Bộ Giáo dục nghiên cứu bỏ thi tốt nghiệp THPT
“Bộ đang đang nghiên cứu việc có duy trì hay không kỳ thi tốt nghiệp THPT, xây dựng đề án lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển trao đổi với báo giới vào chiều 1/8.
- Lần đầu tiên lãnh đạo nhà nước đề nghị bỏ thi tốt nghiệp nếu tỷ lệ cứ cao đều đều tới 95%, quan điểm của Bộ thế nào?
- Tại cuộc họp do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phát biểu và đề nghị Bộ Giáo dục suy nghĩ, nghiên cứu và trả lời về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không. Bộ Giáo dục cho rằng, vấn đề thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học nói riêng và thi – kiểm tra, đánh giá nói chung trong nhà trường phổ thông là một trong những mắt xích quan trọng của quá trình dạy học, có tác động lớn đến vấn đề dạy và học cũng như liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của nhiều đối tượng trong xã hội.
Thi tốt nghiệp là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình dạy học. Bộ đang nghiên cứu và đưa ra định hướng đổi mới các kỳ thi, công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh đại học vào Đề án đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT Việt Nam cũng như đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015. Sau khi các đề án được thông qua, phê duyệt, Bộ sẽ công bố phương án đổi mới để xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trước khi quyết định chính thức.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc tổ chức thi tốt nghiệp là tốn kém, lãng phí vì bỏ ra cả trăm tỷ đồng chỉ để loại số ít thí sinh. Xin ông cho biết kinh phí tổ chức thi như thế nào?
- Thi hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tâm lý tự giác, trách nhiệm của mỗi người và xã hội thì không quá coi trọng bằng cấp. Nếu thi tuyển công chức không tính bằng cấp nhiều mà dựa trên năng lực thật thì thi cử nhẹ nhàng hơn. Lúc đó, do nhu cầu của đơn vị tiếp nhận mà họ phải tự học, học thực chất.
Nhưng khi xã hội vẫn coi bằng cấp là quan trọng, nếu không tổ chức thi mà tính tự giác thấp thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ thấp. Nếu xét tuyển 98% đỗ, thi cũng đỗ 98% thì thi tốt hơn.
Bộ chưa có thống kê đầy đủ về việc tốn bao nhiêu tiền cho kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi việc này là của địa phương và chi cho giáo dục không giống như việc mua vật liệu, không tính rõ ràng được.
Thứ trưởng Hiển: Kỳ thi tốt nghiệp THPT có vai trò rất quan trọng nên bỏ hay không cần phải nghiên cứu kỹ. Ảnh: Hoàng Thùy.
- Theo Bộ sử dụng cách đánh giá nào thay thế thi tốt nghiệp để đỡ tốn kém cũng như giảm áp lực thi cử cho thí sinh?
- Nhiều chuyên gia cũng đã có đề xuất và Bộ đang nghiên cứu. Hiện hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học đang có nhiều tương đồng về môn thi, lại tổ chức gần nhau, gây ra nhiều khó khăn, bức xúc.
Nhiều ý kiến nêu ra cần bỏ một trong hai kỳ thi. Việc này nhất định phải giải quyết. Nếu bỏ thì đơn giản quá. Làm quản lý mà cái gì chưa làm được thì bỏ là không được. Nếu việc cần thiết thì phải cố gắng làm, chưa tốt thì làm cho tốt, có thể giải quyết bằng cải tiến bên trong. Trường hợp không được thì phải bỏ. Vấn đề này phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Tuyển sinh vẫn có nhu cầu, tốt nghiệp vẫn có nhu cầu vì không thi vẫn phải chứng nhận tốt nghiệp. Giải quyết thi tốt nghiệp phải đồng hành với giải quyết thi – tuyển sinh.
Thi tốt nghiệp THPT đang được nghiên cứu cải tiến theo hướng khoa học, gọn nhẹ, hiệu quả hơn, không chỉ 1 kỳ thi mà công nhận tốt nghiệp được mà gắn với dạy học, quá trình kiểm tra trong suốt thời gian học. Kết quả công nhận tốt nghiệp sẽ làm cơ sở cho được nhiều trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Hướng này nhiều người cho rằng gọn nhẹ, hiệu quả. Học đến đâu thi đến đó và cuối cùng thi tổng hợp cũng là một hướng.
Video đang HOT
Bộ cũng đang làm ngân hàng câu hỏi với 3 mức độ: tư duy, kiến thức, kỹ năng. Làm đề thi sẽ lựa chọn ngẫu nhiên các câu hỏi, đảm bảo các yêu cầu như 50% hiểu và vận dụng, nhớ 50%. Khi học sinh càng giỏi thì tỷ lệ câu hỏi yêu cầu hiểu, vận dụng phải nâng lên. Khi ngân hàng này chưa hoàn thiện, nếu giao kỳ thi cho địa phương thì Bộ chưa tin họ có thể làm tốt. Hiện nay, Bộ cũng chỉ ra quy chế, làm đề, thanh tra kiểm tra, còn tất cả vẫn giao cho địa phương.
