Bộ Quốc phòng huy động nửa triệu người ứng phó bão Bebinca
35 tàu, hơn 140 xe đặc chủng sẽ xuống các địa bàn giúp dân ứng phó với cơn bão sắp đổ bộ vào các tỉnh thành từ Hải Phòng đến Nghệ An.
Chiều 15.8, biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thông báo và hướng dẫn hơn 36.300 tàu thuyền (137.700 người); 11.300 lồng bè, lều, chòi canh (14.700 người) chủ động thoát khỏi khu vực nguy hiểm của bão Bebinca.
“Không còn phương tiện nào hoạt động trong khu vực nguy hiểm”, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết.
Theo Ủy ban này, Bộ Quốc phòng đã huy động 54.700 bộ đội, 362.000 dân quân, và 111.000 dự bị động viên; 2.700 phương tiện (trong đó có 35 tàu, 1.570 ôtô, 148 xe đặc chủng) sẵn sàng ứng phó với bão.
Theo bản tin lúc 23h ngày 15.8 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tâm bão Bebinca đang ở phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sức gió mạnh nhất 90 km/giờ, cấp 9, giật tăng hai cấp.
Bộ đội giúp dân ngăn nước sông Nhuệ tràn bờ ở Hà Nội năm 2013. Ảnh: Bá Đô.
Giữ hướng Tây Tây Nam, tốc độ 10 km mỗi giờ, sớm mai bão đi vào vịnh Bắc Bộ và tối cùng ngày ở trên đảo Bạch Long Vỹ, cách Móng Cái 170 km, cách Thái Bình 220 km, cách Vinh 330 km. Sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.
Từ sớm mai 16/8, vịnh Bắc Bộ có mưa bão, gió mạnh dần lên từ cấp 6 đến 9. Huyện đảo Bạch Long Vĩ và Cô Tô từ trưa và chiều mai gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, sóng biển cao 2-4 m, biển động rất mạnh.
Video đang HOT
Bão sau đó theo hướng Tây, tốc độ 10 km mỗi giờ, đi vào khu vực từ Hải Phòng đến Nghệ An sớm 17/8 và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22h ngày 17.8, tâm áp thấp nhiệt đới ở nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa.
Nhận định bão có phạm vi ảnh hưởng rộng, khu vực chịu ảnh hưởng có các hoạt động kinh tế lớn, hệ thống cơ sở hạ tầng vừa trải qua các đợt mưa lũ kéo dài, trong công điện chiều 15/8, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền. Căn cứ tình hình cụ thể, chủ tịch tỉnh quyết định việc cấm biển.
Địa phương cần tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu, trú tránh ven biển, trong sông và nhất là quanh các đảo; tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè, chòi canh, tàu thuyền.
Đối với khu vực đất liền, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây; triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án lớn đang thi công, kho tàng, hầm lò, hệ thống truyền tải điện, bãi thải khai thác khoáng sản.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ kiểm tra những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân chủ động phòng tránh. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng nếu nước không tự tiêu phải bơm cưỡng bức chống úng ngập đô thị, dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Các hồ thủy lợi, thủy điện xung yếu phải được điều tiết hạ thấp mực nước và bố trí lực lượng thường trực.
Theo Viết Tuân (VnExpress)
Kinh hoàng thảm họa mưa bão, lũ lụt, nắng nóng tàn phá khắp châu Á
Các dạng thời tiết cực đoan đang tàn phá khắp châu Á như lũ lụt ở Việt Nam, bão nhiệt đới càn quét Trung Quốc, mưa lớn kéo dài ở Philippines trong khi Nhật Bản hứng chịu đợt nắng nóng chết người, hãng tin CNN cho biết.
Lũ lụt khiến người dân Việt Nam điêu đứng
Lũ quét tàn phá tan hoang một ngôi làng ở Yên Bái. Ảnh CNN.
Hãng tin CNN dẫn nguồn tin từ Thông tấn xã Việt Nam cho hay, tính đến ngày 22.7, 21 người đã chết và mất tích sau khi bão Sơn Tinh gây ra mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa và Yên Bái.
