Bố đẻ bạo hành dã man khiến con trai phải bỏ nhà?
Tổ ấm hạnh phúc tan vỡ, người cha nát rượu thường xuyên ‘thượng cẳng chân, hạ cẳng tay’ khiến con trai 13 tuổi phải bỏ nhà ra đi.
Trong khi đứa con cho rằng thường xuyên bị cha bạo hành, ngược đãi, thậm chí có lần còn đánh đập đến gãy chân, toác đầu, phải khâu nhiều mũi thì người cha lại cho rằng, do con hư nên đó là những biện pháp dạy con chứ không phải là bạo hành. Vậy đâu là sự thật?
Cha đánh con gãy chân, toác đầu
Một ngày đầu tháng 6/2015, trong một dịp tình cờ, tôi gặp cháu Hồ Diễn Quý (13 tuổi), học sinh lớp 5B Trường Tiểu học xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu tại Làng trẻ em mồ côi tỉnh Hà Tĩnh. Nhìn cháu, tôi nhận ra ngay bởi trước đó, vào rạng sáng 26/2, Quý được CBCS Trạm CSGT Diễn Châu phát hiện đang đi lang thang trên Quốc lộ 1A lúc 2 giờ nên đã đưa về nhà.
Hình ảnh Quý bị cha ruột bạo hành mà Công an xã Quỳnh Minh lưu lại
Lần ấy, Quý bảo, em đi vào nhà người quen ở TP Vinh chơi nhưng bị lạc đường, do quá hoảng loạn nên không còn nhớ nhà mình ở đâu và không biết đường về. Vì vậy, các chiến sỹ CSGT phải một phen khốn đốn mới xác minh được địa chỉ, chỗ ở của gia đình Quý. Chính bởi vậy, lần thấy Quý xuất hiện tại Hà Tĩnh, linh cảm nghề nghiệp mách bảo có điều gì đó bất thường sau những chuyến đi “hoang” của đứa trẻ 13 tuổi, nên tôi đã quyết tâm “vào cuộc” để tìm hiểu rõ sự tình.
Tôi được cán bộ tại Làng trẻ em mồ côi tỉnh Hà Tĩnh tạo điều kiện hết sức, nhưng lại gặp rào cản ở Quý. Cháu được đưa tới đây trong trạng thái tinh thần hoảng loạn, không cho chụp ảnh, không chịu nói về quê quán, đặc biệt rất sợ bị đưa về nhà. Thông tin mà cháu cung cấp chỉ duy nhất có một cái tên là Hồ Diễn Quý. Phải mất mấy ngày thuyết phục, Quý mới trở nên gần gũi hơn và chia sẻ về cuộc đời mình. Cho tôi xem những vết sẹo chi chít trên cơ thể, Quý bảo do bị bố bạo hành.
Chỉ vết sẹo dài hơn 20 cm, được khâu bởi 20 mũi ở đùi phải, sờ vẫn còn thấy đinh nẹp, em bảo là do bố bẻ gãy. Hỏi vì sao bị bẻ, Quý bảo do bố uống rượu say. Một lần khác, em bị bố dùng cả thanh gỗ lớn phang thẳng vào đầu, máu chảy đầm đìa phải đến bệnh viện khâu 7 mũi. Lần ấy, bố mẹ chưa ly dị, chính mẹ Quý đã dắt em đến Công an xã để tố cáo và yêu cầu bắt giam chồng về hành vi cố ý gây thương tích. Cũng bởi phải sống trong sợ hãi nên nhiều lần, Quý đã phải bỏ đi vì sợ bị bố đánh đập, song mỗi lần ra đi lại bị tìm về.
Chị Nguyễn Thị Thơm, cán bộ trực tiếp quản lý việc sinh hoạt của Quý trong những ngày em lưu lại tại Làng trẻ mồ côi cho biết thêm: “Sau vài ngày tiếp xúc gần gũi, Quý cởi mở hơn và cung cấp thêm một số thông tin cho chúng tôi. Lúc tắm cho Quý, tôi thấy trên người cháu có rất nhiều vết thương lớn nhỏ. Quý bảo tất cả đều là do bố gây ra. Ngoài ra, em còn kể thêm rằng, từng bị bố nhốt trong chuồng, bị xích chân cạnh bình gas để em không bỏ nhà đi”.
