Bỏ quy định trình độ ngoại ngữ, tin học: Xóa nỗi lo “giấy phép con”
Bỏ quy định trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên đã trút bỏ được gánh nặng về nỗi lo “giấy phép con” bấy lâu nay.
Phát huy tối đa năng lực người học chính là vai trò của giáo viên trong chương trình mới. Ảnh minh họa: Thế Đại
Món quà đầu xuân
Thầy Trương Văn Vũ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lưu Nghiệp Anh A (Trà Cú, Trà Vinh) chia sẻ: Nhận được thông tin, Bộ GD&ĐT chính thức bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp, tập thể sư phạm nhà trường thở phào nhẹ nhõm và như vừa trút được gánh nặng. “Đây là tin tốt, được chúng tôi mong đợi nhất và là món quà đầu xuân năm mới đầy ý nghĩa với đội ngũ nhà giáo” – thầy Vũ bộc bạch.
Từng chứng kiến giáo viên “mất ngày, mất buổi”, thậm chí phải mất khá nhiều tiền để có được chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, thầy Vũ không khỏi xót xa, trăn trở và luôn mong có một ngày xóa bỏ được “giấy phép con” này. Những chứng chỉ này không chỉ là gánh nặng, mà còn tạo áp lực không đáng có, làm giảm động lực phấn đấu và tâm huyết của nhà giáo. Thậm chí, nhiều giáo viên rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở”. “Rất mừng là quy định này được bãi bỏ. Từ nay, giáo viên có thể yên tâm làm việc, cống hiến và sáng tạo những bài giảng hay cho học trò” – thầy Vũ chia sẻ.
Là giáo viên THCS của quận Nam Từ Liêm, cô Bùi Thị Vân cho hay: Tôi và nhiều đồng nghiệp từng “đứng ngồi không yên” để có được chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Chứng chỉ tin học thì đơn giản hơn vì ít nhiều giáo viên cũng từng tiếp xúc và thao tác trên máy tính. Nhưng với chứng ngoại ngữ thì không khác gì “đánh đố” thầy, cô giáo. Bởi có giáo viên ra trường hàng chục năm nên vốn tiếng Anh “rơi rụng” và gần như về “số không”. Vì thế, để có được chứng chỉ, nhiều người phải “chạy ngược, chạy xuôi”, thậm chí “khốn đốn” vì chứng chỉ. Nay Bộ GD&ĐT bãi bỏ quy định này, giáo viên ai nấy đều phấn khởi, hân hoan và vui mừng khôn xiết.
Gần 20 năm là giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Thu Hằng (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: Chừng ấy thời gian đứng lớp, nhưng gần như tôi không sử dụng đến ngoại ngữ. Cô Hằng cho rằng: Nếu chứng chỉ ngoại ngữ chỉ dùng để có đủ giấy tờ hoặc làm đẹp hồ sơ, gây lãng phí tiền bạc, công sức và thời gian. Thực tế, nhiều người có trình độ, năng lực tốt nhưng họ không có chứng chỉ; hoặc ngược lại, có những người năng lực kém, nhưng bằng cách này, cách khác có đầy đủ chứng chỉ nên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Vì thế, yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ đã không phát huy hiệu quả như mong muốn, trái lại còn gây áp lực không đáng có cho giáo viên.
“Chúng tôi cảm ơn Bộ GD&ĐT đã hiểu tiếng lòng của giáo viên. Bãi bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là điều mà chúng tôi trông ngóng bấy lâu nay” – cô Hằng bộc bạch.
Video đang HOT
Cô – trò Trường Tiểu học Khương Mai (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền
Quyết định “hợp lòng dân”
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội trao đổi: Theo quy định trước đây, giáo viên các cấp học, hạng chức danh nghề nghiệp ở mọi vùng miền trên cả nước đều phải đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ từ bậc 1 – 3 (tùy hạng và tùy cấp học); yêu cầu về trình độ tin học ở mức đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT. Với cấp học phổ thông, giáo viên dạy ngoại ngữ được yêu cầu phải có trình độ ngoại ngữ thứ hai tương ứng như trình độ ngoại ngữ của các giáo viên khác.
“Thực ra, quy định này có ý nghĩa và mục đích tốt, giúp giáo viên nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định này đã bộc lộ những bất cập nhất định, thậm chí gây ra hệ lụy như: Tình trạng “mua – bán” chứng chỉ như báo chí phản ánh, gây bức xúc trong xã hội” – TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng đồng tình với việc Bộ GD&ĐT bãi bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên các cấp và bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ thứ hai với giáo viên dạy ngoại ngữ.
