Bộ GTVT xử lý hàng loạt đơn vị mắc lỗi
Bộ GTVT vừa có quyết định kiểm điểm một loạt các đơn vị liên quan tới dự án cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình (giai đoạn 1) do Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư
Tuyến cao tốc hiện đại đầu tiên ở miền Bắc được phát hiện nhiều sai sót
Ngày 16-1-2014, Kiểm toán Nhà nước có thông báo kết quả kiểm toán Dự án Xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (giai đoạn 1), sai từ công tác khảo sát đến lập dự án như đề cương khảo sát không có nội dung thủy văn, thay vào đó là sử dụng các số liệu điều tra, tính toán thủy văn của một số dự án tương tự với khu vực dự án đi qua.
Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác khảo sát bước lập dự án và việc lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu đã dẫn đến phải điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư (2 lần) với giá trị tăng từ 3.734 tỉ đồng lên 8.974 tỉ đồng.
Kiểm định chất lượng công trình đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, Kiểm toán Nhà nước phát hiện rất nhiều mẫu bê-tông nhựa (hạt mịn, hạt trung) và thành phần hạt của các lớp kết cấu không đạt yêu cầu. Một số mẫu được kiểm định có hàm lượng hạt lọt qua các cỡ sàng tiêu chuẩn và nhỏ hơn quy định…
Ngày 10-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có chỉ đạo xử lý theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại dự án này.
Cụ thể,nghiêm khắc phê bình Vụ Kế hoạch đầu tư, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đối với các tồn tại của Dự án, đặc biệt là việc để tăng tổng mức đầu tư của dự án và chậm trễ triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ; kiểm điểm rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các dự án tiếp theo.
Nghiêm khắc phê bình tập thể lãnh đạo VEC (trong giai đoạn thực hiện dự án), Ban QLDA trong quá trình thực hiện dự án đã để xảy ra các tồn tại như kiểm toán đã nêu. Đồng thời, kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến những sai sót mà Kiểm toán Nhà nước kết luận và thông báo tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tổng công ty để rút kinh nghiệm thực hiện các dự án tiếp theo.
Cảnh cáo lần thứ nhất đối với Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và các nhà thầu phụ là đơn vị có liên quan về trách nhiệm đối với nhiều nội dung tồn tại của dự án và cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư các dự án; Trừ điểm trong danh sách xếp hạng về đấu thầu đối với đơn vị tư vấn thiết kế, các đơn vị thi công (Cienco1, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, Vinaconex, Công ty Phương Thành, Công ty CTCP TĐXD Thăng Long, Cienco5, Cienco6, Cienco 8,..).
Video đang HOT
Cấm không cho Công ty QCI- Cộng hòa Cu Ba và đơn vị thí nghiệm (thuộc Công ty TNHH Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng, Công ty TNHH xây dựng công trình giao thông 481) tham gia các dự án do VEC làm chủ đầu tư trong thời gian 2 năm. Đối với 10 kỹ sư tư vấn nước ngoài (Cu Ba) không để tiếp tục quay lại làm giám sát tại công trình giao thông ở Việt Nam.
“Cấm không cho tham gian các dự án do VEC làm chủ đầu tư trong thời gian 2 năm đối với các phòng thí nghiệm: Phòng thí nghiệm gói thầu số 5 LAS XD 160 – thuộc Công ty TNHH Tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng; Phòng thí nghiệm gói thầu số 6: LAS XD 620 – thuộc Công ty TNHH xây dựng công trình giao thông 481; đồng thời yêu cầu các đơn vị thi công không thanh toán chi phí thí nghiệm đối với các hạng mục còn tồn tại về chất lượng theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và kết quả kiểm định”, ông Thăng yêu cầu.
Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư xem xét kéo dài thời gian bảo hành
với các gói thầu có khiếm khuyết
Bộ GTVT giao VEC nghiên cứu, xem xét yêu cầu kéo dài thời gian bảo hành công trình đối với các gói thầu thi công có khiếm khuyết.
Bộ GTVT yêu cầu VEC thu hồi, giảm trừ số tiền 2,105 tỷ đồng ngoài số tiền mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu gồm: giảm trừ giá trị thanh toán hạng mục bê tông nhựa chặt hạt mịn do thi công chưa đảm bảo chiều dày thiết kế; giảm trừ 50% chi phí lập tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án (khoảng 1 tỷ đồng) khi thanh toán cho TEDI; thu hồi chi phí giám sát của Công ty QCI – Cộng hòa Cu Ba đối với hạng mục còn tồn tại về chất lượng, với giá trị 106.477.000 đồng.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Hội đồng thi đua bộ không xem xét khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định.
Theo ANTD
Việt Nam vay nợ thêm 300.000 tỷ đồng trong năm 2013
Nợ công của Việt Nam được Chính phủ thừa nhận là đang tăng nhanh qua các năm do việc huy động và sử dụng vốn vay chưa hợp lý, còn dàn trải, trong khi dự án được Chính phủ bảo lãnh cho vay lại gặp khó khăn, làm tăng nghĩa vụ nợ dự phòng...
Báo cáo về tình hình sử dụng vốn vay, quản lý nợ công của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ký để gửi đến Quốc hội nêu con số, năm 2013 tổng số vốn vay nợ công, gồm vay Chính phủ, vay được bảo lãnh Chính phủ và vay của chính quyền địa phương ước đạt 513.720 tỷ đồng, tăng 23,4% so với thực hiện năm 2012.
