Bộ kêu bỏ, vì sao chốt kiểm soát COVID-19 vẫn đòi ‘giấy thông hành’ trong nội tỉnh?
Dù Bộ Y tế đã yêu cầu 19 tỉnh, thành phố thực hiện chỉ thị 16 tạo điều kiện cho tài xế nội tỉnh và bỏ giấy thông hành (giấy xét nghiệm âm tính COVID-19), nhưng một số chốt kiểm soát vẫn yêu cầu tài xế có giấy này.
Công an huyện Châu Phú kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 của một tài xế xe tải – Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 22-7, phản ánh đến Tuổi Trẻ Online , anh C. – tài xế của một ngân hàng tại TP Châu Đốc, An Giang – bức xúc 2 ngày qua mỗi lần đi từ TP Châu Đốc qua khỏi cầu Kênh Đào, xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú đều bị chốt kiểm soát COVID-19 huyện Châu Phú yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19, nếu không có buộc phải quay đầu xe.
Trong khi đó, xe anh chỉ chở một vài cán bộ ngân hàng đi khoảng 12km (từ TP Châu Đốc đến chợ Vịnh Tre, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú).
“Tại sao tôi thấy báo chí đăng tải thông tin Bộ Y tế yêu cầu không xét giấy âm tính đối với xe lưu thông nội tỉnh mà chốt này vẫn xét giấy tất cả xe ra vào huyện Châu Phú? Việc xét nghiệm tôi nghĩ là cần thiết đối với tài xế xe tải đường dài từ ngoài tỉnh vào An Giang, chứ làm như hiện nay quá tốn kém về tiền bạc, công sức lực lượng và phiền phức cho anh em tài xế”, anh C. bức xúc nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online , tại chốt Kênh Đào giáp TP Châu Đốc có để bảng chốt kiểm soát COVID-19. Tại đây, có 4 cán bộ cảnh sát giao thông thuộc Công an huyện Châu Phú và một thanh tra giao thông của Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang liên tục yêu cầu tất cả xe máy, ôtô ghé vào để kiểm tra.
Riêng đối với xe tải hay ôtô, chốt yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 mới cho qua, nếu không phải quay đầu xe.
Nhiều người dân huyện Châu Thành, An Giang bức xúc khi qua đò Mương Ranh vào địa phận huyện Chợ Mới cũng bị chốt kiểm soát COVID-19 yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 mới cho qua, nếu không sẽ buộc phải quay đầu xe.
Trước phản ánh này, ông Nguyễn Phú Tân – giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang – khẳng định: “Đối với nhóm mặt hàng thiết yếu được Sở Công thương tỉnh quy định thì các xe vận chuyển thiết yếu đi bình thường, còn đối với các xe khác, các chốt của huyện kiểm soát thực hiện theo chỉ thị 16″.
Vì sao Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh bỏ giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 đối với các xe lưu thông nội tỉnh nhưng vẫn còn tình trạng các chốt kiểm soát COVID-19 xét giấy này? Ông Từ Quốc Tuấn – giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang – nói An Giang đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 nên tỉnh kiểm soát người và phương tiện ra đường không lý do.
“Đối với nhóm hàng hóa thiết yếu nằm trong danh mục luồng xanh thì đi bình thường. Các trường hợp còn lại ra ngoài dù chính đáng nhưng không nằm trong nhóm thiết yếu, phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19.
Các địa phương làm như vậy để phòng dịch COVID-19 theo chỉ thị 16 là xã cách ly xã, huyện cách ly huyện, hạn chế di chuyển”, ông Tuấn khẳng định.
Video đang HOT
Cà Mau: Hạn chế lập biên bản người đi đường, khai không đúng mới phạt
Chiều 22-7, liên quan đến việc triển khai thực hiện nghị quyết số 78/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo các lực lượng khi tuần tra, kiểm soát, trường hợp cần thiết mới lập biên bản, ghi rõ lý do ra đường, địa chỉ, cho cam kết, sau đó xác minh lại thông tin, nếu lời khai không đúng với thực tế đã xác minh thì xử lý nghiêm theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu quán triệt nghiêm việc cấp giấy đi đường theo nguyên tắc giải quyết cho người dân nơi có tập trung đông người sinh sống.
Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, hạn chế người dân ra đường ở những nơi đông người sinh sống; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn đã cấp giấy sai thẩm quyền thì tổ chức thu hồi ngay, không để lưu thông những giấy đi đường (hoặc thẻ ra đường) không đúng quy định.
UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết không cấm hoạt động của các ngành, nghề sản xuất, kinh doanh thiết yếu và các công trình xây dựng, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến công tác cung ứng thức ăn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho ngành sản xuất, ngành xây dựng và nuôi trồng nông, lâm, thủy sản.
Tạo điều kiện cho người dân thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi thu mua, buôn bán nông sản, thủy hải sản sau thu hoạch.
'Giấy thông hành' làm khó doanh nghiệp, cần gỡ điểm nghẽn để thông hàng hóa
Với các xe vận chuyển hàng thực phẩm thiết yếu, nông sản dễ hư hỏng, giấy thông hành kèm theo mã QR phải có dấu hiệu nhận biết riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông, cung ứng hàng hóa nhanh nhất.
Xe cộ nối đuôi thành hàng dài khi lực lượng CSGT "xả" chốt liên ngành kiểm soát y tế xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, để khơi thông lại quốc lộ 1 - Ảnh: ĐỨC TRONG
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu như vậy tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương phía Nam vào tối 15-7 về bảo đảm vận tải hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp phản ảnh việc tổ chức kiểm tra ở các chốt kiểm soát y tế tại nhiều địa phương khiến cho hoạt động vận chuyển bị ách tắc, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, ảnh hưởng nguồn cung cho thị trường và giá cả hàng hóa.
Ùn ứ kéo dài tại chốt kiểm soát
Trưa 15-7, lực lượng CSGT Công an Bình Thuận buộc phải "xả" bớt xe cộ để khơi thông lại quốc lộ 1 do ùn ứ kéo dài tại chốt kiểm soát dịch liên ngành đặt tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (Bình Thuận).
Đây là một trong hai chốt mà tỉnh Bình Thuận thành lập để kiểm soát y tế ở hai đầu cửa ngõ ra vào địa phương, đoạn giáp Ninh Thuận và Đồng Nai từ ngày 7-7. Theo quy định, tất cả người đi/đến/về Bình Thuận phải có kết quả âm tính với COVID-19.
Một CSGT tại chốt cho biết tình trạng ùn ứ xe cộ hướng TP.HCM chạy ra bắt đầu từ chiều hôm trước, kéo dài qua tỉnh Đồng Nai khoảng 7km. Nguyên nhân là tất cả xe cộ di chuyển hướng này buộc phải dừng lại tại chốt để kiểm tra y tế tài xế và người trên xe. Nhiều tài xế "chôn chân" từ rạng sáng đến trưa cùng ngày mới di chuyển được.
Theo tính toán của một chỉ huy tại chốt, cứ 1 phút có khoảng 7 loại xe di chuyển qua đây. Khi vào khai báo y tế, một tài xế phải mất khoảng 10 phút. Nếu tài xế đi từ vùng dịch đến mà không có giấy xét nghiệm âm tính hoặc đã hết hạn buộc phải vào khu vực test nhanh tại chốt. Quy trình test trung bình khoảng 30 phút. Nếu một tài xế từ lúc vào khai báo cho đến test nhanh kết thúc phải mất gần 45 phút.
Đó là lúc công việc suôn sẻ. Còn thời điểm đông người test cùng lúc sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng phải làm. Trung bình một ngày tại chốt này có khoảng 3.800 lượt xe cộ vào khai báo y tế. Chỉ huy chốt cho biết thường xuyên quá tải kể cả sức người lẫn trang thiết bị vật tư y tế.
