Bộ Công Thương thực hiện chế độ báo cáo thống kê điện tử từ 1/6
Nhằm thực hiện chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế, xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, từ ngày 1/6 tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện chế độ báo cáo thống kê điện tử trên toàn bộ hệ thống thay cho báo cáo thống kê bằng văn bản.
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Chỉ thị số 09/CT-BCT về thực hiện chế độ báo cáo thống kê điện tử của Bộ Công Thương.
Trang thông tin hướng dẫn nộp thuế cá nhân và doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN
Thời gian qua, việc thống kê của Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc với chất lượng cao, cung cấp kịp thời các báo cáo theo quy định của Nhà nước.
Thông tin thống kê công nghiệp và thương mại là công cụ quan trọng phục vụ việc đánh giá, dự báo tình hình, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành công thương.
Cùng với đó, việc này cũng đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ, Trung ương Đảng, Chính phủ và các kỳ họp Quốc hội nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội giao cho ngành công thương.
Để đáp ứng yêu của Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/1/2019 của Chính phủ quy định Chế độ báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước và thực hiện Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế, xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra chỉ thị lãnh đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc bộ phận thống kê chấp hành nghiêm túc Thông tư số 41/2016/TT/BCT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với lãnh đạo đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc bộ phận làm công tác thống kê chấp hành nghiêm túc Thông tư số 42/2016/TT-BCT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Công Thương.
Với các lãnh đạo các Tổng công ty thuộc Bộ, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc bộ phận làm công tác thống kê chấp hành nghiêm túc Thông tư số 38/2011/TT-BCT ngày 14/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chế độ báo cáo áp dụng đối với Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ.
Video đang HOT
Ngoài ra, Bộ Công Thương yêu cầu lãnh đạo Sở Công Thương, quản lý thị trường, đơn vị hành chính sự nghiệp và Tổng công ty thuộc Bộ cần triển khai sử dụng hiệu quả chế độ báo cáo thống kê điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương thay cho báo cáo giấy (http://cdbcthongke.moit.gov.vn) theo hướng dẫn kèm theo Chỉ thị số 09/CT-BCT; trang bị máy tính có kết nối internet cho bộ phận thống kê, đồng thời bảo mật an toàn, an ninh thông tin.
Cùng với đó, cán bộ, công chức trực tiếp sử dụng có trách nhiệm bảo mật tài khoản truy cập, sử dụng tài khoản theo đúng mục đích và bàn giao tài khoản khi thay đổi vị trí công tác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng lưu ý các đơn vị hàng năm, bố trí đúng cán bộ tham gia đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thống kê khi có giấy mời của Bộ Công Thương; kiểm tra số liệu trước khi gửi báo cáo và chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của số liệu gửi báo cáo.
Riêng với lãnh đạo Sở Công Thương, Bộ Công Thương đề nghị, tăng cường phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin với Cục Thống kê trên địa bàn nhằm đảm bảo thông tin đầy đủ, kịp thời, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực của UBND tỉnh cũng như của Bộ Công Thương.
Về thời hạn gửi báo cáo, căn Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương, Quản lý thị trường thực hiện từ ngày 22 đến 29 hàng tháng.
Theo nội dung Chỉ thị 09/CT-BCT, chế độ báo thống kê điện tử sẽ được Bộ Công Thương áp dụng từ ngày 1/6/2020 trên toàn bộ hệ thống thay cho báo cáo thống kê bằng văn bản.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ, các Tổng công ty có trách nhiệm tổ chức triển khai.
Ngoài ra, có trách nhiệm kiểm điểm, xử lý nghiêm các công chức không chấp hành chế độ báo cáo thống kê điện tử đúng quy định. Bộ Công Thương nhấn mạnh, kết quả chấp hành chế độ báo cáo thống kê điện tử sẽ là một tiêu chí để đánh giá chất lượng của đơn vị. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh để kịp thời hướng dẫn, xử lý.
Hiện Bộ Công Thương giao Vụ Kế hoạch làm đơn vị chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ báo cáo; tổng hợp ý kiến các đơn vị để đề xuất Bộ trưởng chỉ đạo.
Ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương và VCCI
Sáng 7/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Công Thương với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chính thức được ký kết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua VCCI đã thể hiện được vai trò là một tổ chức có uy tín, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh và đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, VCCI cũng tập hợp cộng đồng đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, sự phối hợp của VCCI với Bộ Công Thương là nền tảng quan trọng cho sự đồng thuận và lan tỏa kịp thời tinh thần chỉ đạo, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp.
Đây cũng là một kênh thông tin quan trọng giúp các Bộ, ngành; trong đó, có Bộ Công Thương thêm cơ hội trao đổi, đánh giá trong quá trình tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào "trạng thái bình thường mới" với nhiều khó khăn và thách thức cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hy vọng, chương trình phối hợp được ký kết này sẽ là tiền đề quan trọng cho những hoạt động thiết thực, hiệu quả phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, Bộ Công Thương đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính và tiên phong trong hội nhập bởi cách điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ trong tâm của cải cách thể chế trong điều kiện hiện nay.
Quan trọng hơn, sau khi thực hiện nhiệm vụ cắt giảm theo điều kiện của Chính phủ là 50%, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh mặc dù mức độ đã đạt mức cao nhất. Đây là quá trình cải cách có bài bản, chủ động và trách nhiệm với sự phát triển của cộng đồng kinh tế.
Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng đề xuất với Chính phủ trong việc ban hành quy định tất cả vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.
Chính vì vậy, trong suốt quá trình đàm phán và hội nhập Bộ Công Thương và VCCI đã luôn phối hợp cũng bàn thảo đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất.
Chương trình phối hợp toàn diện giữa Bộ Công Thương và VCCI bao trùm 3 trụ cột hành động chính gồm: hoạt động xây dựng, hoàn thiện, tuyên truyền, phổ biến thể chế, pháp luật, điều ước quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để cụ thể hóa các trụ cột này, chương trình cũng đã chỉ rõ một loạt các hoạt động rất cụ thể trong các ngành lĩnh vực của ngành công thương như: công nghiệp, thương mại trong nước, thương mại quốc tế, cạnh tranh, quản lý thị trường, năng lượng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặt khác, chương trình cũng nêu rõ quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thực hiện các hoạt động cũng như nêu rõ việc cụ thể hóa hơn nữa các hoạt động theo chương trình từng năm.
Trong thời gian qua, cùng với sự phối hợp của VCCI, Bộ Công Thương đã tiếp nhận được nhiều ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội để góp phần hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành...
Bộ Công Thương thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư - kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Hàng năm, Bộ Công Thương luôn thực hiện rà soát đánh giá tổng thể các thủ tục hành chính để xây dựng, ban hành phương án đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và đảm bảo khả năng thực thi của các thủ tục hành chính được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa.
Bộ Công Thương luôn lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng cải cách hành chính song song với xây dựng nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ thường xuyên duy trì tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hàh chính nhằm tăng cường đối thoại, khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân về các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Dưới tác động của dịch COVID-19, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, Bộ Công Thương đã phối hợp với VCCI hướng dẫn các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp áp dụng các hình thức mới, kết nối thị trường thông qua các nền tảng số, trên môi trường internet... Cụ thể là, kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu; tuyên truyền quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Để tiếp tục triển khai các chương trình hội nghị, hội thảo trực tuyến theo hướng đa dạng thị trường, ngành hàng đảm bảo hiệu quả cao hơn nữa, Bộ Công Thương đã lập kế hoạch phối hợp với VCCI và các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, giao thương trực tuyến, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thêm các cơ hội kết nối thị trường, phát triển thị phần, vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID- 19 gây ra.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI thực hiện đa dạng hóa, hiện đại hóa các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như hội thảo, đào tạo, phối hợp tổ chức các chương trình hội chợ, triển lãm để giúp doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thành viên của VCCI nói riêng tăng thêm cơ hội kết nối hiệu quả với thị trường xuất khẩu...
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI và các hiệp hội ngành hàng, địa phương nghiên cứu xây dựng một số đề án mang tính cấp bách, có thể triển khai ngay và có tính khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về thị trường tiêu thụ để bổ sung vào Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại 2020.
Bàn giải pháp phục hồi kinh tế và duy trì chuỗi cung ứng khu vực ASEAN Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với vai trò là Chủ tịch các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi về phục hồi kinh tế và duy trì chuỗi cung ứng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, không...