Bố mẹ Việt cuống cuống, con bên Nhật ngủ ngon
Đến 6 giờ chiều, bỗng cửa sổ chat của thằng con rung rinh và biểu tượng khuôn mặt cười hiện ra. “Ba gọi con có việc gì đấy ạ?”. “Động đất! Con đang ở đâu?”…, “Gối êm, nệm ấm con thấy rung rinh nhưng rồi lại ngủ thiếp đi…
Tin động đất lan truyền trên báo mạng làm tôi – Nguyễn Ngọc Nam ở Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) có con đang du học tại Nhât – lo cuống. Đọc bản tin trên cập nhật lúc 01:28:43 chiều 11.3, tôi gọi điện ngay cho con trai.
Không thể! Buzz – Con trai tôi không trả lời. Tuy nhiên, tôi vẫn tự an ủi vì thấy nick trên Yahoo Chat của con vẫn sáng. Như vậy có nghĩa là, khu vực con tôi ở trong thành phố Chiba (cách trung tâm Tokyo khoảng 1 giờ tàu) vẫn an toàn. Internet vẫn thông suốt.
Nhưng từ đó, điện thoại của tôi cứ réo vang. Người thân, người quen nào cũng gọi điện hỏi thăm: Cháu thế nào rồi? Làm tôi cũng đâm lo. Thế là lại gọi điện. Vẫn không thể! Buzz liên tục. Vẫn không thấy trả lời.
“Đồ đạc trong nhà con bị đổ đấy! Động đất bên này như cơm bữa mà!”
Ngồi lỳ ở văn phòng trông chờ tin con. Nói dại, hay là nó không ở nhà mà để máy online bây giờ… “bị” rồi! Thế là cuống lên. Tôi gọi cho anh bạn có con gái chơi thân với con trai mình để xem con có đổi số điện thoại. Mãi mới gọi được. Điên cả đầu!
Gọi được thì đằng kia anh bạn báo lại: “Tớ đang đón cháu ở sân bay. Tàu bay sắp hạ cánh”. Choáng, tôi gấp gáp: “Anh bảo cháu Mai cho tôi ngay số của cháu Linh, không biết nó có đổi số không”.
Phát cuồng vì cửa sổ chat đầy những Buzz mà không được trả lời. Điện thoại thì toàn ò e í e. Càng ngày nỗi lo càng như lửa cháy. Tin tức trên mạng như đốt lòng. Đã thế, bà vợ chốc chốc lại réo điện thoại: “Anh nghe được tin tức của con chưa?”. “Chưa!”. Tý sau lại mếu máo: “Anh nghe được tin tức của con chưa?”. “Đã bảo chưa mà. Rối cả ruột!”. Đầu dây bên kia: Sụt xịt. Vọng vào đó là tiếng hờn trách: “Thế mà bảo thân quen rộng…”. Cốp! Tôi dập mạnh máy.
Ga Nishichiba từ lúc động đất đã đóng cửa hoàn toàn.
Video đang HOT
Vừa lúc đó thì chuông báo tin nhắn điện thoại di động kêu. Hy vọng nó đổi số máy nên mình không gọi được. Thế nhưng, số máy… không đổi.
Lo lắng cồn cào. Lục tung cả mấy ông bạn cả Việt lẫn Nhật nhưng đường dây tắc nghẽn cả. Vô vọng… “Thôi thì đành trông chờ vào số phận!” – Tôi tự an ủi.
Đến 6 giờ chiều, bỗng cửa sổ chat của thằng con rung rinh và biểu tượng khuôn mặt cười hiện ra. “Ba gọi con có việc gì đấy ạ?”. “Động đất! Con đang ở đâu?”. “Con vẫn ở Chiba, bình yên mà. Ba mẹ khỏi lo đi!”. “Thế lúc động đất con biết chứ?”. “Gối êm, nệm ấm con thấy rung rinh nhưng rồi lại ngủ thiếp đi”. “Cha mày, làm cả nhà lo hết hồn”.
