Bỏ quên tái cơ cấu Ngân hàng Nhà nước?
Chính phủ vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu chính Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa từng được đặt ra cụ thể kể từ khi thực hiện công cuộc này năm 2011.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được xác định trong luật là cơ quan ngang bộ của Chính phủ.
Trong khi đó, đúng 10 năm về trước, Ngân hàng Nhà nước đã từng nghiên cứu, xây dựng đề án, gọi là cải cách, với mong muốn tạo những thay đổi lớn cho chính mình.
Những nội dung đặt ra khi đó đến nay vẫn còn tươi mới.
Đâu là mục tiêu ưu tiên?
Mong muốn trên đã sớm được Bộ Chính trị ủng hộ, bằng kết luận tại Thông báo số 191-TB/TW năm 2005, trong đó nêu rõ: “Tổ chức lại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với cơ cấu và tính chất hoạt động như một Ngân hàng Trung ương hiện đại, hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ quốc tế…”.
Ngay sau đó, nửa đầu năm 2006, Ngân hàng Nhà nước tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể và tổ chức hội thảo quốc tế lấy ý kiến. Một nội dung trọng tâm của đề án khi đó là xác định các mục tiêu hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
Luật Ngân hàng Nhà nước trước đây xác định: “Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Về sau, luật bổ sung thêm một mục tiêu nữa: “Bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia”.
Từ chục năm trước, đứng trước các mục tiêu đó, các chuyên gia đã từng băn khoăn tại hội thảo quốc tế trên: đâu là mục tiêu ưu tiên, thứ tự ưu tiên của nó? Băn khoăn, vì cùng lúc thực hiện các mục tiêu đó có thể xung đột nhau.
Trong hai ngày 22-23/3/3006, Ngân hàng Nhà nước tổ chức một hội thảo khoa học quốc tế, hầu hết các ý kiến đều chỉ tập trung ở hai mục tiêu chính: ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, cũng như bảo đảm an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia.
Trong đó, mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền gần như thống nhất ở các ý kiến là đặt lên hàng đầu, tối thượng, mà thể hiện ở việc kiểm soát lạm phát, gần gũi hơn nữa là chi phí đời sống người dân.
Còn mục tiêu “thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội” hầu như không có vị trí danh dự trong khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế đưa ra tại hội thảo trên.
Video đang HOT
Cảnh báo trong quá khứ
“Thúc đẩy phát triển kinh tế”, đặc trưng nổi bật của Việt Nam những năm qua và cho đến nay là đòn bẩy tín dụng luôn ở mức cao. Cùng đó, đặc biệt những năm gần đây, sự lấn át ngày càng lớn của chính sách tài khóa, hay yêu cầu tài trợ vốn từ chính sách tiền tệ cho hoạt động vay mượn của Chính phủ, qua phát hành trái phiếu.
Trong khi đó, từ cả chục năm trước, tại hội thảo nói trên, các chuyên gia quốc tế đều đã lên tiếng cảnh báo.
Ông Lars Nyberg, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển khi đó nêu quan điểm: Điều cần nhấn mạnh là chính sách tiền tệ không thể tác động trực tiếp đến xu hướng phát triển dài hạn của nền kinh tế. Ảnh hưởng lớn nhất của chính sách tiền tệ là góp phần gián tiếp vào những diễn biến thuận lợi của nền kinh tế bằng cách đảm bảo rằng lạm phát được duy trì ở mức thấp và ổn định để đạt được sự ổn định tài chính.
Theo đó, ông Nyberg cảnh báo sự lạc quan thái quá khi lạm dụng chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
“Sự thúc đẩy mạnh về ngắn hạn của một chính sách tiền tệ bành trướng có thể là sự khởi đầu của kỳ vọng lạm phát cao hơn mà điều này sẽ trở nên rất khó kiểm soát, dẫn đến sự sụt giảm sản lượng trong dài hạn”, báo cáo kết quả hội thảo ngày 22-23/3/2006 dẫn lại cảnh báo của ông Nyberg.
Cũng chính từ thời điểm đó, với dấu ấn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế Việt Nam thăng hoa. Đòn bẩy tăng trưởng tín dụng bùng nổ, có năm lên tới trên 53%. Và không lâu sau đó, cảnh báo trên hiện thực ở sự leo thang khủng khiếp của lạm phát, kéo dài đến 2011.
