Bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu: Bước đột phá cần thiết
Bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, chuyển đổi sang phương thức quản lý hiện đại bằng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Quy định mới chính thức được đưa ra trong Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) vừa trình Quốc hội, ngay lập tức đã nhận được sự ủng hộ cao của cả người dân và đại biểu Quốc hội.
Phần lớn công dân thực hiện các TTHC đều cần đến sổ hộ khẩu (Ảnh chụp tại Sở Tư pháp Hà Nội). Ảnh: Thái San
Câu chuyện bỏ quản lý dân cư bằng quyển sổ hộ khẩu giấy, tích hợp tất cả thông tin trong số định danh cá nhân đã được bàn thảo rất nhiều lần và lần này chính thức được đề nghị Luật hóa. Như nhiều ý kiến nhận định, bước đột phá này giống như làm được cuộc cách mạng, không khác gì việc bỏ sổ gạo ngày xưa, thứ là nỗi ám ảnh với nhiều người.
Sổ hộ khẩu, ngoài việc giúp cơ quan Nhà nước, quản lý cư trú và di – biến động về dân cư, còn là loại giấy tờ gắn với từng người, từng gia đình. Cuốn sổ hộ khẩu đã tồn tại gần 70 năm qua với một “quyền năng” không nhỏ đối với nhiều thế hệ. Nếu trong thời bao cấp, cuốn sổ hộ khẩu luôn đi kèm với sổ gạo, việc làm… thì ngày nay vẫn gắn với không ít thủ tục, giấy tờ, trong đó có cả việc học hành. Trên thực tế, đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu. Ví dụ như người các tỉnh lên TP làm ăn, con cái không học được trường gần vì không có sổ hộ khẩu. Hay chuyện mua nhà, mua xe, đi đâu cũng “kè kè” gắn với cái sổ hộ khẩu. Sổ hộ khẩu giấy là điều cần thiết và bắt buộc trong không ít các thủ tục hành chính thông thường mà hầu hết các gia đình đều ít nhiều cần đến. Rồi cũng bởi những ràng buộc này, mà không ít tiêu cực cũng nảy sinh từ việc “gian lận” để có hộ khẩu.
Bỏ sổ hộ khẩu giấy không có nghĩa là bỏ quản lý dân cư, chỉ là thay đổi phương thức quản lý hiện đại và phù hợp hơn. Với việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân, sẽ giúp bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đăng ký thường trú, tạm trú. Còn theo phân tích của các chuyên gia, bỏ hộ khẩu giấy, sẽ giảm đến hàng nghìn thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin cơ bản về công dân hoặc xuất trình, nộp bản sao.
Năm 2017, sau khi Chính phủ có Nghị quyết 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, một số địa phương đã thí điểm hộ khẩu điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo những bước tiến mới, vững chắc trên nền tảng công nghệ thông tin. Việc quản lý cư trú theo bằng số định danh sẽ bảo đảm được sự minh bạch, công khai, góp phần hạn chế sự sách nhiễu, lạm quyền, tạo thuận lợi cho người dân và phù hợp sự phát triển của xã hội.
Đã đến lúc cần thúc đẩy sớm việc này khi mà rất nhiều nước đã không còn quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu từ lâu. Dẫn chứng sinh động nhất về hiệu quả của phương thức quản lý mới đã được lấy ví dụ từ chính thành công của một số nước trong việc kiểm soát dịch Covid-19 vừa qua. Chính nhờ phương thức quản lý dân cư hiện đại, chỉ cần một thiết bị định danh, định vị hình thức như thẻ hoặc vòng đeo tay mà người dân nào, cư trú ở đâu, đi đâu, có ở nơi tập trung đông người không… cơ quan quản lý Nhà nước đều nắm được.
Khâu chuẩn bị để thực hiện quy định mới này còn nhiều nội dung, trong đó có tiến độ cấp mã số định danh cho mỗi công dân, việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhưng với sự nỗ lực của các ngành, đặc biệt sự ủng hộ của người dân, quy định này chắc chắn sẽ khả thi trong thực tiễn.
