Bộ mặt mới của nước Pháp
Từng chọn khẩu hiệu tranh cử “bây giờ là lúc thay đổi”, tân Tổng thống Franois Hollande được kỳ vọng sẽ mang đến luồng gió mới cho nước Pháp.
Ông Hollande sẽ không thay đổi hoàn toàn những nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội mà người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy đã xây dựng trong 5 năm qua. Cụ thể là vẫn áp dụng luật cấm mặc trang phục che kín mặt nơi công cộng, tiếp tục phát triển trung tâm việc làm dành cho người thất nghiệp… Tuy nhiên với việc cánh tả lần đầu nắm Điện Élysée sau 17 năm, Pháp chắc chắn sẽ có bộ mặt khác.
Tổng thống Franois Hollande bắt đầu thực hiện những cải cách như cam kết tranh cử – Ảnh: Lan Chi
Tăng quyền quốc hội
Nếu như ông Sarkozy được gọi là “siêu tổng thống” khi tập trung mọi quyền lực trong tay thì ông Hollande sẽ là tổng thống của cải cách. Trong cương lĩnh tranh cử, ông khẳng định sẽ tôn trọng quyền điều hành nội các của thủ tướng, tăng cường vị trí của quốc hội, đặc biệt là quyền bổ nhiệm những vị trí quan trọng nhất trong chính phủ. Tổng thống Hollande cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nghiệp đoàn và hứa hẹn “sẵn sàng mở rộng cửa cho đàm phán” nếu có khúc mắc. Lần đầu tiên đại diện các tổ chức này được mời đến Élysée dự lễ nhậm chức tổng thống Pháp ngày 15.5 vừa qua.
Cắt 30% lương bộ máy lãnh đạo Tổng thống Franois Hollande đã bổ nhiệm ông Jean-Marc Ayrault, “bạn lâu năm” ở đảng Xã hội làm thủ tướng và thành lập nội các mới gồm 18 bộ trưởng và 16 thứ trưởng. Quan điểm tập trung tăng trưởng kinh tế của tân tổng thống được thể hiện rõ khi lập ra Bộ Khôi phục sản xuất. Các bộ quan trọng không ngoài dự kiến đều thuộc về những gương mặt nổi bật và tham gia tích cực nhất vào chiến dịch tranh cử của ông Hollande như Manuel Valls (Nội vụ), Laurent Fabius (Ngoại giao), Pierre Moscovici (Kinh tế)… Như đã hứa trước đó, lương của tổng thống, thủ tướng và thành viên nội các đều bị giảm 30%. Theo đó, lương tổng thống và thủ tướng sẽ là 14.850 euro (so với 21.200 của nhiệm kỳ trước), còn các bộ trưởng, thứ trưởng chỉ nhận 9.900 euro (nhiệm kỳ trước là 14.200 euro). Tổng cộng mức lương mới sẽ giúp ngân khố tiết kiệm được 132.100 euro/tháng. Ông Hollande khẳng định tuy không mang lại lợi ích rõ ràng cho kinh tế Pháp nhưng đây là hành động “làm gương” của chính phủ mới.
Trong các bài phát biểu thời gian qua, ông Hollande luôn khẳng định tập trung “tạo việc làm, phát triển giáo dục và bình đẳng xã hội”. Nhiều chính sách ưu đãi sẽ được đặt ra để khuyến khích giới chủ tuyển dụng lao động trẻ. Ngành giáo dục dự kiến sẽ được bổ sung nhân lực dần dần để đạt đến 60.000 việc làm mới. Ngoài ra là hàng loạt lời hứa mang đậm màu sắc cánh tả khác như cho phép hôn nhân đồng tính, bắt buộc các công ty phải đảm bảo tỷ lệ tuyển dụng nhân viên khuyết tật (6%), hạn chế chênh lệch lương bổng ở mức cao nhất là 20 lần trong các công ty nhà nước, tăng thuế của những người thu nhập trên 1 triệu euro/năm…
Cân bằng quan hệ đối ngoại
Video đang HOT