Khâu ách tắc nhất là khu vực khai báo y tế. "Nếu tài xế khai báo nhanh thì mọi việc đơn giản hơn. Còn trường hợp khai báo thiếu, không đúng... buộc nhân viên y tế phải hướng dẫn lại. Thậm chí có lúc nghi ngờ tài xế khai gian dối, nhân viên y tế phải bấm gọi vào số điện thoại trong tờ khai để kiểm tra cho chắc" - một chỉ huy chốt cho biết.
Khách réo đòi hàng, tài xế chờ xét nghiệm
Anh Hoàng Văn Sang, chủ một doanh nghiệp vận tải, cho biết gia đình có 10 xe đầu kéo chở nông sản vào TP.HCM nhưng đến nay 6 tài xế phải xin nghỉ việc. 4 người còn lại thuộc diện quá khó khăn nên buộc phải lái xe kiếm tiền nuôi gia đình.
Theo anh Sang, nhiều chuyến xe của anh bị muộn nguyên 1 ngày chỉ vì "giấy thông hành" xét nghiệm COVID-19. Khi đến chốt kiểm soát dịch tại Bình Phước, tài xế buộc phải quay đầu do các chốt không có dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm nhanh.
"Xe vừa tới đó, giấy xét nghiệm vừa hết hạn 1 tiếng mà cũng không được cho qua. Tài xế xin được xét nghiệm nhanh tại chốt nhưng bị từ chối, xin đi thêm 20km nữa để đến Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng xét nghiệm nhưng cũng không được" - anh Sang nói và cho biết tài xế buộc phải quay đầu hơn 50km về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông (TP Gia Nghĩa) để xét nghiệm.
Tuy nhiên, do không có hộ khẩu thường trú hay đến Đắk Nông làm việc, 2 tài xế tiếp tục bị từ chối và được hướng dẫn về Trung tâm Y tế huyện Đắk Rlấp (Đắk Nông, giáp Bình Phước). 2 tài xế lại đành bất lực quay đầu lần 2 thêm hơn 50km để xét nghiệm nhưng đơn vị y tế tại đây cũng từ chối với cùng lý do như CDC Đắk Nông.
"Xe của chúng tôi là xe đầu kéo, mỗi lần quay đầu xe rất vất vả, lại còn phải đi cả trăm cây mà vẫn không được xét nghiệm. Hàng nằm trên xe, khách trong TP.HCM thì hối" - anh Sang bức xúc. Do không được làm "giấy thông hành", 2 tài xế lái xe cho anh Sang cùng nhiều xe khác phải nằm chờ nhiều ngày mà không có chỗ ăn ngủ, sinh hoạt.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ các tài xế đi qua chốt trạm ở cầu Đồng Nai (hướng từ Đồng Nai vào TP.HCM) - Ảnh: NHẬT THỊNH
"Giấy thông hành" làm khó doanh nghiệp, "luồng xanh" phải chờ
Anh Thắng, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Phan Thiết (Bình Thuận), cho biết việc lập chốt kiểm soát y tế là cần thiết nhưng thực hiện cần có khoa học hơn để đỡ mất thời gian của tài xế, chưa kể chi phí để tài xế và phụ xe test nhanh tốn kém rất lớn.
Cụ thể, trên đường vận chuyển hàng hóa tuyến TP Phan Thiết - TP.HCM, tài xế bắt buộc phải vào tất cả các chốt dọc quốc lộ 1 để khai báo. "Vì sao mình không khai báo một điểm xuất phát và điểm dừng mà phải làm tất cả như vậy?" - anh Thắng đặt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Quốc Nam - phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận, địa phương đã nhận thông báo về phương án phân "luồng xanh" của Bộ GTVT nhưng phải chờ hướng dẫn cụ thể để thực hiện, còn hiện tại vẫn áp dụng quy trình cũ.
Chủ tịch UBND Bình Thuận Lê Tuấn Phong yêu cầu rà soát khâu kiểm soát y tế tại trạm Tân Đức để có những thay đổi phù hợp. Những xe đi ngang, không dừng đón trả khách và hàng hóa ở tỉnh, chỉ cần ghi biển số, số điện thoại, nơi đi và yêu cầu tài xế ký cam kết rồi chạy tiếp. Những xe đi vào địa bàn tỉnh buộc phải kiểm tra kỹ lưỡng về y tế, lịch trình di chuyển...
