“Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội phải ngắn gọn rõ”
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại Tọa đàm “Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam” diễn ra sáng 18.5 ở Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có tọa đàm góp ý xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ, hiệp hội liên quan, các cơ quan báo chí để góp phần xây dựng bộ quy tắc khả thi, vì một môi trường mạng phát triển lành mạnh.
Bộ trưởng Bộ TT&T Trương Minh Tuấn chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Thời gian qua, Bộ TT&TT đã liên tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật trong quản lý phát triển mạng xã hội, đã tích cực phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc đấu tranh với những thông tin xấu, độc là một quá trình với nhiều khó khăn, thách thức.
“Thực tiễn cho thấy, việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xoá bỏ mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của nhà nước.
Đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng. Đó có thể là những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại nhiều quốc gia, kể cả ở cấp nhà nước hay ở phạm vi nội bộ trong một tổ chức, chúng ta có thể nhận thấy, việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận xét.
Nghị quyết số 55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã nêu rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”.Thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ TT&TT đã chủ động nghiên cứu cơ sở lý luận, bài học thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để làm căn cứ nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho Việt Nam.
Video đang HOT
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, việc nghiên cứu, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử phải dựa trên quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận hành và sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm đem lại lợi ích lớn nhất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới xã hội, tổ chức và cá nhân.
Bên cạnh đó, Bộ Quy tắc không đi ngược lại với các cam kết của Nhà nước Việt Nam trong đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Và Bộ Quy tắc được xây dựng theo các chuẩn mực, thông lệ quốc tế về xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung, bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông nói riêng, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng trong và ngoài nước.
“Mục đích của việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội không phải hạn chế người sử dụng mà nhằm phát triển, mở rộng mạng xã hội hoạt động văn hóa, nhân văn, đạo đức. Việc xây dựng bộ quy tắc này là bộ quy tắc chung. Từ khế ước chung, quy tắc chung này, tùy từng đối tượng cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình đặc điểm riêng để xây dựng quy tắc riêng…”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lưu ý.
Trong khuôn khổ Tọa đàm, đại diện Viện Chiến lược TT&TT, Bộ TT&TT đã công bố báo cáo đề dẫn kết quả nghiên cứu “Xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường lành mạnh tại Việt Nam”.
Nhiều nhà báo, đại diện hiệp hội, nhà mạng, và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ TT&TT đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến góp ý cho việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tinh thần chung là mọi người đều thống nhất sự cần thiết phải sớm ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Việt Nam.
Phát biểu kết luận buôi Tọa đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Viện Chiến lược TT&TT, đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tiếp thu các ý kiến góp ý.
“Xây dựng Bộ quy tắc chỉ cần 3 yếu tố: Ngắn – Gọn – Rõ để ai cũng có thể hiểu được. Bộ TT&TT tới đây phải xem xét ban hành thông tư để có chế tài cụ thể trên cơ sở Bộ Quy tắc ứng xử này”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Sau buổi tọa đàm lần đầu tiên này, đơn vị chủ trì soạn thảo “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, tổ chức thêm nhiều cuộc họp, hội thảo, tọa đàm về chủ đề này. Sau khi có dự thảo tương đối hoàn chỉnh mới lấy ý kiến rộng rãi của công chúng, trong đó sẽ đặc biệt chú trọng phương thức lấy ý kiến trên mạng xã hội của chính những người sử dụng mạng xã hội.
Hiện có khoảng 366 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, trong đó khoảng 360 mạng xã hội có hoạt động thực tế.Theo báo cáo mới nhất năm 2018 của tổ chức We are Social, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 55 triệu người (chiếm tỷ lệ 57% dân số), trong đó lượng người sử dụng mạng xã hội qua điện thoại di động là 50 triệu người. Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong 1 ngày của người sử dụng Việt Nam đạt tương ứng khoảng 7 giờ và 2,5 giờ. Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ là 61% và 59%.Theo khảo sát của Chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung ở một số nội dung: Nói xấu, phỉ bang (61,7%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (37,1%), kỳ thị giới tính (29,03%), kỳ thị khuyết tật (21,76%), kỳ thị tôn giáo (15,09%)…Các hành vi này thực tế đã được điều chỉnh ở rất nhiều văn bản khác như Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại điện tử, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An toàn thông tin và các văn bản hướng dẫn. Chế tài xử phạt cũng đã có tương đối đầy đủ và thực tế thời gian qua đã có nhiều trường hợp cá nhân bị xử lý vì các hành vi này.Tuy nhiên, số lượng vụ việc được xử lý theo pháp luật còn rất hạn chế so với thực tế vi phạm, hơn nữa, kể cả khi đã bị xử lý thì người bị hại cũng phải chịu các tổn thất nặng nề về mặt vật chất, tinh thần.
Theo Bình Minh (Infonet)
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội
Quốc hội yêu cầu triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Việt Nam, nhằm hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn.
Chiều 24.11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 với gần 94% đại biểu tán thành.
Đối với lĩnh vực Thông tin Truyền thông, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới; bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.
"Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam", Nghị quyết nêu.
Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, khoá 14. Ảnh: QH
Liên quan đến nội dung trả lời chất vấn trước đó của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Quốc hội yêu cầu Chính phủ có chính sách để ưu tiên phát triển hệ sinh thái nội dung số trong nước lớn mạnh; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước xây dựng các dịch vụ nền tảng như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, thương mại điện tử.
Cùng với đó, các Bộ, ngành liên quan xây dựng bộ công cụ thu thập, phân tích và quản lý thông tin vi phạm; công cụ phân tích, xếp hạng, đánh giá website theo lượng truy cập để làm cơ sở xây dựng các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet.
Chính phủ và ngành Thông tin Truyền thông có các biện pháp để xử lý thông tin không phù hợp với pháp luật Việt Nam được đăng tải bởi các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài; xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ phải sớm ban hành và triển khai Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng
Đối với lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chánh án Nguyễn Hoà Bình và ngành có giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các loại án, quyết định của tòa án; việc xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Quốc hội cũng quyết nghị đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm nghiêm minh; có giải pháp để tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này.
Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và ngành ngân hàng phải bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế; chủ động kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
Với lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm huy động đầy đủ nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm hành vi trốn thuế, gian lận thương mại.
Theo Hoàng Thùy (VNE)
Vì sao mẹ cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau "giằng co" kết quả xét nghiệm? "Hiện tại, do gia đình chưa hợp tác nên kết quả nội soi dạ dày vẫn chưa có, khi nào gia đình nguôi ngoai thì cháu P.A sẽ được đi khám lại", lãnh đạo UBND huyện An Dương thông tin. Cháu P.A đã bị cô giáo chủ nhiệm yêu cầu uống cốc nước được vắt từ giẻ lau bảng Cách đây 3 ngày,...