Bi kịch của một gia đình
Từ câu chuyện của Hồ Diễn Quý ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, tôi quyết định tìm về gia đình em ở xóm 5, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu. Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 nên ngư dân đồng loạt “ẩn tàu”, về đoàn tụ với gia đình. Trường hợp anh Hồ Diễn Nam (SN 1982), bố đẻ của Hồ Diễn Quý cũng vậy. Khi tôi đến nhà, anh Nam đang ngồi uống bia một mình trong căn nhà trống trơn, không có vật dụng gì đáng giá. Căn bếp lạnh tanh, điện sinh hoạt cũng bị cắt từ lâu. Anh Nam bảo, vợ bỏ đi lấy chồng khác, con trai anh gửi về nhà bác nhưng cũng đã bỏ nhà đi lang thang, gần 2 tháng nay bố con chưa nhìn thấy mặt nhau nên chẳng biết làm gì ngoài việc lấy “men đắng” làm vui. Được hỏi tại sao không đi tìm con, người cha này buồn bã lắc đầu: “Tìm nhiều lắm rồi. Mà tìm được rồi đưa về nhưng chắc gì đã giữ nó ở nhà được”.
Video đang HOT
Anh Hồ Diễn Nam “Tôi đang dạy con theo cách của mình”
Trong câu chuyện sau đó, khi đề cập đến chuyện bạo hành, anh Nam không thừa nhận chuyện đã đánh đập con, mà cho rằng, đó là đang dạy con theo cách riêng của gia đình. Theo anh Nam, việc anh có đánh đập con cũng chỉ là chuyện của ông bố dạy bảo con cái, còn chuyện Quý bị gãy chân, toác đầu là do tự gây ra chứ không phải mình đánh đập như lời “tố” của con trai. Nguyên do là cháu Hồ Diễn Quý quá hư, nghiện game, thường xuyên trộm tiền của gia đình bác trai và của cô giáo để “ném” vào quán game.
Thậm chí, gần đây, Quý còn trộm cả xe đạp, điện thoại để bán lấy tiền làm “lộ phí” cho những chuyến đi “hoang”. “Giờ sắp vào năm học mới, tôi chỉ mong cháu trở về để đến trường. Tôi không có thời gian chăm sóc cháu, nên gửi về cho anh trai và bà nội nuôi nấng, cuộc sống chẳng thiếu thốn thứ gì, nhưng không hiểu sao nó vẫn như con ngựa bất kham”, anh Nam buồn bã cho biết.
Ngôi nhà của bố con anh Nam ở xã Quỳnh Minh
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Xuân Vượng, Trưởng Công an xã Quỳnh Minh cho biết, hoàn cảnh gia đình anh Hồ Diễn Nam rất đặc biệt, bản thân anh này tâm thần kinh không bình thường, kể cả trong sinh hoạt vợ chồng dẫn đến cả hai người vợ đều không chịu đựng nổi nên đã phải khăn gói ra đi. Hồ Diễn Quý là con đầu lòng trong số 3 người con của cả hai bà vợ. Ngày vợ chồng chia tay, tòa phán xét Quý sống với mẹ, nhưng khi bà này đi lấy chồng thì đã đưa cháu về trả cho bố và hai bố con rau cháo nuôi nhau. Cũng từ đấy, bi kịch ập đến khi anh Nam suốt ngày lênh đênh trên biển, làm thuê mưu sinh, trở về đất liền được ngày nào là lại nhậu xỉn, đánh đập con cái không thương tiếc.
Từ lúc khoảng 7 – 8 tuổi, Quý đã trở thành nạn nhân của những trận bạo hành từ bố. Hiện, Ban Công an xã vẫn còn lưu lại hình ảnh Quý bị đánh toác đầu, máu me đầm đìa, cơ thể chi chít vết sẹo do bị bố đánh. Ông Vượng cũng xác nhận chuyện vợ Nam dắt con lên tố cáo việc con bị chồng bạo hành và cả chuyện Nam đánh con gãy chân, vỡ đầu phải khâu 7 mũi. Cũng bởi sống trong môi trường đó nên Quý đã trở thành một con người khác, thường xuyên bỏ nhà đi, có khi ra tận Thanh Hóa và nảy sinh thói trộm cắp vặt. Gia đình đã phải làm cũi để nhốt, lấy xích sắt xích chân lại song lần nào Quý cũng “đào tẩu” thành công.
Có lần cô giáo chủ nhiệm thương tình đưa về ký túc xá nuôi nấng, được vài hôm, Quý đã “thó” luôn chiếc điện thoại rồi bỏ trốn. Lần khác, Quý đột nhập vào Trường Tiểu học Quỳnh Bá để trộm cắp và bị bắt quả tang. “Từ khi làm Trưởng Công an xã đến nay, tôi đã không dưới 20 lần đi giải quyết các vụ việc liên quan đến cháu Hồ Diễn Quý”, ông Vượng cho biết. Hiện, đã gần 2 tháng nay, Quý đi đâu, làm gì, gia đình cũng không nắm được, trong khi chính quyền địa phương đang rất muốn đưa Quý vào trường giáo dưỡng để uốn nắn, dạy bảo trước khi quá muộn.