Video đang HOT
Trình Quốc hội bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021
Chính phủ chính thức trình Quốc hội dự án luật Cư trú (sửa đổi), trong đó đề xuất bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021 khi luật có hiệu lực.
Sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân
Ngày 23/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Quốc hội dự án luật Cư trú (sửa đổi).
Một trong những chính sách quan trọng được Chính phủ đề xuất dịp này là thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.
Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho Nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, Sổ Hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ Hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ Hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu tại Luật Cư trú hiện hành.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Các hành vi bị nghiêm cấm (thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú); quyền được cấp, cấp lại, đổi Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú; trách nhiệm xuất trình Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu...
Nội dung sửa đổi, bổ sung thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú theo hướng: Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo bằng văn bản cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin về nơi thường trú, tạm trú của họ vào các cơ sở dữ liệu này mà không cấp Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy.
Về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính: Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân, cụ thể như sau:
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ toàn bộ các thủ tục về: (1) Cấp đổi Sổ Hộ khẩu; (2) Cấp lại Sổ Hộ khẩu; (3) Cấp giấy chuyển hộ khẩu; (4) Cấp đổi Sổ Tạm trú; (5) Cấp lại Sổ Tạm trú; (6) Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Tạm trú; (7) Gia hạn tạm trú. Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung các thủ tục (1) Tách Sổ Hộ khẩu (được xác định theo hướng đây là việc tách hộ gia đình và được thực hiện bằng việc điều chỉnh, cập nhật trường thông tin về chủ hộ, quan hệ với chủ hộ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú); (2) Điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu; (3) Xóa đăng ký thường trú khi công dân đăng ký nơi thường trú mới (việc làm này do Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú tự thực hiện khi cập nhật, điều chỉnh thông tin về nơi cư trú của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú); (4) Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; (5) Hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú và (6) đăng ký tạm trú trái pháp luật.
Về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương: Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương so với đăng ký thường trú vào tỉnh.
Việc quy định riêng này nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương vẫn rất cao. Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội.
Bên cạnh đó, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Do vậy, Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương và dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật quy định bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô.
Lo không đảm bảo tiến độ
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư song cũng đề nghị Chính phủ làm rõ một số vấn đề để bảo đảm tính khả thi của quy định:
Một là, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra. Bởi phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Trong khi đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam.
Hai là nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Dự kiến tháng 6/2021 sẽ đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú tại Bộ Công an cho thấy, một số gói thầu có liên quan mới đang trong giai đoạn đàm phán ký hợp đồng; đồng thời, kinh phí đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu này cũng chưa được cấp đủ. Do đó, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án, bảo đảm tiến độ hoàn thành việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Ba là, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân.
Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.
Bốn là, đề nghị làm rõ và quy định ngay trong Luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú... trong các cơ sở dữ liệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật cũng tán thành việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đăng ký, quản lý cư trú như quy định của dự thảo Luật để góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý cư trú, bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp với mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, theo quy định của dự thảo Luật thì vẫn duy trì một số loại giấy tờ về cư trú do các cơ quan nhà nước cấp cho công dân như Giấy xác nhận khai báo cư trú, Phiếu khai báo tạm vắng, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ giá trị pháp lý của các loại giấy tờ này.
Về điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ quy định công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là vấn đề cần cân nhắc thận trọng. Việc công dân đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương phải đáp ứng những điều kiện chặt chẽ hơn là cần thiết để bảo đảm hài hòa giữa quyền tự do cư trú của công dân với khả năng đáp ứng các dịch vụ thiết yếu về bảo đảm an sinh xã hội cũng như yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự tại các đô thị lớn.
Bệnh viện K thực hiện tự chủ: 'Khó nhưng vẫn quyết tâm để thực hiện' Theo lãnh đạo Bệnh viện K, đề án tự chủ toàn diện là nhiệm vụ khó khăn, nhưng bệnh viện vẫn quyết tâm thực hiện thành công để trở thành mô hình nhân rộng ra cả nước. Ngày 2/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp để nghe lãnh đạo Bộ Y tế và Bệnh viện K báo cáo về...