“Nói như vậy, không có nghĩa chúng ta xem nhẹ ngoại ngữ, tin học. Vấn đề đặt ra là, làm sao để khuyến khích, hỗ trợ, tạo động lực cho giáo viên nâng cao năng lực sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học. Đây phải là nhu cầu tự thân, để bổ trợ cho công việc của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy – học” – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh), cho rằng: Quyết định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của Bộ GD&ĐT kịp thời và có tính nhân văn; đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ nhà giáo. Ai cũng hiểu, ngành Giáo dục đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu giáo viên phải có năng lực về ngoại ngữ, tin học là cần thiết. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có môi trường để giáo viên sử dụng ngoại ngữ, nhất là với giáo viên vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế, nếu vẫn giữ quy định bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để thăng hạng chức danh nghề nghiệp là không phù hợp.
Tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn, bày tỏ vui mừng của giáo viên trước quyết định kịp thời này. Giáo viên vui, chúng tôi cũng vui. Bởi đây là vấn đề “ nóng” từng được các đại biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến tại nghị trường. Tôi rất vui vì những ý kiến, đóng góp đã được Bộ GD&ĐT tiếp thu. – Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là quyết định đúng của Bộ Giáo dục
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là một quyết định phù hợp với thực tiễn, loại bỏ tính hình thức trong giáo dục.
Theo nội dung các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 3/2021, Bộ sẽ chính thức loại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.
Trong nhiều năm qua, việc triển khai quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên đã bộc lộ một số bất cập như xuất hiện các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không chất lượng, thực hiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đúng quy định; người học chỉ tìm cách để tích lũy đủ văn bằng nhưng việc học không thực chất; vấn nạn mua bán chứng chỉ tràn lan,...
Chính vì vậy, quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được xem là một tín hiệu tích cực của ngành giáo dục, giúp các thầy cô tháo gỡ những "trói buộc" hình thức bấy lâu nay.
Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: Đây là một quyết định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt những áp lực, sự cồng kềnh và những yêu cầu mang tính hình thức cho giáo viên.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng từng vị trí việc làm của các giáo viên sẽ cần trình độ ngoại ngữ, tin học ở những mức khác nhau (Ảnh: Tùng Dương)
Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, nếu chứng chỉ của giáo viên là thực chất, phản ánh năng lực thực sự thì sẽ rất có ý nghĩa trong việc nâng cao, bồi dưỡng trình độ cho thầy cô. Còn trường hợp những chứng chỉ đó chỉ là mang tính hình thức thì cần phải được loại bỏ.
Tuy nhiên, quy định mới này không có nghĩa là những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học không còn quan trọng với giáo viên. Bộ Giáo dục chỉ bỏ những yêu cầu mang tính hình thức nhưng vẫn cần khuyến khích giáo viên học tập, tự nâng cao, bồi dưỡng năng lực cần thiết về ngoại ngữ, tin học.
Bởi đây là những năng lực quan trọng giúp thầy cô giáo nâng cao chuyên môn của mình, hỗ trợ quá trình dạy học hiệu quả hơn, chất lượng hơn, đặc biệt trong thời đại công nghệ số và xu hướng hội nhập quốc tế như hiện nay.
Cũng theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, điều quan trọng là Bộ Giáo dục đã có những điều chỉnh phù hợp liên quan đến trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên.
Cụ thể, trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Đối với trình độ ngoại ngữ, không còn quy định "cứng" là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành "có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao".
Đối với trình độ tin học, không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông mà là "có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ" của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.
Như vậy, sự thay đổi này là phù hợp với thực tiễn, đi vào thực chất, góp phần mang đến những thay đổi tích cực cho giáo dục khi giáo viên được gỡ bỏ những vướng mắc mang tính hình thức.
Theo quan điểm của Phó Giáo sư Bùi Thị An, những quy định cụ thể về trình độ ngoại ngữ, tin học sẽ phụ thuộc vào từng vị trí việc làm, không áp dụng một cách cứng nhắc đối với tất cả các giáo viên, bởi mỗi giáo viên ở một vị trí sẽ có nhiệm vụ riêng, tính chất công việc khác nhau.
"Mỗi vị trí sẽ tương ứng với những tiêu chí, yêu cầu riêng. Có thể ở vị trí này, thầy cô cần đáp ứng yêu cầu về trình độ tin học cao nhưng ở vị trí khác lại chỉ cần đáp ứng trình độ tin học ở mức cơ bản.
Mỗi thầy cô giáo với chức trách, nhiệm vụ, công việc cụ thể được giao sẽ cần đáp ứng chuẩn năng lực về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu vị trí công việc. Nó sẽ đi vào thực chất.
Điều quan trọng là sau khi có quy định mới, điều chỉnh lại thì cần phải giám sát việc thực hiện, theo dõi, đánh giá quá trình chỉ đạo thực hiện như thế nào, kết quả đạt được ra sao. Làm được như vậy mới đảm bảo cho mục tiêu và ý nghĩa của sự thay đổi này", bà An khẳng định.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giáo viên đồng tình, hiệu trưởng băn khoăn Thầy cô đang giảng dạy tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với quyết định bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong quy định tiêu chuẩn chức danh. Chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên từ tháng 3/2021, là một trong những nội dung trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh...