Bố mất không thể về và những việc riêng chiến sĩ biên phòng phải gác lại để chống Covid-19
Các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng phải gác lại việc hiếu, hỷ của gia đình để lại bám chốt, bám biên giúp dân chống dịch Covid-19.
Trung úy Nguyễn Đình Thông lập bàn thờ bái biệt cha ngay tại chốt làm nhiệm vụ.
Tối 3/4, trao đổi với PV, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cho biết trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 64 chiến sĩ, cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh (BĐBP) đã tạm hoãn việc riêng để tiếp tục công tác chống dịch.
Theo thống kê của Cục Chính trị, 64 cán bộ nói trên đã phải gác lại công việc hiếu, hỷ của gia đình để ở lại bám chốt, bám biên giúp dân chống dịch Covid-19.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP ngày đêm bám đường mòn, lối mở kiểm soát dịch Covid-19.
Trường hợp đau lòng khi bố mất không về chịu tang được của Trung úy Nguyễn Đình Thông (Đội trưởng Vũ trang, Đồn Biên phòng Thạch Trị, BĐBP Long An) và Binh nhì Trần Đức Chung (Chiến sĩ mới, Đại đội 4, Trung tâm Huấn luyện BĐBP) khiến cho các đồng đội hết sức cảm thông.
Vì tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Trung úy Thông được sự trợ giúp của đồng đội đã lập một bàn thờ nhỏ, đơn sơ với lọ hoa tươi, một ít hoa quả và bát hương bái vọng. Người chiến sĩ biên phòng đã phải kìm nén nỗi mất mát để bái biệt cha ngay tại chốt kiểm soát mà anh cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ.
Tương tự 2 trường hợp trên, Đại úy Trần Viết Nam (Nhân viên quân y, Đồn Biên phòng Mường Lạn, Sơn La) đã phải nén nỗi đau từ biệt em gái ruột tại đơn vị. Đại úy Nam khi đang làm nhiệm vụ thì nhận được tin em gái ruột mất, tuy nhiên anh không thể trở về nhà nhìn mặt cô em gái của mình lần cuối.
Cũng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có 20 cán bộ, chiến sĩ BĐBP dù vợ đã sinh con vào tháng 3 nhưng đến nay, dù đã sang tháng 4 nhưng các anh vẫn chưa trở về nhà để bế bồng đứa trẻ của mình. 27 cán bộ, chiến sĩ đã phải… hoãn lấy vợ dù đã báo cáo với đơn vị việc mình sẽ tổ chức kết hôn và còn những trường hợp khó khăn khác nữa.
Video đang HOT
Trước những mất mát, khó khăn của các cán bộ, chiến sĩ, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã gửi thư thăm hỏi và động viên các cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang ngày đêm chốt chặn, làm nhiệm vụ ở các đường mòn, lối mở trải dọc biên giới, cửa khẩu Việt Nam.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Đức Sơn
Mẹ mất, nữ điều dưỡng đau đớn nhưng chọn ở lại bệnh viện chống dịch
"Người em ở nhà để sẵn đồ, khi hết dịch bệnh, được về với gia đình thì chị sẽ mặc vào chịu tang, thắp nén nhang cho mẹ sau" - điều dưỡng Nguyễn Thị Liên nghẹn ngào chia sẻ với chúng tôi.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Liên (dựa vào cửa phía sau) trong khoảnh khắc chia vui với các bệnh nhân xuất viện trong sáng 3-4 tại khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Trong thời gian cùng đồng nghiệp chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận, mẹ chị Liên đã mất. Chị không có cơ hội nhìn mẹ mình lần cuối, nén lại nỗi đau để tiếp tục cùng đồng nghiệp "chiến đấu" với dịch bệnh.
Chịu tang mẹ qua điện thoại
Chị Liên công tác tại khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, chị và đồng nghiệp tạm xa người thân, thu dọn đồ đạc vào khoa cùng ăn ở suốt một tháng qua để chữa trị cho bệnh nhân.
Vào buổi sáng đẹp trời ngày 3-4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận làm thủ tục xuất viện cho 6 bệnh nhân COVID-19. Cũng như các bệnh nhân này, niềm vui khôn tả hiện diện trên đôi mắt thâm quần của đội ngũ y bác sĩ nơi đây.
