Bộ Tài chính “khất nợ” chuyện chốt room ngoại 0% của Vinaconex
Về vấn đề siết room ngoại Vinaconex về 0% liệu có phạm luật và hạn chế mức độ cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong việc đấu giá lô cổ phần VCG hay không, ông Đặng Quyết Tiến, Vụ trưởng Vụ Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết việc này cũng chưa bắt buộc ngay nên sau khi Vinaconex thoái vốn xong, sẽ yêu cầu báo cáo về vấn đề này.
Ông Đặng Quyết Tiến, Vụ trưởng Vụ Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phát biểu tại buổi Họp báo chuyên đề “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN”. (Ảnh: H.T)
Chiều 19.11, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi Họp báo chuyên đề “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN”.
Tại đây, câu chuyện đấu giá lô cổ phần VCG của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) do SCIC và Viettel sở hữu đã thu hút sự quan tâm của không ít phóng viên.
Theo đó, ngày 8.11.2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có công văn gửi Tổng công ty cổ phần (CTCP) xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Tại công văn này, UBCKNN xác nhận việc Vinaconex xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 0% vốn điều lệ là phù hợp với quy định tại Điều 2a Nghị định số 60/2015/NĐ-CP. UBCKNN cũng đề nghị Vinaconex thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 13 Thông tư số 123/2015/TT-BTC và khoản 5 Điều 8 Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6.10.2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK).
“Công ty hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện kinh doanh theo đúng ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan”, công văn của UBCKNN nêu rõ.
UBCKNN cũng yêu cầu, ngay sau khi nhận được thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại VCG là 0%, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cập nhật tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VCG trên hệ thống để nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) thực hiện giao dịch chứng khoán theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, trong công văn gửi UBCKNN thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại VCG ngày 5.11.2018, Tổng giám đốc Vinaconex Đỗ Trọng Quỳnh, cho biết trong số 26 mã ngành, nghề đăng ký kinh doanh của Vinaconex theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần thứ 8 ngày 23.10.2015 còn có 2 ngành nghề bị giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 0% và 5 ngành nghề chưa xác định được tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Video đang HOT
Ông Đặng Quyết Tiến, Vụ trưởng Vụ Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính). (Ảnh: Mof)
Trả lời câu hỏi của phóng viên: “ Siết room ngoại Vinaconex về 0% liệu có phạm luật và hạn chế mức độ cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong việc đấu giá lô cổ phần VCG hay không?”.
Ông Đặng Quyết Tiến, Vụ trưởng Vụ Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: “Điều này nằm trong phương án thoái vốn của Vinaconex. Hiện nay, doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện thoái vốn. Việc đưa mức room ngoại về 0% có căn nguyên của nó, sau khi Vinaconex thoái vốn xong, chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo về vấn đề này.
Yếu tố quan trọng nhất trong vấn đề room của nhà đầu tư là phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với cam kết của mình về ngành nghề. Những ngành nghề Chính phủ Việt Nam cam kết WTO khi tiến hành mở cửa vẫn có những khống chế nhất định. Chuyện đưa room ngoại về 0% chúng tôi sẽ trao đổi lại với chủ sở hữu vốn Nhà nước của Vinaconex là SCIC. Việc này cũng chưa bắt buộc ngay, và để bảo đảm việc thoái vốn hiệu quả nên chúng tôi sẽ trả lời báo chí sau khi Vinaconex thoái vốn xong”.
Một góc tòa nhà Vinaconex (Ảnh: I.T)
Trong một diễn biến liên quan tới việc đấu giá lô cổ phần VCG của Vinaconex do SCIC và Viettel sở hữu. Hiện có 6 tổ chức, cá nhân đăng ký mua trọn lô cổ phần của VCG.
Trong đó, có doanh nghiệp mới một tuần tuổi, có doanh nghiệp doanh thu chỉ 1,8 tỷ đồng, hay có doanh nghiệp vốn điều lệ 20 tỷ đồng nhưng sẵn sàng chi tới vài nghìn tỷ đồng để mua lô cổ phiếu VCG của Vinaconex.
Cụ thể, một nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua trọn lô là ông Nguyễn Văn Đông sinh năm 1980, có chứng minh thư nhân dân cấp tại Thừa Thiên Huế. Theo bản đăng ký, ông Đông không có quan hệ với VCG. Trước giao dịch, ông Đông và người có liên quan đều không nắm giữ cổ phần VCG. Nhưng trong đợt đấu giá này, ông Đông đã đăng ký mua 254.901.153 cổ phần. Như vậy, nếu tính theo mức giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần, ông Đông sẽ phải bỏ ra ít nhất 5.430 tỷ đồng nếu đấu giá thành công.
Cũng theo bản đăng ký gửi đến HNX, ông Đông cho biết là mục đích mua để đầu tư lâu dài, bằng nguồn vốn tự có và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo việc tham gia đấu giá và và thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời gian quy định.
