Bỏ phạt “thả rông” nơi công cộng từ 28/12
Từ 28/12 tới, quy định xử phạt người không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót nơi công cộng sẽ hết hiệu lực.
Nghị định 167 mà Chính phủ vừa ban hành đã bỏ nội dung xử phạt hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót nơi công cộng vốn được quy định trong Nghị định từ trước tới nay.
Nghị định 73 (có hiệu lực từ năm 2010 đến nay) quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt 60.000 đến 100.000 đồng đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Từ 28/12, khi Nghị định mới có hiệu lực, Nghị định 73 sẽ hết hiệu lực. Do vậy quy định phạt hành vi “thả rông” sẽ không còn tồn tại.
Mặc dù quy định phạt “thả rông” tồn tại trên văn bản giấy tờ từ trước đến nay nhưng trên thực tế, gần như chưa có ai bị xử phạt lỗi này.
Trên thực tế, gần như chưa ai bị xử phạt vì lỗi “thả rông” (Ảnh minh họa: Tất Định)
Đầu tháng 6 năm nay, Bộ Công an công bố Dự thảo Nghị định mới để lấy ý kiến rộng rãi, vẫn đưa nội dung này vào. Mặc dù quy định đã có từ lâu nhưng vừa qua đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Sau đó, Bộ Công an soạn lại Dự thảo và bỏ nội dung này ra khỏi Nghị định.
Video đang HOT
Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt ban hành Nghi định. Như vậy, tới đây, quy định xử phạt hành vi này trên giấy tờ cũng chính thức hết hiệu lực.
Cũng theo Nghị định mới, người mua số lô, số đề sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng. Hành vi bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô đề sẽ bị phạt 1 triệu đến 2 triệu đồng. Người đứng ra làm chủ lô đề sẽ bị phạt 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định phạt 500.000 đến 1 triệu đồng đối với người mua dâm. Người bán dâm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt 100.000 đến 300.000 đồng. Lôi kéo người khác cùng mua dâm sẽ bị phạt 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Người có cử chỉ lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác cũng sẽ bị 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Các quy định trên đều sẽ có hiệu lực từ 28/12/2013.
Theo Khampha
Dự thảo phạt "thả rông" đột ngột bị bỏ
Dự thảo nghị định quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi mặc quần áo lót ở nơi đông người, say rượu ở quán ăn, trên xe buýt,... đột ngột bị gỡ bỏ khỏi mục lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.
Hôm qua (7/6), trên website http://www.mps.gov.vn - Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an - ở mục Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã không còn nội dung của 2 văn bản: Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và Tờ trình gửi Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành nghị định này.
Điều này gây ngạc nhiên cho rất nhiều người, bởi suốt 3 ngày qua nhiều quy định trong dự thảo nghị định này đã được dư luận lan truyền, râm ran nghi ngờ về tính bất khả thi trước những điều khoản, chế tài do Bộ Công an đưa ra.
Điển hình nhất là quy định xử phạt 100 - 200 nghìn đồng nếu "không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm đang hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội".
Quy định này khiến có dư luận cho rằng tới đây ngành chức năng sẽ phải có một lực lượng thanh tra chuyên đi "soi" xem "nam thanh, nữ tú" nào mặc quần áo lót ở nơi vui chơi công cộng, đông người để xử phạt tiền.
Một bức ảnh của cư dân mạng tỏ ý lo ngại về việc tới đây sẽ xuất hiện cả một lực lượng đi "soi" việc có mặc quần áo lót không do hiểu lầm nội dung dự thảo nghị định
Nhiều người còn hiểu nhầm rằng không mặc quần áo lót khi ra ngoài đường, đến chỗ đông người (dù mặc quần áo bên ngoài) sẽ bị xử phạt... khiến dư luận càng "dậy sóng".
Một bức ảnh của cư dân mạng tỏ ý lo ngại về việc tới đây sẽ xuất hiện cả một lực lượng đi "soi" việc có mặc quần áo lót không do hiểu lầm nội dung dự thảo nghị định
Ngoài ra việc có lời lẽ, cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-200 nghìn đồng.
Đối với hành vi say rượu bia ở công sở, nơi làm việc, trong các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên phương tiện giao thông và những nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 100-200 nghìn đồng.
Ngoài ra, phạt tiền từ 200-600 nghìn đồng đối với hành vi xúi giục, cưỡng ép, tạo điều kiện cho trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia; chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên; bán rượu, bia cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Đại tá Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cho biết dự thảo nghị định trên do Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục 7) xây dựng.
Theo ông Quân, hầu hết các quy định trong dự thảo nghị định đều không mới, đã có từ lâu. Dự thảo này được xây dựng dựa trên việc gộp nội dung nhiều nghị định khác nhau lại, để phù hợp với việc thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính (thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính) có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Dự thảo mới nhất được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi nhân dân là dự thảo lần 3.
Theo ông Quân, do các bộ ngành đều phải xây dựng nhiều nghị định nên có những nội dung đưa ra bị trùng lắp và sẽ phải được một hội đồng chuyên môn do Bộ Tư pháp chủ trì rà soát chỉnh sửa. Ngay dự thảo nghị định trên cũng có một số nội dung đang phải tranh luận, chưa đi tới thống nhất.
Việc gỡ bỏ dự thảo nghị định (sắp trình Chính phủ xem xét phê duyệt) với nhiều quy định đang gây ra tranh cãi, hoài nghi về tính khả thi là điều rất khó hiểu.
Tại mục Danh sách dự thảo đã hết hạn lấy ý kiến đóng góp trên website của Bộ Công an cũng không có tên dự thảo nghị định này. Điều đó có nghĩa dự thảo nghị định vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến.
Chiều 7/6, chúng tôi đã cố gắng liên lạc với lãnh đạo Tổng cục 7 để hỏi rõ hơn về vấn đề này nhưng không nhận được hồi âm.
Theo 24h
Khởi động "Tháng thanh niên" Sáng nay 24-2, hơn 1.000 đoàn viên thanh niên Thủ đô đã tham gia khởi động "Tháng Thanh niên 2013". Theo đó, các hoạt động như vệ sinh môi trường, bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép, quét vôi gốc cây, nạo vét kênh mương, trồng cây, ra quân các đoàn xe tuyên truyền về giữ gìn đảm bảo trật tự an...