- Nói rằng kết quả ngày càng thực chất, vậy dựa trên yếu tố nào để Bộ khẳng định điều này?
- Với nhiều tỉnh đỗ cao chót vót như hiện nay thì rõ ràng là chưa đánh giá đúng thực tế. Nếu làm nghiêm thì hầu hết tỉnh đều giảm tỷ lệ đỗ. Tuy nhiên, để trả lời bao giờ thực chất và thực chất đến mức nào thì Bộ không trả lời được vì nó còn nhiều yếu tố, liên quan đến các địa phương. Nếu giám thị làm nghiêm thì tỷ lệ đỗ giảm, nhưng nếu dạy học nâng cao hiệu quả thì tỷ lệ đỗ tăng lên.
- Xin thứ trưởng cho biết, xu thế của các nước với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông?
- Thi tốt nghiệp THPT là khó, phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà các nước khác cũng thấy băn khoăn. Hầu hết các nước vẫn giữ kỳ thi này để xác nhận chất lượng và hiệu quả đầu tư quốc gia, còn tuyển sinh đại học, cao đẳng thường giao quyền tự chủ cho các trường.
Ở Mỹ,số lượng bang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đang ngày càng tăng lên. Năm 2005 chỉ có 22 bang, 2010 đã có 28 bang. Nga đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp hiện đang cân nhắc việc khôi phục trở lại, có nước cân nhắc việc thi như Pháp. Vì vậy, việc có duy trì hay không kỳ thi tốt nghiệp THPT cần phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ.
Theo VNE
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Chắc chắn còn nhiều nơi vi phạm kỷ luật thi
"Bộ GD-ĐT nói rằng kì thi cơ bản an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tôi biết, chắc vẫn còn nhiều nơi vi phạm kỷ luật thi, vì thế việc xã hội nghi ngờ về chất lượng kì thi này cũng đúng thôi"-chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển với báo Dân trí.
Chiều ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi riêng với báo Dân trí - một trong hai cơ quan báo chí đã cung cấp những hình ảnh vi phạm quy chế trong phòng thi ở Hội đồng thi THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) lên Bộ GD-ĐT. Trước khi có cuộc trao đổi chính thức, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh: "Sau khi quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 được ban hành ra thì Bộ GD-ĐT luôn sẵn sàng tiếp thu những thông tin phản ánh về tiêu cực trong kì thi, có nơi tiếp quản tài liệu, chứng cứ và bảo quản. Báo Dân trí đã cộng tác tốt với Bộ GD-ĐT trong việc này, thực hiện đúng như mong muốn quy định của Bộ, của ngành".
Việc xử lý của Hà Nội là nghiêm túc và đúng quy định
Văn bản báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng vụ việc vừa qua là sai phạm không có tổ chức, mang tính tự phát và chỉ xảy ra ở 1 hội đồng thi. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trước hết, qua sự việc này chúng ta thấy, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xác định được là có vi phạm kỷ luật và diễn ra ở một phòng thi. Còn việc cho rằng các phòng thi khác không có sai phạm thì cũng chưa chắn chắc lắm. Tuy nhiên cũng nên nhìn nhận, Hà Nội đã có trách nhiệm triệu tập tất cả thành viên của Hội động thi Trường THPT Quang Trung để làm việc và yêu cầu viết bản tường trình, trong đó có cả phần cam đoan trách nhiệm thì khẳng định lại chỉ có phòng thi này vi phạm.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc xử lý của Hà Nội đối với "lộn xộn" ở Hội đồng thi trường THPT Quang Trung là nghiêm túc và đúng quy định.
Theo tôi, sai phạm ở đây chỉ là của một vài cá nhân mắc khuyết điểm, thiếu trách nhiệm chứ không phải là hoạt động có tổ chức và chắc là không có dấu hiệu tiêu cực.
Thưa Thứ trưởng, trong vụ Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012, chúng ta đã xử lý hàng loạt cán bộ, giáo viên liên đới, tưởng đó sẽ là bài học cho đội ngũ làm giám thị coi thi. Năm nay các địa phương đã tổ chức tập huấn tốt lại đưa thêm quy định chống tiêu cực thi cử khi cho phép thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hinh nhưng dường như giám thị vẫn "làm ngơ". Phải chăng quy định chưa chặt chẽ và ngành cũng chưa có chế tài mạnh tay?
Theo đánh giá của tôi, nguyên tắc, quy chế thì đã chặt chẽ nhưng lực lượng giám sát không phải lúc nào cũng có mặt để giám sát được vì thế cần phải phát huy trách nhiệm của từng người. Khi đã giao trách nhiệm thì anh phải hoàn thành nhiệm vụ còn nếu không hoàn thành mà bị phát hiện sẽ bị xử lý.