Một cái tên khác đăng ký là Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest) có đăng ký kinh doanh tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, do ông Đặng Thế Anh Đức làm giám đốc. Thông tin được dư luận quan tâm là công ty này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng và mới thành lập ngày 9.11.2018, trong khi số tiền ít nhất để mua được trọn lô là 5.430 tỷ đồng. Dư luận tò mò, liệu có đại gia nào đứng sau “tân binh” này?
Theo đăng ký, Star Invest là công ty đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà ở, tư vấn, môi giới bất động sản… và có cả đào tạo, giáo dục. Chủ sở hữu công ty định hướng và phấn đấu phát triển Star Invest thành công ty chuyên về bất động sản và xây dựng, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp, khẳng định vị thế trên thị trường.
Star Invest cũng khẳng định, đang thu xếp đủ nguồn tài chính phục vụ kế hoạch tham gia đấu giá lô cổ phần của VCG, để đảm bảo việc tham gia đấu giá và thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời gian quy định.
Cũng như trường hợp của ông Đông, Star Invest không có quan hệ và cũng chưa nắm giữ cổ phần nào của VCG. Star Invest cũng đầu tư gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp.
Thêm vào đó, còn có công ty cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam được thành lập đầu năm 2010 với 6 cổ đông cá nhân, có trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Theo thông tin đăng ký kinh doanh, đơn vị này thực hiện tăng vốn điều lệ lên 380 tỷ đồng vào năm 2015. Đặc biệt, người đại diện theo pháp luật của Thăng Long Việt Nam là ông Trịnh Cần Chính (con trai của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô) làm Tổng giám đốc. Nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô là người từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng vào năm 1945.
Theo danviet.vn
Vinaconex chốt room ngoại 0%, nhà đầu tư nước ngoài 'lao đao'
Với việc chốt room ngoại ở mức 0%, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải bán ra toàn bộ hơn 48 triệu cổ phiếu VCG của Vinaconex.
Vinaconex chốt room ngoại 0%, nhà đầu tư nước ngoài 'lao đao'
Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) mới đây đã có văn bản công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại).
Theo văn bản, căn cứ vào đề nghị của SCIC gửi tới Vinaconex yêu cầu chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa để phục vụ việc bán vốn của SCIC tại Vinaconex, căn cứ vào văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận việc Vinaconex xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 0% là phù hợp với quy định pháp luật, Vinaconex thông báo đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam về tỷ lệ sở hữu tối đa tại Vinaconex là 0%.
Được biết, ngoài lĩnh vực xây lắp và kinh doanh bất động sản, trong đăng ký kinh doanh của Vinaconex còn có 5 ngành nghề thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác, bao gồm: xuất khẩu lao động; xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn; kinh doanh điện thương phẩm; mua bán rượi bia thuốc lá; kinh doanh xăng dầu. Các ngành nghề này với room ngoại khác nhau tựu chung khiến Vinaconex phải chốt room ngoại ở mức 0%.
Việc chốt room ngoại ở mức 0% sẽ gây khó cho các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu cổ phiếu VCG của Vinaconex. Hiện khối này đang nắm hơn 48 triệu cổ phiếu VCG, đồng nghĩa sau khi các thủ tục chốt room ngoại hoàn tất, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải bán toàn bộ hơn 48 triệu cổ phiếu trên.
Ngày 22/11 tới đây, SCIC sẽ chính thức bán đấu giá trọn lô gần 255 triệu cổ phiếu VCG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 57,71%. Cùng ngày, Tập đoàn Viettel cũng bán đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phiếu VCG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 21,28% vốn điều lệ. Giá khởi điểm của cả 2 đợt đấu giá trên đều là 21.300 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, để sở hữu trọn lô cổ phiếu VCG của SCIC, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra ít nhất 5.429 tỷ đồng; trong khi để có lượng cổ phiếu VCG do Viettel sở hữu, nhà đầu tư phải chi tối thiểu là 2.002 tỷ đồng.
Khối lượng đấu giá lớn, lại là đấu giá trọn lô, nếu nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia, xác suất thành công của phiên đấu giá chắc chắn sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, với room ngoại 0%, nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể trực tiếp sở hữu cổ phiếu VCG.
Dù vậy, vẫn có một cách là sở hữu thông qua một doanh nghiệp "ngoài nội, trong ngoại" như trường hợp tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu trên 53% vốn điều lệ Sabeco thông qua Công ty Vietnam Beverage.
Thanh Long
Theo vietnamfinance.vn
"Sốc" đại gia nghìn tỷ bán tạp hoá; Cổ phiếu nhà Cường đôla giảm giá sau tin bất ngờ |Dự chi hơn 5.000 tỷ đồng để mua trọn lô cổ phần Vinaconex thế nhưng đại gia xứ Huế lại trú tại một căn nhà hai tầng bán đồ tạp hoá. Trước những thông tin gây "sốc" quanh vụ SCIC rao bán cổ phần, VCG giảm giá đầu tuần. Trong khi đó cổ phiếu QCG sụt giảm sau tin "thiếu gia" Cường đôla...