"Các chính quyền địa phương đang tích cực tìm kiếm những người mất tích, thu xếp chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình đã mất nhà cửa vì bão lụt đồng thời nhanh chóng di tản và di dời người dân khỏi những khu vực nguy hiểm", CNN dẫn bản tin của Thông tấn xã Việt Nam.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng đã huy động các lực lượng để sửa chữa các cơ sở hạ tầng, bao gồm nhà cửa, các trung tâm y tế, bệnh viện và trường học bị ảnh hưởng bởi bão lụt. Chuyên gia khí tượng học CNN Derek Van Dam ước tính lượng mưa có thể đạt 500mm trên khắp miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc trong vài ngày tới.
190.000 người phải sơ tán bão ở Thượng Hải
Trong khi đó, bão nhiệt đới Ampil càn quét miền Đông Trung Quốc kéo theo mưa to, gió giật mạnh ngày 22.7, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực từ Thượng Hải đến tỉnh Giang Tô, CNN dẫn nguồn tin Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết.
"Ampil là cơn bão thứ 10 năm nay. Nó đã gây sạt lở đất ở đảo Chongming của Thượng Hải", Tân Hoa xã đưa tin và cho biết thêm rằng, chính quyền địa phương đã hoàn thành việc di dời tổng cộng 192.727 người sống ở các khu vực ven biển, nhà tạm cũng như các công trường xây dưng vào sáng 22.7.
Bão Ampil với sức gió mạnh tới 100 km/h và mưa lớn cũng làm gián đoạn các hoạt động vận tải đường không, đường bộ và đường biển với hơn 500 chuyến bay quốc tế và nội địa bị hủy tại hai sân bay chính của Thượng Hải.
Mùa mưa bão ở Philippines
Mùa mưa ở Philippines tuần qua trở nên dữ dội và nghiêm trọng hơn bởi ảnh hưởng của bão Sơn Tinh, Ampil và hiện tại là áp thấp nhiệt đới Josie (tên địa phương). Mưa lớn kéo dài đã khiến 2 người thiệt mạng và khiến 728.000 người Philippines phải sơ tán tới nơi an toàn hơn do 585 làng bị ảnh hưởng bởi mưa lớn.
Hiện áp thấp nhiệt đới Josie đang di chuyển theo hướng đông bắc Philippines với sức gió 138km/h, dữ liệu từ cơ quan khí tượng Philippines cho biết. Áp thấp nhiệt đới đã gây lụt tới 15-17 cm ở thủ đô Manila nhưng Josie dự kiến sẽ rời Philippines hôm nay (23.7) trong khi đó, một áp thấp nhiệt đới khác đang hướng tới phía đông nước này.
Nắng nóng chết người ở Nhật Bản
Phần lớn miền Trung và miền Nam Nhật Bản vẫn đang chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng kỷ lục.
Theo CNN, gần 110 triệu trong số 128 triệu người Nhật Bản đã bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng kỷ lục trong 2 tuần qua. Hiện tại nhiệt độ vẫn giữ mức hơn 30 độ C (từ 32-35 độ C). Trong những ngày tới nhiệt độ vẫn duy trì ở mức trên 36-38 độ và chưa có dấu hiệu của những cơn mưa "hạ nhiệt" cho Nhật Bản.
Theo CNN, tính đến 22.7 đã có 13 người Nhật Bản thiệt mạng vì nắng nóng trong khi khoảng 10.000 người phải nhập viện vì sốc nhiệt sau đợt lũ lụt kinh hoàng khiến ít nhất 210 người chết đầu tháng này.
Hầu hết những người chết do sốc nhiệt trong đợt nắng nóng này là người già. Chính quyền các địa phương cũng khuyến cáo rằng nên bật điều hòa khi ở nhà và tránh đi làm đồng lúc nhiệt độ tăng cao.
Theo Danviet
Ít nhất 81 người chết do mưa lũ lịch sử tại Nhật Bản Số người thiệt mạng do mưa lũ và sạt lở đất ở khu vực phía tây Nhật Bản đã tăng lên con số 81 vào ngày 8/7, bên cạnh hàng chục trường hợp mất tích. Reuters dẫn thông tin từ truyền thông và Cơ quan Quản lý Thảm họa và Hỏa hoạn Nhật Bản cho biết tính đến ngày 8/7, ít nhất 81...