Cũng tại hội thảo nói trên, ông Karl Habermeier, cố vấn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nêu quan điểm: khi cải cách và hướng đến xây dựng một ngân hàng trung ương hiện đại, cần xác định rõ, trong quan hệ với ngân sách chính phủ, luật pháp cần ngăn cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc ngân hàng trung ương cho vay Chính phủ.
Gần với quan điểm trên, kết luận của hội thảo cũng nêu quan điểm chung rằng: trong bối cảnh của Việt Nam, một khi Ngân hàng Nhà nước vẫn phải theo đuổi đa mục tiêu và phải tiếp tục tham gia vào thị trường sơ cấp trái phiếu Chính phủ; một khi các thị trường tài chính chưa đủ độ sâu để Ngân hàng Nhà nước thôi không phải thực hiện chức năng tài trợ vốn cho khu vực kinh tế nhà nước, thì trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ chưa thể có được một ngân hàng trung ương độc lập thực sự.
Quá khứ vẫn là… hiện tại
Đã chục năm trôi qua, những vấn đề trên vẫn còn đó.
Mặc dù, ở các nội dung khác của tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước đã làm được nhiều việc. Như xây dựng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, điều tiết thị trường ngày càng chuyên nghiệp, linh hoạt và hiệu quả hơn; tái cấu trúc bộ máy, các vụ cục chức năng, mà nổi bật là xây dựng và phát triển nhanh cơ quan thanh tra giám sát…
Thế nhưng, lõi của tái cơ cấu là việc xác định các mục tiêu, thứ tự ưu tiên, hạn chế những xúc đột giữa chúng, đến nay vẫn như từng đặt ra chục năm trước. Một khi vẫn loay hoay, vẫn phải nhượng bộ, thậm chí thụ động (do mức độ độc lập có hạn) khi cân đối giữa các mục tiêu, thì hiệu lực và hiệu quả của chính sách tiền tệ sẽ bị hạn chế.
Như từng đề cập ở bài viết gần đây, cùng lúc Ngân hàng Nhà nước đang phải gồng gánh cả chục mục tiêu, yêu cầu lớn nhỏ, trực tiếp và gián tiếp.
Đó là một “đơn hàng” đa mục tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao: kiểm soát lạm phát dưới 5%, giảm được lãi suất, bình ổn được tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, tăng được tín dụng hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, phối hợp (đúng hơn là hỗ trợ về nguồn) với chính sách tài khóa để phát hành trái phiếu Chính phủ đạt kết quả tốt cho yêu cầu cân đối ngân sách…
Trong bối cảnh đó, với các thông điệp đã thể hiện, Chính phủ đang cho thấy quyết tâm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm ngoái, dù những tháng đầu năm đã bộc lộ khó khăn khi tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ.
Và gần đây, đã có những bình luận nhìn về Ngân hàng Nhà nước với động thái nới lỏng tiền tệ, cùng áp lực thực hiện yêu cầu giảm được lãi suất cho vay mà Chính phủ đã giao.
Còn lạm phát, những mức tăng cao đã thể hiện những tháng gần đây…
Theo VnEconomy
Ngân hàng chần chừ hạ lãi vay vì "mùa vàng tín dụng" đang tới
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa liên tiếp đưa ra các chỉ đạo về hạ lãi suất, song nhiều ngân hàng vẫn ngần ngừ thực hiện bởi "mùa vàng" tín dụng đang tới.
Các ngân hàng đều phải xây dựng kế hoạch giảm lãi vay
Sau động thái giảm 0,5 - 1% lãi suất cho vay của một loạt ngân hàng thương mại lớn (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank) và một số ngân hàng thương mại cổ phần như SHB, Techcombank, TPBank, làn sóng hạ lãi suất vẫn chưa lan tỏa được nhiều. Đó chính là lý do mà từ đầu tuần đến nay, NHNN liên tục có văn bản hối thúc các ngân hàng báo cáo tình hình hạ lãi suất.
Theo phân tích của giới chuyên gia, hiện nay, chênh lệch lãi suất cho vay của các ngân hàng không lớn, chỉ trên dưới 2%, nên dư địa hạ lãi suất không nhiều. Hơn nữa, "mùa" tín dụng sắp bắt đầu, nên giảm lãi vay đồng nghĩa với việc ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng.