Các chính sách đối ngoại của Pháp cũng sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt là quan hệ với Đức. Trước đây, cánh tả liên tục chỉ trích ông Sarkozy quá nhượng bộ và có phần kém thế so với Thủ tướng Angela Merkel. Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, nghị sĩ Jean-Christophe Cambadélis, Thư ký chuyên trách đối ngoại của đảng Xã hội cho biết: “Ông Sarkozy và bà Merkel có quan điểm gần giống nhau. Điều này khiến Pháp không thể “đứng riêng” trong nhiều vấn đề và để cho Đức thắng thế. Ông Hollande đại diện cho cánh tả, khác biệt về quan điểm chính trị nên quan hệ 2 nước sẽ cân bằng hơn”. Bên cạnh đó, khác với Đức vốn chủ trương giải quyết khủng hoảng nợ bằng thắt lưng buộc bụng, Tổng thống Hollande cho rằng cần tập trung hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Ở châu Á – Thái Bình Dương, ông Cambadélis cho rằng những năm qua, Tổng thống Sarkozy quá tập trung vào Trung Quốc nên đảng Xã hội muốn xây dựng quan hệ cân bằng hơn với tất cả các nước khác trong khu vực. Cho đến trước khi đắc cử, ông Hollande là người “xa lạ” đối với Bắc Kinh. Hồi tháng 2, khi ông Laurent Fabius (vừa nhậm chức Ngoại trưởng Pháp) thay mặt ứng viên Hollande sang thăm Trung Quốc đã không được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo tiếp kiến. Truyền thông nước này khi bình luận về chiến thắng của ông Hollande cũng không quên nhắc lại việc tân Tổng thống Pháp từng lên tiếng ủng hộ Đạt Lai Lạt Ma hay phản đối việc Trung Quốc tham gia “giải cứu” các nước gặp khủng hoảng ở châu Âu… Tuy nhiên, chắc chắn Trung Quốc vẫn sẽ là một trong những trọng tâm đối ngoại của Tổng thống Hollande. Điều này có thể thấy rõ khi cố vấn ngoại giao của ông là chuyên gia về châu Á và Trung Quốc Paul Jean-Ortiz.
Theo Thanh Niên
Tổng thống Pháp Sarkozy có thể sẽ bị truy vấn pháp lý
Tổng thống Pháp sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy có thể phải đối mặt với các truy vấn pháp lý liên quan đến tội danh tham nhũng và vi phạm quy định tài chính, điều ông đã được hưởng quy chế miễn trừ suốt 5 năm qua, các nguồn tin cho biết.
Ông Sarkozy có nguy cơ sẽ phải hầu tòa vào giữa tháng 6, một tháng sau khi mãn nhiệm Tổng thống Pháp.
Hiến pháp của nước Pháp quy định tổng thống đương nhiệm sẽ không phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc pháp lý nào. Tổng thống cũng không bị yêu cầu khai nhận, điều tra hay truy tố trong ít nhất một tháng sau khi rời khỏi chức vụ. Tuy nhiên, đặc ân này sẽ chính thức chấm dứt đối với ông Sarkozy vào giữa tháng 6 tới khi nhiệm kỳ tổng thống hiện nay của ông kết thúc trong 2 tuần nữa.
Theo các nguồn tin pháp lý, sau khi mãn nhiệm 1 tháng, ông Sarkozy có thể sẽ bị các nhà điều tra tư pháp triệu tập để yêu cầu trả lời thẩm vấn về một số vụ việc mà ông đã tham gia hoặc trực tiếp làm trước đây, như thương vụ bán tàu ngầm vào những năm 1990 cho Pakistan và quan hệ mờ ám giữa ông và đảng của ông với người phụ nữ giàu nhất nước Pháp.
"Tất cả sẽ được thể hiện trên giấy trắng mực đen và thủ tục tố tụng sẽ được bắt đầu 1 tháng sau khi ông Sarkozy rời nhiệm sở", Thẩm phán Tòa án sơ thẩm Pháp Matthieu Bonduelle cho biết.
Thực ra, các cáo buộc nhằm vào ông Sarkozy đã nổi lên từ cách đây vài tháng, nhưng sau đó đã bị chìm xuống khi ông phát động chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp, cuộc đua mà ông đã bị đánh bại dưới tay của ứng cử viên đảng Xã hội cánh tả Francois Hollande. Khi đó, ông Sarkozy một mực bác bỏ các cáo buộc này nhờ sự giúp đỡ của một số người bạn giàu có.
Thế nhưng, "vật đổi sao dời". Sau khi ông Sarkozy chính thức bị đại bại trong cuộc tranh cử Tổng thống hôm 7/5, các nhà điều tra đã bắt tay ngay vào việc xem xét lại các chứng cứ liên quan tới việc ông Sarkozy và đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) của ông sử dụng các khoản tiền tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch vận động tranh cử năm 2007, đưa ông chính thức đặt chân vào điện Élysé cách đây 5 năm.