Tổng số dư nợ công đến ngày 31/12/2013 ở mức 1,9 triệu tỷ đồng, bằng 53,4% GDP. Trong đó dư nợ Chính phủ ở mức 1,488 triệu tỷ đồng, bằng 41,5% GDP.
Những con số này, kể cả số tuyệt đối và quy ra tỷ lệ đều vượt lên so với báo cáo kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước đưa ra về năm 2012. Cụ thể, tính ở thời điểm lùi lại 1 năm so với thống kê của Chính phủ, đến 31/12/2012, tổng dư nợ công hơn 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 55,7% GDP (năm 2011 là 54,9% GDP). Trong đó, nợ của Chính phủ là gần 1,3 triệu tỷ đồng (chiếm 77,91% nợ công); nợ được Chính phủ bảo lãnh 340.000 tỷ đồng (chiếm 20,82%); nợ của chính quyền địa phương 20.886 tỷ đồng (chiếm 1,27%).
Dư nợ nước ngoài của quốc gia ở thời điểm chốt năm 2012 là 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 58,2 tỷ USD), bằng 41,1% GDP (năm 2011 là 44,5% GDP).
Như vậy, số nợ quốc gia của Việt Nam vẫn đang không ngừng tăng lên qua các năm.
Chính trong báo cáo này, Chính phủ nhìn nhận là dư nợ công tăng nhanh qua các năm. So với năm liền trước thì dư nợ công năm 2011 tăng 24,8%, năm 2012 tăng 17%, và năm 2013 tăng 17,4%.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tỉ mỉ hơn, trong tổng số 1,9 triệu tỷ đồng đi vay, có 104 dự án được cấp bảo lãnh vay nước ngoài trong đó có 23 dự án đã kết thúc trả nợ, còn 81 dự án vẫn đang trong giai đoạn được bảo lãnh.
Các dự án này chủ yếu thuộc các lĩnh vực điện, hàng không, xi măng, dầu khí...
Năm qua, Chính phủ tiếp tục cấp bảo lãnh cho 8 chương trình dự án vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và phát hành trái phiếu quốc tế với tổng trị giá 3.161 triệu USD, gồm dự án mua máy bay A321 trị giá 421 triệu USD; tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng 300 triệu USD, bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) theo đề án tái cơ cấu Vinashin trị giá 627 triệu USD...
Tổng số vốn vay nước ngoài được bảo lãnh Chính phủ giải ngân trong năm 2013 là hơn 52.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2012. Tổng trị giá vốn vay được bảo lãnh Chính phủ đang có xu hướng tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước và đạt mức tăng bình quân gần 50%/năm.
Về việc chi trả nợ của Chính phủ, báo cáo nêu con số 103.700 tỷ đồng trong cân đối ngân sách của năm. Con số này, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, vẫn đảm bảo trong giới hạn quy định của Việt Nam là dưới 25% thu ngân sách nhà nước và nằm trong giới hạn an toàn theo thông lệ quốc tế.
Liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2014, báo cáo cho biết con số là 208.883 tỷ đồng, bao gồm: trả nợ trong nước 159.683 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài 49.200 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Dũng thì Việt Nam đã thực hiện vay mới để đảo một phần nghĩa vụ nợ đến hạn năm 2014, chủ yếu là đảo nợ gốc đối với các khoản trái phiếu Chính phủ trong nước để xử lý rủi ro tái cấp vốn do kỳ hạn trái phiếu ngắn.
Về việc sử dụng vốn vay, người đứng đầu ngành Tài chính báo cáo, khoản vay trong nước là 367.000 tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước là 197.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng.
Hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 70.492 tỷ đồng, còn hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh là 2.800 triệu USD.
Nói về nguyên nhân mức nợ công vẫn không ngừng tăng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận việc huy động và sử dụng vốn vay chưa hợp lý, phân bổ sử dụng vốn vay còn dàn trải và tập trung vào việc tăng quy mô mà chưa đề cao hiệu quả. Hiện nay, vốn vay chủ yếu là để bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 30% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, song hiệu quả đầu tư chưa cao (ICOR năm 2013 ở mức 5,62).
Mặt khác, trong thời gian gần đây, xu hướng dự án được Chính phủ bảo lãnh/cho vay lại gặp khó khăn trả nợ gia tăng, làm tăng nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, đồng thời tiếp tục tạo ra tâm lý dựa dẫm vào sự bảo đảm của ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp được bảo lãnh.
Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, nên huy động vốn vay ODA đang có xu hướng giảm dần với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cho vay tăng lên dẫn đến nghĩa vụ trả nợ công, nợ Chính phủ có xu hướng gia tăng.
P.Thảo
Theo Dantri
Với "4 xin" và "4 luôn", hình ảnh ngành đường sắt sẽ khác? Bộ trưởng Đinh La Thăng mong muốn ngành đường sắt thực hiện văn hóa giao tiếp phải thực sự xuất phát từ trái tim, từ cái tâm muốn phục vụ tốt hơn để đem lại sự hài lòng cho hành khách và làm sao để hành khách "muốn" đi đường sắt... Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã nhấn mạnh như vậy khi...