Bộ NN-PTNT phát công điện khẩn phòng chống cúm gia cầm
Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn gửi các UBND cấp tỉnh đề nghị triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm A/H5N1, sau khi Campuchia công bố 1 người tử vong do virus cúm A/H5N1.
Ngày 26.2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký công điện khẩn của Bộ NN-PTNT gửi UBND các tỉnh thành trên cả nước đề nghị triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm A/H5N1.
Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành khẩn trương tổ chức các biện pháp phòng ngừa cúm gia cầm. Ảnh HOÀNG PHAN
Công điện của Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, thời gian gần đây tại Campuchia ghi nhận 1 ca tử vong trên người do virus cúm A/H5N1. Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định của luật Thú y; Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13.2.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025.
Theo đó, các địa phương khẩn trương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, gồm: tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt là khu vực các tỉnh biên giới phía nam.
Khi bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay nhưng trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Các địa phương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát lưu thông, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Bộ NN-PTNT chỉ đạo khẩn về cúm gia cầm A/H5N1
Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch
Trong công điện, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác truyền thông nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam.
Các địa phương phải báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh qua hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo quy định hiện hành; tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.
Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y và các đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo Cục Thú y, cả nước có 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 ở Cao Bằng và Nghệ An chưa qua 21 ngày. Trước đó, 5.000 gia cầm liên quan đến 2 ổ dịch này đã được cơ quan thú y và chính quyền địa phương phối hợp với chủ hộ chăn nuôi xử lý tiêu hủy và triển khai các biện pháp bao vây, dập dịch, đến nay chưa ghi nhận sự lây lan.
Nguồn cung thực phẩm cho Tết dồi dào nhưng cần tính dài hơi
Chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán và đây là thời gian vàng để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi.
Tuy nhiên, giá sản phẩm chăn nuôi đang ở mức thấp, nhất là giá lợn hơi trong khi năng lực sản xuất rất lớn. Không chỉ đảm bảo nguồn cung cho Tết, lễ hội đầu năm, việc để phát triển chăn nuôi bền vững, ổn định giá cả trên thị trường cần phải có những giải pháp ngắn, trung và dài hạn.
Pha lóc, phân loại thịt lợn để cung cấp ra thị trường tại nhà máy của Công ty thực phẩm Vinh Anh. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tháng 11 phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Giá thịt lợn hơi biến động giảm so với tháng trước. Hiện tại đang là thời điểm người chăn nuôi tập trung chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, để cung ứng nguồn thịt ra thị trường những tháng cuối năm và các kỳ lễ tết sắp tới. Nhưng, giá thành chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao vì giá nguyên, vật liệu, chi phí sản xuất đều tăng so với năm trước trong khi giá bán sản phẩm lại giảm, điều này khiến người chăn nuôi càng thêm áp lực.
Theo Tổng cục Thống kê, thời điểm cuối tháng 11, chỉ có tổng số trâu ước giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái; còn lại đàn bò, lợn, gia cầm đều tăng từ 3,5 - 12,4%.
Hiện nay lưu thông hàng hóa trên thị trường trở lại bình thường như trước khi có dịch, nguồn cung dồi dào nên giá cả không có biến động lớn. Riêng lợn hơi, hiện tại khu vực miền Bắc, giá dao động trong khoảng 52.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi tại nhiều địa phương và dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi cũng dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg. với mức giá trung bình như trên thì giá lợn hơi đã giảm từ 5-10% tùy địa phương so với tháng trước.
Giá các sản phẩm gia cầm có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học... vẫn còn khá yếu.
Thông thường, hàng năm, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ tăng mạnh do các công ty chế biến tăng cường thu mua, chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ dịp Tết, khiến giá lợn hơi sẽ tăng dần từ thời điểm nửa cuối tháng 11 đến trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đến nay, diễn biến giá lợn hơi và giá thịt năm 2022 lại khá ảm đạm.
Trong khi đó, giá thành chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao, bình quân 60.000 đồng/kg, thì người chăn nuôi vẫn bị thua lỗ.
Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch phụ trách miền Nam - Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2022, ngành chăn nuôi đã gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại cho người chăn nuôi thấp. Tuy hiện nay giá cả không thuận lợi cho người chăn nuôi nhưng số lượng dự trữ nguồn cung cho dịp cuối năm tương đối ổn định. Dự báo nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ giảm so với những năm trước do nhiều lí do khách quan và chủ quan.
Chia sẻ về khả năng cung ứng nông sản của tỉnh Bình Dương trong dịp lễ tết cuối năm 2022, đầu năm 2023, ông Lê Thanh Tâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, tổng đàn lợn của Bình Dương là khoảng 13,7 triệu con. Hàng ngày, tỉnh có khả năng cung ứng khoảng 7.000 - 8.000 con; trong đó 1.500 con cung ứng cho thị trường nội tỉnh, còn lại là phục vụ cho Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng có thể cung ứng khoảng 70.000 con gà thịt; trong đó, 35.000 con cung ứng cho nội tỉnh, còn lại cung ứng cho Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho dịp Tết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Công thương tỉnh Bình Dương và các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn địa phương xây dựng kế hoạch bình ổn giá với thị trường nội tỉnh. Đối với những thị trường lân cận, nguồn cung thịt heo và thịt gà còn rất dồi dào và có khả năng kết nối, cung ứng cho nhiều tỉnh, thành khác.
Là "thủ phủ" về đàn lợn, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai nhận định, giá lợn hơi tại địa phương đang ở mức thấp, dao động 48.000 - 53.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư, chi phí chăm sóc đang neo ở mức rất cao. Đây là điều rất khó cho người chăn nuôi. Địa phương đang chỉ đạo để cố gắng duy trì đàn, đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Tuy nhiên, do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến.
Tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 11 tháng năm 2022 đạt 3,01 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,37 tỷ USD, tăng 5,7%.
Đáng lưu ý, nhập khẩu thịt lợn và thịt gia cầm tiếp tục giảm trong khi nhập khẩu thịt trâu và thịt bò tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 88,82 nghìn tấn, trị giá 189,02 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trước tình hình thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tỉnh cần giải quyết ba vấn đề. Đầu tiên là khâu dự báo thị trường còn khá yếu, người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, hầu hết sản xuất theo hướng rủi may, thị trường lên giá thì không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống thì họ gánh chịu là chính. Do đó, dự báo thị trường rất cần thiết.
Theo ông Công, hiện lãi suất ngân hàng rất biến động, lãi suất rất cao trong khi người nuôi vẫn đang chịu lỗ. Nông nghiệp là ngành đặc thù, Nhà nước có cơ chế để ngân hàng giữ nguyên lãi suất và có lãi suất trong thời gian dài để người chăn nuôi ổn định sản xuất. Ngoài ra, các cơ quan cần tăng cường thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hơn nữa.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc quản lý chất lượng Công ty San Hà thông tin, hiện nguồn hàng chuẩn bị Tết Nguyên đán rất đầy đủ và phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, trong thực hiện chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các bên tham gia thiếu vốn...
Do đó, mong muốn các cơ quan quản tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ để làm cầu nối, đỡ đầu cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm; các thành tố tham gia chuỗi liên kết phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn để cùng nhau gia tăng lợi ích.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ theo dõi, bám sát tình hình khí hậu thời tiết và biến động thị trường để kịp thời chỉ đạo địa phương có các giải pháp chủ động phòng chống, khắc phục, điều chỉnh sản xuất phù hợp, hạn chế gây biến động giá cả nông sản. Riêng đối với thịt lợn, Bộ phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh biên giới phía Bắc kiểm tra, xác minh thông tin, thống nhất, minh bạch thông tin để tránh tình trạng găm hàng, thổi giá.
Bò thả rông lông nhông... giữa phố ở Đà Nẵng Đó là tình trạng nhiều khu đô thị, khu đô thị sinh thái ở Đà Nẵng đang phải trải qua. Hàng trăm con bò lông nhông trên nhiều tuyến đường, phá cây của dân, phóng uế bừa bãi. Thậm chí, buổi tối, còn thấy cảnh đàn bò đứng, nằm nghỉ giữa đường. Cảnh đàn bò tràn trên đường phố ở khu đô thị...