Bộ Giao thông tìm giải pháp cho trạm thu phí Bến Thuỷ
Ngày mai, Bộ Giao thông họp với chính quyền Nghệ An, Hà Tĩnh cùng đại diện chủ đầu tư và nhiều ban ngành tìm cách giải quyết “điểm nóng” tại trạm thu phí BOT cầu Bến Thuỷ song không có đại diện những người dân đã phản đối những ngày qua.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, 8h ngày 11/4 tại thành phố Vinh, Bộ sẽ chủ trì cuộc họp với chính quyền 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tìm phương án giải quyết vấn đề thu phí tại Trạm cầu Bến Thuỷ 1.
Tham dự cuộc họp có nhà đầu tư là Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4); đại diện huyện Nghi Xuân và một số ban ngành, tuy nhiên không có đại diện những tài xế đã tham gia phản đối tại hai đầu cầu Bến Thuỷ trong thời gian qua.
“Cuộc họp sẽ bàn giải pháp lâu dài, thống nhất được phương án nào sẽ có văn bản báo cáo lên các cấp có thẩm quyền”, Thứ trưởng Thọ nói với VnExpress và cho biết, đây là vấn đề liên quan tới quản lý nhà nước, nhà đầu tư và người dân nên sẽ phải bàn kỹ, thấu đáo.
Ông Lê Đức Cường, Chánh văn Phòng UBND tỉnh Nghệ An không giải thích lý do vì sao chỉ có vài cơ quan báo chí được mời tới đưa tin về cuộc họp.
Vị trí trạm thu phí Bến Thủy 1 khiến người dân phản ứng. Đồ họa: Tiến Thành.
Video đang HOT
Từ đầu tháng 12/2016 đến nay, hàng chục lần tài xế tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) căng băng rôn, dàn ôtô hoặc mua vé bằng tiền lẻ gây ách tắc tại cầu Bến Thủy 1 và 2 để phản đối việc phải nộp phí dù không đi trên đường BOT.
Mới đây, Bộ Giao thông có chủ trương giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thuỷ 1 và Bến Thuỷ 2 với các phương tiện loại một ( xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) và loại 2 (xe từ 12 ghế đến 30 ghế; xe tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) với người dân có hộ khẩu thường trú các khu vực thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cùng các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính ở đây… Tuy nhiên việc này không được người dân địa phương đồng tình.
Hơn 3 tháng qua, hàng chục lần người dân tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mang theo băng rôn, dùng tiền lẻ mua vé qua cầu khiến an ninh trật tự tại 2 cầu Bến Thuỷ 1 và 2 ách tắc. Ảnh: Hải Bình.
Ngày 9/4 lần thứ 3 trong một tuần, khoảng 100 tài xế ôtô đã phản ứng bằng việc rồng rắn dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí cầu Bến Thuỷ 1. Để trách ách tắc giao thông, nhà đầu tư buộc phải mở cửa barie cả 3 làn xe cho hàng chục xe đi qua mà không phải mua vé.
Cầu Bến Thủy 1 nằm trên quốc lộ 1A nối Nghệ An với Hà Tĩnh. Năm 2012, cầu Bến Thủy 2 (song song và cách cầu cũ 800 m) nằm trên tuyến tránh TP Vinh khánh thành. Để hoàn vốn cho dự án tuyến tránh TP Vinh (dài 25 km) và dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP Hà Tĩnh (dài 35 km), nhà đầu tư là Cienco 4 đã xây trạm thu phí ở đầu hai cầu Bến Thủy 1 và 2, đều nằm ở tỉnh Nghệ An.
Hải Bình
Theo VNE
Trạm BOT Phú Thọ thu phí trở lại sau khi bị dân phản ứng
Từ 12/4, trạm thu phí BOT Tam Nông (Phú Thọ) hoạt động trở lại sau một tháng tạm dừng do bị người dân địa phương phản đối. Chủ đầu tư đã áp dụng miễn phí cho ôtô dưới 12 chỗ của người dân 2 xã gần trạm thu phí.
Lãnh đạo Bộ Giao thông đã chấp thuận đề xuất của tỉnh Phú Thọ và chủ đầu tư dự án về việc miễn phí cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn của người dân xã Hồng Hà, Thượng Nông (huyện Tam Nông). Các loại xe tải trọng lớn hơn được giảm 50% mức phí thông thường. Đây là hai xã gần trạm thu phí BOT Tam Nông nên phần lớn người dân thường qua lại trạm thu phí hàng ngày.
Các xe có chủ sở hữu tại xã Cổ Tiết, Hương Nộn, Dậu Dương và thị trấn Hưng Hóa (huyện Tam Nông) cũng được giảm 50% mức phí với các loại vé lượt, vé tháng so với phí thông thường.
Người dân địa phương đưa phương tiện dàn hàng ngang tại trạm thu phí BOT Tam Nông ngày 13/3. Ảnh: Anh Duy
Theo đại diện Công ty TNHH BOT Hùng Thắng (chủ đầu tư), dự án này vẫn được áp dụng theo hình thức thu phí theo lượt xe (thu hở) vì trên tuyến đường có nhiều giao cắt, nhiều lối ra vào nên không thể áp dụng hình thức thu theo chặng như trên các tuyến cao tốc. Việc thu phí này vẫn áp dụng như tất cả dự án BOT tại địa phương khác.
Chủ đầu tư yêu cầu các phương tiện thuộc diện được miễn giảm phí cần phải đăng ký để được miễn, giảm phí. Phương tiện phải chính chủ, hợp pháp, trùng với địa chỉ thường trú của người sở hữu. Phương tiện vận tải của các doanh nghiệp cũng phải đăng ký theo địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Trạm thu phí BOT Tam Nông đặt tại km67 300 trên quốc lộ 32 để thu phí hoàn vốn cho dự án đường Hồ Chí Minh từ quốc lộ 32 đến Hương Nộn và nâng cấp mở rộng quốc lộ 32 đoạn từ cầu Cổ Tiết đến cầu Trung Hà theo hình thức BOT. Đường được thiết kế tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng, tốc độ 80 km/h, quy mô 2 làn xe cơ giới.
Từ 6/3/2017, dự án bắt đầu thu phí để hoàn vốn trong 20 năm. Ngày 13/3, nhiều chủ xe đã huy động ôtô chặn tại hai đầu trạm thu phí Tam Nông, gây ách tắc giao thông. Để giải tỏa phương tiện, chủ đầu tư đã tạm dừng thu phí khoảng một tháng và làm việc với các cơ quan chức năng về việc miễn giảm phí lưu thông.
Theo một số chủ xe, việc đặt trạm thu phí BOT tại xã Thượng Nông, Tam Nông gây bức xúc cho cư dân địa phương vì mức phí cao. Mỗi lượt xe con qua lại mất phí 35.000 đồng, xe tải 2,5 tấn là 50.000 đồng.
Đoàn Loan
Theo VNE
Bộ Giao thông kiến nghị dừng phê duyệt quy hoạch trạm thu phí Do tính khả thi của quy hoạch trạm thu phí không cao nên Bộ Giao thông Vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng dừng phê duyệt quy hoạch tổng thể trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ, cao tốc Việt Nam. Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, việc ban hành quy hoạch tổng thể trạm thu phí nhằm...