Theo Công An Nghệ An
Chuyện ly kỳ về đại ca "lâm tặc" lột xác thành vua bảo vệ rừng
Từng là lâm tặc khét tiếng một thời, nhưng sau quá khứ đau buồn đó, cuộc đời của Minh "lâm tặc" rẽ sang hướng mới, hoàn lương làm lại cuộc đời nhờ điểm tựa gia đình và nghị lực vươn lên của bản thân.
Làm lại cuộc đời sau bản án
Chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Văn Minh (57 tuổi, ngụ thôn Thọ An, xã Bình An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) không quá khó. Nhắc đến tên ông, từ trẻ đến già tất thảy đều biết. Ông Minh được cư dân ở xã núi Bình An mệnh danh là "vua rừng".
"Vua rừng" Nguyễn Văn Minh.
Xen lẫn giữa những ngôi nhà cấp bốn còn nhiều khó khăn, ngôi nhà lầu hai tầng khang trang của gia đình ông Minh hiện lên như điểm xuyết nét hiện đại của miền quê heo hút. Chúng tôi đến đúng lúc ông Minh đang đào ao chuẩn bị thả cá. Thấy có người đến tìm, ông bỏ ngay công việc đang làm dở, vồn vã đón khách.
Trải lòng với chúng tôi, ông Minh nhớ lại những tháng ngày như mây mù đen tối che trên đầu mình. Như bao thanh niên khác, từ năm 14 tuổi, ông Minh tham gia vào đội du kích địa phương. Từng vào sinh ra tử trong nhiều trận chiến suốt một thời trai trẻ, có lẽ cuộc đời của ông sẽ đẹp biết bao nếu không có lầm lỗi năm ấy.
Đất nước giải phóng, ông trở về địa phương và lập gia đình. Sống trên mảnh đất Bình An khô cằn, sỏi đá, anh thương binh hạng 4/4 một mình chạy vạy nuôi vợ và 5 con còn nhỏ ăn học, cuộc sống vô cùng túng quẫn.
Bình An thời đó với những cánh rừng bạt ngàn, các cây gỗ quý như chò, sến, lim... nhiều vô kể, trong khi đất trồng lúa và hoa màu lại chẳng bao nhiêu nên nhiều người dân ở đây đổ xô vào rừng đốn gỗ để bán. Sáng sớm họ đùm cơm kéo nhau vào rừng, chặt cây rồi đẽo thành từng khúc bán cho dân buôn gỗ. Vào thời điểm đó, số tiền bán gỗ gấp hàng chục lần so với trồng lúa.
Đói ăn vụng, túng làm liều. Thấy được lợi nhuận từ gỗ, không ít lần ông Minh lên rừng đốn gỗ, bán đổi lấy miếng cơm manh áo cho vợ con. Rồi dần dần ông trở thành một lâm tặc chuyên nghiệp, cai quản cả khu rừng Bình An.
Không chỉ đốn gỗ, ông Minh còn thu mua gỗ của người dân địa phương rồi chuyển đi các tỉnh khác để thu lợi. Nhưng rồi trong một lần đi đốn hạ gỗ trong rừng sâu, ông Minh bị lực lượng kiểm lâm phát hiện và bắt giữ. Sau đó, TAND huyện Bình Sơn xét xử, tuyên phạt 18 tháng tù giam về tội Vi phạm những điều quy định bảo vệ rừng, phải thi hành án tại trại giam Công an tỉnh Quảng Ngãi (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa).
Trả nợ rừng
Năm 2003, sau gần hai năm sống trong trại giam, ông Minh ra tù với hai bàn tay trắng. Cuộc sống vốn đã túng thiếu càng thêm khó khăn. Vợ ông phải chạy vạy khắp nơi làm thuê, làm mướn để lo từng bữa ăn cho gia đình. Con cái vì cảnh túng quẫn phải nghỉ học, càng đau đớn hơn khi gia đình ông bị bà con hàng xóm kỳ thị chỉ vì ông là một kẻ đi tù về.
"Lúc đó, tôi chẳng biết đi đâu về đâu. Gia đình tôi phải chịu bao điều tiếng của xã hội. Tôi nhớ lúc tôi mới ra tù, đứa con út bị đau nặng cần tiền để đi bệnh viện nhưng tôi đi mượn tiền không ai dám giúp vì tôi là người mới ở tù ra", ông Minh chua xót kể. Nhìn cảnh vợ con đói khổ, ông Minh quyết tâm làm lại cuộc đời từ những mảnh ghép bị vỡ. Ông đi khắp nơi để xin làm thuê, làm mướn, nhưng không nơi nào dám nhận một kẻ tù tội như ông.