Tôi cho rằng, cùng với việc xử lý nghiêm túc ở vụ THPT dân lập Đồi Ngô năm trước cộng với quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào trong phòng thi và việc xử lý nghiêm túc của Hà Nội như thế này kết hợp với nhiều việc khác nữa, nếu mình vẫn kiên trì quyết tâm theo hướng lập lại kỷ cương trong thi cử thì chắc chắn các kì thi năm sau sẽ nghiêm túc hơn năm nay. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, thì kì thi năm nay đã nghiêm túc hơn năm trước.
Còn chế tài xử lý chúng ta đã có quy định, quy chế thi. Ai sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Chẳng hạn như ở Hà Nội có người cho rằng như vậy là chưa "mạnh tay" nhưng theo quy chế thi, với những vi phạm như vậy thì mức xử lý cao nhất là cảnh cáo.
"Việc xã hội nghi ngờ về chất lượng kì thi này cũng đúng thôi"
Năm nào Bộ GD-ĐT cũng nói là kì thi "an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế" nhưng thực tế lại không như vậy. Chính điều này đã khiến dư luận xã hội "nghi ngờ" về chất lượng giáo dục thật của ngành. Thứ trưởng nghĩ sao về điều đó?
Bộ GD-ĐT nói rằng kì thi cơ bản an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tôi biết, chắc vẫn còn nhiều nơi vi phạm kỷ luật thi, vì thế việc xã hội nghi ngờ về chất lượng kì thi này cũng đúng thôi. Để thuyết phục xã hội thì chúng ta phải tổ chức dạy và học cho thật tốt, kiểm tra đánh giá nghiêm túc thành một nề nếp thường xuyên. Nếu cả quá trình mà không nghiêm túc thì ở kì thi tốt nghiệp THPT cũng khó mà nghiêm túc được.
Bộ GD-ĐT ngày càng tạo điều kiện cho những người có điều kiện để giám sát kì thi, ngay cả học sinh có điều kiện cũng có thể để giám sát các thầy các cô... Trước hết, những việc làm này sẽ thúc đẩy ngành phải làm nghiêm túc hơn. Khi mọi người cùng tham gia giám sát sẽ giúp nâng cao chất lượng của giáo dục lên. Từ đây chúng ta mới hướng đến được việc thi cử nghiêm túc thật và lúc đó mới mang lại niềm tin cho xã hội.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, vấn đề tiêu cực tương tự như ở Hà Nội vẫn còn tồn tại ở đâu đó nhưng chưa bị phát hiện.
Chắc chắn vấn đề tiêu cực tương tự như ở Hà Nội vẫn còn tồn tại ở đâu đó nhưng chưa bị phát hiện. Chỉ có điều khi phát hiện ra ở đâu thì chúng ta xử lý đến đấy, chứ không thể xử lý ở những nơi không có được. Về mặt tổng thể chung, ngành sẽ ngày càng có những giải pháp để cho hiện tượng này ít đi. Chẳng hạn như, đảm bảo rèn luyện tính trung thực cho học sinh trong suốt quá trình học, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện cho những người có điều kiện có thể tham gia giám sát kì thi... Nhưng quan trọng nhất vẫn là những người làm giáo dục phải tự giác và tâm huyết với sự nghiệp của ngành thì mới làm được.
Năm 2012, khi Bộ GD-ĐT tổ chức chấm hậu kiểm đã phát hiện nhiều sai phạm ở kì thi tốt nghiệp THPT ở một số địa phương và năm nay Bộ cũng khẳng định tiếp tục chấm thấm định. Tuy nhiên chúng ta chỉ biết sai phạm ở bài thi môn tự luận còn môn trắc nghiệm chắc là rất khó?
Năm nay Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chấm thẩm định và sẽ mở rộng diện so với năm ngoái hơn nữa. Đồng thời, sẽ công bố công khai kết quả chấm thậm định. Tuy nhiên, đúng như bạn nói, đối với bài tự luận thì dễ phát hiện, còn đối với bài trắc nghiệm thì rất là khó phát hiện. Nếu các bài thi trắc nghiệm cùng có đáp án đúng thì không có cơ sở gì để chúng ta nghi ngờ. Còn nếu trong phòng thi nhiều em cùng chọn đáp án sai thì điều đầu tiên phải đánh giá lại đề thi sau đó mới xem xét đến việc thí sinh có quay cóp bài của nhau hay không.
