Bộ Công Thương nêu loạt giải pháp giải quyết ùn tắc tại cảng biển
Trả lời Công văn số 8823/BTC-TCHQ ngày 6/8/2021 của Bộ Tài chính về việc xin ý kiến dự thảo Thông tư Quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển (dự thảo Thông tư), Bộ Công Thương nhấn mạnh, về cơ bản, nhất trí với dự thảo Thông tư.
Các xe container vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái. Ảnh minh họa: Tiến Lực/TTXVN
Tuy nhiên, việc ùn tắc hàng hóa tại cảng biển không chỉ do nguyên nhân của hàng hóa nhập khẩu và khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 mới xảy ra.
Vì thế, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cảng biển tránh việc ùn tắc hàng hóa xảy ra không chỉ do khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Bộ Công Thương đề nghị sửa tên Thông tư thành: “Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa ùn tắc tại cảng biển”.
Đồng thời, đoạn cuối của phần căn cứ, đề nghị sửa đổi nội dung cho phù hợp với việc sửa đổi tên Thông tư nêu trên thành: “Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa ùn tắc tại cảng biển”.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất sửa đổi điều 1 thành: “Thông tư này quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa ùn tắc tại cảng biển”; bổ sung đối tượng là “Doanh nghiệp chủ hàng”.
Về cơ sở xác định hàng hóa ùn tắc tại cảng biển, Bộ Công Thương cho rằng, cơ sở xác định hàng hóa ùn tắc tại cảng biển là sản lượng hàng hóa tồn bãi đạt ngưỡng sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển đã được doanh nghiệp kinh doanh cảng biển công bố.
Mặt khác, có văn bản của doanh nghiệp kinh doanh cảng biển về việc sản lượng hàng tồn bãi đạt ngưỡng sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển được Chi cục Hải quan quản lý kiểm tra, xác nhận đồng ý cho áp dụng thực hiện Thông tư này.
Tại khoản 1 Điều 5 “Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi”, đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b thành: Chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa khi có sự chấp thuận của hãng tàu/đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng đã xác lập quyền sở hữu hàng hóa với hãng tàu/đại lý hãng tàu và kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phê duyệt. Toàn bộ lô hàng, thuộc cùng một vận tải đơn, cùng thuộc một chủ hàng về cùng một cảng biển, cảng cạn, ICD để lưu giữ hàng hóa.
Video đang HOT
Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi điểm c thành: “Có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý kiểm tra về việc sản lượng hàng hóa tồn bãi đạt ngưỡng sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển và xác nhận đủ điều kiện áp dụng Thông tư này”.
Cùng với đó, sửa đổi điểm e thành: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc sau thời gian thực hiện việc vận chuyển hàng hóa cần chuyển cửa khẩu, báo cáo quyết toán tình hình thực hiện việc vận chuyển hàng hóa (theo mẫu số 2 ban hành kèm Thông tư này)”. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị cân nhắc bỏ nội dung quy định tại các điểm d, e, g tại khoản 1 Điều 5 bởi hướng dẫn tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này đã cơ bản đáp ứng đầy đủ nội hàm các quy định của điểm d, e, g.
Việc báo cáo được thực hiện qua giao thức hải quan điện tử, sẽ giảm được các bước quy trình thực hiện cho các đơn vị liên quan và phù hợp với thực tiễn do khoảng cách về địa lý giữa điểm đi và điểm đến.
Tại Điều 6 về trách nhiệm của hãng tàu/đại lý hãng tàu, Bộ Công Thương đề nghị bổ sung nội dung: “Trường hợp chủ hàng đã hoàn tất thủ tục nhận hàng, xác nhận quyền chủ sở hữu hàng hóa với hãng tàu/đại lý hãng tàu, thì chủ hàng và doanh nghiệp kinh doanh cảng biển sẽ quyết định địa điểm cảng, ICD vận chuyển hàng hóa đến, sau khi được cơ quan hải quan phê duyệt đủ điều kiện áp dụng thông tư này. Chi phí vận chuyển phát sinh do các bên tự thỏa thuận.”.
Bộ Công Thương lý giải, theo thông lệ, hàng hóa chuyển cảng đích là trách nhiệm của hãng tàu với chủ hàng, nên việc vận chuyển về cảng đích do hãng tàu hoặc tổ chức được hãng tàu ủy quyền thực hiện, khi hàng hóa được vận chuyển đến cảng đích và chủ hàng hoàn tất thủ tục xác nhận quyền chủ sở hữu với hãng tàu, thì hãng tàu mới hết trách nhiệm trên hợp đồng vận chuyển.
Theo quy định của Thông tư này, trường hợp chủ hàng hoàn tất thủ tục xác nhận quyền chủ sở hữu hàng hóa với hãng tàu, thì hãng tàu đã hết trách nhiệm, nên trách nhiệm thực hiện thủ tục hải quan và vận chuyển đến cảng, ICD để lưu giữ chờ thông quan theo Thông tư này sẽ do chủ hàng hoặc tổ chức được chủ hàng ủy quyền thực hiện.
Do đó, đề nghị làm rõ và bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp nêu trên, chủ hàng phải cung cấp thêm chứng từ là Lệnh Giao hàng của hãng tàu và Giấy ủy quyền cho tổ chức đại diện thực hiện thủ tục hải quan và vận chuyển, trong hồ sơ Đề nghị vận chuyển về cảng, ICD chờ làm thủ tục thông quan cho cơ quan hải quan xét duyệt mà không cần ý kiến của hãng tàu.
Bộ Công Thương cũng đề nghị bỏ điểm b khoản 2 Điều 7 vì hàng hóa được vận chuyển bằng hình thức vận chuyển độc lập, nên khi hàng hóa đã tập kết đầy đủ tại điểm đến, cơ quan hải quan điểm đến xác nhận hàng hóa đã đến điểm đến bằng nghiệp vụ BIA trên hệ thống hải quan điện tử.
Tại khoản 3 Điều 7, nhằm hỗ trợ việc vận chuyển nhanh, kịp thời xếp dỡ hàng hóa lên tàu, giải phóng hàng hóa và tàu nhanh chóng, đề nghị sửa đổi, bổ sung thành: “Đối với hàng hóa container xuất nhập khẩu, trung chuyển còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển thuộc đối tượng quy định tại Điều 50 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại điểm 3 khoản 28 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính, khi thực hiện theo hình thức vận chuyển độc lập giữa các cảng thuộc cùng khu vực giám sát của cùng chi cục Hải quan quản lý thì không thực hiện niêm phong hải quan”.
Bởi theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Tài chính, hàng hóa khi thực hiện theo hình thức vận chuyển độc lập giữa các cảng thuộc cùng khu vực giám sát của cùng chi cục Hải quan quản lý vẫn phải niêm phong hải quan trước khi vận chuyển.
Tại Điều 8 “Hiệu lực thị hành, Bộ Công Thương đề nghị làm rõ nội dung tại khoản 2. Đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 thành: “Trong quá trình thực hiện, trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc có liên quan, cơ quan hải quan, người khai hải quan và các đơn vị tổ chức có liên quan báo cáo phản ánh cụ thể về Bộ Tài chính để được xem xét, giải quyết”.
Ngoài ra, tại mục 3 Phụ lục 1, ở cột “Biển kiểm soát phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa”, đề nghị chỉ thể hiện loại hình vận chuyển là thủy hay bộ. Theo Bộ Công Thương, trong hoạt động vận tải chỉ có thể biết chính xác tên phương tiện, biển kiểm soát phương tiện vận chuyển sau khi cơ quan hải quan phê duyệt hàng hóa đủ điều kiện vận chuyển và trong quá trình xếp, dỡ hàng hóa lên phương tiện sẽ có những phát sinh liên quan đến kỹ thuật vận hành của phương tiện nên có sự thay đổi. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị chỉ thực hiện giám sát theo tuyến đường, thời gian vận chuyển và kẹp chì hải quan, hãng vận chuyển.
Giải quyết kịp thời ùn tắc tại các cảng biển khi thực hiện giãn cách xã hội
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trả lời Bộ Tài chính về đề nghị góp ý dự thảo Thông tư quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng tình với quan điểm, cần thiết phải xây dựng Thông tư này, VCCI cho rằng, đây cũng là một trong những biện pháp cấp bách nhằm giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc tại các cảng biển.
Các xe container vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Tuy nhiên về lâu dài, sau thời gian giãn cách, VCCI cho hay, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hàng nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp các cảng biển bị ùn tắc để có tính áp dụng chung trong mọi thời điểm, cho các trường hợp tương tự xảy ra.
Theo ý kiến của đại diện Ban Pháp chế (VCCI), dự thảo có nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể. Vì vậy, cần phải được thiết kế cụ thể, rõ ràng, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng và thuận lợi khi triển khai trên thực tế.