Yên tâm rồi, anh lên xe về nhà. Điện thoại lại réo. Cô bạn tên Lê Thị Ngọc Lan ở Sở Y tế Thừa Thiên – Huế mếu máo nhờ anh bằng mọi kênh liên lạc với con. Lại dừng xe, nóng điện thoại và laptop. Một tiếng sau có tin báo về. An lành cả.
Báo lại, cô bạn cười trong tiếng nấc.
Tới tối. Xem VietNamNet tường thuật trực tuyến. Lại là người ở vùng Chiba. Lại lo. Lại chat. Lại yên tâm.
12 giờ đêm. Thiu thiu ngủ. Ông anh vợ gọi điện ra lệnh: “Mua vé ngay cho nó về đi”. Về là về thế nào? Cáu nhưng không dám cãi. Lần này thì thằng con bên kia cáu. “Thôi, bố mẹ đừng réo nữa, bên này cũng đang đêm. Cho con ngủ tý để mai dậy sớm thu xếp đồ đạc lên chỗ nhóm bạn ở trung tâm Tokyo liên lạc có làm công tác cứu trợ, từ thiện gì không. Lúc động đất mọi người hoảng tý thôi. Dưới vùng sóng thần theo con biết cũng chẳng có người Việt nhiều đâu. Ở nhà đừng lo. Dân Nhật họ bình tĩnh và vẫn hoạt động trật tự lắm. Chỉ phương tiện giao thông và điện đóm là ảnh hưởng chút thôi”.
Ôi giời, khổ thế đấy! Người ngoài thì cứ lo nhưng những người trong cuộc vẫn bình thản, tự tin, đang nhanh chóng tìm ra phương án thích nghi.
Theo Việt Nam Net
Người Việt ở Nhật: Chưa bao giờ đau tim đến thế!
" Tôi luống cuống gọi điện về Việt Nam cho chồng, nhưng càng sợ hãi hơn khi không có cách nào liên lạc được. Đã có lúc, tôi nhắm nghiền mắt lại, chờ đợi trong tuyệt vọng"...
Chiều 11.3, sau hơn 3 giờ xảy ra động đất, phóng viên NTNN đã liên lạc được với anh Đào Thanh Tùng, đồng nghiệp ở Phân xã TTXVN tại Tokyo. Anh Tùng cho biết, cảm giác sợ hãi, hoảng loạn như bao trùm cả thành phố khi trận động đất cực mạnh xảy ra.
Công chức làm việc tại một tòa nhà ở Tokyo đổ ra đường phố sau các đợt dư chấn.
Kinh hoàng và hoảng loạn
Anh Tùng kể: " Khi động đất mới bắt đầu, tôi nghĩ rằng nó cũng như bao trận động đất khác trước đây. Bởi vì, vị trí địa lý của Nhật Bản khiến nước này là một trong những quốc gia xảy ra nhiều động đất và sóng thần nhất trên thế giới.
Mỗi năm, Nhật Bản phải chịu 7.500 trận động đất nhẹ, riêng Tokyo có đến 150 trận. Hầu hết các trận động đất này quá nhẹ và không thể nhận ra nhưng cũng có những trận động đất rất mạnh. Và trận động đất này là một trong số các trận động đất mạnh nhất.
Tuy nhiên, tôi đã thực sự sợ hãi khi mọi thứ quanh tôi bắt đầu rung lắc mạnh. Các đồ vật trên tủ và trên bàn làm việc rơi tứ tung".
Anh Tùng cho biết, ngay sau trận động đất, anh đã cố liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo để tìm hiểu thông tin về người Việt Nam và các thiệt hại liên quan tới cộng đồng người Việt ở đây. Tuy nhiên, dường như trận động đất này đã làm hỏng hệ thống thông tin liên lạc ở Tokyo.
Anh cho biết, nhiều người Việt Nam tại Nhật cố tìm cách liên lạc cho nhau để hỏi thăm tình hình, nhưng hệ thống liên lạc bị cắt đứt, khiến họ càng rơi vào tâm trạng hoảng loạn.
Lưu học sinh Vũ Nhật Nam sống ở Nhật được 4 năm, cho biết, anh đã chứng kiến nhiều trận động đất nhưng trận động đất này chỉ có thể nói được mỗi 2 từ "kinh hoàng". Khi anh Nam đang ở tầng 4, thì động đất ập đến. Nhà cửa rung chuyển, đồ đạc rơi vỡ, đường ống dẫn nước bị hỏng, nước ngập đầy đường.
