Bỏ quy định nữ nuôi trẻ sơ sinh được nghỉ 60 phút có “dã man”?
Tôi không rõ, bớt đi của người phụ nữ mới sinh con, ngần ấy thời gian trong một ngày, doanh nghiệp có giàu có lên được hay không?
Tới đây, nếu quy định “Lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động” (Điều 155) bị bỏ theo đề xuất của Ban dự thảo Luật Lao động, thì thời gian nghỉ ngơi của nữ lao động trong các doanh nghiệp, vốn đã rất ít ỏi, còn bị cắt xén đến tận cùng.
Trước đây, từng có chuyện, tại một công ty ở quận 12, TP.HCM, có một cuộc đình công mà nguyên nhân khi công bố khiến người ta lặng đi vì kinh ngạc. Không phải vì chuyện lương bổng, đãi ngộ hay chuyện gì to tát, nguyên nhân đình công chỉ là do lãnh đạo công ty đưa ra những quy định hạn chế công nhân… uống nước và đi vệ sinh.
Doanh nghiệp này có gần 1.000 công nhân, đa phần là nữ, nhưng chỉ có 10 nhà vệ sinh, lại bị hư hỏng, thiếu nước khiến công nhân rất khổ sở. Mỗi ngày công nhân chỉ được đi vệ sinh hai lần, từ 9h30 – 10h30 và từ 14h-15h và phải xin cấp thẻ ghi rõ họ tên, thời gian đi vệ sinh. Với số thẻ ít ỏi và thời gian eo hẹp, mỗi công nhân chỉ có chưa đầy một phút, ai vi phạm sẽ bị thẳng tay trừ lương. Suốt bốn tiếng rưỡi ngồi làm, hai dây chuyền 100 người mà có ba cái thẻ cứ giành qua giành lại, nhiều người không chịu nổi đã khóc, năn nỉ nhưng quản lý không cho. Nếu đi mà không có thẻ thì sẽ bị phạt thẻ vàng và 50.000 đồng, hai thẻ vàng thành một thẻ đỏ đuổi khỏi công ty…”
Quy định được nghỉ 60 phút mỗi ngày cho nữ lao động nuôi con nhỏ được nhiều bà mẹ trẻ hoặc sắp làm mẹ ủng hộ nên giữ lại.
Câu chuyện này chỉ là một chi tiết trong cuộc sống khó khăn của các lao động nữ trong các doanh nghiệp. Từ năm 2013 đến nay, chúng ta chưa được nghe thêm điều gì lạc quan hơn về cuộc sống của họ. Những phụ nữ nghèo đi làm tại các khu công nghiệp, các khu chế xuất, trong các ngành may mặc và da giày…, bị hạn chế từ việc đi vệ sinh như trên hay đồng lương ít ỏi, không có chỗ ở, không có chỗ gửi con… vẫn tiếp tục sống nghèo và vất vả, khi mà nền kinh tế của đất nước chưa đủ giàu để chăm lo đến họ. Lao động nữ chiếm trên 48% lực lượng lao động cả nước, 25 triệu nữ lao động trong độ tuổi sinh đẻ vẫn chưa có đầy đủ các quyền lợi cần có của mình.
Tôi không rõ, bớt đi của người phụ nữ mới sinh con, hoặc đang trong kỳ kinh nguyệt, ngần ấy thời gian trong một ngày, doanh nghiệp có giàu có lên được hay không?Và tới đây, nếu quy định “Lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động” (Điều 155) bị bỏ theo đề xuất của Ban dự thảo Luật Lao động, thì thời gian nghỉ ngơi của nữ lao động trong các doanh nghiệp, vốn đã rất ít ỏi, còn bị cắt xén đến tận cùng.
Với 60 phút để chăm con một tuổi trong một ngày, người mẹ không chắc có thể vượt qua được những đám tắc đường mà về cho con bú. Nhưng buổi sáng hay đầu ca làm việc, cô ấy có thể chuẩn bị cho con một chút thức ăn. Có nuôi con nhỏ mới biết, một tiếng chẳng nhiều nhặn gì.
Và đâu có dễ, cứ dựa theo ý của doanh nghiệp mà thay đổi Luật Lao động. Muốn xác định độ dài thời gian nghỉ việc trong chế độ thai sản khi sinh con phải căn cứ vào: quy định của các Công ước quốc tế; sức khỏe nghề nghiệp của lao động nữ và sức khỏe lao động nữ thời kỳ mang thai, nuôi con nhỏ; điều kiện kinh tế – xã hội của quốc gia, như khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) và nhu cầu lao động trong xã hội, chứ không thể nhìn vào việc phụ nữ phải chăm con mà tiếc rẻ thời gian.
Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực vào 1.1.2016 bổ sung rất nhiều chế độ thai sản cho người cha, người mang thai hộ và điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng thai sản linh hoạt hơn đã là một tiến bộ. Không có nhẽ sự tiến bộ ấy chỉ là chốc lát. Và những nữ công nhân biết thân biết phận sẽ không dám ước mơ được làm mẹ, thậm chí không dám cả có kinh nguyệt, vì những quy định quá ngặt nghèo?
Theo Danviet