Chính vì thế, như tôi đã nói ở trên: Không ai thay được thầy cô và không ai thay được học trò. Nếu cả cô và trò cùng thi cử nghiêm túc thì chắc chắn sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Như các bạn đã biết, thi trắc nghiệm cũng mới áp dụng vào Việt Nam, chất lượng câu hỏi của chúng ta cũng chưa tốt, ra đề trong một thời gian ngắn nên việc xử lý các đề thi khác nhau nhưng chất lượng ngang nhau để HS không để nhìn được bài của nhau thì ngành cũng chưa có điều kiện để làm. Bộ GD-ĐT cũng sẽ nghiên cứu dần cho những năm sau.
Đổi mới đánh giá và không thể bỏ kì thi tốt nghiệp THPT
Có ý kiến cho rằng, một kì thi tổ chức tốn kém nhưng không hiệu quả bởi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm rất cao. Vì thế nên chăng bỏ kì thi này đi?
Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là ngày càng có nhiều nước quan tâm hơn đối với kì thi tốt nghiệp THPT. Người ta quan niệm rằng, thi tốt nghiệp THPT một cách khách quan, chính xác thì sẽ phản ánh được chất lượng giáo dục và từ đó quay lại đánh giá đầu tư cho giáo dục phổ thông như thế nào, thông qua đó người ta cũng rút ra được kinh nghiệm cho quá trình dạy và học. Hiện nay kì thi tốt nghiệp THPT của chúng ta chưa đạt được mong muốn như vậy. Nhưng không phải vì chưa đạt được như mong muốn mà chúng ta bỏ kì thi này đi.
Chúng ta cần phải xem xét nó có những khiếm khuyết gì, có thể khắc phục, có thể vươn tới được như mong muốn hay không...Tôi cho rằng, kì thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng và đã được khẳng định ở trong Luật Giáo dục.
Như Thứ trưởng đã chia sẻ ở trên, nếu việc kiểm tra đánh giá thường xuyên nghiêm túc thì chắc chắn kì thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ nghiêm túc theo. Tuy nhiên trên thực tế việc đánh giá thường xuyên của chúng ta hiện nay có rất nhiều bất cập. Ngành sẽ giải quyết bài toán này như thế nào?
Đúng là hiện nay hệ thống kiểm tra đánh giá của chúng ta đang rất yếu, thậm chí lạc hậu. Ngân hàng Thế giới người ra chia ra 4 mức phát triển của hệ thống kiểm tra thì Việt Nam mới chỉ đạt mức thứ 2, mức mới chỉ đang hình thành kiểm tra đánh giá. Do đó chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng của hệ thống kiểm tra đánh giá. Ngành phải đổi mới đồng bộ về việc kiểm tra đánh giá. Nếu việc kiểm tra đánh giá các em đã quen với nghiêm túc thì sẽ không có vi phạm ở kì thi tốt nghiệp.
"Nếu việc kiểm tra đánh giá các em đã quen với nghiêm túc thì sẽ không có vi phạm ở kì thi tốt nghiệp THPT" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Hiện nay Bộ đang đổi mới việc kiểm tra đánh giá. Ví dụ Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo viên phải có nhận xét đối với các bài kiểm tra, ra đề theo hướng mở... Khi ra đề theo hướng mở thì bắt buộc học sinh phải biết vận dụng, tổng hợp kiến thức để làm. Thậm chí chúng ta có thể ra đề mở đến mức cho học sinh mang tài liệu, sách vở vào phòng thi nhưng nếu không có kiến thức thật thì không thể làm được.
Về kì thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và tin cậy hơn do nó trung thực và khoa học hơn. Muốn cho gọn nhẹ thì chúng ta phải có bước "chạy đà" trước đó. Chẳng hạn như, trong quá trình dạy học sẽ đánh giá dần những học sinh đã học được, học xong bộ môn, học xong học phần cộng thêm những hình thức đánh giá khác.
Để có sự đánh giá khách quan và đồng bộ trong cả nước thì điều cấp thiết nhất là Bộ GD-ĐT phải hình thành được ngân hàng câu hỏi thi. Vậy hiện nay công việc đó được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi thì Bộ GD-ĐT đang làm. Quan điểm của Bộ là ngân hàng câu hỏi thi sẽ chia thành các câu hỏi nhỏ ở các độ khác nhau như mức độ nhớ, mức độ hiểu sâu sắc, mức độ biết cách vận dụng...Từ ngân hàng câu hỏi thi này chúng ta có thể biến nó thành các đề thi theo yêu cầu riêng. Tôi hi vọng, khi chúng ta hoàn thành được ngân hàng câu hỏi thi sẽ làm cho việc đánh giá thường xuyên trở nên khách quan hơn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian trao đổi cùng báo Dân trí!
Theo Dantri
Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Bộ GD-ĐT bỏ ngỏ những vấn đề "nóng" Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 kết thúc, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo để đánh giá sơ bộ về khâu tổ chức cũng như coi thi. Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp trả lời các vấn đề báo chí đưa ra nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ. 49 thí sinh vi phạm quy chế thi...