tồn tại, vướng mắc và giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm dòng sông.
Nhiều nhà máy tái chế giấy ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du xả nước thải ra sông Ngũ Huyện Khê. Ảnh: Nguyễn Thắng
Ảnh hưởng nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt
Sông Cầu là 1 trong 5 con sông dài nhất, quan trọng nhất miền Bắc, chảy qua 6 tỉnh: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương. Nhiều năm qua, con sông này bị ô nhiễm nặng nề.
Theo Bộ TN&MT, nguyên nhân chính làm ô nhiễm sông Cầu là do nước sông Ngũ Huyện Khê (bắt nguồn từ Đông Anh, Hà Nội chảy qua tỉnh Bắc Ninh) chảy vào. Trong khi đó, nước sông Ngũ Huyện Khê ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải không được xử lý của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy làm giấy ở xã Phú Lâm, Cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, Cụm công nghiệp Phong Khê (Phong Khê, TP Bắc Ninh).
Bộ TN&MT đã đề nghị Bắc Ninh có biện pháp xử lý triệt để các nguồn thải chính gây ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê và sông Cầu. Nhưng đến nay, tình trạng này không được cải thiện, đe dọa đời sống người dân các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sống hai bên bờ sông.
Nhiều năm nay, nghề tái chế giấy đã giúp cho người dân ở xã Phú Lâm, huyện Tiên Du và phường Phong Khê của TP Bắc Ninh phát triển kinh tế. Nhưng nghề này cũng mang lại gánh nặng môi trường cho người dân ở đây.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho biết, riêng phường Phong Khê có trên 245 cơ sở sản xuất giấy. Hiện, nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đây mới xử lý được 3.000m3/ngày - đêm, trong khi tổng lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất giấy trong phường này lên đến 10.000m3/ngày - đêm. Tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, lượng nước thải hơn 4.000m3/ngày - đêm, trong khi khu xử lý nước thải tập trung ở đây chưa hoạt động.
Được biết, đoạn sông Cầu chảy qua huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có chiều dài hơn 20km. Nước sông ô nhiễm, ảnh hưởng đến hàng nghìn người thuộc nhiều xã trong huyện, như Thắng Cương, Đồng Phúc, Yên Lư, Tư Mại... Có khoảng 4.000ha đất nông nghiệp của huyện này phải sử dụng nước sông Cầu để phục vụ cho sản xuất cây trồng. Đồng thời, trên địa bàn huyện cũng có 2 nhà máy nước sạch sử dụng nguồn nước sông Cầu để xử lý và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong huyện đang chịu nhiều hệ lụy.
Tương tự, huyện Việt Yên (Bắc Giang) ngoài ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp do sông ô nhiễm, trong xã Quang Châu cũng có 2 nhà máy nước sạch bị ảnh hưởng do lấy nguồn nước sông Cầu để xử lý, cung cấp cho nhiều xã trong huyện.
Cách nào trong lại sông Cầu?
Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020 đưa con sông trở lại trong sạch, bảo đảm cân bằng nước phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở lưu vực, hệ thống dòng chảy ổn định, các công trình thuỷ lợi an toàn, bền vững... Thế nhưng, đến nay tình trạng ô nhiễm càng ngày càng nghiêm trọng hơn, các địa phương chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.
Thống kê sơ bộ cho thấy, lượng nước thải sản xuất kinh doanh thải ra sông Cầu chiếm khoảng 68,88% toàn vùng, nước thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm khoảng 6,23%; nước thải làng nghề khoảng 24,25%...
Ông Nguyễn Đại Đồng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Ninh cho biết, các làng nghề, cụm công nghiệp, với đặc thù sản xuất lạc hậu, mang nặng tính chất hộ gia đình, hạ tầng các cụm công nghiệp chưa đồng bộ... dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng như hiện nay.
Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh khẩn trương rà soát, kiểm tra việc xả nước thải của các cơ sở sản xuất tại Làng nghề Phong Khê và Cụm công nghiệp Phú Lâm xả ra sông Ngũ Huyện Khê; kiểm soát, điều chỉnh chế độ vận hành điều tiết nước cống tiêu Đặng Xá - nơi thoát nước từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu một cách hợp lý nhằm đảm bảo dòng chảy và không gia tăng ô nhiễm nước sông Cầu, đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh.
Bộ cũng đề nghị UBND hai tỉnh nói trên chỉ đạo Sở TN&MT cùng sở, ngành liên quan chuẩn bị báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, những vấn đề tồn tại, vướng mắc và các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Cầu gửi về Bộ TN&MT trước ngày 25/4/2020.
"Theo Bộ TN&MT, trên lưu vực sông Cầu có trên 4.000 nguồn thải, gồm: 3.555 nguồn thải là cơ sở sản xuất, kinh doanh; 144 nguồn thải là khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 238 cơ sở y tế; 140 làng nghề. Ba tỉnh có số lượng nguồn thải lớn nhất là Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang. Vĩnh Phúc và Bắc Kạn là hai địa phương trên lưu vực sông có lượng nguồn thải ít nhất".
Lam Hạnh
Hút nước ngầm tạo ra 148 'hố tử thần' ở Bắc Kạn Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản xác định nguyên nhân xuất hiện "hố tử thần" ở Bắc Kạn chủ yếu do khai thác nước ngầm. Trong công bố ngày 26/5, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết sau hai năm nghiên cứu...