Một số quy định tại dự thảo chưa đáp ứng được nguyên tắc này, cụ thể như: cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển; quy định về sức chứa của cảng biển, hay việc xác nhận của cảng vụ hàng hải, vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, hoặc trách nhiệm của chủ hàng...
Theo dự thảo, sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển là một trong những cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển. Quy định này là chưa đủ rõ để xác định tình trạng hàng hóa nhập khẩu ùn tắc tại cảng biển.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo thiết kế quy định này theo hướng, sản lượng hàng nhập tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển, gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận hàng, giải phóng hàng từ cảng hoặc hoạt động khai thác cảng.
Riêng về quy định, phải có sự xác nhận của cảng vụ hàng hải về sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển theo như dự thảo, nhưng lại không có quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp có được sự xác nhận này.
Ngoài ra, việc điều chuyển hàng hóa để giảm tải ùn tắc là hoạt động cần phải thực hiện nhanh. Vì vậy, các thủ tục trong dự thảo cần được thiết kế tinh gọn, thuận lợi để đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động này. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế theo hướng: hoặc cho phép doanh nghiệp kinh doanh cảng biển tự chịu trách nhiệm trong việc xác định sản lượng hàng tồn bãi vượt sức chứa thiết kế tối đa cho phép của cảng biển. Đồng thời, thông báo tới cảng vụ hàng hải mà không cần phải có sự xác nhận của đơn vị này, Hoặc, thiết kế thủ tục tương tự như thủ tục phê duyệt kế hoạch vận chuyển hàng hóa của cơ quan hải quan quy định
Liên quan tới nội dung vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, dự thảo quy định doanh nghiệp kinh doanh cảng biển nơi hàng hóa vận chuyển đi chỉ được thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu, khi có sự chấp thuận của hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng và kế hoạch vận chuyển hàng hóa đã được Chi cục Hải quan nơi hàng hóa vận chuyển đi phê duyệt. Hãng tàu, đại lý hãng tàu có trách nhiệm tiếp nhận danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi do doanh nghiệp cảng biển gửi đến và phải phản hồi cho doanh nghiệp kinh doanh cảng biển trong thời hạn không quá 2 giờ kể từ khi nhận được danh sách hàng hóa dự kiến vận chuyển đi...
Những quy định này chưa rõ ở các điểm như: chi phí vận chuyển hàng hóa nhập khẩu do bên nào chi trả. Hai bên là doanh nghiệp cảng biển và hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng có được thỏa thuận về vấn đề này trong quá trình để đạt được sự chấp thuận của hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng hay không. Đây là những nội dung cần được làm rõ, chi tiết và cụ thể hơn nữa để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Việc quyết toán tình hình thực hiện vận chuyển hàng hóa theo quy định trong dự thảo cũng không rõ ràng. Dự thảo quy định doanh nghiệp cảng biển trong thời hạn 5 ngày làm việc sau thời gian thực hiện Thông tư này, báo cáo quyết toán tình hình thực hiện việc vận chuyển hàng hóa.
Như vậy, thời điểm nào là phải thực hiện báo cáo quyết toán tình hình. Bởi, sau thời gian thực hiện Thông tư này là không biết thời gian nào. Hay, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo cho Chi cục hải quan nào (nơi hàng đi hay nơi hàng đến). Cơ quan sọan soạn thảo nên tiếp tục điều chỉnh, bổ sung cho cụ thể hơn.
Ngoài những vấn đề nêu trên, dự thảo cũng đề cập tới việc chủ hàng sẽ là một trong các chủ thể chấp thuận việc thực hiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu. Các chủ thể có liên quan đến vận chuyển hàng như doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, hãng tàu, đại lý hãng tàu, chi cục hải quan đều được quy định về trách nhiệm. Trong khi đó chủ hàng thì ngoài quy định trên không có quy định nào liên quan đến chủ thể này. Mẫu thông báo kế hoạch vận chuyển và một số giấy tờ thủ tục khác cũng chưa được xây dựng, thiết kế phù hợp với tinh thần đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Xuất phát từ những nội dung trên, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính có sự nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh kịp thời để dự thảo sớm được hoàn thiện và nhanh chóng ban hành.
Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng tháo gỡ ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trước tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái. Các xe container vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN. Lượng hàng hóa, container tồn chạm ngưỡng...