Số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 31/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 5,48%, tăng 17,59% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại nhiều ngân hàng, tín dụng 5 tháng đầu năm đã tăng 6 - 8%. Ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng Nông nghiệp nông thôn (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) cho hay, năm nay, sức khỏe doanh nghiệp cải thiện, các ngân hàng cũng cải thiện về cơ chế, khiến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp tốt hơn.
Thực tế, dù đã được cải thiện, song việc tiếp cận vốn của nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, một phần do lãi suất cao và điều kiện vay vốn khắt khe. Do đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Trước chỉ đạo đó, từ đầu tuần đến nay, NHNN liên tục ban hành các văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp theo kế hoạch để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, báo cáo định kỳ cho NHNN.
Trước đó, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời vốn vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất. Yêu cầu đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.
Trước chỉ đạo hạ lãi suất của Chính phủ, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó tổng giám đốc điều hành Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cho hay, VietABank và nhiều ngân hàng đều có kế hoạch giảm lãi suất cho vay, trước mắt là sẽ giảm lợi nhuận, giảm chi phí để thực hiện mục tiêu này.
Đợi "quà" từ NHNN?
Nhiều ngân hàng thương mại cho hay, hiện nay, dư địa giảm lãi suất không nhiều, trừ khi có sự hỗ trợ về nguồn vốn từ phía NHNN. Được biết, một số ngân hàng đã ngỏ ý "xin" NHNN giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản để có thêm nguồn vốn rẻ cho vay.
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khẳng định, nếu NHNN cho phép các ngân hàng thương mại giảm dự trữ bắt buộc và dự trữ thanh khoản, thì sẽ có thêm ngay 100.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.
Một giải pháp nữa được các ngân hàng thương mại đề xuất là NHNN tăng cường cho vay tái cấp vốn đối với trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Hiện nay, số nợ mà các ngân hàng bán cho VAMC rất lớn, số lượng trích lập hàng năm cũng rất nhiều, nhưng đa phần số trái phiếu thu về vẫn nằm im trong kho của các ngân hàng thương mại, chưa thể sử dụng để cầm cố vay vốn từ NHNN, dù quy định hiện hành đã cho phép.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, để giảm lãi suất, NHNN chỉ có thể thực hiện bằng cách nới lỏng tiền tệ. Cụ thể là giảm dự trữ bắt buộc, hạn chế phát hành tín phiếu NHNN để rút tiền và tích cực tham gia thị trường liên ngân hàng...
Mặc dù nhiều đề xuất xin được NHNN bơm thêm tiền đã được đưa ra, song chưa có dấu hiệu cơ quan này sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc bởi giải pháp này sẽ gây khó cho cả hai nhiệm vụ quan trọng nhất của NHNN: đảm bảo an toàn hệ thống và nâng cao giá trị tiền đồng (kiềm chế lạm phát). Trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng cao trở lại, NHNN sẽ rất cân nhắc trong việc nới lỏng cung tiền.
Bên cạnh đó, nếu Chính phủ vẫn tiếp tục giữ tốc độ phát hành trái phiếu chính phủ như hiện nay, thì lãi suất cũng rất khó giảm thêm.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc trái phiếu chính phủ phát hành quá nhiều đang hút một lượng lớn vốn của nền kinh tế, khiến chức năng của ngân hàng có thể bị lệch lạc.
"Mấy năm gần đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam có xu hướng huy động vốn từ người dân và dồn tiền đó vào mua trái phiếu. Ngân hàng đang quay về phục vụ Nhà nước và ít phục vụ doanh nghiệp hơn. Lãi suất trái phiếu tốt, ổn định và an toàn là những điểm khiến kênh huy động này hấp dẫn ngân hàng. Nếu tình trạng này kéo dài thì chức năng là kênh huy động vốn phục vụ các thành phần kinh tế của ngân hàng có thể bị lệch lạc", ông Thiên cảnh báo.
Theo Hà Tâm
baodautu.vn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Thị trường mua bán nợ xấu cần nhiều hàng hóa "sạch" Việt Nam hiện chưa có một thị trường mua bán nợ (xấu) nên đa phần nợ xấu sau khi được mua gom về Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thường nằm "chất đống" ở đó vì khó bán được cho ai. Bởi vậy, chuyện xử lý nợ xấu chậm chạp và không hữu hiệu...