Chán nản, ông trở về quê. Nhìn những mảnh đất cằn cỗi bị bỏ hoang, ông nghĩ sao mình không trồng cây rồi khai thác, sao phải vào rừng làm lâm tặc. "Phải trồng rừng, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi. Trong cái khó ló cái khôn, trồng rừng không chỉ giúp tôi phát triển kinh tế gia đình mà còn trả món nợ rừng xanh mà mình từng gây ra", ông Minh chia sẻ.
Nói là làm, ban ngày ông đạp xe hơn 30 cây số vào TP. Quảng Ngãi để bán vé số. Còn đêm, ông cùng vợ khai hoang mảnh đất phía sau nhà trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn để có tiền nuôi con ăn học. Sau đó, ông tiếp tục khai hoang hơn 15ha đất rừng bị bỏ hoang nhiều năm ở địa phương để trồng keo lai. May mắn thay, vùng đất ấy ngày càng phủ màu xanh, trở thành đất lành nuôi dưỡng quyết tâm làm lại cuộc đời của một lâm tặc từng một thời khét tiếng.
Cơ duyên đổi đời được đánh dấu từ khi ông Minh tiếp cận được nguồn vốn của chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, góp phần xóa đói giảm nghèo (chương trình 327) của Chính phủ. Nhờ đồng vốn quý này, vợ chồng ông có thêm động lực phấn đấu thay đổi số phận. Có vốn, ông cùng vợ lăn lộn, khai hoang được 25ha đất rừng. Đến năm 2006, diện tích tăng lên 60ha. Năm 2007, gia đình ông khai thác lứa keo đầu tiên, thu về hơn 700 triệu đồng. Điều này nằm ngoài mong ước của ông.
Đến năm 2010, ông tiếp tục khai thác và thu về hơn 1 tỉ đồng, ông trích ra 700 triệu đồng để xây dựng căn nhà khang trang trên đất núi Bình An. Nhìn cơ ngơi hôm nay, ông ngậm ngùi: "Cất nhà xong, tôi và vợ nhìn nhau mà khóc vì quá hạnh phúc. Trước đây chỉ mong có chỗ che nắng che mưa chứ không dám nghĩ đến căn nhà khang trang thế này. Còn bây giờ, tôi cất được căn nhà to, con cái được ăn học thì còn gì bằng".
Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Minh.
Sau hơn 10 năm, nhờ sự chăm chỉ, kiên trì và quyết tâm, ông Minh đã làm được việc mà nhiều người khó có thể vượt qua. Hiện nay, bình quân mỗi năm, gia đình ông có thu nhập hơn 300 triệu đồng. Ngoài diện tích đất rừng gần 100ha, ông còn sở hữu 3ha đất trồng mỳ, lúa, đậu... và 2 chiếc ô tô tải chạy đường dài. Ông Minh cho biết, sắp tới ông dự định mua thêm ô tô tải và mở rộng quy mô thành doanh nghiệp vận tải, vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Bên cạnh đó, ông sẽ xây dựng mô hình trang trại nuôi bò, cá và trồng cây ăn quả...
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Minh còn góp phần giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Và không biết từ bao giờ, căn nhà của gia đình ông trở thành địa điểm tin cậy để nhiều người đến học hỏi mô hình làm kinh tế hiệu quả. Ông Minh "lâm tặc" ngày nào trở thành người "thầy" chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách trồng rừng.
Đấu tranh chống lâm tặc
Ông Lê Quốc An, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết tin tức, trước đây, tình trạng vi phạm luật Bảo vệ rừng xảy ra thường xuyên ở Bình An. Địa phương luôn trăn trở tìm mọi biện pháp ngăn chặn. May mắn thay có sự đồng hành của những người như ông Minh.
Đều đặn mỗi tháng một lần, cùng với lực lượng kiểm lâm địa phương, ông Minh cần mẫn tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đấu tranh chống lại nạn khai thác gỗ trái phép và tình trạng lấn chiếm đất rừng ở địa phương.
Như Ý
Theo_Người Đưa Tin
Ma men dẫn lối, gã thanh niên dùng dao ra tay sát hại bố đẻ Bị mắng vì suốt ngày đi uống rượu với đám bạn, Quỳnh đã vớ con dao ở trên nhà rồi chạy xuống nhà bố đẻ, sau đó dùng dao đâm một nhát khiến nạn nhân gục tại chỗ. Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Bùi Văn Bự - Trưởng công an xã Tử Nê (Tân Lạc - Hòa Bình) cho...