Những đứa trẻ ở Tokyo ngơ ngác không hiểu vì sao chúng được người lớn di tản khẩn cấp ra khỏi nhà.
Còn chị Nguyễn Minh Nhi, làm ở công ty chuyên dịch thuật truyện ngắn từ tiếng Nhật ở Hà Nội, vừa sang Tokyo công tác được 1 tuần cho biết, chị đã rất sợ hãi khi động đất xảy ra.
" Tôi luống cuống gọi điện về Việt Nam cho chồng, nhưng càng sợ hãi hơn khi không có cách nào liên lạc được. Đã có lúc, tôi nhắm nghiền mắt lại, chờ đợi trong tuyệt vọng".
"Chưa bao giờ đau tim đến thế"
Anh Hồ Hưng sống ở Tokyo cho hay, khi anh ra ga Higashimukojima để đến công trường tháp Tokyo Sky Tree thì động đất xảy ra. "Chưa bao giờ kinh khủng như vậy. Tôi vội vã chạy tìm nơi trú ẩn và bắt đầu cầu nguyện sự bình yên đến với bản thân cũng như bạn bè mình. Chưa bao giờ có cảm giác đau tim đến thế" - anh Hưng cho biết.
Trên một diễn đàn, bạn TST (tên viết tắt) viết, mong Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán VN tại Nhật Bản lập đường dây điện thoại nóng để gia đình có con em đang làm việc tại Nhật xác nhận thông tin.
Mặc dù tâm chấn của động đất nặng 8,9 độ richter tập trung tại tỉnh Miyagi nhưng thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận cũng rúng động vì bị ảnh hưởng.
Liên lạc với NTNN qua mạng Internet, chị Nguyễn Hồng Thúy, hiện đang sinh sống tại một chung cư ở thành phố Atsugi, tỉnh Kanagawa, một tỉnh giáp với Tokyo cho biết, thành phố này cũng chịu ảnh hưởng của dư chấn động đất.
Chị Thúy nói, mọi người từ già đến trẻ tìm cách đổ xô ra khỏi nhà, "cảm giác như cầu thang sắp sập", trên đầu không quên đội mũ bảo hiểm để tránh vật cứng rơi vào. Tình trạng rung lắc mạnh kéo dài khoảng 30 phút, sau đó đến tận 6 giờ tối (theo giờ Nhật), vẫn còn những đợt rung nhẹ.
Sau khi cơn động đất tạm ngừng ảnh hưởng đến Atsugi, các hoạt động bắt đầu trở lại. Người dân quay trở lại căn hộ của mình, tuy nhiên, theo chị Thúy, để cảnh báo cho người dân tránh khỏi nguy hiểm thì cứ 30 phút một lần, các xe tuần tra thường xuyên khuyến cáo người dân không đun nấu để tránh hỏa hoạn, đồng thời tránh xa các tòa nhà cao tầng.
Hiện tại, chị Thúy vẫn đang lo lắng vì chưa liên lạc được với mẹ chồng đang làm việc tại Tokyo. Gia đình chị cũng đã chuẩn bị cho việc dự trữ nước vì trong vài ngày tới sẽ bị cắt điện và nước.
Đến cuối ngày 11.3, hệ thống điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vẫn chưa thể kết nối. Mọi thông tin về người Việt bị ảnh hưởng trong trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo, chưa có báo cáo nào ghi nhận có người nước ngoại bị thương vong trong trận động đất cũng như sóng thần này.
Theo Dân Việt
Người Việt và cuộc chống chọi với siêu động đất tại Nhật "Chúng tôi đã rủ nhau chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, 12h đêm, chưa ai dám ngủ, rồi 1giờ, cuối cùng là quyết định không và không những không bỏ xiêm y đi học mà còn đi thêm tất, mặc áo ấm để sẵn sàng cho cuộc chạy thoát bất cứ lúc nào." Cảnh tượng tan hoang tại Sendai, thành phố hứng chịu...