Bộ Kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của Việt Nam được cấp phép đạt tiêu chuẩn Châu Âu
Bộ sản phẩm xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam được Vương quốc Anh cấp phép đạt tiêu chuẩn Châu Âu và được tự do lưu hành tại châu lục này.
Ngày 21/4, ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, cho biết, Bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Công ty và Học viện Quân y phối hợp sản xuất đã được Vương Quốc Anh cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu. Đồng thời, sản phẩm cũng được cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) tại Châu Âu.
Đơn vị cấp giấy chứng nhận trên là Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội (Vương quốc Anh). Theo chứng nhận, bộ sản phẩm có thông tin như sau:
- Bộ sản phẩm xét nghiệm COVID-19 được sản xuất bởi: Nhà sản xuất hợp pháp thuộc Tập đoàn Công nghệ Việt Á, 378A/8 Hồ Văn Huế,. Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, 725600, Việt Nam;
- Đại diện ủy quyền: REDCLIFFE BIOSCIENCE HOLDINGS LIMITED, 21 Mayfields, Sindlesham, RG41 5BY, Vương quốc Anh.
Video đang HOT
Sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) theo điều luật về quản lý Thiết bị y tế chẩn đoán trong phòng thí nghiệm số 98/79/EC được quy định tương đương của luật pháp Vương quốc Anh (Quy định về thiết bị y tế của Anh 2002 SI số 618, đã được sửa đổi).
Theo tiêu chuẩn trên, bộ sản phẩm này có thể được bán tự do ở tất cả các quốc gia thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh.
Ông Việt cũng cho biết, sau khi được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép, đã có nhiều đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và một số quốc gia tại châu Âu.
Theo ông Việt, 1 bộ kit gồm 50 test, dùng 50 lần. Các tiêu chí độ nhạy, độ đặc hiệu 100%, độ chính xác 100%, độ lặp lại tại phòng thí nghiệm chuẩn thức của Học viện Quân y và Công ty Việt Á. Thời gian đầy đủ của quy trình để cho ra kết quả dương tính hay âm tính với virus SARS-CoV-2 của bộ sinh phẩm test kit là hơn 2 tiếng.
Hiện tại, năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kít/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. Chi phí sản xuất bộ kit đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ nên hiện giá chỉ khoảng 400.000 – 600.000 đồng/test.
Tại Việt Nam, UBND TP Hà Nội cũng đặt 200.000 test để sử dụng cho nhu cầu xét nghiệm và hỗ trợ Italy.
Linh Trần
Nghiên cứu nguồn gốc COVID-19, giới khoa học Anh phát hiện điều sửng sốt
Nghiên cứu nguồn gốc COVID-19, các nhà khoa học Anh phát hiện sự bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán có thể không phải vào tháng 12.2019.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Cambridge, Anh điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã phân tích một số lượng lớn các chủng từ khắp nơi trên thế giới và tính toán rằng sự bùng phát ban đầu xảy ra ở phía nam chứ không phải trung tâm thành phố Vũ Hán, trong khoảng thời gian từ ngày 13.9 đến ngày 7.12.2019.
"Virus này có thể đã biến đổi thành dạng cuối cùng để lây sang người từ vài tháng trước đó, nhưng vẫn tồn tại trong dơi hoặc một động vật khác, hoặc thậm chí là ở trong người vài tháng mà không lây nhiễm cho các cá thể khác" - SCMP dẫn lời Peter Forster, nhà di truyền học của Đại học Cambridge cho biết hôm 16.4.
"Sau đó, nó bắt đầu lây nhiễm và lây lan ở người từ ngày 13.9 đến ngày 7.12, tạo ra mạng lưới mà chúng tôi trình bày trong tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS)" - ông Forster cho hay.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích các chủng bằng cách sử dụng một mạng lưới phát sinh gen - một thuật toán học có thể lập bản đồ sự di chuyển toàn cầu của các sinh vật thông qua sự đột biến gene của chúng.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng xác định vị trí của bệnh nhân số 0 và hy vọng nhận được sự giúp đỡ từ các nhà khoa học ở Trung Quốc, nhưng một số dấu hiệu ban đầu khiến họ tìm hiểu sâu các khu vực ở phía nam Vũ Hán, nơi các ca bệnh đầu tiên được báo cáo vào tháng 12.
"Những gì chúng tôi xây dựng lại trong nghiên cứu là sự lây lan đáng kể đầu tiên từ người sang người" - Forster cho hay.
Nhóm nghiên cứu Cambridge gần đây cũng công bố nghiên cứu trên tạp chí PNAS trong tháng này, phát hiện ra rằng hầu hết các chủng virus được lấy mẫu ở Mỹ và Australia gần giống virus ở dơi hơn so với các chủng phổ biến của các bệnh nhân khắp Đông Á. Trong khi đó, loại virus chủ yếu ở Châu Âu là hậu duệ của biến thể Đông Á.
Nhưng nghiên cứu đó chỉ nhìn vào 160 chủng đầu tiên được thu thập sau cuối tháng 12. Trong nghiên cứu mới, Forster và các đồng nghiệp từ một số viện nghiên cứu bao gồm Viện Di truyền học pháp y ở Munster, Đức, đã mở rộng cơ sở dữ liệu để bao gồm 1.001 trình tự bộ gene đầy đủ chất lượng cao được các nhà khoa học trên toàn cầu công bố.
Càng phân tích nhiều chủng loại, càng có thể theo dõi chính xác nguồn gốc và sự lây lan của COVID-19.
Nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Cambridge cũng đặt ra một số câu hỏi mới. Chủng virus đầu tiên được phân lập và báo cáo bởi các nhà khoa học Trung Quốc thực sự trẻ hơn chủng ban đầu gây ra dịch COVID-19. Việc tại sao Mỹ có nhiều chủng di truyền gần virus dơi hơn so với ở Vũ Hán đã khuấy động các cuộc tranh luận sôi nổi trong cộng đồng nghiên cứu.
SONG MINH
Trải nghiệm cách ly của du học sinh cùng chuyến bay với bệnh nhân 51 "Với bản thân em, đây là một trải nghiệm có một không hai trong cuộc đời. Cuộc cách ly cho em cơ hội giao lưu gặp gỡ với nhiều người mới"- Tuấn Minh chia sẻ. Hôm nay là ngày thứ 11, Nguyễn Tuấn Minh, du học sinh trở về từ châu Âu được cách ly tại khoa Bệnh nhiệt, bệnh viện đa khoa...