Theo các nguồn tin chưa chính thức, khoản tiền tài trợ trên đã được bí mật rút ra từ một tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ và người gửi số tiền đó là nữ tỷ phú Liliane Bettencourt, người thừa kế Tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất thế giới L"Oreal.
Hiện cảnh sát điều tra đã bắt giữ Patrice de Maistre - quản gia của bà Bettencourt - để xét hỏi về việc rút 800.000 euro tiền mặt ra khỏi tài khoản trong khoảng thời gian vài tháng trước khi ông Sarkozy giành chiến thắng năm 2007. Ngoài ra, De Maistre cũng sẽ bị truy vấn về mối quan hệ với thủ quỹ của đảng UMP và cựu Bộ trưởng Lao động Pháp Eric Woerth.
Nếu bị kết tội, cả hai người này cũng sẽ bị truy vấn như viên quản gia De Maistre.
Luật bầu cử Pháp quy định, mỗi cá nhân hay tổ chức chỉ được quyên góp tiền cho chính đảng mà mình ủng hộ tối đa 4.600 euro. Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết quản gia De Maistre đã đưa cho các trợ lý của ông Sarkozy số tiền lên tới 50.000 euro.
Bên cạnh cáo buộc bê bối tài chính, Tổng thống sắp mãn nhiệm của nước Pháp cũng có nguy cơ phải đối mặt với "vụ án Karachi", hợp đồng bán tàu ngầm lớp Agosta của chính phủ Pháp cho chính phủ Pakistan hồi thập niên cuối cùng của thế kỷ trước.
Vào thời điểm thực hiện thương vụ trên, ông Sarkozy đang giữ chức Bộ trưởng Ngân sách và là phát ngôn viên của ứng cử viên Tổng thống Edouard Balladur.
Các thẩm phán cho biết họ đang cố gắng làm sáng tỏ một loạt giao dịch mơ hồ trong vụ án này, nhất là những giao dịch qua trung gian và tỷ lệ chi trả hoa hồng. Ngoài ra, các nhà điều tra cũng đang cố gắng lần ra manh mối về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Balladur với thương vụ trên.
Ông Sarkozy đã tỏ ra rất tức giận khi bị nghi ngờ có dính dáng đến "vụ án Karachi", đồng thời khăng khăng bác bỏ đồn đoán của giới truyền thông nói rằng ông hoàn toàn biết rõ về các khoản thanh toán trong thương vụ mua bán vũ khí này.
Ngoài ra, ông Sarkozy và đội ngũ tranh cử của ông cũng sẽ bị truy cứu về việc đã ra lệnh điều tra trái quy định đối với một phóng viên của tờ báo Le Monde, liên quan đến thông tin bất lợi mà anh này có được về nữ tỷ phú Bettencourtand. Trong vụ điều tra này, ông Sarkozy và giám đốc cơ quan nội vụ Pháp Bernard Squarcini đã ra lệnh nghe lén các cuộc trao đổi điện thoại của phóng viên trên vào năm 2010.
Trước đó, vào thời điểm chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống mang tính quyết định hôm 7/5, ông Sarkozy cũng đã phải đối mặt với cáo buộc nói rằng ông từng nhận khoản tiền hỗ trợ lên tới 50 triệu euro từ chính phủ của cựu lãnh đạo Libya Moammer Gaddafi. Cáo buộ cho biết khoản tiền trên đã được chuyển cho ông Sarkozy theo một thỏa thuận thành văn đã ký, và cũng được sử dụng cho chiến dịch tranh cử của ông năm 2007.
Nếu bị kết tội, ông Sarkozy sẽ là người nối gót người tiền nhiệm Jacques Chirac, người đã bị kết án chưa đầy 2 tháng sau khi rời dinh Tổng thống.
Ông Chirac bị kết án 2 năm tù treo vào tháng 12/2011 sau khi tòa án tìm ra chứng cớ về việc ông đã lạm dụng công quỹ cho các mục đích chính trị khi còn làm Thị trưởng Paris.
Theo Dân Trí
Sarkozy làm gì sau khi 'về vườn'? Lúc tranh cử, ông Nicolas Sarkozy đã có lần tiết lộ "nếu thất cử, tôi sẽ từ bỏ chính trị", "tôi sẽ chuyển sang kiếm tiền và sống một cuộc sống thoải mái". Tuy vậy, có lẽ mong muốn của ông sẽ không dễ thực hiện... Khác với các cựu tổng thống Mỹ hay thủ tướng Anh khi về hưu vẫn khá tích...