Niềm vui của chị Liên nhận lời chúc mừng và bó hoa nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Toàn bộ đội ngũ y bác sĩ khoa nhiễm ra cửa chia vui, động viên các bệnh nhân rồi nhận lại lẵng hoa tri ân sau những ngày cực lực chữa trị. Chị Liên cũng kịp ra cùng đồng nghiệp, khép nép cạnh cửa để chia sẻ nỗi niềm này.
Nhưng với chị Liên, ngày các bệnh nhân xuất viện cũng là ngày gia đình cúng mở cửa mả cho mẹ mình. Chị mau chóng gác niềm vui ít ỏi, lặng lẽ đi vào phía sau, tiếp tục kìm nén.
Những ngày gia đình làm đám tang cho mẹ, chị Liên chỉ nhìn qua điện thoại rồi bật khóc. "Người em ở nhà đã để sẵn đồ, khi hết dịch bệnh, về được với gia đình thì chị sẽ mặc vào chịu tang, thấp nén nhang cho mẹ mình sau" - chị Liên nghẹn ngào, nói.
Ở lại vì cộng đồng
Trở lại với thời điểm mà chị Liên nhận cú sốc qua điện thoại từ người thân. Hôm ấy, cả khoa vui mừng vì 7/9 bệnh nhân COVID-19 tại đây đã âm tính lần đầu. Lúc ấy, cả khoa vui như tết.
Nhưng niềm vui chỉ lướt qua chị Liên trong khoảnh khắc ít ỏi. Một cuộc điện thoại báo tin, giọng lạnh lùng nhưng đau đớn. "Má mất rồi em" - chồng chị Liên báo tin buồn.
Liên tục nhiều cuộc điện thoại sau đó từ đồng nghiệp hỏi thăm chị. Vì sợ chị buồn nên họ làm lơ, chỉ hỏi thăm công việc.
Chị bật khóc! Chị khóc nhưng lại sợ đồng nghiệp nhìn thấy, lấy hai tay che lại gương mặt. Lúc đó, cả khoa ai cũng được biết, tìm chị an ủi.
Những cái ôm, động viên ấy kịp cho chị lấy lại bình tĩnh. Chưa bao giờ chị chông chênh như lúc này. Đêm đó, chị không thể nào chợp mắt được. Chị lại khóc! "Bình tĩnh đi Liên, để má đi thanh thản" - đồng nghiệp an ủi chị.
"Chị có còn điều gì chưa làm cho má không?" - câu hỏi xen ngang từ đồng nghiệp. "Chắc không còn gì nữa đâu, chị đã cố gắng trong thời gian qua, chắc má hiểu. Giờ chắc còn nợ má vành khăn, để chờ ngày chị về thắp hương thôi" - chị đáp.
Nhưng có lẽ khó khăn nhất là quyết định ở lại bệnh viện. Chị kể ban giám đốc bệnh viện gọi điện chia buồn và hỏi ý kiến chị về việc về nỗi đau này. Suy nghĩ nhiều một hồi, chị trả lời dứt dạt: "Em ở lại".
Bởi hơn ai hết, chị hiểu rõ trách nhiệm và công việc mình đang làm. Sức khỏe của cộng đồng là trên hết, nếu về lúc này sẽ gây xáo trộn thêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thành - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận - tất cả đội ngũ y bác sĩ tại khoa nhiễm của bệnh viện đều gác lại chuyện gia đình, thu dọn đồ đạc vào ăn ở tại đây. Gần một tháng qua, họ chưa được về nhà, túc trực 24/24 để sẵn sàng cùng chữa trị cho các bệnh nhân. Mọi sinh hoạt, thậm chí tự cắt tóc cho nhau, cũng diễn ra trong khoa nhiễm.
ĐỨC TRONG - QUANG NHÂN
Cụ bà 101 tuổi ủng hộ 2 tấn gạo chống dịch Bà Nguyễn Thị Tửu, 101 tuổi, ở thành phố Hà Tĩnh trích 26 triệu đồng từ tiền tích góp hàng năm mua 2 tấn gạo tặng bộ đội chống Covid-19. Bà Nguyễn Thị Tửu. Ảnh: Đức Hùng Ngày 31/3, số gạo ủng hộ của bà Tửu đã được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận để phân phát cho lực...