Ông Bùi Văn Quản, chủ tịch Hiệp hội Hàng hóa TP.HCM, cho rằng nếu không có giải pháp thống nhất về giấy xét nghiệm, vận tải hàng hóa sẽ giảm sút nặng nề. Theo ông Quản, khó khăn lớn nhất là thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm âm tính của các địa phương chưa thống nhất với nhau. Việc chấp nhận kết quả test nhanh và xét nghiệm PCR cũng chưa thống nhất là rào cản ngăn việc vận chuyển hàng hóa thông suốt.
Với một tài xế đường dài có giấy xét nghiệm chỉ 3 ngày là quá ngắn, chẳng may hết hạn giữa đường sẽ càng gặp nhiều khó khăn. "Một chuyến hàng đi vào thời dịch này phát sinh rất nhiều chi phí, độ rủi ro cao.
Chưa kể với các thủ tục hiện nay, các tài xế cũng không mấy mặn mà khi leo lên xe để đi. Chỉ doanh nghiệp đã ký đơn hàng mới chạy, doanh nghiệp vận tải đường dài đa số đã ngưng. Vì vậy, cần nghiên cứu rà soát các thủ tục, cái nào không cần thiết thì nên bỏ" - ông Quản nói.
"Luồng xanh" phải liên tỉnh, liên vùng
Kết luận cuộc giao ban trực tuyến giữa Bộ GTVT với các địa phương phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương phải lập tổ công tác giữa các sở GTVT, Công thương, NN&PTNT để đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận tiện hơn nữa.
Việc lập tổ công tác liên ngành sẽ thuận lợi trong trao đổi, thống nhất về chỉ đạo, điều hành cũng như công bố đầu mối chính thức hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp thuận lưu hành cho xe chở hàng đi, đến địa phương, hướng dẫn xe đến các điểm trả hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nông sản trong bối cảnh đã đóng cửa các chợ đầu mối.
Ngoài ra, khi công bố "luồng xanh", các địa phương phải tính toán đấu nối với "luồng xanh" liên tỉnh, liên vùng, "luồng xanh" quốc gia và thông báo cho Tổng cục Đường bộ để quản lý, điều tiết.
Với các doanh nghiệp, phương tiện vận chuyển hàng thực phẩm thiết yếu, nông sản dễ hư hỏng, trong giấy thông hành kèm theo mã QR phải có dấu hiệu nhận biết riêng để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông, cung ứng nhanh nhất phục vụ nhu cầu của người dân. Điều quan trọng phải công bố mọi thông tin chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn một cách nhanh nhất, đầy đủ và dễ tiếp cận nhất.
Cũng theo ông Thể, phải xem tài xế là đối tượng đặc biệt để ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19, không phải cách ly y tế bắt buộc, nhưng phải xử lý nghiêm nếu doanh nghiệp vận tải, tài xế có vi phạm quy định chống dịch.
Cùng ngày, Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản quy định rõ thời gian hiệu lực kết quả xét nghiệm COVID-19 để các địa phương áp dụng thống nhất, đồng thời xem xét thống nhất thời hạn hiệu lực xét nghiệm của tài xế vận chuyển hàng hóa từ 5-7 ngày để thuận tiện cho những chuyến xe chở hàng Bắc - Nam.
Giám đốc HTX môi trường ký khống "giấy thông hành" cho con gái qua chốt Để con gái từ nhà chồng về nhà và ngược lại, qua chốt kiểm soát dịch giữa các quận không bị phạt, giám đốc Hợp tác xã môi trường Phú Nhuận đã ký "giấy thông hành" cho con gái tiện di chuyển. HTX Phú Nhuận thời gian gần đây đóng cửa vì dịch bệnh Ngày 15/7, lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận, TPHCM...